Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyện xảy ra trên con tàu tốc hành Phương Đông

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Chương VII

    Danh tính của Mary Debenham



    Mary Debenham bước vào, đầu hất về phía sau như thách thức. Mái tóc đen để lộ vầng trán cao, nét mặt kiêu hãnh, tất cả dánh điệu đài các của Mary giống như những hình tượng được khắc trên những mạn tàu.
    Mary liếc sang Arbuthnot trước rồi nói với Poirot.
    - Ông muốn gặp tôi.
    - Thưa cô, tôi muốn biết lý do tại sao cô đã nói dối tôi sáng nay?
    - Tôi? Tôi nói dối ông? Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
    - Cô đã giấu với tôi rằng lúc thảm kịch xảy ra cho gia đình Armstrong cô đã nói là cô chưa bao giờ sang Mỹ.
    Poirot thấy Mary sắp hốt hoảng nhưng cô ta trấn tĩnh lại ngay.
    - Vâng, đúng thế!
    - Thưa cô, không phải thế.
    - Ông không hiểu rồi, tôi nói là tôi đã nói dối ông điều đó.
    - À, cô nhận à?
    Mary Debenham mỉm cười.
    - Dĩ nhiên, vì ông đã làm tôi lộ tẩy.
    - Ít ra lần này cô đã thành thật.
    - Bắt buộc thôi!
    - Cô cho phép tôi hỏi lý do của sự dè dặt này.
    - Hình như cũng dễ hiểu thôi thưa ông.
    - Đối với tôi thì không.
    Bằng mộT giọng bình tĩnh Mary nói:
    - Tôi phải kiếm ăn.
    - Vậy thì sao?
    Mary nhìn thẳng vào mặt Poirot.
    - Như vậy là ông không biết đến sự khó khăn của một phụ nữ đi kiếm việc và sợ bị cho nghỉ việc sao? Bộ ông nghĩ rằng người ta sẽ dễ dàng trao con cái họ cho một người quản gia mà trước đây đã bị liên lụy đến một vụ án mạng và biết đâu đã có ảnh đăng trên báo.
    - Sao lại không ...nếu người quản gia đó vô tội.
    - Đây không phải là một vấn đề có tội hay không, mà là một hình thức... quảng cáo. Cho đến nay, tôi khá thành công ở đời. Tôi đã tìm được chỗ làm thoải mái và lương hậu hỉnh. Chẳng lẽ tôi lại phải hy sinh cả tương lai của tôi hay sao?
    - Xin phép cô cho tôi được nhắc lại là chỉ có tôi là người có quyền đánh giá sự nói dối của cô thôi.
    Mary Debenham nhún vai.
    - Cô có thể giúp tôi nhận diện những hành khách.
    - Bằng cách nào?
    - Không thể chấp nhận được nếu cô lại không nhận ra bà Andrenyi là em gái bà Armstrong, cô học trò của cô ở New York .
    - Bà Andrenyi à? Không, cho dù đó là việc khó tin, nhưng tôi không nhận ra bà ta. Thật ra thì gương mặt bà Andrenyi nhắc tôi một khuôn mặt quen thuộc...Nhưng tôi không tài nào đặt tên được cho khuôn mặt đó. Bây giờ bà ta giống người Á Đông nhiều, nên tôi không thể nào nhận ra cô học trò bé bỏng người Mỹ của tôi. Vả lại tôi cũng chỉ nhìn bà ta thoáng qua trong toa, và tôi lại chú ý đến cách trang phục của bà ấy hơn.
    Mary mỉm cười và thở dài nói tiếp:
    - Vả lại tôi còn chuyện của tôi nữa!
    - Như thế là cô từ chối không cho tôi biết điều bí mật của cô!
    Poirot hỏi giọng dỗ dành.
    - Tôi không thể, không, không thể được.
    Và bổng nhiên Mary Debenham bật khóc.
    Đại tá Arbuthnot đứng dậy, vẻ lúng túng bước ra sau Mary.
    - Tôi ...Hãy nghe tôi...- Arbuthnot ấp úng. Ông quay sang Poirot, vẻ giận dữ:
    - Tôi sẽ đập nát xương ông ra.
    - Thưa ông, - ông Bouc can thiệp.
    Arbuthnot quay sang Mary và gọi khẽ:
    - Mary ... Cô nín đi.
    Mary ngẩng đầu lên và nói:
    - Không sao... Tôi bình tĩnh rồi. Ông Poirot, chắc ông không còn cần đến tôi nữa! Nếu có chuyện gì, ông cứ gọi tôi. Thật tôi kỳ cục quá!
    Mary Debenham hoàn toàn không biết gì về chuyện này ...Không biết gì hết, ông hiểu chứ? Nếu ông còn dằn vặt cô ấy nữa, ông sẽ biết tay tôi!
    Arbuthnot bước nhanh ra khỏi phòng.
    - Tôi thích thấy dân Anh mất bình tĩnh, khi họ hết lạnh lùng họ rất buồn cười. Càng xúc động bao nhiêu, họ lại càng mất bình tĩnh bấy nhiêu.
    - Ôi! ông bạn thân mến, ông giỏi thật, - ông Bouc nói. - Ông đoán tài thật.
    - Sao ông lại nhìn vào dĩ vãng của họ hay thế, - bác sĩ Constantine nói:
    - Ồ, lần này thì tôi chẳng có công gì hết, bà Andrenyui đã cho tôi biết đấy.
    - Sao? Có thể nào như thế?
    - Các ông thử nhớ xem: Tôi đã hỏi bà Andrenyi về bà quản gia và cô hầu của chị bà ta. Tôi tự nhủ là nếu Mary Bebenham có liên quan đến vụ án thì cô ấy chỉ có thể giữ một trong hai nhiệm vụ thôi.
    - Phải, nhưng bà Andrenyi đã cho ông hình dáng của một người nào khác hẳn.
    - Phải...một người đàn bà đứng tuổi, to lớn, mái tóc đỏ...thật ra trái ngược hẳn với cô Debenham. Nhưng khi được hỏi đến tên của bà quản gia này, thì bà Andrenyi đã làm một việc liên hệ vô tình trong tư tưởng. Bà Andrenyi đã nói tên cô Freebody, các ông có nhớ không?
    - Có, rồi sao?
    - Chắc các ông cũng biết là ở London có một nhà tạp hóa đã giữ mộT cái tên từ nhiều năm nay trên hảng hiệu Debenham và Freebody. Bà Andrenyi đã nhớ ngay tên cô Debenham và vì sống ở London nên bà ta đã nhắc ngay đến tên Freebody.
    - Lại một điều láo nữa. Với mục đích gì?
    - Cũng do lòng chính trực. Với mong muốn làm xáo trộn các quân bài.
    - Trời ơi! - Ông Bouc nói, - nếu thế tất cả các hành khách trên tàu này đều nói láo cả sao?
    - Điều đó chúng ta sắp biết thôi, - Poirot nói.

    Comment


    • #32
      Chương VIII

      Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác



      - Bây giờ, không có cái gì làm tôi ngạc nhiên nữa, - ông Bouc nói. - Nếu tất cả hành khách trên tàu đều là gia đình Armstrong thì cũng không phải là điều gì mới lạ.
      - Một nhận xét sâu sắc đấy ông bạn. Ông có muốn biết anh chàng người Ý của ông sẽ nói gì để bào chữa cho anh ta không?
      - Ông lại định đưa ra một khám phá độc đáo của ông nữa đấy hẳn?
      - Ông đoán đúng đấy.
      - Vụ án này rắc rối quá!
      - Không, thưa bác sĩ, tất cả đều bình thường thôi.
      - Nếu ông gọi là bình thường thì .. - đến đây ông Bouc không biết phải diễn đạt ý nghĩ của mình như thế nào nữa, ông ta đưa tay lên trời tỏ vẻ khổ sở.
      Poirot đã cho mời Antonio Foscarelli đến. anh ta bước vào có vẻ lo lắng:
      - Các ông muốn gì? Tôi chẳng có gì để nói, chẳng có gì cả.
      Nói rồi anh ta đấm mạnh tay xuống mặt bàn:
      - Có chứ, anh có một điều cần phải nói, - Poirot đáp ngay. - Sự thật.
      - Sự thật à?
      Foscarelli nhìn Poirot mộT cách bối rối.
      - Có thể là chúng tôi đã biết cả rồi. Cho nên anh nên khai ra thì tốt hơn.
      - Ông nói như cảnh sát Mỹ. Khai! họ chỉ biết nói có chừng đó. Khai đi!
      - Nếu vậy anh đã có kinh nghiệm với cảnh sát Mỹ à?
      - Đâu có, không bao giờ. Tôi chẳng có gì đáng chê trách cả.
      - Anh bị rắc rối lúc thảm kịch xảy ra cho gia đình Armstrong phải không? Anh là tài xế của gia đình phải không?
      Poirot nói và nhìn như xoáy vào mặt Foscarelli.
      Anh chàng người Ý xìu xuống như trái bóng xì hơi.
      - Nếu ông đã biết hết ... việc gì phải hỏi tôi.
      - Tại sao anh đã nói dối tôi sáng nay?
      - Vì lý do cá nhân. Tôi không tin cảnh sát Nam Tư, vì họ ghét dân Ý lắm và họ sẵn sàng buộc tội tôi.
      - Sai à?
      - Không, không. Tôi chẳng dính líu gì đến vụ án tối qua cả. Tôi không rời phòng tôi ở toa hạng hai. Anh chàng người Anh với bộ mặt dài như một ổ bánh mì sẽ làm chứng cho tôi. Không phải tôi đã giết Ratchett. Tên khốn khiếp. Ông không có một chứng cớ nào buộc tội tôi hết ...
      Poirot hí hoáy viết trên giấy. Ông nhìn lên và nói một cách chậm rãi:
      - Được rồi. Anh có thể về phòng.
      Foscarelli do dự, có vẻ không tin:
      - Ông hiểu cho là không phải tôi ...Tôi không thể dính líu đến ...
      - Tôi đã nói là anh có thể về phòng.
      - Đây là một cái bẫy các ông muốn làm tôi sa lưới, tất cả chỉ vì thằng khốn kiếp, đáng lý nó phải ngồi ghế điện. Tại sao lại để nó chạy trốn? Nếu là tôi thì họ đã không để tôi thoát.
      - Nhưng đâu phải là anh ... Việc bắt cóc trẻ em này có liên quan gì đến anh.
      - Sao? Ông nói gì? Cô bé Daisy là niềm vui của cả nhà! Cô ta gọi là Tonio, leo lên xe, và muốn cầm tay lái bằng đôi tay bé bỏng của mình! Mọi người đều yêu mến cô ấy. Ôi, cô bé đáng yêu.
      Nói đến đây, Foscarelli hạ thấp giọng và mắt anh ta long lanh. Bỗng nhiên, anh ta quay ngoắt đi và ra ngoài.
      - Pietro! - Poirot gọi.
      Anh hầu phòng trưởng chạy lại.
      - Anh mời hành khách số 10 ... Cô người Thụy Điển.
      - Thưa vâng.
      - Nữa à? - Ông Bouc nói. - Sao nhiều quá vậy?
      - Chúng ta phải đi đến cùng. Cho dù chúng ta có thể tìm ra tất cả những hành khách trên tàu đều có lý do để giết Ratchett. sau đó, chúng ta sẽ tìm ra thủ phạm.
      - Tôi bắt đầu chóng mặt đây, - ông Bouc rên rỉ.
      Gureta Ohlson bước vào. Cô ta òa lên khóc và ngồi bật xuống ghế trước mặt Poirot.
      - Xin cô đừng hốt hoảng, bình tĩnh nào, tôi xin cô. - Vừa nói Poirot vừa vỗ vào vai Gureta.
      - Chúng tôi chỉ mong ở cô một chút thành thật thôi. Cô là y tá của daisy Armstrong phải không?
      - Vâng ...đúng đấy. - Cô Ohlon nức nở nói. - Daisy là một thiên thần...một thiên thần từ trên trời rơi xuống ...Cô ấy tốt và rất có tình...Vậy mà con quái vật đó đã cướp mất cô ấy đi ... Giết cô ấy. Tội nghiệp cho bà mẹ ... Và đức con thứ hai... Nó cũng không sống được! Ông không thể hiểu được. Không , không thể hiểu được? Nếu ông đã được chứng kiến tất cả thảm kịch như tôi ...Sáng nay, đáng lý tôi phải nói hết sự thật cho ông về tôi... Nhưng tôi sợ! Vả lại tôi cũng hả dạ về cái chết của con quái vật ấy! Tôi nghĩ là hắn sẽ không làm khổ những đứa trẻ khác .. Ôi, tôi không thể kể tiếp được nữa...- Cô Ohlson nưc nở khóc.
      Poirot lại dỗ dành cô ta:
      - Tôi hiểu, tôi hiểu tình cảm của cô. Như thế là tôi đã hỏi cô xong rồi, chỉ cần cô xác nhận những gì tôi đã biết rồi. Vâng, vâng, tôi hiểu cô.
      Không thể nói thêm tiếng gì ngoài tiếng nức nở, Gureta Ohlson đứng lên và lần mò ra cửa như người mù. Ra cửa, cô đụng phải một người đàn ông, Masterman, anh hầu phòng.
      Anh ta đi thẳng đến Poirot và nói:
      - Tôi mong rằng không làm phiền ông, nhưng tôi nghĩ là nên đến nói cho ông biết sự thật. Trong chiến tranh tôi đã là người lính dưới quyền đại tá Armstrong. Sau đó đại tá đã mướn tôi làm hầu phòng cho ông ở New York. Tôi xin lỗi đã không cho ông biết điều này. Tôi mong rằng ông sẽ không nghi ngờ cho Tonio. Anh ta không làm hại đến một con muỗi. Và tôi thề là anh ta đã không rời phòng suốt đêm. Anh ta không thể giết Ratchett. Đúng là Tonio là người Ý nhưng tính khí của anh ta không giống những bọn vô lại trong tiểu thuyết đâu.
      Đến đây, anh ta ngừng lại. Poirot chăm chú nhìn anh ta.
      - Anh chỉ có từng đó để nói thôi à?
      - Thưa ông hết rồi ạ.
      Một thoáng im lặng. Poirot không nói gì. Materman gật đầu chào và lặng lẽ ra khỏi toa ăn.
      - Cứ như là truyện trinh thám. - Bác sĩ Constantine nói.
      - Tôi cũng nghĩ thế, - ông Bouc nói. - Trong số 12 hành khách trên tàu thì 9 đã dính líu vào vụ Armstrong. Chúng ta sẽ biết thêm gì nữa đây?
      - Để trã lời cho câu hỏi của ông, ông Hardman. - Poirot nói.
      - Không lẽ ông ta đến tự thú?
      Trước khi Poirot có thể trả lời cho ông Bouc, Hardmanđã vào phòng, ngồi xuống ghế và nói:
      - Chuyện gì đã xảy ra trên tàu vậy? Cứ như nhà thương điên.
      Poirot nheo mắt.
      - Ông có chắc là mình không phải là người làm vườn cho nhà Armstrong không?
      - Họ không có vườn.
      - Hay là hầu trưởng.
      - Tôi không phải là người có thể làm được công việc đó. Không, tôi không hề ở nhà Armstrong... Và hình như tôi là một trường hợp ngoại lệ trên tàu này thì phải. Ông hãy giải thích hộ tôi chuyện này xem!
      - Lạ thật, - vừa nói Poirot vừa mỉm cười!
      - Hãy nói là không thể tin được. - Ông Bouc nói.
      - Ông có một nhận xét riêng nào về cái chết của Ratchett không?
      - Không, tôi thú thật là tôi chẳng hiểu gì. Và lẽ dĩ nhiên là tất cả những người trên tàu không thể là thủ phạm hết. Nhưng nếu bảo tôi tìm ra thủ phạm trong bọn họ thì khó đấy. Làm sao ông đã tìm ra là họ có dính líu đến vợ Armstrong vậy ?
      - Tôi chỉ cần suy nghĩ thôi.
      - Ông là một người rất tinh.
      Hardman ngã người ra sau để ngắm Poirot.
      - Xin lỗi nhé, nhìn ông thì không ai nghĩ như thế đâu!
      - Ông tử tế quá ông Hardman à.
      - Không đâu. Tôi nghiêng mình trước sự thông minh của ông.
      - Vụ này đã xong hoàn toàn đâu, - Poirot nói. - Chúng ta chưa tóm được tên sát nhân.
      - Tuy nhiên, những điều ông tìm ra làm tôi phục lăn. Không kể tôi, còn hai người trên tàu mà ông chưa đoán ra danh tánh. Ba người Mỹ lớn tuổi và cô hầu phòng. Hay là họ nằm ngoài sự nghi ngờ của ông ?
      - Hay là họ là những người giặt quần áo hoặc làm bếp cho gia đình Armstrong.
      - Chẳng có gì có thể làm tôi ngạc nhiên nữa! - Hardman nói. - Hình như tôi đang sống giữa những người điên!
      - Ôi, ông bạn, ông nói đùa hơi quá đấy. - ông Bouc nói.
      Poirot quay sang Hardman và nói:
      - Ông không hiểu gì à ? Nào hãy nói cho tôi biết ông có biết ai giết Ratchett không ?
      - Còn ông, ông có biết không ? - ông Bouc nói.
      - Có, - Poirot nói. - Tôi biết từ một lúc rồi. Rất đơn giản thôi. Tôi rất ngạc nhiên là các ông không trông thấy thôi. Còn ông, ông Hardman ?
      Hardman lắc đầu.
      - Không, thú thật là tôi không biết. Tôi không thể nói ai là thủ phạm.
      Sau một lúc im lặng, Poirot quay sang nói với Hardman.
      - Ông bạn làm ơn mời tất cả những hành khách tập trung ở đây. Tôi có hai giải pháp, và tôi muốn trình bày cho mọi người.

      Comment


      • #33
        Chương IX



        POIROT TRÌNH BÀY HAI GIẢI PHÁP CỦA ÔNG.





        Những hành khách đều đã tập trung ở toa ăn. Tất cả các khuôn mặt đều biểu lộ sự mong đợi và sự dè dặt. Gureta Ohlson vẫn khóc và bà Hubbard đang dỗ cô ta.
        - Nào, cô hãy can đảm lên! Tất cả sẽ ổn thôi, cô bình tĩnh đi! Nếu có một kẻ sát nhân ở trong chúng ta thì không ai nghĩ là cô đâu. Phải điên mới buộc tội cô. Hãy ngồi xuống bên cạnh tôi đi.
        Poirot đứng lên.
        Anh phục vụ tàu Pierre Michel đứng gần cửa hỏi:
        - Ông cho phép tôi ở lại chứ?
        - Dĩ nhiên rồi Michel.

        Poirot bắt đầu:
        - Thưa các ông bà, tôi sẽ nói bằng tiếng Anh vì các ông bà đều hiểu ít nhiều. Chúng ta đến đây để tìm sự thật về cái chết của Samuel Edward Ratchett. Còn được biết đến với cái tên là Cassetti. Chúng ta có hai giải đáp mà tôi sẽ trình bày trước ông bà và mời ông Bouc, bác sĩ Coustantine hiện diện ở đây xem giải đáp nào đúng nhất.
        - Các ông bà đã biết sáng nay ông Ratchett đã bị ám sát bằng dao trong phòng. Chúng ta biết ông ta vẫn còn sống vào lúc 12g37 đêm qua. Vào giờ đó ông vẫn nói chuyện với nhân viên phục vụ qua cánh cửa. Một cái đồng hồ bị vỡ tìm thấy trong túi áo nạn nhân có kim đồng hồ chỉ 1g15. Bác sĩ Constantine, người xem xác nạn nhân đã cho biết là cái chết xảy ra giữa 12g đêm và 2g sáng. Vào lúc 12g30, như các ông bà đều biết, con tàu đã bị ngừng lại vì tuyết. Vậy sau giờ này không ai có thể rời tàu được. Ông Hardman, nhân viên của một văn phòng thám tử tư ở Nữu ước (New York) (nhiều cái đầu quay về phía Hardman) đã xác nhận là không có ai đi ngang qua phòng ông ta. Phòng 16, mà ông ta không trông thấy. Như vậy là chúng ta có thể kết luận là tên sát nhân đã lẫn trốn trong những hành khách của tàu Staraboul Calais.
        - Ít ra đó cũng là giả thuyết của chúng ta.
        - Sao ? ông Bouc ngạc nhiên nói.
        - Dù sao tôi cũng sẽ trình bày với các ông bà một giải đáp khác. Ông Ratchett bị kẻ thù đe dọa, đã cho Hardman những chi tiết để nhận dạng, và nói với Hardman rằng cuộc ám sát sẽ có thể xảy ra vào đêm thứ hai của cuộc hành trình.
        - Tôi xin các ông bà lưu ý là Ratchett biết nhiều hơn là những gì ông ta tiết lộ. Đêm thứ hai bằng cánh cửa mà Mac Queen và đại tá Arbuthnot đã để mở khi xuống ga Vincovci, một lúc sau, có kẻ lạ mặt đã lên tàu. Bên ngoài quần áo, hắn đã mặc bộ đồng phục của nhân viên toa kút sét. Dùng xâu chìa khóa của nhân viên tàu hỏa, hắn đã vào phòng Ratchett lúc bấy giờ đang ngủ say vì thuốc ngủ. Kẻ sát nhân đã đâm Ratchett nhiều lần rất mạnh và rời phòng bằng cánh cửa thông qua phòng bà Hubbard.
        - Đúng thế đấy. - Bà Hubbard nói.
        - Khi đi ngang qua phòng bà Hubbard, kẻ sát nhân đã cho con dao dùng để đâm Ratchett vào túi xách của bà treo ở cửa. Và kẻ sát nhân đã vô ý làm rơi một cái khuy của bộ đồng phục. Hắn đã lẻn ra khỏi phòng, lần theo hành lang. Rất nhanh chóng, hắn đã cởi bộ đồng phục ra trong một phòng trống và nhét vào vali. Vài phút sau, trước khi tàu tiếp tục chạy hắn đã xuống vẫn bằng cánh cửa cạnh toa.

        Những hành khách ngồi nghe chăm chú.
        - Vậy ông nghĩ gì về cái đồng hồ ? - Hardman hỏi.
        - Tất cả đều được giải thích một cách dễ dàng. Ratchett đã quên điều chỉnh đồng hồ chậm lại theo giờ Á Đông (giờ Á Đông sớm hơn 1 tiếng so với giờ Trung Âu). Như thế Ratchett đã bị giết lúc 12g15 chứ không phải 1g15.
        - Lý luận của ông không vững! - ông Bouc nói.- Vào lúc 1g kém 23, một người đã nói trong phòng Ratchett. Ông ta hay kẻ sát nhân của ông ấy ?
        - Không nhất thiết, một kẻ thứ ba đã vào phòng để nói chuyện với Ratchett và đã thấy ông ta chết.
        - Người này đã bấm chuông gọi nhân viên phục vụ. Sau đó hiểu ra sự nguy hiểm của tình huống, sợ bị nghi ngờ, người này đã trả lời thay cho Ratchett khi anh phục vụ gõ cửa phòng.
        - Có thể lắm, - ông Bouc nói.

        Poirot quan sát bà Hubbard:
        - Bà định nói gì thưa bà ?
        - Tôi cũng không biết nữa. Ông có tin là chính tôi cũng đã quên điều chỉnh đồng hồ không ?
        - Không, thưa bà, chắc có lẽ bà đã nghe thấy kẻ sát nhân đi ngang qua một cách vô ý thức... Và sau đó, vì bị ác mộng, bà đã tưởng tượng có một người đàn ông trong phòng. Bà đã thức giấc và bấm chuông gọi nhân viên phục vụ,
        - Cũng có thể lắm, - bà Hubbarđ đáp.
        Công chúa Dragomiroff chăm chú nhìn Poirot và nói:
        - Thưa ông, ông giải thích thế nào về lời chứng của cô hầu phòng của tôi.
        - Đơn giản thôi thưa bà. Cô hầu phòng của bà đã nhận ra chiếc khăn tay tôi đưa cho cô ấy, là của bà. Đã cố gắng đánh lạc hướng sự nghi ngờ của tôi đối với bà. Cô ấy đã gặp kẻ lạ mặt, nhưng sớm hơn, khi tàu vẫn còn đậu ở ga Vincovci. Cô ta đã bảo là đã trông thấy kẻ lạ mặt trễ hơn. Mong rằng đã cung cấp cho bà một chứng cứ vắng mặt chắc chắn.

        Công chúa Dragomiroff gật đầu:
        - Ông đã giải đáp được mọi điều. Tôi phục ông đấy.
        Im lặng một lúc, bỗng mọi người đều giật mình: Bác sĩ Constantine đập mạnh tay lên bàn:
        - Không, không thể được! Những lời giải thích của ông không làm tôi hài lòng! Nhiều cái vô lý lắm. Vụ án đã không xảy ra như vậy và cũng như tôi, ông thừa biết như vậy.
        Poirot nhìn bác sĩ Constantine:
        - Như vậy tôi lại phải trở lại cách giải đáp thứ nhất của tôi. Nhưng ta không nên bác bỏ giải đáp thứ hai này. Biết đâu lát nữa lại phải sử dụng nó.

        Quay sang những hành khách, Poirot nói:
        - Còn một giải đáp nữa cho vụ án, và đây là cách mà tôi đã tìm ra nó:
        - Sau khi nghe xong những lời khai của quý ông, quý bà, tôi đã ngồi nhắm mắt và suy nghĩ. Có một vài điểm gây sự chú ý của tôi. Tôi đã kể cho hai bạn tôi nghe.
        - Tôi đã tìm ra câu trả lời cho một vài vấn đề, ví dụ như vết mờ trên thông hành... Nhưng một vài điểm vẫn còn khó hiểu. Điểm quan trọng nhất là nhận xét của ông Bouc trong bữa cơm trưa, ngay sau khi chúng ta vừa rời khỏi Stamboul, ông Bouc nhận thấy rằng những hành khách trên chuyến tàu này thuộc những quốc tịch, những giai cấp khác nhau lạ lùng.
        - Việc này đối với tôi cũng khá lạ. Tôi tự hỏi không hiểu nó có hay xảy ra không ? Và tôi thấy rằng sự việc như vậy cũng hay xảy ra ở... Mỹ. Trong một gia đình người Mỹ, người ta có thế thấy một tài xế Ý, một bà quản gia Anh, một Ý tá Thụy Điển, một cô hầu phòng Pháp... Điều đó đã đưa tôi đến chỗ gắn cho mỗi người một vai trò trong tấm thảm kịch gia đình Armstrong. Cũng như một đạo diễn phân vai chỗ diễn viên của một vở kịch, tôi đã có một kết quả khá lý thú.
        - Tôi xem xét lại từng lời khai của từng hành khách, một cách riêng lẻ và tôi đã có những nhận xét ngộ nghĩnh. Ta hãy lấy lời khai của Mac Queen. Lần hỏi cung đầu tiên không có gì đáng nói. Nhưng lần thứ hai khi tôi hỏi anh ta, Mac Queen đã nói một câu kỳ lạ. Khi tôi cho anh ta biết là tôi đã tìm ra một mảnh giấy có liên quan đến vụ Armstrong, Mac Queen đã nói: nhưng mà... Và sau một lúc do dự, tôi muốn nói là hắn thật lơ đễnh khi để giấy tờ lung tung.
        - Tôi hiểu ngay là anh đã lỡ lời. Giả thử như Mac Queen đã nói tiếp câu của mình: Nhưng mà tờ giấy đó đã được đốt rồi mà. Nếu thế Mac Queen đã biết bức thư này và việc bức thư bị đốt đi... Nói một cách khác, Mac Queen là kẻ sát nhân hay đồng lõa. Như thế là đã loại được một người.
        - Sau đó là lời khai của Masterman, anh hầu phòng. Anh ta xác nhận là Ratchett có thói quen dùng thuốc ngủ khi đi du lịch bằng tàu hỏa. Điều này khá hợp lý - Nhưng thử hỏi đêm qua Ratchett có muốn ngủ không ? Khẩu súng để dưới gối chứng tỏ điều trái ngược lại. Ratchett muốn đề phòng. Vậy nếu có người muốn ông ta uống thuốc ngủ đó là ngoài ý muốn của Ratchett. Ai là người làm việc này nếu không phải là Mac Queen hay anh hầu phòng.
        - Đến lời khai của Hardman. Tôi tin anh ta khi anh đề cập đến danh tánh thật của mình. Nhưng khi nói đến cách làm việc của anh để bảo vệ Ratchett thì điều này cần xét lại. Cách duy nhất có hiệu quả để bảo vệ Ratchett là ngủ trong phòng Ratchett hay đứng ở một chỗ nào đó thuận tiện để canh chừng phòng Ratchett. Qua lời khai của Hardman tôi thấy là không một ai, ngoài số hành khách trên tàu Stamboul - Calais có thể giết Ratchett. Chi tiết này đối với tôi hơi lạ, và tôi quyết định là sẽ để ý đến Hardman.

        - Chắc quý ông, quý bà đều biết là tôi đã nghe lỏm được mẫu chuyện giữa cô Debenham và đại tá Arbuthnot. Một điều đáng nhớ là đại tá Arbuthnót gọi cô Debenham là Mary và có vẻ rất thân với cô ta. Tuy nhiên Arbuthnót khai là mới quen cô Debenham trên tàu. Nhưng đối với tâm lý người Anh, như đại tá Arbuthnot, cho dù ông ta có bị tiếng sét ái tình thì Arbuthnot cũng sẽ tiến một cách từ từ. Và như thế là tôi có thể kết luận là đại tá Arbuthnot và cô Debenham đã biết nhau lâu rồi và họ chỉ giả vờ như không quen biết nhau thôi.

        - Chúng ta hãy sang lời khai của bà Hubbard. Bà Hubbard cho rằng từ kút sét của mình bà không thể biết cánh cửa thông qua phòng Ratchett khóa hay không, cho nên bà đã nhờ cô Ohlson xem hộ. Tốt, nếu bà Hubbard ngủ ở các phòng 2, 12, 14,... Vì ở những phòng mang số chẵn cái chốt cài cửa ở ngay dưới nắm đấm cửa. Nhưng ở những phòng mang số lẻ như phòng 3 của bà Hubbard thì cái chốt cài cửa ở ngay phía trên nắm đấm cửa, không thể bị cái túi xách che. Và tôi đã kết luận là bà Hubbard đã bịa ra chuyện vừa rồi. Bây giờ tôi xin đề cập đến thời gian.

        - Cái đồng hồ được tìm thấy trong túi áo Ratchett, một chỗ hơi lạ, vì ở ngay đầu giường đã có cái móc treo đồng hồ. Và thế là tôi tin chắc rằng cái đồng hồ sau khi đã được điều chỉnh kim đã được cố ý bỏ vào túi nạn nhân, nếu thế vụ án mạng không xảy ra lúc 1 giờ 15.

        - Có thể nào vụ án mạng đã xảy ra sớm hơn, lúc 1 giờ kém 23 phút ? Có lẽ ông Bouc tin thế vì tiếng hét đã đánh thức tôi lúc đó. Nhưng Ratchett vì uống thuốc ngủ, không thể hét được. Nếu không, ông ta còn có thể chống cự được. Điều này đã không xảy ra vì chúng tôi không tìm thấy vết tích của một cuộc xô xát nào ở hiện trường.
        - Tôi nhớ Mac Queen đã nói với tôi hai lần là Ratchett không hề biết tiếng Pháp, và tôi hiểu là những gì đã xảy ra lúc 1 giờ kém 23 phút chỉ nhằm mục đích lừa tôi. Bất cứ ai cũng có thể tìm ra việc cố tình sửa kim đồng hồ... Một cách rất thông thường trong các truyện trinh thám. Cho nên người ta biết ngay là không sớm thì muộn tôi sẽ tìm ra sự bịp bợm về cái đồng hồ. Nếu tôi ỷ vào sự nhạy bén của tôi thì tôi đã xác định là Ratchett, vì không biết tiếng Pháp, giọng nói nghe được vào lúc 1 giờ kém 23 từ phòng nạn nhân không thể là của Ratchett. Vậy lúc đó ắt hẳn Ratchett phải bị giết rồi. Nhưng, tôi lại chắc chắn là vào lúc 1 giờ kém 23. Ratchett đang còn chìm vào giấc ngủ do thuốc ngủ gây ra.
        - Tuy nhiên, tôi suýt bị lừa. Tôi mở cửa nhìn ra hành lang và đã nghe rõ ràng câu nói bằng tiếng Pháp (nói rất đúng). Nếu tôi khá đần độn để không hiểu nghĩa câu này thì người ta sẽ giải thích cho tôi. Nếu cần Mac Queen sẽ đến nói với tôi là: “Xin lỗi, ông Poirot, chắc chắn không phải là ông Ratchett đâu. Ông ta không hề biết tiếng Pháp”.
        - Vậy vụ án xảy ra lúc nào ? Ai là thủ phạm ?
        - Theo tôi - ở đây tôi chỉ nói ý kiến cá nhân tôi – Vụ án mạng đã xảy ra lúc 2 giờ, mốc giờ cuối cùng do bác sĩ Constantine đưa ra.
        - Ai là thủ phạm ?
        Poirot ngừng một lúc và nhìn tất cả những hành khách đang chăm chú nghe ông. Im lặng hoàn toàn.
        Poirot chậm rãi nói:
        - Tôi ngạc nhiên khi cảm thấy khó mà kết tội bất cứ một người nào trong những hành khách. Một sự trùng hợp kỳ lạ, chứng cớ vắng mặt của mỗi một người, lại được một người khác xác nhận, ví dụ như ông Mac Queen và đại tá Arbuthnot đã cung cấp những chứng cớ gỡ tội cho nhau rất vững vàng. Mặc dù cả tính hai người này hoàn toàn khác biệt nhau để có thể nói chuyện với nhau trong suốt cuộc hành trình.
        Trường hợp này cũng rơi vào anh hầu phòng người Anh và ánh người Ý. Cô người Thụy Điển và cô gái người Anh.

        Bỗng nhiên tôi hiểu ra, tất cả đều có tội. Việc mà nhiều người dính líu đến vụ Armstrong đi du lịch trên cùng một chiếc tàu không thể là một sự ngẫu nhiên được. Tất cả phải được chuẩn bị từ lâu. Tôi nhớ đến một nhận xét của đại tá Arbuthnot về bản án của bồi thẩm đoàn. Một bồi thẩm đoàn gồm 12 người... Và Ratchett bị đâm 12 nhát. Lần này thì, việc tụ tập của nhiều người, đủ mọi tầng lớp, mọi quốc tịch trên chuyến tàu Stamboul Calais vào một mùa mà con tàu thường vắng người được giải thích một cách rõ ràng.
        Nếu Ratchett đã thoát khỏi luật pháp Hoa Kỳ, dù cho tội của hắn đã rõ ràng. Tôi liền liên tưởng đến một bồi thẩm đoàn gồm 12 người kết tội hắn và đã trở thành những kẻ trừng trị tội phạm. Đứng ở khía cạnh này thì tất cả bí mật đều được sáng tỏ.

        Mỗi hành khách đều được giao cho một vai trò. Tất cả đều được chuẩn bị từ chi tiết nhỏ nhất. Nếu một người trong nhóm người này bị nghi ngờ thì sẽ có kẻ khác làm chứng và làm đảo lộn mọi cuộc điều tra. Ngoài ra, sự canh chừng có xếp đặt của Hardman không cho phép kết tội oan bất cứ một ai.

        Giải đáp này đã làm sáng tỏ mọi tình huống của vụ án. Những vết thương trên người nạn nhân do 12 người khác nhau gây ra. Những thư hăm dọa viết ra chỉ nhằm mục đích làm tang vật - Ratchett có nhận được - những bức thư mà Mac Queen đã đốt đi và đánh tráo bằng những bức thư giả. Câu chuyện của Hardman được thuê để bảo vệ Ratchett chỉ là một điều bịa đặt ra hoàn toàn. Hình dáng, một người đàn ông nhỏ, tóc nâu, có giọng nói đàn bà, một sự bịa đặt khôn khéo vì nó có thể áp dụng cho đàn ông hay đàn bà và những người phục vụ trên tàu đều vô tội.

        Việc dùng dao làm tôi ngạc nhiên. Nhưng sau khi suy nghĩ thấy không một vũ khí nào phù hợp hơn. Tất cả, khỏe hay yếu đều có thể dùng dao và tiện lợi của nó là không gây tiếng động, có lẽ tôi nói hơi quá. Nhưng đấy là những gì tôi có thể tưởng tượng ra. Mỗi người lần lượt đi qua phòng bà Hubbard vào phòng Ratchett và đâm! Vì phòng không bật đèn, nên không ai nhận ra vết thương của mình gây ra cho nạn nhân. Và như thế không thể xác định ai là người đã đâm chết nạn nhân.

        Bức thư cuối cùng mà có lẽ Ratehett đã tìm thấy dưới gối đã được đốt một cách cẩn thận. Không có cái gì cho thấy sự liên hệ giữa vụ Armstrong và nạn nhân. Như vậy không có lý do gì nghi ngờ hành khách trên tàu. Người ta có thể nghĩ cho một kẻ sát nhân đến từ bên ngoài. Và người đàn ông tóc nâu, có giọng nói đàn bà, sẽ được nhận ra bởi một trong những hành khách như đã xuống ga Brod.

        Tôi không hiểu khi tàu bị kẹt vì tuyết làm đảo lộn phần hai này của chương trình, quí vị đã nghĩ gì. Có lẽ quí vị đã họp nhanh lại để quyết định hành động ngay. Lần này thì chắc chắn là một hay nhiều người trong quí vị sẽ bị nghi ngờ. Nhưng điều này đã được tính rồi và nghi ngờ sẽ được xóa tan ngay do việc làm chứng của những hành khách khác. Bây giờ phải tính đến chuyện làm nản chí những người điều tra. Với mục đích đó, hai tang vật đã được để lại tại hiện trường... Một tang vật kết tội đại tá Anbuthnot, một người có chứng cớ vắng mặt rất vững vàng. Và sự liên hệ với gia đình Armstrong rất khó được phát hiện. Tang vật thứ hai, chiếc khăn tay buộc tội công chúa Dragomiroff. Căn cứ vào giai cấp, vào sự yếu đuối về thể xác và lời chứng của cô hầu, bà Dragomiroff cũng được xem là vô can. Để cho vụ án rắc rối thêm, một người đàn bà mặc áo choàng đỏ xuất hiện và vì muốn tôi trông thấy bóng dáng bà ta, người ta đã gõ cửa phòng tôi. Khi nhìn ra ngoài tôi thấy bóng dáng cái áo choàng đỏ vừa khuất ở cuối hành lang. Ba lời chứng khác đã được lựa chọn khéo léo cũng đều trông thấy cái áo choàng đỏ: nhân viên phục vụ, cô Debenham, và Mac Queen. Kẻ nào nghịch ngợm đã đem dấu cái áo choàng này trong va li của tôi. Khi tôi đang bận điều tra. Tôi không hiểu cái áo choàng này của ai. Nhưng tôi nghĩ là có lẽ của bà Andrenyi vì hành lý của bà chỉ toàn quần áo ngủ mỏng đắt tiền nhưng lại thiếu mất áo choàng ngoài.
        Khi biết lá thư mặc dù đã được đốt kỹ, vẫn còn để lại chữ Armstrong, Mac Queen vội vàng báo động ngay cho những hành khách. Như thế bà Andernyi phải đề phòng và có lẽ lúc đó quận công Andernyi đã nghĩ đến việc tẩy xóa thông hành.

        Tất cả những hành khách đều chối là không quen biết gia đình Armstrong. Nghĩ rằng tôi không có một phương tiện nào để kiểm tra việc này ngay (vì tàu đang bị kẹt). Quý vị đã nghĩ rằng tôi chỉ chú ý đến vụ Armstrong nếu một hành khách làm tôi nghi ngờ có liên quan đến vụ này.

        Một điểm khác cần được sáng tỏ: Nếu giả thuyết của tôi đúng, và tôi nghĩ rằng mình không lầm - anh phục vụ toa kút sét tham dự vào vụ án. Nhưng trong trường hợp này chúng ta có tất cả 13 người phạm tội thay vì 12. Trái với số lượng bồi thẩm đoàn. Tôi phải tìm cho ra trong 13 người này ai là kẻ vô tội.

        Tôi đã đi đến một kết luận khá kỳ lạ:
        - Người không tham dự vào vụ án này là người đáng bị nghi ngờ nhất, đó là bà Andrenyi. Khi quận công thề danh dự là vợ ông ta không rời khỏi phòng. Ông đã tỏ ra rất thành thật đến độ tôi tin là ông ta nói thật Và tôi biết là quận công Andrenyi đã thay chỗ cho vợ mình.
        - Pierre Michel là đồng lõa. Vì một lý do gì, một nhân viên lâu năm trong ngành lại dính líu đến vụ này ? Khó có thể có một sự liên hệ nào giữa Pierre Michel, một người Pháp, và gia đình Armstrong. Bỗng nhiên tôi nhớ ra là cô giữ trẻ là người Pháp, người đã giữ Daisy Armstrong. Nếu cô ta là con gái của Pierre Michel thì sao ? Tất cả đều được sáng tỏ.
        Còn có ai mà sự liên hệ với gia đình Armstrong còn chưa rõ ràng ? Tôi nghĩ rằng đại tá Armstrong là bạn của đại tá Arbuthnot, có lẽ họ đã chiến đấu bên cạnh nhau.
        Về phần cô hầu phòng Hildegarde Schmidt tôi đoán ngay vai trò của cô ở trong gia đình Armstrong. Có thể tôi tham ăn, nhưng tôi nhìn thấy ngay ở cô Schmidt một người đầu bếp giỏi. Tôi đã giăng một cái bẫy và cô Scbmidt đã rơi vào cái bẫy đó: “Tôi biết cô nấu ăn rất giỏi!”. Tôi đã nói với cô và Schmidt đã trả lời: “Đúng vậy, những chủ cũ của tôi đều khen tôi”.
        - Sau đó là Hardman, bề ngoài thì anh la không liên quan gì đến gia đình Armstrong. Tôi nghĩ anh ta là hôn phu của cô gái giữ trẻ người Pháp. Tôi đã đề cập trước mặt anh ta về vẻ đẹp và duyên dáng của những phụ nữ ngoại quốc. Hardman đã long lanh nước mắt - anh ta đã viện cớ là tại tuyết làm chóa mắt mình.
        - Còn bà Hubbard, người được giao vai trò chính trong vụ án là người ở cạnh phòng Ratchett. Bà Hubbard, hơn những người khác bị nghi ngờ nhiều nhất và bà cũng không có chứng cứ vắng mặt. Muốn diễn xuất vai trò của một người đàn bà Mỹ, hơi kỳ cục, chỉ biết đến con gái và cháu mình, phải là một kịch sĩ tài tình. Một kịch sĩ như thế trong gĩa đình Armstrong là ai khác, ngoài mẹ là Armstrong, nữ kịch sĩ nổi tiếng: Linda Arden.

        Poirot ngừng lại.
        Và rồi một giọng nói ấm và truyền cảm nổi lên, bà Hubbard nói:
        - Ông còn muốn biết thêm gì nữa ? Tôi cứ ngỡ như mình vẫn còn diễn kịch!
        Và bà tiếp bằng một thái độ mơ màng.
        - Sự sơ suất vì cái xách tay chứng tỏ là mình phải luôn luôn tập diễn lại vai trò của mình cho đến phút cuối cùng. Chúng tôi đã diễn thử một lần trên tàu rồi đấy chứ... Có thể lúc đó tôi ở một phòng chắn và sau này không xem lại chỗ then cửa.

        Bà nhìn thẳng vào Poirot và tiếp:
        - Ông Poirot, tôi phục ông đấy. Tất cả những lập luận của ông đều đúng, ông không thể tưởng tượng ra tấn thảm kịch vào cái ngày kinh khủng đó... Ở New York. Tôi điên lên vì đau khổ... Tất cả những gia nhân đều buồn khổ... Đại tá Arbuthnot bạn thân của John Armstrong điên lên vì kinh tởm và tức giận.
        - Armstrong đã cứu sống tôi trong chiến tranh, - Arbuthnot nói.
        Ngày đó, trong cơn phẫn uất, trong sự đau buồn, trong sự tức giận đến tột cùng, có thể là chúng tôi đã không bình tĩnh, đã điên rồ. Làm sao tôi biết được ?

        Chúng tôi đã quyết định, vì kẻ sát nhân đã không bị trừng trị thì chúng tôi phải tự mình trừng trị nó một cách đích đáng. Chúng tôi gồm mười hai người, hay đúng hơn mười một người, bố của Suzanne, cô hầu giữ Daisy, ở mãi tận Pháp. Mới đầu, chúng tôi định rút thăm xem ai sẽ là người thi hành bản án. Nhưng cuối cùng tất cả chúng tôi đều theo ý kiến Antonio, anh nhân viên. Mary và Hector Mac Queen sắp xếp mọi chi tiết của vở kịch.
        Sự chuẩn bị đòi hỏi một thời gian dài. Chúng tôi phải truy lùng kẻ sát nhân - Hắn đã đổi tên khác - Hardman đã làm việc này. Sau đó Masterman và Hector đã được Ratchett mướn vào làm. Đại tá Arbuthnot nghĩ rằng con số mười hai phải được tôn trọng, nên chúng tôi phải mời bố của Suzanne tham dự. Vì muốn trả thù cho cô con gái duy nhất đã tự tử vì Ratchett, Pierre Michel (bố của Suzanne) đồng ý giúp chúng tôi. Đại tá Arbuthnot không thích dùng dao nhưng cuối cùng ông cũng đồng ý, vì cách này đỡ gây rắc rối!
        Hector đã cho chúng tôi biết rằng Ratchett sớm muộn gì cũng sẽ đi Paris bằng chuyến tàu tốc hành Phương Đông. Dịp may đến với chúng tôi. Pierre Michel làm việc trên tuyến đường này. Như vậy một người vô tội khác không bị nghi ngờ.
        Dĩ nhiên là chúng tôi phải nói chuyện này với chồng của con gái tôi. Anh ta đã xin được đi theo Hector để giàn xếp cho Ratchett quyết định đi du lịch vào đúng ngày Michel trực. Chúng tôi có ý định lên hết toa tàu kút sét Stamboul - Calais nhưng không may, một phòng của toa lại được dành cho ông giám đốc của công ty. Còn phần Harris, anh ta chỉ là một cái tên được bịa đặt ra thôi, vì cho một người lạ mặt ở chung phòng với Mac Queen là rất nguy hiểm. Và đến phút cuối cùng ông đã vào đó.

        Ngừng một lát, bà tiếp:
        - Ông Poirot thân mến, bây giờ thì ông đã rõ hết mọi chuyện. Ông sẽ quyết định điều gì ? Nếu ông phải làm một tờ báo cáo chính thức. Xin ông hãy cho tôi là thủ phạm duy nhất. Tôi sẵn sàng đâm con quái vật đó mười hai nhát dao! Không những nó đã giết con gái tôi, và cháu gái Daisy của tôi. Và còn đứa con trong bụng mẹ nó. Đáng lý đứa bé phải được sống chứ. Nhưng trước khi bắt cóc Daisy của chúng tôi, con quái vật sát hại bao nhiêu trẻ thơ khác và ai biết được nó sẽ còn giết bao nhiêu người khác nữa nếu nó còn sống, xã hội đã lên án nó. Chúng tôi chỉ thi hành bản án thôi. Tôi xin một mình chịu trách nhiệm về vụ án này. Tại sao những người như Michel, lại phải chịu tội. Còn Mary và đại tá Arbuthnot, họ yêu nhau.
        Giọng nói của Linda Arden tràn ngập căn phòng. Giọng nói ấm áp, truyền cảm đã làm rung động biết bao khán giả.
        Poirot đưa mắt dò hỏi ông Bouc:
        - Với tư cách là giám đốc của công ty, ông nghĩ thế nào ?
        Ông Bouc nói:
        - Theo tôi thì cách giải thích thứ nhất của ông là đúng nhất... Chắc chắn là như vậy. Khi cảnh sát Nam Tư đến, chúng ta sẽ trao cho họ một tờ báo cáo với nội dung như thế. Bác sĩ có đồng ý không ?
        - Dĩ nhiên. Còn về những nhận xét thuộc phạm vi Y học hình như... tôi đã nhầm ở một hai vấn đề gì đó!
        - Sau khi trình bày quan điểm riêng của tôi, thưa quý ông, quý bà, tôi xin hân hạnh báo là tôi đã giải quyết xong vụ án này.






        HẾT

        Đánh máy: casau, welcom1985, Ct.Ly,
        Nguồn:
        VNthuquan - Thư viện Online

        Comment


        • #34
          Những quyển sổ tay bí mật của Agatha Christie

          Tuấn Thảo





          Được mệnh danh là nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám, Agatha Christie là nhà văn người Anh ăn khách nhất trên thế giới trong thể loại này. Theo sách kỷ lục Guinness, tính đến nay đã có hơn 2 tỷ quyển sách của bà đã được xuất bản trên thế giới. Lần đầu tiên tại Pháp, nhà xuất bản Editions du Masque cho ra mắt Những quyển sổ tay bí mật của Agatha Christie.

          Hơn 3 thập niên sau ngày bà qua đời, dường như chưa có tác giả nào soán ngôi Agatha Christie, trong lãnh vực tiểu thuyết trinh thám. Nhà văn này được xem như là một hiện tượng văn học và được giới chuyên gia dày công nghiên cứu không kém gì tác giả Arthur Conan Doyle, cha đẻ của thám tử tài ba Sherlock Holmes. Vào lúc mà mọi người tưởng chừng như đã biết hết mọi chuyện về bà, thì bất ngờ thay vào năm 2004, người cháu ngoại của bà (Matthew Prichard) phát hiện ra các quyển sổ tay bị bỏ quên trong một chiếc rương tại ngôi nhà của bà là Greenway House, ở vùng Devon.
          Tính tổng cộng có đến 73 quyển tập như vậy, trong đó nhà văn ghi chép tất cả những chi tiết trong cuộc sống thường ngày, những ý tưởng vừa nẩy sinh trong tâm trí, cách phác họa một câu chuyện, lối tạo dựng các nhân vật hư cấu. Do là sổ chép tay, cho nên có những đoạn rất khó đọc, khi thì bị gạch xóa, lúc thì viết tắt, đánh dấu hay chú thích bằng ký hiệu. Điều đó cũng có nghĩa là tất cả những quyển sổ tay này không có mục đích được phổ biến cho người đọc.
          Vì thế cho nên nhà nghiên cứu John Curran đã mất khá nhiều thời gian để giải mã tất cả các quyển sổ tay, rồi chắt lọc tập hợp lại thành một quyển sách dày hơn 500 trang. Sau khi được phát hành bằng tiếng Anh dưới tựa đề Agatha Christie's Secret Notebooks, nay quyển sách này mới được dịch sang tiếng Pháp. Bà Marie Caroline Aubert, giám đốc nhà xuất bản Editions du Masque cho biết cảm nhận của mình về Những quyển sổ tay bí mật của Agatha Christie (Les carnets secrets d’Agatha Christie).
          Khi đọc quyển sách này, tôi khám phá tác giả Agatha Christie dưới một góc độ mới. Người ta thường nói các nhà văn ít nhiều đưa mình vào trong các nhân vật mà họ tạo dựng. Đằng này, tánh tình phong cách các nhân vật chính trong tiểu thuyết rất khác với bà ở ngoài đời. Ở trong truyện, thám tử người Bỉ Hercule Poirot luôn luôn tuyên bố : ông làm việc có trật tự và phương pháp, mọi cuộc điều tra phải được tiến hành đúng theo quy trình. Đọc sổ tay của Agatha Christie, tôi mới nhận thấy là bà không có phương pháp làm việc, một nhà văn dồi dào tư tưởng sáng tạo, nhưng lại không biết thế nào là trật tự ngăn nắp. Do hay mau quên, cho nên bà ghi chép tất cả những gì cần phải nhớ vào sổ tay, từ chuyện đi chợ cần mua những gì, cho đến ngày sinh nhật của một người bạn, những chi tiết đôi khi nhỏ nhặt, nhưng bà sợ quên nên vẫn ghi.
          Vấn đề ở đây là bà không chỉ có một quyển sổ tay, mà lại có đến hàng chục quyển khác nhau. Có quyển thì để ở trong phòng khách, một quyển khác ở trong nhà bếp, rồi phòng ngủ, phòng tắm, hay ở ngoài vườn. Khi cần phải ghi chép thì bà lấy ngay cái quyển sổ tay nào gần nhất, nằm ngay ở trước mắt chứ không hề có ghi ngày tháng, hay đi theo một trình tự nhất định nào cả. Do đó, nhà nghiên cứu John Curran buộc phải sàng lọc lại, sắp xếp các lời ghi chép theo chủ đề và giữ lại những gì quan trọng nhất đối với người đọc, chẳng hạn như các ý tưởng liên quan đến diễn tiến hay bối cảnh của một câu chuyện, tâm lý cũng như cá tính của từng nhân vật mà Agatha Christie đang xây dựng trong tiểu thuyết của bà.
          Tác giả thích giết người bằng thuốc độc
          Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều quyển tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie được dựng thành phim. Cốt truyện hấp dẫn nhờ nhiều tình tiết thú vị, kịch bản gói ghém chặt chẻ nhờ diễn biến liền mạch, lối mô tả chi tiết của bà cũng giúp cho các nhà làm phim dễ hình dung ra bối cảnh và môtíp nhân vật. Theo bà Marie Caroline Aubert, tất cả những ưu điểm đó là do óc sáng tạo khác thường của nhà văn người Anh.
          Như tôi đã nói, nhà văn Agatha Christie không làm việc theo phương pháp. Nơi bà không hề có chuyện ngồi vào bàn giấy mỗi buổi sáng rồi viết tay hay đánh máy trong vòng vài tiếng đồng hồ. Ngược lại, bà viết theo ngẫu hứng bất chợt, tư tưởng sáng tạo của nhà văn này dựa trên trực giác và linh cảm vì bà quan niệm rằng nếu quá bám theo lô gíc của câu chuyện, thì sự hợp lý đó đâm ra dễ suy đoán. Cảm hứng của Agatha thường nẩy sinh trong những tình huống mà bà bắt gặp trong đời thường, bà ghi chép nó vào sổ tay chứ không dùng ngay, và đến một lúc nào đó thì chi tiết này lại được đưa vào tiểu thuyết như thể nó cần một thời gian để được tiêu hoá nghiền ngẫm.
          Lối quan sát tinh tế tỉ mỉ của nhà văn giống như là một cái tật, buộc bà phải bà ghi chép đủ mọi thứ. Thời còn trẻ, bà làm việc trong một bệnh viện rồi sau đó trong một cửa hiệu bán thuốc tây. Điều đó có thể giải thích vì sao nhiều vụ án mạng trong tiểu thuyết của bà thường là bằng thuốc độc. Trong quyển sổ tay, Agatha lập ra một danh sách của đủ loại thuốc độc có thể tìm thấy, ở trang 21 của quyển sách bà liệt kê tất cả những nhân vật có thể trở thành nạn nhân, cũng như những nguyên nhân thúc đẩy thủ phạm ra tay giết người. Bằng cách này, tác giả muốn tạo ra sự bất ngờ nơi người đọc, bởi vì bất cứ nhân vật nào cũng có thể là hung thủ, cũng có đủ lý do để gây ra án mạng. Quyển sổ tay cũng cho thấy là đôi khi bà bỏ hẳn nhiều đoạn để viết lại từ đầu, có lẽ cũng vì Agatha Christie muốn chọn cái kịch bản khó suy đoán nhất, và như vậy buộc độc giả phải tự suy nghĩ cùng một lúc về nhiều giả thuyết khác nhau.
          Giai thọai ly kỳ về sự mất tích của Agatha
          Sinh thời, Agatha Christie tuy rất nổi danh nhưng lại có một phong cách khiêm tốn kín đáo. Tác giả này ít khi nào khoe khoang hay phô trương đời tư của mình. Nhưng theo bà Marie Caroline Aubert, nhà văn người Anh thật ra là một phụ nữ đầy cá tính. Bề ngoài có vẻ dững dưng lạnh lùng, nhưng bên trong lại đầy nhiệt huyết đam mê, một mạch nước ngầm dữ dội dưới mặt hồ phẳng lặng.
          Có một giai thoại được giữ kín trong cuộc đời của Agatha Christie mà cho đến sau này người ta mới biết. Nhưng giai thoại ấy đủ để nói lên bản lĩnh của một người đàn bà cầm bút. Số là Agatha không có nhiều hạnh phúc trong đời tư. Thời còn trẻ bà thành hôn với một sĩ quan không quân (đại tá Archibald Christie), hai người chỉ có một đứa con gái duy nhất trong vòng 14 năm chung sống. Vào cuối năm 1926, Agatha phát hiện chồng mình có quan hệ ngoại tình với một phụ nữ khác. Nhưng thay vì đánh ghen và trả đũa ông chồng ăn vụn, Agatha Christie đột nhiên mất tích trong vòng nhiều ngày liền. Vào thời đó, sự kiện này đã khiến cho dư luận bàn tán xôn xao. Báo chí tìm thấy chiếc xe của bà bị đổ ở ngoài đồng, cửa xe mở toang như thể bà bị kẻ lạ mặt bắt cóc.
          Đến 10 ngày sau, người ta mới tìm thấy bà đang ở trọ trong một khách sạn. Bà mướn phòng trọ dưới một cái tên khác lạ. Khi được hỏi vì sao, Agatha nói rằng tinh thần của bà bị suy sụp sau cái chết của người mẹ, đến nổi mất trí nhớ. Nhưng thật ra cái tên mà bà đã dùng để mướn phòng khách sạn chính là cái tên của người phụ nữ dan díu với chồng mình. Do sự kiện này được đăng tải trên báo chí, nên dĩ nhiên là chồng của bà Agatha khi đọc báo hoảng hồn hiểu ngay là vợ ông muốn nói gì. Vào lúc đó, chỉ có những người ở trong cuộc mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Hai vợ chồng ly dị đúng hai năm sau. Giai thoại này cho thấy trí tưởng tượng khác thường của Agatha Christie. Bà thường hay nói là bà bị ám ảnh bởi các nhân vật trong tiểu thuyết, và bà so sánh lối sáng tác của mình như một cái nồi đang để ở trên bếp đun lửa nhỏ, thức ăn trong nồi không bao giờ bị khét nhưng điều đó luôn buộc bà phải quan tâm canh chừng.
          Ngoài các mẫu chuyện thú vị, cũng như các chi tiết liên quan đến hai nhân vật chính trong tiểu thuyết của Agatha Christie là hai thám tử Hercule Poirot và Miss Marple, các quyển sổ tay bí mật chủ yếu giúp độc giả hiểu thêm về tác giả, với một góc nhìn từ hậu trường. Trong các quyển sổ tay, bà thường ghi chép nhiều dòng cảm nghĩ về các nhân vật chính cũng như nhân vật phụ mà bà đang tạo dựng, từ thân thế, tiểu sử cho đến tánh tình và sở thích. Điều đó phần nào cho thấy nỗi ám ảnh của tác giả đối với các nhân vật hư cấu, họ có bề dày và chiều sâu y như là người thật mà ta có thể bắt gặp ở ngoài đời.
          Tưởng chừng viết thử, nào ngờ quá hay

          Trí tưởng tượng phong phú dồi dào Agatha Christie khiến cho người đọc có cảm tưởng có mặt tại chỗ như trong quyển Án mạng trên sông Nil, (Death on the Nile) hay trong tác phẩm Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông (Murder on the Orient Express). Các cuộc điều tra ly kỳ của Hercule Poirot hay của Miss Marple tạo ra nhiều sự gay cấn hồi hộp, khiến người đọc khi cầm sách trong tay muốn đọc liền một mạch, như thể cặp mắt bị dán vào các dòng chữ sinh động. Bà vào nghề sáng tác một cách khá ngẫu nhiên : từ thời còn nhỏ Agatha Christie được gia đình khuyến khích viết văn, nhưng chỉ thật sự cầm bút sáng tác sau khi bị người chị ruột thách thức có dám chọn nghề viết lách hay chăng.
          Tưởng chừng làm thử một cú, nào ngờ trở thành bậc thầy. Khi còn sống, tác giả đã cho phát hành gần 70 quyển tiểu thuyết, hơn 50 truyện ngắn, 30 vở kịch cũng như hai tập hồi ký và nhật ký. Quyển sách vừa được trình làng của nhà xuất bản Editions du Masque còn bao gồm thêm hai truyện ngắn chưa từng được phổ biến của Agatha Christie. Điều đó làm giàu thêm tủ sách của tác giả này. Sinh thời, bà đã được đăng quang, lên ngôi nữ hoàng tiểu thuyết trinh thám. Đúng 35 năm sau ngày qua đời, ngòi bút đầy ma lực của Agatha tiếp tục hớp hồn nhiều thế hệ độc giả, trẻ cũng như già.




          Comment

          Working...
          X