Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

    Nhật Ký Tháng Tư






    Trên đường từ nhà Dì ra bến xe, hít thở không khí trong lành của buổi ban mai, sao cô thấy nhẹ nhàng thanh thản quá.

    Chả bù, ở những lần thăm nuôi trước, xe đò ngừng lại trên quốc lộ, mọi người lội bộ vào Chợ, đến bến xe để đi thêm một đoạn nữa mới đến nơi.

    Tay xách, nách mang, vội vả đi để kịp chuyến xe và kịp giờ vào thăm. Lăng xăng, lúp xúp, hì hục với những món quà thăm nuôi, chưa kể khi mang con nhỏ theo cho cha con gặp mặt.

    Con gái cô mới lên ba, nhưng lúc nào cũng muốn tiếp mẹ, mang đồ vào cho ba. Khi thì bọc banh mì xấy khô, lúc bọc mì hủ tiếu cho nhẹ, nhìn bé đi liêu xiêu mà mắt cô cay cay...

    Đến bến xe, chuyến vào Vườn Đào chỉ mới lèo tèo mấy người khách. Cô được ngồi vào băng ghế sau bác tài xế, cạnh ông già mặc bà ba đen.

    Điều nầy cô chưa bao giờ được có trong suốt thời gian đi thăm nuôi. Lúc nào cũng vậy, nhóm thăm nuôi đã đông, lại thêm đồ đạc nhiều, ai cũng muốn cho người thân mình được no đủ cả.

    Cô chỉ đơn giản hai giỏ xách đệm trên tay ( cả gia tài cô mỗi tháng đó) nên nhường bước cho mấy bác thăm con lên trước.

    Cô đã quen rồi cái tư thế: hai chân kẹp chiếc giỏ dưới sàn xe, hai tay nắm thanh sắt xe, vai thì quàng cái giỏ thứ hai. Rất tự tin theo nhịp lắc lư của chiếc xe đò, mặc sức dằn sóc.

    Và nếu có con bé đi theo, thì thế nào cũng được một bà hay cô đang ngồi giữ dùm ( tình thương của những người cùng cảnh ngộ)


    Xe đã đầy khách và chuẩn bị chạy. Cô nhìn quanh vẫn không nhìn thấy người nào khác đi thăm nuôi như mình. Cô lo lắng, rờ vào túi để yên tâm với tấm công lệnh trong đó.

    Tiếng ông Hiệu Trưởng vẫn còn bên tai: " Cô yên tâm công tác, sau khi gát thi xong, tôi sẽ cấp công lệnh để cô đi thăm nuôi liền" Và " vì ngày cô xin đi thăm chồng trùng ngày thi PT nên

    phải vậy thôi, đó là công tác chứ không phải cô không đi cho đúng ngày".....
    Xe ngừng lại để nhận thêm khách dọc đường.

    Nhìn dáng đứng của bà với chiếc lưng cong cong, cô thấy xót lòng nên nhường bà ngồi.



    Gần đến VĐ, khách xuống xe liên tục, cô ngồi lại chiếc ghế mình cho đở đôi chân, thì nghe tiếng bên cạnh:
    - Cô là cô giáo hả?

    - Dạ. Nhưng sao chú biết?
    - Nhìn cô là biết liền.


    Cô nóng bừng mặt, suy nghĩ xem nảy giờ có nói gì không...

    Từ nơi xe đậu đến cổng xét giấy tờ, cô phải lội bộ thêm một quãng đường nữa, nhưng cô đi thoăn thoắt. Cứ nghĩ đến việc

    anh ấy bất ngờ được báo có thăm nuôi là cô đã vui rồi. Lại nghĩ đến mấy ngày qua, bè bạn có quà, anh ấy đói, cô lại hối hận mình mang sao ít vậy. Cô thấy mình đi như chạy trên con

    đường gồ ghề đá.
    Cô cầm trên tay những giấy tờ cần thiết, bước lại gần cổng. Chưa kịp lên tiếng, đã nghe tiếng quát: - Chị kia đi đâu đây?

    - Dạ tôi đi thăm nuôi, tôi..
    - Đi về đi, không có thăm nuôi gì cả


    Mặc cho cô nói gì, đưa gì..khuôn mặt cậu ta đanh lại, không thèm nhìn một cái. Cô năn nỉ, chỉ cần đọc tấm công lệnh và nghe cô nói, cô có lý do chính đáng mà, cô cũng đang thi hành công tác, chứ cô đâu phải bệnh hay gì gì khác....
    Thời gian trôi

    qua còn lâu hơn giờ cho gặp nhau nữa. Cô vẫn đứng nhưng không còn nói. Lạ một điều, ngày thường cô rất mau nước mắt, vậy mà sao lần nầy nước mắt cô đi đâu cả.

    Cuối cùng cô quay ra. Về để kịp chuyến xe. Về để hối hận, ăn năn, để buồn khi nghĩ về anh. Hai giỏ xách trên tay tự nhiên to ra, nặng đến nổi cô phải buông xuống. Cô nhìn quanh quất, mong tìm được một nhân dáng thân quen nào để gửi lại, để ai đó được no lòng.


    Cô ơi! Cô ơi! Tiếng gọi trong gió, nghe như nhắn gửi. Cô bực mình vì sự hy vọng vô lý của mình. Nhưng, cô quay ngược lại vì tiếng gọi thật rõ ràng: " cô giáo ơi! Cô giáo" Trong tầm mắt cô, bóng người đứng bên cạnh hàng rào đang vẩy tay. Cô chỉ vào mình, và người ấy gật gù.


    Đến nơi cô thấy một khuôn mặt thân thiện, chiếc quần bộ đội, bên trên là chiếc áo sơ mi trắng. Một nhân dáng khá quen. Sau khi nghe cô trình bày xong, ông ta nói:
    - Họ làm theo luật chứ không cần biết gì thêm đâu. Bây giờ tôi chỉ giúp cho cô là nhận quà đưa lại cho người, cô không thể gặp mặt. Cô có chịu không?

    Dĩ nhiên là cô chịu. Cô đồng ý không điều kiện. Và mau mắn Cám ơn ông, quên cả hỏi vì sao ông ấy chịu giúp cô.


    Trên đường đi ra, hai hàng nước mắt tuôn tràn, cô không kềm chế, để mặc chúng cải nhau. Bên trái bảo chảy vì mừng tối nay anh no bụng. Bên phải bảo, chắc anh buồn bởi không gặp cô, nên ướt mi thôi.




    Ngự Uyễn ĐBVA
    Thatsonchaudoc
    sigpic


  • #2
    Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

    NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ
    CHỊ HẠNH


    Khi tôi lớn lên,chị Hạnh chỉ còn trong trí nhớ. Bây giờ tôi cũng không nhớ mặt mũi chị ra sao nữa. Chỉ còn tấm ảnh ghi chú ở bìa sau: Chị Hạnh và em.

    Trong hình là cô gái ốm yếu, tóc uốn quăn, đang âu yếm nhìn đứa bé. Chị Hạnh và tôi của thời thơ ấu đó.

    Mấy mươi năm qua, tôi vẫn nhớ, thêm nữa gia đình tôi hay nhắc chuyện ngày cũ, thời thanh bình êm ả, giã gạo hát hò dưới những đêm trăng. Ngày ấy, gia đình tôi sống ở một quận lỵ nhỏ.

    Đời sống chưa văn minh lắm, nhưng tấm lòng người dân chất phác ở miền thôn dã chan chứa tình người. Con đường chánh là con đường duy nhất chạy dài từ cơ quan hành chánh quận đến xóm Chùa.

    Một dãy phố lầu đối diện con sông, với những căn nhà sàn nho nhỏ. Sinh hoạt thành thị, hay đúng ra là khu thương mại chỉ có con lộ nầy. Số còn lại, họ cất nhà rải rác trong đất ruộng, gần gũi, tiện cho việc đồng áng.
    Tôi nghe kể lại.

    Có một ngày, người đàn bà trọng tuổi dắt cô gái đến nhà ba mẹ tôi hỏi xin việc làm. Nghe xôn xao phía trước, tôi chạy ra, bị vấp ngã. Cô gái mau mắn đén nâng tôi dậy. Có thể đó là lý do tốt để mẹ tôi nhận lời.

    Chị vừa làm một người chị để chơi trò với tôi, đồng thời cũng là người vú trẻ, quá trẻ nếu so lại tuổi đời lúc bấy giờ… Theo năm tháng, tình cảm yêu quý chân thành cũng lớn dần lên.

    Không gì bằng sự gần gũi mỗi ngày. Chị lo lắng cho tôi mọi thứ, trong lúc mà gia đình tôi nặng chuyện bán buôn, không kề cận con cái nhiều lắm. Những lúc tôi bệnh, chị là người chăm sóc cho tôi.

    Tuy còn nhỏ nhưng tôi nhận biết được tình cảm thiêng liêng ấy. Có lần tôi hỏi mẹ: Chị Hạnh có phải là con mẹ không? Trong ý nghĩ non nớt ngày ấy, tôi cho là chỉ có tình ruột thịt, máu mủ mới đưa đến sự yêu thương.

    Mẹ nói không phải, chị Hạnh là người vú em, giống như chị vú của em tôi, chị là người dưng đến ở nhà mình. Lúc đó, tôi không biết sao gọi là người dưng, hai tiếng ấy còn quá mơ hồ với tôi.

    Chỉ biết có một tình săn sóc, lo toan từ phía chị, và tôi là người thụ hưởng. Và như vậy, không cần thiết phải là ruột thịt máu mủ Bài học đầu đời của thời thơ ấu từ chị, dạy cho tôi cái tình người chân thật.
    Ngày đi học đầu tiên.

    Chính tay chị dắt tôi, đưa đến tận cửa lớp và nhanh chân chạy trốn trước tiếng khóc sợ hãi của tôi. Tôi len lén nhìn ra cửa, chị lấp ló ngoài lớp chưa chịu về. Bài học vỡ lòng cũng từ chị.
    Cứ tưởng dòng đời trôi theo như vậy.

    Nhưng không. Có một ngày cũng như mọi ngày, chị đưa tôi đi học. Sao hôm nay trông chị buồn quá, mắt chị ướt đỏ, thẫn thờ không nắm chặt tay tôi như mấy lần trước. Tôi giận chị, vuột tay ra, một mình ôm cặp đi, chị vẫn không hay biết.

    Tôi thắc mắc và nhớ lại có người đàn bà ban sáng đến tìm chị.Tôi nghe được:
    _Mầy phải về nhà, con gái lớn rồi là phải lấy chồng. _Tui không muốn về, tui không muốn lấy chồng.

    Trước sau cũng phải về, người nhà không ở, sao lại muốn theo ở với người dưng. Tôi không biết “ lấy chồng” là nghĩa gì. Cũng như chữ “ người dưng” mù mờ kia. Nhưng tôi cảm thấy chị lấy chồng là không tốt, sẽ có hại cho tôi, bởi chị Hạnh không muốn lấy chồng.

    Còn người dưng chắc phải liên quan đến tôi, vì chị Hạnh muốn ở lại với người dưng mà…
    Tôi đi một mình cảm thấy sợ, quay lại nắm tay chị: _Chị ơi, sao vậy ? Cái câu hỏi không đầy đủ nghĩa, nhưng chị Hạnh đã nói bằng nỗi lòng của chị:

    _Chị phải xa em rồi, chị phải lấy chồng cho cha mẹ vừa lòng.
    _Tại sao phải lấy chồng hả chị ? _Sau nầy lớn lên em sẽ hiểu, em cũng phải lấy chồng. _Lấy chồng là lấy người dưng ?? _Ừ.

    Tiếng ừ của chị là chấp nhận. Chị ôm tôi khóc suốt mấy ngày sau đó. Để rồi, tôi không biết tin tức gì về chị nữa. Tuổi nhỏ mau quên. Chị cũng không trở lại. Chị Hạnh chỉ còn trong trí nhớ tuổi thơ cho đến sau nầy.

    ********************



    EM, NHỮNG CON SÁO NHỎ

    Tôi không biết nói gì về những người bạn nhỏ, những cô cậu học trò ngày nào của tôi. Hai tiếng biết ơn thôi, chưa đủ nghĩa.

    Bởi vì ở đó, tôi nhận được rất nhiều, nhiều lắm. Không chỉ là sự kính phục với người thầy dạy học, mà còn là sự ấm áp của một tình thân. Các em đối với tôi không phân biệt trai gái, qua từng năm học.

    Bạn bè đồng nghiệp thường trêu bảo tôi là người có nhiều đệ tử nhất. Thật vậy, bên tôi lúc nào, bao giờ cũng có những con sáo nhỏ đó.
    Nhớ ngày mới ra trường, nhận nhiệm sở ở một vùng ven biên.

    Các em nam sinh đã làm đỏ mặt cô giáo trẻ, thay phiên nhau chất vấn lý lịch cá nhân. Nhưng rất mau, tôi là người duy nhất được các em mời tới tham dự buổi tiệc chia tay, để lên đường nhập ngũ.

    Nói sao hết cảm xúc ngày nầy. Thời điểm của năm 1974 sôi động, trên khắp chiến trường đều vang tiếng súng, người tôi yêu dấu còn miệt mài ở chốn ba quân, tôi nói được gì với các em ngoài câu chúc lành.


    Từ thuở đi học cho đến ngày ra trường. Bước chân vào đời, tôi còn được sống trong sự nuông chìu bảo bọc của gia đình và của Anh. Cho đến ngày đất nước hoàn toàn thay đổi. Mọi người chung cùng mệnh số.

    Thanh niên cả nước đi tù. Anh đi tù. Cũng như mọi người đàn bà miền Nam VN, tôi phải chuẩn bị cho mình và đứa con mới mười tháng tuổi, một đời sống mới.

    Tôi cảm thấy lo sợ, mất tự tin, lúng túng. Tôi có gì ngoài số vốn học hành trong trường, một ít kinh nghiệm trong giảng dạy.

    Cuộc đời chông gai, sóng gió bên ngoài, tôi chưa từng đương đầu, chưa phải là đối thủ nếu phải chịu đựng. Tôi không có tiền để nhảy ra thương trường và cũng chẳng yêu thích gì về mặt nầy.

    Bấy giờ, chỉ còn tiếp tục việc dạy học để mưu sinh, ở yên chỗ thăm nuôi chồng, và dạy con nên người.
    Tôi tiếp tục con đường mình đi, nhưng với mọi sự bắt đầu.

    Cái gì cũng khác ngày trước. Tôi cố quên hết những bài thơ, câu văn ngày nào, để nhồi nhét vào đầu óc những câu giáo khoa viết sẵn.

    Vậy mà, các em học sinh của tôi cũng thông cảm, và càng đến gần tôi hơn.
    Ngày trước, các em đến với tôi vì tôi còn trẻ, tự nhiên, không kiểu cách.

    Tôi thật sự trân trọng những ý kiến của các em, nên chúng tôi gần gũi và thông cảm nhau. Các em muốn được tâm tình, muốn được hiểu biết…

    Nhưng bây giờ, các em đến gần tôi, nhằm vào việc chia sẻ những cơ cực về mặt tinh thần lẫn vật chất của tôi. Tôi biết cái thế của mình. Các em cũng biết vai trò tôi hôm nay. Là những nhẫn nhục chịu đựng qua ngày đoạn tháng. Tôi biết lắm.

    Tôi hiểu rất rõ những tâm tình ấy. Làm sao tôi quên được những ngày lao động đầu tiên. Vét kinh trên tận biên giới Kampuchia, đi tàu gần một ngày, đêm ngủ ngoài trời, mưa ướt cả lều, sáng dậy ra đồng.

    Khi nhìn thấy tôi trong bộ bà ba đen, đầu lại quấn khăn, tay cầm chiếc xẻng, tụi học trò chủ nhiệm bảo cô vẫn không giống người nông dân. Các em muốn cho tôi đừng buồn, nhưng lại càng làm tôi khó chịu.

    Các em lăng xăng làm hết mọi việc cho tôi. Tôi phát cáu, vừa tức, vừa cảm động, bật khóc. Tôi chưa đủ sức hòa vào đời sống lao động, chân lấm tay bùn…

    Các em lặng thinh, một vài tiếng nói nhỏ nhẹ. Thôi cô, đừng buồn làm gì, rồi sẽ quen đi. Tôi biết chứ, rồi sẽ quen đi, hay rồi sẽ quên đi mọi thứ mọi điều.


    Làm sao tôi không nhớ, những đêm đi dạy Bình dân học vụ.

    Đường khuya vắng, buồn tênh lẫn sợ sệt. Với Lê, Lý cận kề để an tâm băng qua sân vận động trước khi đến trường. Những Huỳnh, Nguyễn theo sau nói cười cho quên ngày tháng.

    Trong tình thân các em, tôi thấy mình tìm gặp lại cái hạnh phúc ngày nào. Ngày xưa ấy, bên cạnh Anh, tôi như một công chúa nhỏ, chẳng phải lo lắng gì. Anh chu đáo dặn dò khi ở xa, và làm tất cả cho tôi khi về phép.

    Anh tập cho tôi thói quen phụ thuộc vào Anh. Tôi không thể tưởng tượng được, mình sẽ như thế nào khi không có Anh bên cạnh. Vậy mà, điều không tưởng ấy lại xãy ra.

    Và tôi vẫn có thể đứng vững, lại gồng gánh thêm Anh, con và cha chồng.
    Tôi thật không thể được, nếu không có ba mẹ, anh chị em yêu thương đùm bọc, lo cho từng gói quà khi đi thăm nuôi chồng, săn sóc con thơ khi tôi dạy xa nhà.

    Bên cạnh đó, bạn bè và các em san sẻ, an ủi tôi về mọi mặt. Những trái bầu, bí, ớt, cà, xanh tươi là công lao của thầy trò chúng tôi trên những luống đất cằn cỗi, bên cạnh khu nhà tập thể.

    Mỗi buổi chiều, sau giờ tan trường, các em thay phiên nhau vào chăm sóc, để chúng tôi “ cải thiện đời sống”.
    Tôi bây giờ, phải loay hoay với mấy đồng bạc trên tay, để mua thức ăn về cho một tập thể giáo viên trong khu.

    Một ký cá linh để kho một nồi với thật nhiều nước. Một ký rau muống, luộc lấy nước làm canh, rau chấm nước cá, dầm ớt thật cay lấp đi mùi tanh.

    Hoặc một nồi canh giá hẹ tàu hủ cho rẻ tiền. Anh Đức bảo tôi, sao lần nào đến phiên, chị cũng cho ăn cỏ vậy? Tôi cười trừ, nghèo mà anh. Và tôi làm sao quên được, những buổi ăn đầy tình cảm gia đình trong nhà Huỳnh.

    Khuôn mặt dì Sáu hiền từ, bé Nhan dễ thương, gắp cho tôi thật nhiều thịt, để bù lại những ngày kham khổ. Ở đây, tôi có một đời sống gia đình tạm gởi, nhưng ấm áp vô cùng.


    Làm sao tôi quên được. Những khuôn mặt của các em, một hàng ngũ mới, cũng những con sáo bao quanh, khi đổi về trường cũ quê nhà.

    Ở đâu tôi cũng có một tình thân, có những niềm vui, cùng những lo âu hãi sợ. Làm sao tôi quên được cái đêm giao thừa năm ấy, một mình bên đứa con nóng sốt.

    Điện không có, dưới ánh đèn dầu leo lét. Tôi lo sợ không biết làm sao. Nước đá không có, chỉ đắp nước lạnh. Thuốc men không phải dễ kiếm ở tình hình lúc bấy giờ…Nghe tiếng gõ cửa, tiếng gọi cô ơi.

    Tôi mừng rú lên. Học trò đi chơi khuya, đi xông đất nhà cô, hay gì đi nữa, lúc nầy tôi cần có người phụ giúp.. Mở cửa. Khuôn mặt ba đứa học trò thân thương.

    Thấy nhà cô còn đèn cúng, giao thừa mà nên vào thăm cô cái giờ rất ư là đầu năm…muốn nói tiếp, nhưng thấy khuôn mặt tôi và cháu bé, chúng đâm hoảng.

    Tôi không muốn đưa bé đi bệnh viện lúc nầy, nên một đứa ở lại, hai đứa chạy về nhà cầu viện. Cũng may, gia đình hai đứa bán thuốc tây, cái nghề nhiều người sống theo tình hình lúc bấy giờ. Một lát sau, thuốc men đủ đầy.

    Tôi cũng không còn biết gì hơn, cho bé uống thuốc theo lời dặn của người ơn. Trong đêm khuya, cái đêm giao thừa đáng nhớ của một đời làm mẹ.

    Không có ai, không còn ai lúc nầy, chỉ có tình nghĩa cô trò.


    Những ngày không có Anh kề bên. Tôi có các em, có đời sống bên gia đình các em. Đã tạo cho tôi một tình cảm chân thật trong đối xử.

    Cuộc đời có những bất hạnh, nghiệt ngã chung, nhưng ở đâu tôi cũng có hạnh phúc. Đó là sự sống thật lòng.


    Ngày xưa. Chị Hạnh đến với tôi, có thể vì hoàn cảnh sinh kế nuôi thân. Tôi đến với các em vì nghề nghiệp. Ở chị Hạnh, tôi được yêu thương tuổi nhỏ. Ở các em, tôi là người cô, khác gì chị Hạnh.

    Khác chăng, tôi được đền bù từ những con sáo sắp bước chân bay nhảy ra cuộc đời. Các em đã đứng chung về một phía của người thua cuộc, của bất hạnh bất ngờ đổ xuống trên vai một người đàn bà.


    Bây giờ, tôi không còn đứng lớp gần gũi các em. Mỗi người mỗi ngã, chí hướng, sự nghiệp. Thật ra, có muốn cũng đâu cưỡng nổi thời gian, huống gì những đổi thay trong cuộc đời mạng số.

    Chị Hạnh ra đi từ thuở ấu thời, không bao giờ trở lại để biết tin nhau. Tôi cũng ra đi, biết bao giờ sống lại một thời xưa cũ trên miền đất quê nhà.

    Ở đây không còn là cô của ai, không còn bên tôi những thật thà, thẳng thắn trong nghĩ suy của tuổi mới lớn. Có chăng là những bất chợt tình cờ, từ một tiếng gọi cô của người học trò cũ. Còn có tiếng gọi, xưng em, là còn có hoài niệm một thời đã qua.


    Tôi biết chính mình, tôi mang ơn từ những tình cảm biếu không ngày đó, để hiểu một điều.

    Ở đâu, chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung rộng mở, một con người với nỗi từ tâm. Tấm ảnh chị Hạnh của tôi. Và em, một tấm ảnh cô trò ngày cũ. Biết đâu sẽ chung cùng câu nói.

    Bây giờ cô chỉ còn trong trí nhớ rất xa.


    Ngự Uyễn ĐBVA
    Thatsonchaudoc
    sigpic

    Comment


    • #3
      Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

      CÕI RIÊNG MÌNH
      (Riêng tặng Phú Châu)


      Mùa Xuân năm rồi, qua khung cửa sổ, tôi chợt thấy một chiếc lá xanh đang cầu cứu.

      Các bạn có lạ không ? Thật đấy.

      Chiếc lá non, mơn mởn, mọc từ thân cây bạc mốc cao vời vợi, đang uốn mình trước làn gió mạnh. Gió chậm lại, lá ngừng run.

      Gió như chọc ghẹo cô nàng lá ra đời không đúng chỗ, nên khi nhanh khi chậm vờn quanh chiếc lá.

      Tôi bồi hồi theo dõi, chẳng biết phải làm sao. Lòng nao nao vì sự sống còn của lá, cái dũng cảm chưa đủ, còn phải đương đầu bao hiểm nguy…Ngày hôm sau, chiếc lá không còn, tôi như hụt hẫng…


      Mùa Xuân năm nay, tôi nhìn thấy Nó. Cũng màu xanh nhưng mặn mà và rất mạnh mẽ, bám chặt vào thân cây một cách vững vàng oai vệ, bên cạnh là chiếc lá non màu vàng tươi.

      Cả hai đang dung dăng trứóc gió, tự tin bảo vệ được nhau. Tôi như bắt được của quý, nhìn mãi nhìn hoài…

      Con số 3 trước mặt, được gắn vào chiếc lá non vàng, được ôm ấp bởi sự ấm áp của chiếc lá xanh tươi.


      Cả một khung trời kỷ niệm ùa về. Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm ( không biết mấy tuổi nhưng sao mọi việc xày ra tôi đều nhớ rõ ) Quê nội tôi ở một quận nhỏ ven biên, tôi cùng đúa em ở với Má trong căn phố to và dài.

      Anh và chị theo Ba ra Tỉnh học, thỉnh thoảng Má đưa chúng tôi ra thăm.

      Cuộc sống thật êm đềm và hạnh phúc. Cứ đến chiều Ba Mươi Tết là chị em tôi được mặc đồ mới, đứng đợi Ba về để có lì xì.

      Chiếc áo đầm sọc xanh cùng mái tóc cắt ngắn không hợp với dáng cao ngoằng của tôi. Trong khi em tôi mặc chiếc áo đầm trắng có hoa, tóc cột hai búi thêm nơ đỏ, khuôn mặt thiên thần, trông rất xinh.

      Má thường bảo em có mủi giống Nội nên đẹp và lại nói chuyện hay, nên Má thương em lắm. Em ngủ với Má, nhưng khi chị về thì em phải nhường vì Má bảo tội nghiệp chị đi học xa.

      Tôi rất thích ngủ với Má, nhưng không cà nanh với em, với chị.

      Chỉ biết buồn một mình, không dám nói cùng ai.


      Rồi một ngày, cả quê tôi náo loạn . Đêm cuối tuần, có đoàn hát đến diễn, cả chợ đều đi xem. Lựu đạn nổ. Nhà nào cũng có ít nhất là một người bị thương.

      Sáng sớm, mặt trời chưa dậy, tiếng người la, kẻ gọi vang lừng trong việc chuyển bệnh nhân đi nhà thương Tỉnh.

      Tôi ôm em và nhìn theo Má ra xe. Em cùng Má đi xem hát, nhưng được Má ẳm trong lòng nên không sao, chân Má bị thương phải điều trị.

      Một ngày thật dài không có Má bên cạnh, em lại khóc đòi Má, tôi quýnh cả chân tay….Sau đó chúng tôi được đi thăm Má, chung quanh có các dì Phước mặc đồng phục trông rất uy nghi.

      Tôi ôm Má thật chặt, cũng chẳng biết nói gì !!.


      Bởi thương chị nên Má dẫn chúng tôi ra Tỉnh ở luôn. Và tôi được đi học. Gia đình tôi đoàn tụ, có Ba Má, Anh Chị Em đủ đầy. Hạnh phúc biết bao. Thỉnh thoảng cuối tuần, chúng tôi được về quê chơi.

      Ngồi trên xe suốt hai mươi bốn cây số, vừa đủ cho cái bụng tôi làm reo. Thì nhìn kia, trước mắt chúng tôi hiện ra dãy nhà ngói đỏ, từ từ rõ dần. Tôi tỉnh tuồng lại, chồm về phía trước một chút. Xe quẹo phải vào chợ, chúng tôi ùa xuống chạy về nhà.

      Ngôi nhà thân thương, với chiếc máng xối bên hông nhà mang cho chúng tôi những phút giây tắm mưa thật vui nhộn. Căn nhà dài, chia ba gian.Gian đầu có lầu là nơi chúng tôi ở.

      Kế đó là nhà bếp, với không gian thật thoáng và sáng bởi không có gì chắn bên trên. Gian kế bỏ trống vì ngày trước Nội ở, cái không khí thật nặng nề bởi sự hiện diện của chếc quan tài Nội để sẳn chờ ngày trăm tuổi.

      Gian cuối cùng rất rộng, cũng trống không. Dù Nội đã mất, nhưng chiều dài của hai gian nhà sau vẫn làm chúng tôi sợ, mỗi lần có dịp để đi vệ sinh là chúng tôi phải kéo cả lũ, hát hò lung tung ( mấy anh chị lớn cầm đầu ).

      Phía sau nhà là những chiếc cầu lộ thiên, bắt trên những thanh gỗ. Qua bên bờ kia là cánh đồng nhỏ, nơi đó có tuổi thơ tôi theo bạn đi mót lúa, chạy thả diều khi gió hiu hiu….


      Ngôi nhà Nội, tôi ở không lâu, chỉ có mấy năm của tuổi thơ.

      Vậy mà sao tôi vẫn thấy hoài trước mắt những chuyện ngày ấy, như mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Ở đó tôi có sự ấm cúng của gia đình, có kỷ niệm một thời thơ ấu với đủ đầy trò chơi.

      Tôi có ba chị em gái, với em xinh, chị đẹp. Có anh trai rất mực thương tôi. Có ba má lúc nào cũng lo lắng chúng tôi. Và nhất là bây giờ, ngôi nhà ấy cùng cả dãy nhà trên quê không còn nữa.

      Tất cả đã thành bình địa. Nơi đó bây giờ ra sao ?? Mọc ra một khu chợ sầm uất hay một siêu thị hiện đại.

      Một ngôi trường công dành cho trẻ em nghèo, hay một bệnh viện điều trị bệnh nan y. Một nhà dưỡng lão hay một viện mồ côi…


      Ngự Uyễn ĐBVA
      Thatsonchaudoc
      sigpic

      Comment


      • #4
        Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

        NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA


        Đã qua rồi, ngày 6 và 7 tháng Tư năm 2013. Hội Thân Hữu Châu Đốc vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức họp mặt bè bạn, nhân mùa Anh Đào nở rộ tại thủ đô.

        Cũng như bao cuộc gặp gỡ khác, chúng tôi cũng lo lắng, dự trù, chuẩn bị cho ngày ấy một không khí vui nhộn, đầy nỗi nhớ… Và với tâm tình của những người xa xứ trên các tiểu bang nước Mỹ, chúng tôi đã tìm đến nhau, trước lạ sau quen, tay chào miệng nói, dù chỉ với câu :

        “Ở Châu Đốc, vùng nào vậy ?” _ Ở Tịnh Biên… _ Ở Cái Dầu… Ở khắp các vùng trên địa phận Châu Đốc, không quen biết nhau, giờ qui tụ về một điểm, lại thấy như quen từ thuở nào !!! Rồi những lần xe đưa rước các người từ khách sạn tới điểm hẹn càng làm gần nhau hơn.

        Chúng tôi đến từ NewYork, North Carolina, Florida, Georgia, Texas, California, và nhiều nơi khác, với tấm tình vui chơi và chia xẻ.


        Hội có cho ra đời quyển sách Thân Hữu, cây nhà lá vườn, với giá bán 10 đô la một quyển kèm theo 5 tấm giấy số may mắn ( có đến 21 giải thưởng, từ TV đến dụng cụ nhà bếp, cả game chơi…) Chúng tôi ủng hộ sách vì thích và cũng vì muốn may

        mắn ( một anh bạn NY đã mang về chiếc TV ) Có anh đưa 20 đô chỉ lấy một quyển sách, Hội không chịu, thế là anh phải nhận thêm một quyển hoặc ký sổ vàng tặng Hội 10 đô kia.

        Anh ngâp. ngừng bảo chỉ là 10 đô thôi. Nhưng tấm tình anh dành cho còn nhiều nữa kìa.!! Cám ơn anh. Cám ơn các anh chị đã tặng quà xổ số. Và đặc biệt cám ơn Cô Hoàng Giáp đã gởi tặng cho mỗi hai người một phần quà nho nhỏ trong toàn buổi tiệc.


        Năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, nên phần thu quảng cáo cho báo không thuận lợi. Hội lại chủ trương không thu niên liễm, tài chính chỉ còn một ít của năm cũ. May nhờ các anh chị đồng hương giúp dùm. Cám ơn Anh chị Hưởng (Ideal Homes

        Realty Inc ) Anh chị Tài ( Ngọc Long Jewelry ) Anh chị Peter Nguyễn ( Linh Gems & Jewelry ) Anh Phúc ( Le’s Engraver Inc ) Và ông chủ nhà hàng New Fortune. Đã nhận cho một trang quảng cáo trong báo Hội.. Nhân đây cũng cảm ơn những bạn ở

        xa về đã ký sổ vàng cho Hội : Anh chị Đoàn Đông- Lộc Tưởng, Anh Phước Nhương, Anh chị Biết- Lang, Chị Không Lê, Anh chị Khánh- Lệ, Chị Thanh Phương, Anh chị Ngà.

        Và đặc biệt là Hội THCĐ vùng Georgia. Nơi xứ mình xin cám ơn Anh chị Lý Hận, Anh chị Nghĩa,và đặc biệt Anh chị Tạ duy Phương đã tặng chiếc TV để làm quà trúng độc đắc trị giá gần 300 mỹ kim.


        Về việc thực hiện báo, nhằm lúc anh HZD dưỡng bệnh (sau khi mỗ) nên một mình anh Vũ Thất phải lo toan báo TH. Từ việc chọn bài vở gởi đến, cho đến đem in ấn cũng khá bộn bề.

        Nhưng may có anh Dư Thích tiếp tay về phần layout. Cuối cùng sách ra mắt, trong mong chờ của mọi thành viên… Ngoài ra, ban nhạc Trùng Dương, với số lượng đông đảo, cùng nhiệt tình của tuổi trẻ, ban nhạc và ca sĩ đã đem lại cho buổi tiệc những

        phút giây thoải mái và hào hứng, làm mọi người quên về ( dù là đêm Chúa Nhật ) Cám ơn cả ban nhạc Trùng Dương.. Cũng cám ơn Nhà Hàng đã cho món ăn ngon và những phục vụ tốt.

        Cám ơn mọi người đã đến với buổi Hội, từ khách đến người tổ chức. Cám ơn!!! Bởi vì, chúng tôi còn có lần sau như thế không ??? Nhìn chung buổi họp mặt khá thành công, về mọi phương diện. Đương nhiên cũng phải có những sai sót nào đó, mong

        mọi người bỏ qua. Cái day dứt ở đây là tâm không yên. Đây không là lần đầu, mà đã 5 lần tổ chức như thế. Lần đầu tiên vào 22/2/1992 tai Women Club. Lần hai vào 1993 taị trường

        Kenmore. Lần ba và cũng là lần ra sách TH đầu tiên vào 23/5/ 1998 tại Hunan Palace Restaurant.. Lần thứ tư vào July4/2004 ( Rất là đông vui, dủ mặt mọi người ). Chưa kể lần ra mắt sách ÔTSS của HZD có mặt nhà thơ Giang Hữu Tuyên giới thiệu tác

        phẩm . Ở những lần đã qua đó, chúng tôi có những háo hức của lớp người trẻ đang tìm lại nhau sau bao năm thất lạc. Thật vô tư, không vụ lợi, thật nhiệt tình.

        Không như những hội đoàn khác, chúng tôi không lập điều lệ, không kết nạp thành viên, không đóng niên liễm… Chúng tôi, tất cả người CĐ, nhất là học sinh CĐ, gặp nhau khi có dịp để tâm sự vui buồn, giúp đở nhau khi cần trên xứ người. Thế thôi.

        Và sau đó. Với sự giúp đở của GĐ chú Ba Quới, Anh Sáu Hưng, Anh Sơn…Chúng tôi còn có sự cố vấn của ÔB. Phương, ÔB.Giai. Sự hài hòa vui nhộn của cặp xổ số Tài- Lý Hận..

        Sự dịu dàng êm ái của MC. Lan- Phước. Và bạn bè đủ mặt từ Anh Trường, Anh Hớn, Anh Khởi, Anh Phùng…Ca nhạc có Anh Đoàn, Anh Tiên giành nhau…Có vợ chồng anh chị Hiệp đủ đôi.

        Có mấy cháu nhỏ giúp bán sách, văn nghệ giúp vui. Còn có Thầy cô Hiền, Thầy Huỳnh, cô Tùng từ xa tới. Có Anh Khoa, Nguyệt Vân. Có Lê, có cô Năm từ Montreal đến…Nói sao cho hết nỗi vui ngày ấy…


        Để rồi hôm 6/4 đứng trứơc sân nhà chị Hiệp, hình ảnh Mr. Lowman với hai tay nâng ghế, giúp dựng trại ngày nào hiện ra, Anh không ngại ngần giúp bất cứ điều gì , bây giờ Anh không còn đây mà mọi người vẫn vây quanh.

        Đến với buổi tiệc, vẫn cứ thấy cái mĩm cười quen thuộc của Chú Ba Quới,. Không ngại mình lớn tuổi, chú đến với mọi người bằng thân tình làm ấm lòng kẻ xa quê. Khuôn mặt nghiêm trang mà dễ chiụ của Chú Ba Phương vẫn đâu đây.

        Và thầy Giai với nụ cười trên môi cùng những động tác rất lịch sự. Những khuôn mặt lúc nào cũng đúng giờ, cũng hiện diện đều đặn như khích lệ, như ủng hộ tinh thần mọi người. Tiếng “ vô, vô “ của Lê như đang mở màn cho một ly rượu mừng khai mạc buổi tiệc. Lê ơi, mầy có tới ??


        Những người lão thành đã ra đi. Những người lớn tuổi bắt đầu bệnh, hay hạn chế không muốn tiếp xúc bên ngoài. Có còn bao nhiêu người để làm việc nầy??

        Và liệu những năm tháng tới, thế hệ trẻ có tiếp nối, chịu làm người bạn đồng hành, tổ chức những lần họp mặt, để cái tình đồng hương còn gần gũi trên xứ người.


        Ngự Uyễn ĐBVA
        Thatsonchaudoc

        sigpic

        Comment


        • #5
          Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

          CON ĐƯỜNG XƯA, NGÔI NHÀ CŨ …


          Đó là con đường thẳng và dài nhất của quê Nó. Bắt đầu từ tiệm rượu Vĩnh Phong Long kéo dài đến sân bay, dọc theo liên tỉnh ….

          Con đường dài mang đến ba tên : Trần Hưng Đạo, tên vị danh tướng, được kéo dài từ trên tiệm rượu, qua dãy nhà Mỹ, thành CB, đến chợ gà bên cạnh chiếc cầu sắt.

          Một chiếc cầu sắt khác, bên cạnh bến phà Châu Giang, và Viện Chủng Sinh, xuống nữa là Nhà Thờ, kéo dài tới sân bay mang tên vị vua nhà Lê ( Lê Lợi ) Khoảng giữa hai cầu sắt là con đường mang tên vị vua nhà Nguyễn.

          Đường Gia Long, với những tà áo trắng e ấp bởi gió Cồn Tiên đưa vào, thướt tha trên nhịp cầu ở những buổi tan trường, đã làm nên bao vần thơ thời ấy.

          Nối tiếp là chốn lao xao của đời thường : Chợ Cá với không khí bán buôn, sinh động ở buổi mai. Và chiều lại, ánh mặt trời phản chiếu trên dòng sông Hậu một màu rực đỏ, từng chiếc phà đưa rước trên bến đò Châu Giang, vẽ thành bức tranh tuyệt mỹ.

          Đêm đến, hai hàng cây bên đường châu đầu nhau, thầm thì tâm sự, gió nũng nịu xen vào, tạo tiếng động làm chim trong tổ giật mình bay vụt lên.

          Không chỉ có vậy, con đường Gia Long còn có ngôi Chùa Ông, Đình Thần. Có Bưu Điện, sân Tenis. Có Tòa Hành Chánh, Tòa Án. Có Sân Vận Động, Bệnh Viện. Và có chiếc cầu sắt mang tên Cầu Lò Heo với quán cháo lòng thật nổi tiếng.

          Đường Gia long. Con đường có ngôi nhà mang số 49. Nơi đó, ở mỗi chiều có người con gái luôn ngóng trông, từng cánh thư từ KBC 3013 theo lời hẹn ước.

          Hình ảnh chú phát thư trên chiếc xe đạp với nụ cười thân thiện, cái lắc đầu nhẹ của chú làm buồn giăng mắt ai, và má đào phơi phới khi từ xa nhìn thấy chú gật gù.

          Chú là người công chức rất mẫu mực, luôn đúng giờ và mang lại niềm tin yêu cho chúng nó, những cô cậu đang tập làm người lớn.

          Cũng ở nơi đó, cách mấy năm thôi, mấy nhóc con mỗi sáng nào cũng nhâm nhi bánh mì thịt của Bà Hai bán trước tiệm giày Văn Xê, bánh mì bình dân nhưng không chê đâu được, mà lại mắc ghiền.

          Bà Hai bán rất đắt, bên cạnh Bà thỉnh thoảng có hai cô cháu gái rất xinh, mặc màu trắng như áo của Bà, trông rất thanh nhã…


          Ở thời gian đó, nền kinh tế nước nhà đang phát triển, bên dòng sông Hậu hiền lành, việc bán buôn cùng nước bạn cũng thuận chèo mát mái.Trên bờ tràn đầy hàng hóa từ các nơi tới, dưới sông tàu bè tấp nập chuyển hàng đi.

          Các bến đò luôn bận rộn với các chủ ghe. Các địa danh Bình Di, Vĩnh Xương, An Phú…trở nên quen thuộc trên các tờ hóa đơn.

          Các nhóc được dịp chạy nhảy trên những bao hàng bày la liệt, thỉnh thoảng thò tay móc mấy trái chà là trong các bọc bị rách, chia nhau ăn trong niềm vui tuổi nhỏ.

          Rồi khi chiều xuống, vỉa hè trống vắng, người lớn bắt ghế ngồi chơi, tụi nhỏ chạy nhảy, bày đủ trò, đủ kiểu ra đó, cho đến khi đèn đường bật sáng, tiếng gọi vào nhà vang lên ơi ới, không gian yên tịnh trả lại cho màn đêm.


          Từ ngôi nhà ấy, đứa con gái mới lớn bày đặt làm thơ viết văn gởi báo. Và lần đầu tiên, lại thật bất ngờ, cô bạn văn thơ chưa từng biết mặt, Hoải Dân từ Phú Nhuận tìm đến vào một đêm khuya mà không hẹn trước.

          Nó thật sự lúng túng và lo sợ trước đôi mắt dò hỏi của Má, nhưng may mắn Ba đã nhẹ nhàng bảo dọn cơm và mời bạn ngủ đêm.

          Nó thầm cám ơn Ba. Nó nhớ đây không là lần đầu tiên Ba đã giải vây cho Nó. Vào một trưa hè nắng hanh hanh, vừa nghe tin có bạn tìm, nó chạy ào xuống lầu.

          Ơ kìa! một gả con trai ăn mặc tươm tất đang đứng đợi ( chuyện lạ nha, từ trước đến giờ, nó chưa bao giờ thấy ai cả gan vậy, lại đi một mình nữa )
          -Có chuyện gì ?

          ( Nó lúng túng chẳng biết xưng hô ra sao )
          - Cho vô nhà đi, sẽ nói sau ( Hắn ta cười cười trả lời )Nó không biết tính sao vì nhà cửa chật chội, lại thêm sợ Ba la, và đủ thứ khác mà lần đầu tiên Nó gặp phải…- Sao không vào trong, đúng giữa nhà nói chuyện à ( tiếng Ba vang lên làm Nó bớt lo )

          Sau khi ngồi yên nơi phòng Ba thường tiếp khách hàng. Hắn đặt lên bàn một phong thơ. Nó chới với và nhìn xung quanh ( lại thư gì nữa đây, Ba gặp là chết )

          Hắn bảo mở ra xem đi. Trong đó là hai tấm ảnh chụp chung của ba đứa con gái mặc áo dài trắng, tay ôm cặp. À thì ra, cái hôm được nghỉ hai giờ chót, Nó cùng hai đứa bạn lên xe lam vào cúng Chùa Bà Chúa Núi Sam.

          Theo dòng người đi Lễ Hội, chúng nó cũng leo núi, đi loanh quanh không mục đích. Mệt và khát vì có chuẩn bị chi đâu, tình cờ gặp được hai chàng quen với bạn Nó, rồi họ làm quen, và chụp cho tấm hình làm kỷ niệm.

          Chuyện đã lâu vậy mà bây giờ…May mà sau đó Ba không la rầy . Chắc Ba nghĩ Nó đã lớn ( !! ) Nó lại thấy không đúng lắm, mới Tết vừa qua, chị Nó từ Sài Gòn về, mấy anh nhà đối diện nhìn sang, vậy mà Ba đã bảo chị phải vào trong, chắc Ba nghĩ Nó xấu nên không ngại chứ gì.(!!)

          Cũng ngôi nhà ấy, với balcon trên lầu, là chốn thần tiên của Nó khi đêm về. Gió thổi nhẹ, bầu trời đầy sao, dưới sông một dãy đen ngòm nhưng tràn đầy sức sống. Hàng đèn vàng vọt hai bên đường mang chất liêu trai, thi vị hóa cuộc sống của đứa con gái mới lớn.

          Hay mơ, lắm mộng, hòa quyện trong không gian chữ nghĩa tạo nên câu văn mật ngọt, lời thơ trữ tình. Nó mê man trong thế giới ảo của hai người yêu nhau và đang nhớ về nhau.

          Không một chút kinh nghiệm, mà đã trải bày tâm sự nghe như rất thật, trên những trang giấy ở mỗi đêm về. Và cũng trên balcon đó, Nó không còn cô độc, balcon kế bên nhà vừa có chủ. Cô bạn láng giềng mới dọn tới cũng là bạn học cùng lớp.

          Trước đây, chúng nó cứ ganh tị nhau từng điểm số trong lớp học nên không sao kết thân được. Bây giờ lớn một chút, lại ở gần nhau, cùng một tâm trạng muốn khám phá thế giới bên ngoài, nên dần dần chúng nó như dính chặt vào nhau.

          Thu Cầm, đứa con gái duy nhất trong một gia đình đã có bốn con trai, nên tất cả tình yêu thương đều đổ vào cô bé, nhưng sao, cô bé vẫn thấy cô đơn trong nỗi niềm, vẫn thấy cô độc trong bộn bề của gia đình.

          Cầm có khuôn mặt trái soan, những nét rất chuẩn của mắt, môi, sóng mủi dọc dừa, làm tăng vẻ thanh tú. Cô bé ít nói, nhưng bù lại có nụ cười rất tươi ( biết bao chàng trai đau tim vì nụ cười nầy !! )

          Điểm đặc biệt là Cầm không bao giờ hỏi “ TẠI SAO ?” khi tụi nó bên nhau, với gương mặt rạng rỡ hay u buồn của Nó. Hình như con bé biết hết mọi chuyện đã xảy ra, hoặc cóc cần biết để khỏi làm đau lòng người khác. Vậy mà tụi nó hiểu nhau.

          Vậy là tụi nó thân nhau.
          Giữa chúng nó đa số là im lặng. Sự im lặng đúng nghĩa, trong màn đêm dày đặc, thấp thoáng vài ánh sao trên trời, bức tường ngăn cách hai balcon, bóng hai con gái đổ dài theo màu đèn vàng vọt.

          Cho đến thật khuya. Không một lời trao đổi. Và bao giờ, Nó cũng là người thua cuộc, là người lên tiếng đầu tiên, phá vỡ khung cảnh êm đềm mà sâu lắng kia. Nó đã vào nhà. Cô bé vẫn còn đứng đấy. Với tâm trạng nào đây cô bạn??
          Mai Lang.

          Một mắt nai khác ở thời xưa đó. Bộ ba chúng nó. Con bé ở cách chúng nó một hẻm nhỏ, nhưng gặp nhau mỗi ngày.

          Chưa kể những buổi trong trường, chúng nó có gặp nhau nhưng ít chơi chung, mỗi đứa giao tiếp với các đối tượng mình yêu thích, sôi nổi ngoài sân trường, vui cười thoải mái, hay yên lặng bên cửa lớp ngắm mây trôi, hoặc thầm thì tâm sự cùng nhỏ bạn khác.

          Đôi khi không cùng về ở buổi tan trường tùy tâm trạng đổi thay. Chúng nó ngày xưa là thế đấy. Không giống ai, không giống một tình bạn thân thiết nào. Vậy mà mấy chục năm qua, trong lòng Nó, cũng như hai bạn Nó, khi gặp lại vẫn là cảm giác của ngày nào, không thay đổi.

          Chúng nó không ôm nhau, không ríu rít, không chảy nước mắt.

          Nhưng nghẹn trong tim, ngọng ở lời, im lặng như ngày nào.

          Đó là điều mà Mai Lang rất ghét, con bé bảo hai đứa bây khùng quá rồi. Và mỗi lần vậy là con bé kéo cả hai ra khỏi nhà, loanh quanh ngoài phố, nơi đến duy nhất lúc đó là quán nước đá của anh chi Đặng, bên hông trường Nữ Tiểu Học của bọn chúng.

          Ở đó, cả khung trời kỷ niệm ùa về, tụi nó có ly chè đậu đỏ bánh lọt thật tuyệt vời ở trước mặt, có âm thanh “ khoai mì chuối, khoai mì chuối muôn năm..”, hay tiếng lao xao, ríu rít của tụi nó khi trống trường vang vọng.

          Rời đó, tụi nó vòng ngang trường cũ, cố tìm một cái gì vừa mới xảy ra nhưng đâu rồi. Chúng nó băng qua Toà Hành Chánh, xuôi theo dòng xe, chầm chậm trên đường đến bờ sông của Công Viên Tỉnh.

          Nhìn bên kia là Châu Giang, với những cô gái Chàm thật xinh xắn, với những quả táo xanh nho nhỏ, với những con đường đầy bóng mát, đã lôi cuốn biết bao cô cậu học trò TKN có giờ nghỉ sang chơi.

          Đi thêm mười bảy cây số đường bộ là đến Tân Châu, quê hương xứ lụa nổi tiếng vô cùng, vậy mà vẫn là bí mật đối với tụi nó lúc nầy.

          Thơ thẩn một lát, chúng nó lại quay về. Ngang qua Bưu Điện, xuyên suốt đường Chợ Cá ( lúc nầy đã được dọn sạch ) Đến nhà xong, bắc mấy chiếc ghế ngoài sân, cầm chiếc ca nhôm chạy sang quán cà phê đối diện ( Mỹ Phương, Ngọc Phú, Văn Ngàn…)

          Đây mới là điều bắt nhớ của chúng sau bao nhiêu năm xa cách.

          Chỉ nhớ. Tiếng muỗng nhỏ được Mai Lang khuấy đều trong ca nhôm nghe lanh canh, tiếng va chạm của từng viên nước đá như đang cãi nhau. Chuyền tay, uống từng ngụm cà phê đắng, nuốt trọn vị ngọt tuổi thơ, và miên man tâm sự.

          Cho đến khuya. Chia tay. Và hẹn ngày mai.
          Tuổi thơ trinh nguyên. Với cây cầu sắt hai buổi đi về trong chiếc áo học trò.

          Gió thổi bay bay vạt áo làm mờ mắt ai. Những buổi cùng dạo trên đường, mà người nào đó đã cắc cớ đặt tên, “ Con đường mang tên em”. Những tràng cười hồn nhiên, sảng khoái trước hiên nhà. Hay ở những phút yên lặng bên chiếc balcon buồn bã. Tất cả qua đi.

          Thật nhanh. Với tốc độ chóng mặt.
          Trái đất tròn. Sau khi ổn định ở ba chốn khác nhau, chúng nó đã liên lạc lại. Qua kế hoạch hẹn nhau tại quê nhà không thành, tại Mỹ cũng không được, bởi Thu Cầm bỏ chúng nó ra đi sau cơn bạo bệnh.

          Nó còn nhớ cánh thư đầu tiên từ Úc gởi sang Hoa Kỳ. Nhìn nét chữ thân thương của mấy mươi năm cũ, mắt Nó đã thấy cay cay, dù chưa đọc được câu nào. Rồi những câu dặn dò, những lời an ủi của người đi trước nói với kẻ đến sau.

          Thấm thía nhất là: “ Cái lạnh ở đây rất tàn khốc, không là cái hây hây của gió Đông bên nhà, mơn man đôi má mầy vào dịp Tết, để mầy có dịp khoác lên mình chiếc áo len xanh ngắn tay, diện đẹp với áo cổ lọ màu đen yêu thích.

          Mầy biết không, cái lạnh theo gió luồn vào từng khe hở của thịt da, mầy không có thời gian lựa chọn, mặc thật nhiều vào, mặc cho thật ấm, từ đầu đến cổ, xuống cả tay chân, trùm kín mít và chạy vội vã tới cửa hàng, tới hảng xưởng…

          Nơi đó không có nụ cười thông cảm, không có vòng tay ấm áp. Rét run trong nỗi cô độc lẫn cô đơn…” Nó có cảm giác bạn nó đang tự nói với chính mình. Và cuối bức thư, là điều mà Nó không bao giờ quên, ray rứt với nỗi buồn…:

          “Mầy cần gì cứ nói, tao sẽ giúp hết sức mình. Đừng như tao, bây giờ tao đã có và cũng đã mất một thứ khác quan trọng hơn.”
          Nó cần gì ư ? Nhiều thứ lắm.

          Làm lại từ đầu ở một nơi hoàn toàn xa lạ, ngôn ngữ chưa thông, tay nghề không có, nên lắm gian truân. Nó không sợ những khó khăn từ bên ngoài, Nó không ngại những vất vả từ công việc. Nó chỉ sợ cô đơn.

          Cái lạc lõng trong lòng Hợp Chủng Quốc này làm Nó sợ. Chỉ cần nghe tiếng nói quê hương, dù Nam, Trung, Bắc, Nó cũng ấm lòng ( như ngày xưa lên Sàigòn học, chỉ biết là người Châu Đốc, thì dù là trai hay gái, Nó cũng chịu làm quen, như thân tự bao giờ ).


          Nhớ lại như trước đây, Nó cứ chờ điện thoại từ bên Úc. Nó cần nghe lại tiếng nói ngày xưa, cần được cười vui thoải mái sau những ngày làm việc mệt nhọc.

          Nó biết bạn Nó có thêm một bé trai khi định cư xứ người. Bạn Nó nói chuyện nhiều hơn trước, tự tin và bặt thiệp của người làm thương mãi, nhưng giọng nói có hơi khác ( lúc đó Nó nghĩ chắc tại đường dây điện thoại ) …

          Vậy mà, một buổi sáng nào đó, đang trong cơn say ngủ, Nó nghe tiếng điện thoại reo, một giọng nói nghẹn ngào: “ Cầm mất rồi!” Nó không tin tai mình, bởi từ lâu bạn Nó không bao giờ nói về sức khỏe, về cơn bệnh mình đang mang.

          Mầm bệnh được tích lũy từ những lao lực, trong công việc tìm sống cho gia đình, ăn uống qua loa, dè sẻn mọi tiện nghi cho cá nhân, tất cả dành cho người thân yêu.

          Cầm ơi, sao mầy khổ vậy !! Nụ cười mầy tươi lắm mà, không đỡ nổi kiếp nạn sao? Mầy không chịu cho tao biết để tao tìm cách sang bên ấy, nhìn lại mầy sau mấy chục năm ly biệt, giờ trở thành vĩnh biệt.


          Đã lâu lắm rồi, Nó không nhìn lại ngôi nhà cũ, con đường xưa chỉ nhìn được một đoạn khi đi về thăm quê. Cầm đã ra đi thật xa, xa khuất trong tầm tay với.

          Đôi khi Nó và Mai Lang gặp nhau nơi quê nhà, thăm bè bạn, tâm sự lung tung. Nhưng chúng nó chưa một lần đi chung lại con đường ngày xưa ba đứa tung tăng.

          Giờ không còn lon cà phê, tiếng khuấy đá leng keng, húp chung từng ngụm đăng đắng như ngày nào.

          Đã hết rồi, ngôi nhà trên phố, với hai balcon liền nhau, không bao giờ thấy lại hai bóng hình con gái, lặng lẽ bên nhau, thì thầm.

          Tất cả chỉ còn là nỗi nhớ.

          NGỰ UYỂN
          (Mùa Đông 2012-12-31)

          Ngự Uyễn ĐBVA
          Thatsonchaudoc

          sigpic

          Comment


          • #6
            Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

            Hình Ảnh Người Lính Trong Tôi


            Đang bận rộn trong bếp nhưng nghe tiếng ca quen thuộc với dòng nhạc " lính " tôi chạy vào phòng khách.

            Hai hình ảnh, tuy cùng một tác phong, oai hùng trên đầu súng thân thương, đang rót vào tai khán giả những kỷ niệm ngọt ngào.

            Có hào hùng, có phấn khích với lời ca. Nhưng mái tóc dài có đuôi của một người, so với mái tóc ngắn trên bộ quân phục màu xanh của người kia, vẫn làm tôi tiên tiếc....

            Ngày xưa.

            Tuy không sang trọng như bên Hải quân, không bay bướm như bên Không quân, không "ngầu" như bên Dù hay Thủy quân lục chiến hoặc Biệt động quân....

            Nhưng người lính Bộ binh trong tôi, lúc nào và bao giờ cũng thật hay.

            Bộ quân phục màu "trây di" bao giờ cũng thẳng nếp, hàng chữ tên họ màu đen trên ngực áo, hai bông mai đen trên ve áo, thỉnh thoảng có cài thêm phù hiệu sư đoàn 9 ở túi áo, chưa kể là đã được may sẵn trên cánh tay áo một cái thật to, màu sắc hài hoà.

            Mái tóc ư?

            Không ngắn như lúc mới vào quân trường, mà cũng chẳng dài đến có đuôi (kể cả lúc được bốc ra từ vùng hành quân để kịp về nhà rước dâu).

            Lúc đó tôi đã nhìn thấy một chú rễ lính có mái tóc và hàm râu "người rừng"........,,,,,,,Có lẽ thời gian ở bên người lính quá ít (không cho phép đến đơn vị)

            Hay chỉ muốn tôi thấy những gì thật đẹp, thật tốt của đời lính, nên dù đã bị thương mấy lần, nhưng khi gặp nhau thì mọi chuyện đã xong.

            Do đó người lính trong tôi là đẹp nhất, là nhất nhất...
            Tôi thật sự không biết người lính ấy bị đì như thế nào trong thời gian mới ra trường?

            Trong đơn vị mới có được lòng "sếp" không ?

            Trong các trận đánh nhau có gian nan lắm không?

            Lúc bị thương, lúc đồng đội chết, đớn đau như thế nào?

            Chưa kể đến việc phải hy sinh một phần thân thể như Anh Bé ở Tân Châu.

            May mà người lính ấy vẫn lành lặn cho đến hôm nay.

            Cám ơn Phật trời.

            Và bây giờ, chân dung người lính trong tôi chắc phải được vẻ lại.

            Vẫn là hình ảnh đẹp ngày nào, cộng thêm tính chịu đựng của kẻ làm trai, lòng yêu thương đồng đội thắm thiết.



            ĐBVA

            (Vài dòng Tản mạn sau khi nghe bài nhạc lính và đọc bài về Anh Võ Văn Bé)


            Ngự Uyễn ĐBVA
            Thatsonchaudoc
            sigpic

            Comment


            • #7
              Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

              ÁO TRẮNG THỦ KHOA NGHĨA
              MỘT THỜI THƠ NGÂY


              Tôi vào trường TKN sau các bạn học hai năm. Đó là vì tôi học sớm một năm, còn năm sau là do tôi khờ (nói theo kiểu của Má) hay do tôi ngốc nghếch (nói theo tôi).

              Số là khi vào thi tuyển lớp Đệ Thất, ở môn Toán, tôi gặp người Thầy gác thi, tôi mừng quá, chạy tới bên khoanh tay thưa thầy.

              Thầy như không thấy tôi, vẫn tiếp tục chia giấy thi trên từng bàn, tôi càng ngu ngơ thưa thầy liên tiếp. Thầy bỏ đi, tôi quê quê, buồn tủi…

              Thực ra, tôi đâu dốt toán, vậy mà lúc đó đầu óc tôi chỉ loay hoay với câu hỏi tại sao?? Và kết quả năm ấy tôi đã phụ lòng kỳ vọng của Cô tôi, lại bị Thầy (dạy thêm) giảng “oral” cho một mách.

              Thì ra, lúc gác thi, Thầy Cô Giám Khảo không được quyền “quen biết” với bất cứ thí sinh nào (Sau nầy khi đi dạy, cũng trong kỳ thi tuyển vào Đệ Thất, cũng môn Toán, một em học sinh, cũng ngu ngơ như tôi, đã đưa tấm nháp vừa làm xong, và hỏi tôi có đúng không?

              Tôi cũng ngốc nghếch nhìn xem, dù không biết em là ai, tôi cũng không muốn em lo ra như tôi ngày xưa, nên bảo đúng rồi, em ghi vào kẻo trễ…Vậy mà đã mấy mươi năm!)

              Ngôi trường TKN, nơi chúng tôi trao dồi kinh sử, thật là dễ thương. Tôi thích nhất là những tàng cây lớn mang nhiều bóng mát cho sân trường, hai dãy lớp song song, chia thành bốn bởi cổng trường và văn phòng.

              Từ Đệ Thất lên đến Đệ Nhất, chúng tôi lê la qua cả bốn dãy phòng, chưa kể đến năm Đệ Ngũ, trường cất thêm một dãy sau lưng Trường Bán Công.

              Văn phòng Hiệu Trưởng ở tầng trên. Tầng dưới là các Thầy Giám thị làm việc, mỗi cấp lớp có một thầy lo chuyện sổ sách.

              Dưới HT là Giám Học và Tổng Giám Thị.

              Tôi còn nhớ Thầy Hiệu Trưởng Trịnh Văn Mười Hai, đã đem không khí quân trường áp dụng, cứ mỗi sáng thứ hai chào cờ, chúng tôi phải chạy ra sân, tập họp theo lớp qua tiếng đếm trên loa, không được chậm trễ.

              Mới đầu thấy kỳ kỳ, nhưng sau lại thinh thích, có sức sống, có sôi động nên việc học tập cũng tốt hơn. Tôi nhớ Thầy Vận, Giám thị cấp lớp Đệ Nhị, Thầy hiền nhưng rất nghiêm khắc với các anh quên chút kỷ luật.

              Chiếc phù hiệu ít được may sẵn vào áo, ghim vội vàng hay trét bún, cơm vào áo khi qua cổng. Đôi khi mặc lộn chiếc quần xám (hay muốn chơi nổi?) thay vì quần xanh.

              Nữ sinh thì ít lỗi trong thời đó. Chúng tôi rất ngoan, chiếc áo dài trắng với mái tóc dài tha thướt đã buộc chúng tôi vào khuôn khổ.
              Từ năm Đệ Thất đến năm Đệ Tứ, chúng tôi thật vô tư trong tuổi đến trường.

              Ngày ấy, tôi là con bé rất dở môn Quốc Văn. Nhớ lần cô cho đề tả con mèo. Với ba phần: mở bài, thân bài và kết luận. Và tôi đã làm xong trong chớp nhoáng với các phân đoạn trên:

              Bà em cho em một con mèo, nó tên là MiMi.Mình nó dài, lông màu vàng, hai mắt sáng long lanh…

              Em thương MiMi lắm, vì nó bắt chuột cho nhà em rất tốt.
              Tôi còn nhớ lời Cô phê là phải thêm tình tiết để dẫn dắt vấn đề, bài quá ngắn. Đến năm học Kiều, Thầy Lạc hỏi tôi: Em hãy giải thích câu: Hồng nhan đa truân.

              Tôi ngập ngừng, nghe mấy bạn léo nhéo không rõ, tôi đáp:

              thưa thầy, là người đẹp thì hay chết yểu.

              Cả lớp cười to…Nhưng, với các môn Toán,Lý Hóa, Vạn Vật, Sử Địa…thì khác.

              Nhứt là môn Toán, từ thầy Huy, cô Côn, cô Tùng, thầy Huy (trán cao) thầy Nghĩa (hai thầy) đều thương. Năm thi Tú Tài1, tôi đậu hạng Bình ban B.

              Thầy Nghĩa bảo sẽ dạy thêm cho môn Tân Toán Học để đi du học ở Nhật (tôi nhớ lời Thầy và rất biết ơn,) Tôi không quên ơn của thầy Lượm và thầy Hai Để, đã cho tôi phần căn bản về toán học khi vừa bước vào trung học.

              Đó cũng là kinh nghiệm mà sau nầy tôi đã dạy kèm các em môn toán ở nhà rất tốt. Môn Lý Hóa có Thầy Chí, thầy Cổn, cô Đông, thầy Gia…Môn Pháp Văn có Cô Nhàn, Thầy Nhựt, thầy Đồng, thầy Quí…

              Môn Anh Văn có cô Mai, thầy Giao (thầy có giọng nói hiền, nhưng hay giận) Môn Văn có cô Ngọc, thầy Lạc, cô Lẹ, cô Mai, cô Thanh. Môn Triết có thầy Phiếu, thầy Lộc. Môn Sử Địa có cô Dung, thầy Tích, thầy Khánh và nhiều Thầy Cô ở các bộ môn khác…


              Việc học hành chiếm nhiều thì giờ, nhưng chúng tôi cũng còn những phút giây thoải mái ở giờ thể dục.

              Chiếc quần đen, áo xanh ngắn tay cho chúng tôi nét khỏe mạnh vào những sáng sớm đến trường tập (học chiều thì tập sáng và ngược lại) chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện huyên thuyên, làm ồn khu phố Xóm Hàng Sáo.

              Bạn bè chúng tôi rất thân và nhiều chia sẻ trong mọi chuyện, đôi khi giận hờn trong việc so bì điểm, nhưng đâu lại vào đó. Bây giờ Út Ba và Khiếm không còn nữa.

              Đối với tôi, đó là một mất mát vô cùng to lớn. Cũng như một số Cô Thầy đã ra đi!!!
              Từ Đệ Tam sang Đệ Nhất, chúng tôi mất mát khá nhiều.

              Khi chia ban, hai đứa bạn thân không chịu học ban B, một mình vào lớp nhìn sang bên kia mà thấy nao nao. Tuy nhiên, có được thêm Đông, cô bạn cao, gầy, nhưng rất mạnh về ý chí.

              Sau 1975, một mình vừa dạy học, vừa mang đòn gánh mua ve chai lông vịt để nuôi con, không nản lòng, không mắc cở.…Rồi bạn tôi rời trường về Sài Gòn từng đứa một. Rồi thi rớt, rồi học lại lớp, rồi bỏ học…

              Những nụ cười hồn nhiên, những câu nói chọc phá, từng bước một, được thay bằng nụ cười e thẹn, câu nói êm nhẹ hơn, và những đôi mắt liêng liếc cho nhau, khi tan trường sao đông hơn bởi những đuôi người.

              Khung cảnh trường cũng như ngày nào, nhưng sao nhìn thấy lãng mạn hơn, tình tứ hơn.
              Áo trắng ơi, ta yêu người.



              ĐBVA
              (Về chị Vân Khanh và nhóm bạn YAMAHAMVUI)

              Ngự Uyễn ĐBVA
              Thatsonchaudoc

              sigpic

              Comment


              • #8
                Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

                BÓNG MÁT ĐỜI TÔI


                Không biết từ bao giờ tôi nhận ra tình thương Ba dành cho tôi?

                Ở một lần về, sau mấy năm định cư xứ người, cái đêm hôm tôi đang soạn đồ đạc cho chuyến trở về Mỹ, tôi nghe tiếng động dưới bếp, nhìn lên đồng hồ đã thấy hai giờ sáng, ai làm gì vào giờ nầy?

                Tôi chạy xuống lầu xem sao.Ba đứng đó, bên cạnh bếp lò nghi ngút khói:

                - Ba đang làm gì vậy?-Ba nấu cháo cho con ăn, trước khi lên xe đi Sài Gòn.

                Nỗi nghẹn ngào dâng lên, nước mắt lưng tròng, nói không ra tiếng.

                Ba tôi đó, người Ba màMá tôi thường bảo là chỉ đứng bên ngoài phòng sanh, hỏi trai hay gái, nếu trai thì bước vào, còn gái thì quay về (ở mỗi bận Má đi sanh).


                Nhưng hình như không phải lần đó. Mà là ở buổi chia tay năm nào khi gia đình chúng tôi lên đường theo diện HO.

                Mấy lần hai cháu năn nỉ ông bà ngoại đưa ra Sài Gòn để kéo dài thêm thời gian gần nhau, nhưng Ba Má nhất định không, bảo là trong người không khoẻ, mẹ con tôi chỉ biết rưng rưng.

                Hôm sau, khi sắp ra phi trường, thì Ba xuất hiện, Ba bảo:

                “ Thấy tụi con bỏ quên mấy bức tranh, nên Ba bao xe đem lên cho”. Người cha già tám mươi hai tuổi, lặn lội qua hai chiếc phà, vượt hai trăm bốn mươi lăm cây số đường dài, chỉ để đưa con cháu mình mấy bức tranh!!!

                Ba ơi, con thật sự không hình dung được Ba đã thương con đến thế, con muốn ôm Ba thật chặt, muốn nói là con rất thương Ba, nhưng con bất động, con không dám, dù lòng con rất muốn.

                Bởi vì trong con, Ba rất tôn quí, con vừa kính nể Ba, vừa thương yêu Ba.
                Ba tôi. Người mà Má tôi hay kể cho chị em tôi nghe và luôn bắt đầu là:

                Có ai mà mới mười mấy tuổi đầu đã được giao chìa khóa cửa tiệm ? Thật đó, dù có hai người anh trai , nhưng khi Nội mất, Ba tôi được giao tất cả sản nghiệp, luôn cả việc chăm sóc Bà Nội, cùng người cô bệnh hoạn của tôi.

                Việc hiếu đễ với Bà, tôi chỉ nghe nói ( bởi Bà mất khi tôi còn quá nhỏ), nhưng với người em gái bệnh hoạn, Ba đã không phụ lòng kỳ vọng của Nội, chính tôi đã chứng kiến cảnh Ba Má lo lắng cho cô như thế nào.

                Vào những năm bảy mươi mấy, khi bọn Khờ Me Đỏ rót xuống hàng loạt pháo vào Châu Đốc, mọi người đều di tản về Long Xuyên, tôi từ Tân Châu xin phép về thăm gia đình.

                Không một chiếc xe lôi nào dám chạy lên chợ ïcả (lúc đó phà Châu Giang cập bến dưới hảng nước mắm) Tôi phải năn nỉ và trả tiền thật cao, mới có một em trai chịu chở, trên đường chỉ có một chiếc xe tôi, thỉnh thoảng nghe tiếng rít của pháo ( kinh nghiệm cho biết nghe tiếng rít là đã qua) hai chị em quá sợ, may mà không có gì để tôi phải ân hận.

                Cuối cùng lên đến Chợ Cá, cậu nhỏ bảo thôi không chở nữa, chị cũng nên quay lại đi, không còn ai đâu, và vòng đầu xe lại, tôi chỉ kịp nhét tiền vào túi áo em, rồi chạy vào hiên phố cạnh Chùa Ông.

                Từng bước chậm chạp tôi theo chiều dài con phố mà về nhà, bởi tôi linh cảm có người đang chờ tôi, con đường ngày nào ngắn và đông vui, bây giờ chỉ có mình tôi và dài kinh khiếp…Tôi gõ cửa, nhìn Ba.

                -Sao con về đây?-Sao cả nhà không đi vậy?-Má con và bé Thanh đang đợi con ở LX, con mau đi, ở đây nguy hiểm lắm.-Con muốn Ba và cô cùng đi, nếu không con cũng không đi.Ba quay mặt đi và nói:

                “ Ba già rồi, vả lại…” Tôi biết vì cô tôi nên Ba không muốn đi đâu cả, sợ làm phiền người khác, dù sinh mạng mình đang bị đe dọa. Tôi không muốn Ba thấy nước mắt tôi rơi, nên chạy nhanh lên lầu.

                Từng mảng ánh sáng phát ra từ lỗ những viên ngói bị pháo, tạo những hình thù kỳ dị trên sàn nhà, chiếc tủ áo dài bị ran mặt kính dầy năm ly, gach ngói chưa kịp quét dọn , tạo nét thê lương trước cái nhìn buồn tủi của tôi.

                Tôi trở xuống lầu, đến bên cạnh cô mình đang ngủ, cô nắm tay tôi, không líu lo như ngày nào, ánh mắt cô đầy vẻ sợ sệt, tôi không dám nhìn cô, vội đưa cô ổ bánh mì thịt, cô vui mừng và quên đi tất cả.

                Và Ba đã ở bên cô, nuôi cô cho đến ngày cô tôi mất (1982)
                Trước mắt Má, Ba là người rất có uy tín trong thương trường.

                Lúc còn mua bán lúa gạo, dù tình thế ra sao, khi đã thoả thuận giá xong là Ba không thay đổi. Lúc đổi sang bán rượu, nước ngọt, Ba không cho người làm chọn riêng những chai la ve trái khóm để làm giá, hay lên giá hàng khi vào dịp Tết. Vì vậy mọi việc làm ăn đều tốt, mọi người đều hảo cảm với Ba.

                Và nước suối Vĩnh Hảo đã chọn Ba làm đại lý cho họ. Tôi còn nhớ những ngọn đèn xanh đỏ quảng cáo chớp tắt liên hồi, gắn bên hông nhà. Ba là niềm hãnh diện của chúng tôi.

                Khi rời quê lên tỉnh để lập nghiệp. Người bạn cũng là người bà con xa rủ Ba hùn hạp, sau đó tìm cách qua mặt Ba. Ba biết nhưng không nói gì, đến khi chia lời, Ba đã đưa thêm phần tiền để ông nuôi con, ông ấy chắc hối hận nên xin rút lui. Ba sử việc thật tế nhị.

                Những điều Má nói, cùng những việc Ba làm, lúc nào cũng muốn viên tròn cho người ta. Ngày Má về làm vợ Ba, Ngoại có gởi theo một cô gái nhỏ để giúp việc nhà, sau đó lớn lên, Ba Má đem gả cho người làm trong nhà, cả gia đình họ đều ở với chúng tôi đến ngày anh ấy mất (1974).

                Một anh người làm khác, rất được Ba Má và chúng tôi thương mến, cũng chính tay Ba Má đứng ra cưới vợ cho anh và giúp anh ra làm ăn ( những ngày cuối đời của Ba Má, đều có anh

                hiện diện, và bây giờ mỗi lần tôi về, anh đều đến thăm) Tôi đã đổ rất nhiều nước mắt cho những chân tình trên và mong mọi sự an lành đến với anh.
                Ba tôi,với dáng người cao to, gương mặt nghiêm nghị, ít nói đùa, khiến người đối diện e dè.

                Ngày còn bé tôi không dám lại gần Ba, chỉ quanh quẩn bên Má hay chị vú. Mỗi lần nghe tiếng tằng hắng của Ba từ xa, là tôi nín lặng, tay chân dư thừa.

                Tôi nghĩ Ba không thích con gái thì làm gì thương được tôi. Và tình thương tôi dành cho Ba, mãi đến một đêm (có lẽ năm lớp Nhất) tôi đói bụng, xuống bếp định tìm gì để ăn, chợt thấy đèn

                trước nhà còn sáng, lần theo đó, tôi thấy tấm lưng Ba trong chiếc áo thun trắng đang cặm cụi ghi chép, thỉnh thoảng giơ tay đập muỗi.

                Tự dưng, nước mắt tôi rơi, tôi thấy thương Ba vô cùng, tôi tự hứa với mình sau nầy lớn lên tôi sẽ cố gắng làm ra thật nhiều tiền để Ba không còn cực nữa.

                Và cũng từ đó tôi thấy mình hơi gần với Ba.
                Thanh Thanh, đứa con gái bé bỏng, mới mười tháng tuổi đã xa cha. Bé là cầu nối, là điểm phát hiện bóng mát đời tôi. Má nói hoài: “Tao chưa thấy ba mầy lo cho đứa con nào như đứa cháu nầy”.

                Bé được Ba cho ngủ chung, Ba thay tả cho bé, Ba dỗ bé ngủ, Ba cười tươi khi nghe bé nói chuyện ngô nghê. Ba cho tiền để mẹ con tôi đi thăm nuôi cha nó và ân cần han hỏi đủ điều.

                Ba làm tôi muốn khóc. Ba đâu khô khan như tôi tưởng. Ba thương mẹ con tôi lắm mà!
                Lần về thăm nhà trước khi Ba mất, tôi đớn đau khi nhìn thấy Ba chỉ còn là bộ xương khô, thịt da của Ba ngày xưa đâu cả, ở tuổi 90, tay chân Ba đã cứng,không

                đi đứng được, trong đôi mắt Ba có nước mắt long lanh (lần đầu tiên tôi thấy Ba rơi lệ) nhưng sao tôi không biết lau nước mắt và ôm chầm lấy Ba, mà chỉ lẳng lặng ngồi bên bóp đôi chân Ba và không nói được gì.

                Để rồi từ đó tôi không còn trông thấy Ba nữa.
                Nếu có ai hỏi. Tôi thương ai nhất trên cõi đời nầy. Tôi sẽ bảo là Ba Má, đáp không cần suy nghĩ, không cần hậu quả.

                Bởi vì ai cũng có thể làm mình đau lòng, nhưng Ba Má mình thì chỉ biết cho ra và ủ ấm những đứa con yêu. Làm tất cả những gì họ có thể làm.

                Nếu tình Mẹ bao la như những dòng nước biển, trôi đi khắp mọi nơi. Thì công Cha như ngọn núi cao vời vợi, nhìn thấy ngoài tầm tay với, ngỡ rất xa, nhưng thật gần, thật thắm thiết.




                (Viết để nhớ về Ba nhân dịp Father’s day 2010)
                ĐBVA


                Ngự Uyễn ĐBVA
                Thatsonchaudoc
                sigpic

                Comment


                • #9
                  Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

                  NỤ CƯỜI


                  "Con còn nhớ không. Những câu Mẹ ru con ngủ.Không là những câu ca dao tục ngữ.

                  Mẹ ru con bằng bản cửu chương, từ bài 2 đến bài 9.

                  Con xoay người từ lúc mới thôi nôi đến khi bập bẹ biết nói, tai con vẫn hoài nghe âm vang toán học.

                  Mẹ đâu mộng ước mai sau con trở thành thiên tài. Mẹ chỉ muốn đầu óc con sáng suốt, thực tế, không đau buồn,lãng mạn như mẹ như ba.

                  Mẹ còn nhớ chưa đi học, con đã nổi tiếng giỏi cữu chương.

                  Mọi người đều đến thử con và thích thú. Ánh mắt của đứa bé hàng xóm sau khi bị cha nó đánh, vì con trả lời trôi chảy mọi đáp số bât chợt nào của ông ta, đã làm mẹ và con khiếp sợ.

                  Con sợ mất người bạn lớn tuổi.

                  Mẹ sợ mình đã sai đường.


                  Bây giờ con đã thành danh.

                  Ước vọng Mẹ đã đạt.

                  Nhưng lòng Mẹ vẫn nao nao.

                  Kiến thức con có chuyên môn làm nền tảng, nhưng các khía cạnh khác sao vẫn vụng về.

                  Phải chăng dưới mắt người mẹ, đứa con nào cũng mãi bé thơ.

                  Hay tại một đất nước quá dồi dào nhân lực và vật lực, có khoa học kỹ thuật hiện đại, có những cái hay nhất, đồng thời có những cái dở nhất, đã làm cho con người có cảm giác ta đây là nhất, hoặc co đầu rút cổ tự chế lấy mình.

                  Dù con vụng về với Mẹ hay khéo léo với người ta.

                  Mẹ chỉ mong con sống phải ngẩng cao đầu mà đi. Không rụt rè bước tới tương lai, cũng chẳng quay đầu với quá khứ.

                  Hành động quang minh, không nhút nhát như tiểu thư phong kiến, chẳng phóng túng như kẻ ham vui.

                  Đồng tiền sẽ không là trọng tâm của cuộc sống con, Mẹ mong thế
                  Biển học mênh mang biết đâu là bến bờ.

                  Mình giỏi, có người còn giỏi hơn.

                  Phải khách quan nhận thức sự việc cho rõ ràng, phải biết khiêm tốn nhưng không bợ đỡ, thấy cái hay của người để bắt chước, thấy cái dở của họ để không vấp phải.

                  Trong sở làm, học hỏi ở những người giàu kinh nghiệm, chỉ dẫn những người mới hơn để trau dồi tay nghề.

                  Tất cả bằng chân tình, không kiêu căng, không sợ sệt.

                  Buớc đầu con sẽ thấy vô cùng khó khăn, bởi lẽ thực tế đâu phải trơn tru như mộng tưởng.

                  Con sẽ chao đảo, con sẽ thất vọng, đôi khi muốn bỏ cuộc. Nhưng con ạ, bên con còn có Mẹ, có Ba, có cả một sức mạnh để giữ vững lấy con.

                  Rốt cuộc con sẽ thắng.

                  Cũng như ngày còn bé, chưa thuộc bài con ngủ không được, Mẹ phải đọc cùng con từng câu, từng chữ, con lẩm nhẩm đến lúc ngủ say, sáng dậy, con đã thuộc bài tự lúc nào.

                  Con của Mẹ đó.
                  Mẹ nói với con tự bấy giờ, sao chẳng thấy những gì xấu xí nơi con.

                  Con ham ăn, thích nói, nhỏng nhẻo, lý sự, dỗi hờn và xấu nữa.

                  Cũng như bao đứa trẻ khác, con cũng có tánh tốt và tánh xấu xen kẻ nhau.

                  " Nhân chi sơ tánh bản thiện" vả lại người Mẹ nào cũng nhìn thấy cái tốt của con mình nhiều hơn, thấy con mình xinh đẹp và dễ thương hơn.

                  Mẹ cũng vậy.

                  Và Mẹ hằng cầu mong rằng con Mẹ khi ra đời thật lành lặn, không bệnh hoạn, không tật nguyền và thật dễ thương.

                  Dù thật mệt nhọc, Mẹ vẫn cố nhìn cho được khuôn mặt bé thơ, bụ bẩm, trắng hồng với ngón tay cái đang cho vào miệng.

                  Mẹ săm soi từng ngón chân, bàn chân, kéo thẳng hai cánh tay đang còn tư thế trong bụng mẹ.

                  Mẹ không bao giờ mơ con Mẹ đẹp như những nhan sắc được sách vở ca tụng.

                  Mẹ chỉ muốn con Mẹ thật dễ thương và duyên dáng.

                  Chỉ cần một khuôn mặt cân đối, cái nhìn trong sáng, cái miệng biết cười và tiếng nói dịu dàng, biết tâm ý người khác mà xử sự.

                  Con phải đến với mọi người bằng sự thành tâm và thiện ý.

                  Phong cách và cử chỉ con để lại ấn tượng suốt đời cho họ. Duyên là ở chổ đó vậy.."


                  Ngự Uyễn ĐBVA
                  Thatsonchaudoc

                  sigpic

                  Comment


                  • #10
                    Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

                    CÔ TIỂU THƯ QUẬN SÁU


                    Không biết sao khi nghĩ về Má, thì hình ảnh người con gái có mái tóc “ bum bê”, khuôn mặt thật sáng, trắng mịn, với đôi mắt long lanh, trong bộ đồng phục của cô học sinh trường Tàu, lại hiện ra.

                    Đó là tấm ảnh Má ngày xưa ở nhà ngoại mà tôi tình cờ nhìn thấy, Má ngồi trên chiếc xe kéo, ngây thơ đến trường mỗi ngày.

                    Nhà Ngoại tôi nằm trên bến Lê Quang Liêm, Bình Tây, ngó xuống dòng kinh, nơi mà mỗi ngày ghe tàu chở lúa gạo từ các tỉnh miền Tây đậu lại, và dĩ nhiên là Ngoại buôn bán lúa gạo lúc bấy giờ, và đó cũng là định mệnh của Má sau này.

                    Má tôi, người con gái lớn của Ngoại, đứa con gái mà Ông cưng nhất nhà, tuổi đời chưa đến hai mươi đã bỏ cuộc vui để đi lấy chồng, sau câu quyết định của Ông.

                    Bà tôi phản đối, các cậu, dì và cả Má tôi ngẩn ngơ. Bởi người đàn ông đó chỉ là một trong số những khách hàng rộn rịp tới lui ở dưới nhà, nơi mà Má và các dì không được tới xem.

                    Bởi người đàn ông đó, lớn hơn Má tôi đến mười một tuổi. Bởi người đàn ông đó (quan trọng nhất mà Bà tôi phản đối) là người góa vợ và có tới bốn người con nhỏ.

                    Chắc hẳn Má tôi buồn lắm, vì làm con gái mới lớn, chưa kịp vui với bạn bè, chưa kịp vẽ ra chân dung người tình trong mộng (?) Lại xinh tươi, học giỏi…

                    Ông Ngoại chỉ nói một câu khi đưa ra lệnh quyết định.

                    Đó là người ông đã chấm: Một người hiếu đễ với cha mẹ, uy tín trong thương trường, chân thành với bạn, bao dung với người làm, là đủ làm rể quí của ông, ngoài ra không kể.




                    Hình Ba Má


                    Vậy là Má tôi chia tay với tất cả mình có: tuổi trẻ, mộng mơ và đàn em nhỏ… để về làm vợ người ta ở tận một vùng xa xôi gần biên giới Campuchia.

                    Không biết ngày đám cưới Má có khóc không? Chắc phải có, những giọt nước mắt lo âu của người con gái chưa biết gì về người chồng tương lai, giọt nước mắt sợ sệt, luyến tiếc từ một nơi thành thị đủ đầy về nơi xa hun hút.

                    Và Má có cười tươi không? Khi thấy đoàn ghe kết hoa rước dâu thật tưng bừng.

                    Lúc đến nhà, Má có sợ không? Khi mọi người tìm tới để coi cô dâu Sài Gòn như thế nào.

                    Cuối cùng là Má thế nào nhỉ? Khi Má gặp Bà Nội và bốn người anh chị khác mẹ của con. Đúng, người cưới Má là Ba của tôi.

                    Suốt thời gian làm vợ, làm dâu, làm mẹ kế, chắc phải khó khăn và đau buồn lắm. Bởi Ba là người lấy sự nghiệp làm đầu. Bởi Bà Nội rất yêu thương các cháu còn thơ dại mà mất mẹ sớm.

                    Bởi Anh Chị được cưng chiều hết mực. Chắc cũng có lúc Má lấy nước mắt làm bạn qua đêm. Chắc cũng vì sợ Ngoại buồn nên đôi khi Má phải im lặng.

                    Con thật sự không hiểu được những nỗi niềm này. Bởi vì đến thời con, tuy Ba còn chút “ phong kiến” nhưng Má thật sự dân chủ ở mọi phương diện. Con chỉ thấy ở Má một sự hoàn chỉnh của người đàn bà Châu Á.

                    Má lo cho chồng, cho con, cả cháu và người xung quanh nữa.

                    Mỗi lần hè, Má đều dẫn tụi con về Ngoại, và mỗi khi Má có mặt là nhà Ngoại vui hẳn lên, các cậu, dì đều về nhà.

                    Đủ cả trò vui, đủ cả thức ăn uống, Má lo toan tất cả, không lời phàn nàn, con cháu đều bu bên Má. Trên căn lầu nhìn xuống con kinh tàu hũ, dưới nhà không còn rộn rịp như ngày xưa, nhưng bên trên chan chứa ân tình của cô tiểu thư ngày ấy.


                    Má thường hay nói với con. Làm người phải có một nghề trong tay để không phụ thuộc vào chồng, phải cố gắng học để đi làm việc, vợ chồng phải có ngày cuối tuần để ở bên nhau, chứ bán buôn tiền thì có, nhưng đâu có thì giờ cho nhau, còn gì là hạnh phúc nữa.

                    Không ngờ những điều ấy con đều có và đã giúp con nhiều ở sau này. Cám ơn Má của con. Má không học chữ Việt, chỉ nghe chúng con đọc bài thôi , vậy mà Má đã đọc được báo, Má xem cả những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung và say mê theo dõi từng ngày, Má viết cả toa kê hàng cho Ba.

                    Má của con thật thông minh. Má cũng có nói, duyên ai nấy gặp, Má không ép, nhưng các con phải chịu trách nhiệm ở sự lựa chọn của mình. Và Ba đã nhường Má trong các cuộc hôn nhân của tụi con.


                    Khi đứa thứ hai của con ra đời, Má bảo không thể chăm sóc cho cháu được (nhưng vẫn giữ khi con nhờ) lúc đó con hơi buồn, bây giờ thì đã hiểu (sức người đã kém đi, dù tuổi đời chưa bằng Má lúc đó) Con xin lỗi Má. Má đã lo cho gia đình con quá nhiều.

                    Từ việc thăm nuôi chồng con, cho đến việc mang cơm hay món ngon vào nhà cho ba chồng con, khi con bận dạy ở xa. Cả việc chăm sóc con gái con. Nói sao hết những gì Má đã làm…


                    Con không biết ngày ấy giữa Ba Má có tình yêu hay không?

                    Nhưng từ khi con biết đến giờ thì Ba Má con rất là hạnh phúc.

                    Ba không làm một điều gì để Má có thể trách được, và ngược lại Má cũng rất lo cho Ba. Má Ba lúc nào cũng có nhau. Má còn nhớ không ở ngày Ba mất, Ba đã nói gì với Má.

                    Má kể con nghe là: Tao đã ngủ một giấc, nghe ba mày nói là bà đừng buồn nha, tôi đã không cho bà được gì hết. Tao tưởng ổng mớ nên bảo thôi ngủ đi ông, mai hãy nói, nào dè, ổng nói lần chót với tao.

                    Sáng dậy là ổng đã mất.
                    Sau đó, Má cũng ít nói luôn. Má sống với câu nói cuối cùng của Ba thêm mười một năm nữa. Ba Má cùng mất ở tuổi chín mươi.

                    Ba Má đã gặp nhau ở một nơi nào đó, có hoa thơm cỏ đẹp, có không khí trong lành, Ba trong bộ đồ lớn màu trắng, Má trong chiếc áo đầm, tay trong tay như ngày đám cưới. Và Má nói với Ba rằng:

                    Ông yên tâm, ông đã cho tôi rất nhiều rồi, tôi rất vui vì đã làm vợ ông.



                    ĐBVA


                    Ngự Uyễn ĐBVA
                    Thatsonchaudoc

                    sigpic

                    Comment


                    • #11
                      Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

                      NGÔI TRƯỜNG NỮ TIỂU HỌC CHÂU ĐỐC


                      Khi tôi bước chân vào lớp Năm ( lớp 1 bây giờ) của Trường Nữ Tiểu Học CĐ, tôi đã bị chinh phục bởi nụ cười thật tươi, thật dễ thương của cô tôi, CÔ XUYẾN.

                      Và tôi đã đọc làu làu những chữ trên bảng đen, trước sự ngạc nhiên của ÔNG ĐỐC SANH, bởi vì mới vừa rồi đây, trong lớp của CÔ SÁU VẸN, tôi cứ trố mắt nhìn cô mà không đọc được chữ nào cô chỉ ( tôi sợ?)

                      Đó là năm đầu tiên tôi đi học, lớp học tôi nằm cuối dãy ( gần nhà riêng Ông Đốc) Tôi hồn nhiên trong tình yêu thương của cô giáo, ráng học tập và đã viết được bằng tay phải ( trong khi mọi thứ tôi đều sử dụng bằng tay trái).

                      Cảm ơn Cô… Sang lớp Tư (lớp 2), tôi học với CÔ HOA, cô tôi có tiếng là khó, các bạn không thuộc bài là bị quì gối và thường bị khẻ tay bởi bạn đã thuộc bài.

                      Cô hay bảo tôi khẻ tay bạn sau khi trả bài xong. Làm sao đây?

                      Tôi thật sự không muốn, nên khẻ nhẹ thôi, có lần cô bắt gặp, thế là tôi bị đem ra thou. Nước mắt rưng rưng mà không dám khóc làm cô cũng thấy thương.

                      Qua năm lớp Ba ( lớp 3), tôi được học CÔ TRẠNH, cô tôi có tài kể chuyện rất hay, chúng tôi say sưa học những bài lịch sử oai hùng, nhưng cô lại được thay bằng một cô giáo mới:

                      CÔ TUYẾT NGA, với cô, chúng tôi có những giờ thể dục thể thao rất vui nhộn và đầy sinh động. Vào năm lớp Nhì ( lớp 4) CÔ THU BA giảng dạy, tôi học được rất nhiều điều:

                      Là học sinh học tương đối khá, nên cô hay gọi tôi về nhà cộng điểm tiếp, khi về tôi khoanh tay thưa ba má cô “ Thưa hai bác con về”.

                      Cô dạy phải là “ Ông bà” mới đúng, cô cũng bảo tôi phải đi khám mắt vì mắt tôi đang kém…

                      Lớp Nhứt ( lớp 5) tôi học với CÔ HUÊ, với tôi lúc bay giờ là một cô bé mới lớn, tánh tình như tờ giấy trắng, tôi thương cô vô cùng, mỗi lần đến nhà cô cộng điểm, chị em cô cho tôi một cảm giác ấm áp lạ lùng, đến cuối năm cô mới phát giác là tôi thiếu tuổi, không thi được.

                      Vậy là tôi phải học lại lớp Nhứt, ngày tựu trường tôi được vào lớp CÔ BA NGA, ngồi chưa nóng chỗ, cô Huê đã vào dắt tôi về lớp, cô thương tôi nên xin BÀ HIỆU TRƯỞNG HƯƠNG cho học lại với cô.

                      Một năm dài học tập cần mẫn, tôi là niềm hy vọng của cô ở kỳ thi vào Đệ Thất hạng cao. Nhưng có ai biết, ba lần đơn xin thi của tôi bị cô trả lại, cô giận tôi, và bảo đứa bạn viết dùm, đưa khai sinh cho tôi coi.

                      Thì ra, tên tôi không có dấu huyền và cũng không có chữ lót như tôi tưởng ( khai sinh tôi toàn chữ Pháp và mang hộ tịch Âu Châu). Phải chăng đó là cái điềm mà tôi thi rớt vào đệ thất năm đó?

                      Tôi vào học lớp Tiếp Liên với CÔ TƯ TỐT, cô đã có gia đình ( con cô bằng tôi) nên chúng tôi rất thương cô, thường hay đến nhà cô chơi và coi tiếp nhà cửa. Cô hiền và rất bận bịu nhưng cũng không quên đám học trò nhỏ chúng tôi


                      Ngôi trường Nữ chúng tôi ngày xưa rất dễ thương, văn phòng Hiệu Trưởng và Hành Chánh ở giữa, hai bên là các phòng học phía sau.

                      Cánh bên trái từ ngoài nhìn vào bắt đầu là lớp Năm, kế đến lớp Tư, lớp Ba của tôi ở ngay giữa cạnh sau văn phòng, rồi dài dài là lớp Nhì, lớp Nhứt, lớp Tiếp Liên nằm cuối dãy bên cánh phải.

                      Phía dưới bậc thềm là các gánh bán hàng cho học sinh, chúng tôi rất mê dĩa cơm tấm nho nhỏ, có mở hành bên trên, một ít con tép làm dáng bên cạnh vài cọng bì, vậy mà ăn ngon ơi là ngon.

                      Chưa đủ, còn khoai mì ăn với chuối và…nói sao hết những ngây thơ năm ấy. Hàng rào trường có những ô vuông nhỏ, vậy mà cũng làm nơi ra vào của một số bạn đi trể. Và nếu không nhắc tới CÔ ĐỖ THỊ HOÀNH, người sát cánh với Bà Hiệu Trưởng trong mọi hoạt động của trường thì thật là điều thiếu sót.

                      Bà Hiệu Trưởng lo mọi mặt nhân sự, giáo dục, từ các cô tới học sinh. Cô Hoành lo mặt sinh hoạt học đường, những ngày thứ hai chào cờ thật long trọng, buổi tập thể dục đồng diễn rất qui mô, tiếng còi reo nghe thật sống động…

                      Chúng tôi lớn dần theo đó
                      Các Cô! Thời gian đã qua đi, có khoảng năm mươi năm, nhưng trong lòng những đứa trẻ ngày nào vẫn còn âm vang của thời gian cũ, tuy không bộc lộ nhưng vẫn dâng trào khi có dịp, như hôm nay, ở lúc này, chúng em

                      muốn nói với các cô ( đã mất đi, đang bệnh, hay đang bận bịu vì gia cảnh hoặc đang vui hưởng cảnh hạnh phúc gia đình) là chúng em rất nhớ ơn các cô, vì có các cô mới có chúng em ngày nay và thế hệ sau này. Mong các cô đạt mọi sự như ý.

                      Đứa học trò nhỏ ngày nào.


                      DBVA


                      Ngự Uyễn ĐBVA
                      Thatsonchaudoc
                      sigpic

                      Comment


                      • #12
                        Bút Ký - Ngự Uyễn ĐBVA - Thất Sơn Châu Đốc

                        CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ


                        Mái tóc búi cao cộng thêm bộ đồ xẩm may thật khéo, tạo nên vóc dáng của Thiếm Trân trông thật bắt mắt. Đó là ý nghĩ của cô bé mười mấy tuổi đầu, Tôi, ở ngày xưa thân ái.

                        Mặc dầu thời gian tiếp xúc không dài vì Thiếm rất bận bịu trong công việc mua bán, thiếm thay chú ( đang làm việc ở Sài Gòn) coi sóc cây xăng và chăm lo cả nhà (trên 10 người) một cách dễ dàng, nên tôi rất phục Thiếm.

                        Mầy nhớ không Mai? Năm học lớp Nhất, hai đứa mình đến nhà Xuân Lan chơi, má nó dạy mình làm bánh sửa, Lan làm hư còn đang lo sợ thì Má nó ôm nó vào lòng, hôn nó liên tục, lại còn nói:

                        "Tội nghiệp con của tôi" Hai đứa mình nhìn nhau và giả bộ không thấy. Nhưng tao biết mầy cũng đang nghĩ như tao: Sao má mình không ôm hôn mình như thế?...

                        Mình đang nghi ngờ tình yêu thương của Má? Thời gian trôi qua, tao đi học Đại học, mầy có chồng, rồi sanh đứa đầu lòng và tao đã có câu trả lời, qua đôi mắt của Má mầy, Đôi mắt Thiếm Trân sáng long lanh, chan chứa tình yêu thương của người làm Mẹ hạnh phúc.

                        Và hai đứa mình lại lưu lạc sang xứ người, mỗi đứa một nơi không liên lạc nhau, tao may mắn ở nơi có nhiều bè bạn cũ, nhưng không bằng mầy có Má bên cạnh.

                        Có nhiều khi quá vất vả, hay nhiều phiền muộn, tao rất thèm một vòng tay yêu thương, một nụ cười ấm áp của Má, nhưng xa xăm quá, tao đã tìm đến Má anh Khoa để nghe nhắc về Má, có lần trong Lễ Mẹ tao được tặng một cánh hoa hồng, tao đã đem tặng lại Má của Hương để thấy nụ cười của Mẹ.

                        Rồi những người Má của bè bạn cũng lần lượt ra đi. Ở quê nhà Má của Nhẫn cũng rủ Má tao đi, bây giờ nghe tin Má mầy mất.

                        Buồn.
                        Mai ơi, hy vọng mầy không giống tao. Cái ân hận lớn nhất của tao là chưa một lần tao ôm hôn Má và nói: "Con rất thương Má". Tao tệ quá phải không?

                        Với Ba, có thể do xã hội phong kiến làm mình xa cách, vậy mà với Má, tao chỉ nói được trong đêm về ở một nơi thật xa.

                        Tao nghĩ, nếu tao làm vậy, chắc Má tao sẽ đẩy tao ra và bảo bộ mầy khùng hả, nhưng sẽ có tiếng cười thoải mái và có ánh mắt thật long lanh...

                        Người Mẹ nào cũng vậy, yêu con rất nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu. B.

                        Năm ơi, Anh Nguyên ơi và cả những ai còn có Má bên mình, hãy vì chúng tôi, những người đã mất Má, làm cho những khuôn mặt nhăn nheo hồng hào trở lại, cho ánh mắt nụ cười héo hắt trở nên tươi trẻ và đầy tin yêu...


                        Sau cùng là lời chia buồn của tất cả bè bạn mầy ở khắp mọi nơi, từ Virginia, Maryland ,Boston, Seattle, Cali, Toronto, Montreal....và cùng nguyện cầu cho linh hồn Thiếm sớm tiêu diêu trên miền cực lạc
                        Nhóm bạn bè cũ ngày xưa

                        ĐBVA


                        Ngự Uyễn ĐBVA
                        Thatsonchaudoc



                        sigpic

                        Comment

                        Working...
                        X