L á G ó i T r o n g M ó n V i ệ t
Người Việt có thói quen dùng rất nhiều loại lá cây để gói bánh, nem, chả... Những loại lá này không chỉ có tác dụng “bao bọc” mà còn giúp tạo hương vị đặc biệt cho món ăn.
Lá chuối
Lá chuối là loại lá gói rất thông dụng, dùng gói bánh tét, bánh ít, bánh nậm, bánh xếp đến các loại chả. Lá chuối dùng để gói thường là chuối xiêm (chuối sứ) hoặc lá chuối hột vì nó không quá giòn, bản lá cũng khá to và không có vị đắng như nhiều loại lá chuối khác.
Lá chuối là loại lá gói thông dụng nhất trong món Việt
Trước khi gói, người ta phơi lá cho hơi héo hoặc trụng qua nước sôi để lá bớt giòn rồi tùy vào từng món mà bện lá nhiều hay ít. Món ăn gói lá sau khi đem luộc sẽ có thêm mùi thơm đặc trưng và một mảng xanh xanh bám bên ngoài, giúp bánh thêm đẹp mắt.
Trước đây, khi túi nilon và các vật phẩm bằng nhựa chưa “tràn” vào chợ như bây giờ thì người ta còn dùng lá chuối để gói xôi, món xôi vì thế mà thêm ngon. Ngoài ra, lá chuối khi ấy còn dùng để gói bún tươi, thịt heo hay bó rau.
Lá dừa nước
Bánh dừa là đặc sản Bến Tre.
Người Bến Tre dùng lá dừa nước để gói bánh dừa. Tên bánh dừa cũng từ đó mà ra. Lá dừa nước để gói bánh phải là loại lá còn hơi non, có màu vàng nhạt, lá mềm, có bề ngang cỡ 3 ngón tay. Lá chặt về, lau sạch rồi vuốt sống lưng lá cho thẳng.
Bánh dừa làm từ nếp, đậu, nước cốt dừa và có cả chuối chín bóp nhuyễn. Khi gói, người ta khéo léo vặn xoắn lá, lớp này chồng lên lớp kia rồi cho nếp đã xào sơ vào, nén lại, cố định 2 mép bánh bằng ghim tăm dừa, sau đó cột chặt. Lá dừa nước non có mùi thơm giống như cơm dừa nước nên nó càng làm món bánh ngon hơn
Lá tre
Bánh ú gói bằng lá tre có màu vàng nâu của lá rất đẹp mắt
Bánh ú nước tro gói bằng lá tre là loại bánh đặc biệt của người miền Tây. Không chỉ dùng để cúng trong dịp Tết Đoan ngọ mà bánh cũng được người ta ăn trong những ngày thường. Lá tre dùng để gói bánh là loại lá to, được ngâm nước cho nở mềm trước khi gói. Bánh chín bóc ra có màu vàng nâu của lá gói, của nước tro rất đẹp mắt.
Lá mít
Một “đặc sản” khác của người miền Tây là bánh lá mít. Để làm bánh này, người ta trộn gạo với lá rau mơ hay dân gian còn gọi là lá “thúi địt” rồi đem xay, đong thành bột dẻo có màu xanh xanh. Sau đó, người ta dùng bột này nắn mỏng đều khắp mặt gân của lá mít rồi gấp đôi hoặc cuộn lại, đem hấp. Bánh chín có màu xanh sẫm, hơi ngả sang đen, có mùi đặc trưng của lá mơ. Khi ăn, chỉ cần cầm từng chiếc lá, nhẹ nhàng gỡ lớp bột ra rồi chấm với nước cốt dừa béo ngậy thơm tho.
Lá dong
Lá dong to bản, dùng để gói bánh chưng
Lá dong phổ biến ở miền Bắc, dùng để gói bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ. Lá dong to bản, thuôn dài, chỉ cần khoảng 2 lá là có thể gói kín chiếc bánh chưng vuông vức. Ở miền Bắc, có hẳn những làng chuyên trồng lá dong để bán. Lá dong có mùi thơm ngái dễ chịu nên dễ dàng để lại dư vị trong từng chiếc bánh.
Lá ổi
Lá ổi thường dùng để gói lớp bên trong cho món tré của người Trung. Đặc biệt, người Bình Định còn dùng lá ổi để gói nem. Lá ổi không chỉ đóng vai trò là lá gói thông thường mà nó còn tạo mùi thơm cho món ăn, có tính diệt khuẩn và rất có lợi cho tiêu hóa.
Lá vông
Lá vông còn có tên khác là vông nem vì người miền Tây chuyên dùng lá này để gói nem. Lá vông to cỡ lòng bàn tay, gói vừa vặn một niếng nem nhỏ nhắn. Bên ngoài nem người ta bện thêm lớp lá chuối dày rồi cột lại. Khi ăn nem, ăn luôn cả lá vông. Lá vông có tác dụng an thần rất tốt nên ở quê thỉnh thoảng người ta hái lá luộc ăn để trị chứng mất ngủ.
Phunuonline
Comment