Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Cách mạng - Emmanuel Macron

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cách mạng - Emmanuel Macron




    Tiểu sử:

    Emmanuel Macron sinh năm 1977. Ông xuất thân từ tỉnh lẻ, trong một gia đình theo nghề y. Ông tốt nghiệp ngành Triết học tại Đại học Paris-Nanterre. Ông trở thành một thanh tra tài chính tại Tổng cục Thanh tra Tài chính Pháp (IGF) trước khi trở thành chuyên viên tại Ngân hàng Rothschild & Cie Banque. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số hồi năm 2014. Năm 2007, ông kết hôn với cô giáo cũ - người hơn ông 24 tuổi.

    Tháng 4/2016, Macron quyết định từ chức bộ trưởng và thành lập phong trào Tiến bước! (En Marche!) - một đảng chính trị theo đường lối ôn hòa. Sau cuộc chạy đua tranh cử ngoạn mục, ông đánh bại ứng viên cánh hữu Marine Le Pen, trở thành tân Tổng thống của nước Pháp - chủ nhân điện Elysée. Tháng 11/2016, Macron đứng ra tranh cử Tổng thống Pháp. Ông đắc cử tổng thống hồi tháng 5.








    Trước khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu này, tôi nghĩ cũng cần giới thiệu với các bạn tôi từ đâu đến và tôi tin vào điều gì. Vì đời sống xã hội không phải lúc nào cũng cho phép chúng ta giải thích. Tôi ba mươi tám tuổi. Định mệnh không hề báo trước những chức vụ mà tôi vinh dự được đảm nhiệm, ví như Bộ trưởng Kinh tế, hay sự dấn thân của tôi vào con đường chính trị như hiện nay. Tôi không biết phải giải thích thế nào về thiên hướng này. Tôi chỉ nhìn thấy trước trong đó kết quả, dù chưa thực sự hoàn thành của một sự dấn thân trong quá khứ, của một khát vọng tự do cháy bỏng, và tất nhiên, có cả sự may mắn nữa. Tôi sinh tháng 12/1977 ở Amiens, thủ phủ vùng Picardie, trong một gia đình làm nghề y. Gia đình tôi gần đây mới tham gia vào giai cấp tư sản, một cách gọi cũ. Chúng tôi vươn lên được như vậy là nhờ lao động và năng lực. Ông bà tôi, một người là giáo viên, một người là công nhân đường sắt, một người là nhân viên xã hội và một người là kỹ sư cầu đường. Tất cả đều xuất thân từ tầng lớp bình dân. Lịch sử gia đình tôi gắn liền với lịch sử phát triển của nền Cộng hòa ở một tỉnh lẻ của nước Pháp, nằm giữa vùng Hautes-Pyrénées và Picardie.


    Sự thăng hoa của gia đình tôi có được là nhờ tri thức, và chính xác hơn, với thế hệ hiện nay là bằng nghề y. Đối với ông bà tôi, đó là con đường danh giá và họ muốn hướng con cháu mình đi theo. Do đó, cha mẹ tôi, bây giờ đến em trai và em gái tôi, đều trở thành bác sĩ. Tôi là người con duy nhất không đi theo con đường này, không phải vì tôi không thích nghề y, mà vì tôi mang trong mình thiên hướng khoa học. Nhưng vào thời điểm quyết định hướng đi cho cuộc đời, tôi lại mơ ước về một thế giới, một cuộc phiêu lưu của riêng tôi. Tôi nhớ đã từ lâu, tôi luôn có một mong muốn: đó là được tự lựa chọn cuộc sống của mình. Thật may mắn, cha mẹ tôi coi giáo dục là một sự khám phá thế giới tự do, nên luôn khuyến khích tôi học tập. Họ không áp đặt tôi chuyện gì cả. Họ cho phép tôi được là chính mình. Vì vậy, tôi đã được tự chọn lựa cuộc sống. Ở mỗi giai đoạn, tôi lại phát hiện ra một chân lý mới. Mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đều rất đơn giản.

    Tôi phải làm việc chăm chỉ, nhưng tôi thích điều đó. Tôi đã nếm trải thất bại, đôi khi rất cay đắng, nhưng tôi không lùi bước, vì đó là con đường tôi đã chọn. Chính những năm tháng học tập không mệt mỏi này đã tôi luyện trong tôi niềm tin rằng không có gì quý hơn được tự do là chính mình, được theo đuổi những kế hoạch mà mình đã định, được thể hiện tài năng của chính mình. Ai cũng có một tài năng nào đó. Chính niềm tin sắt đá này dẫn dắt tôi dấn thân vào con đường chính trị, khiến tôi trở nên nhạy cảm với những bất công trong xã hội của quyền lực, của địa vị, đẳng cấp và kỳ thị. Chính cái xã hội đó đã ngăn cản sự phát triển của mỗi cá nhân.

    Việc học tập ở Trường Hành chính Quốc gia là bước ngoặt bất ngờ của tôi. Trước đó, tôi không hề có bất kỳ thiên hướng hay chỗ dựa nào trong lĩnh vực này. Nhờ kết quả học tập may mắn bất ngờ mà tôi một lần nữa được lựa chọn. Tôi chọn ngành thanh tra tài chính, nhờ đó tôi được khám phá một thế giới mới, thế giới hành chính. Nó lập tức cuốn hút tôi bởi những điều mới lạ. Trong bốn năm rưỡi đó, tôi đã học được sự chặt chẽ trong việc kiểm toán, sự phong phú của những chuyến đi thực tế, sự gần gũi của hành chính công, tình bằng hữu trong một công việc có sự tham gia của nhiều bên. Tôi đã đi dọc ngang đất nước và trải qua hàng tuần liền ở Troyes, Toulouse, Nancy, Saint-Laurent-du-Maroni và Rennes. Đó là những phút giây thắm tình đồng chí, chúng tôi học cách phân tích, bóc tách cơ chế đa chiều trong hoạt động của Nhà nước và các cơ quan chính phủ. Trong thời kỳ này, tôi trở thành Phó Tổng Thư ký của Ủy ban Giải phóng Vì sự phát triển của Pháp do Jacques Attali làm chủ tịch. Trong vòng sáu tháng, tôi đã may mắn được làm việc cùng ông trong một ủy ban gồm 40 thành viên, nhiều người trong số đó đã trở thành bạn tôi. Tham gia ủy ban này là cơ hội quý để tôi tiếp xúc với những con người vĩ đại: họ là những nhà trí thức, những cán bộ, những chủ doanh nghiệp đã góp phần xây dựng nên nước Pháp, tôi được học hỏi từ họ,

    Sau những năm tháng đó, tôi đã quyết định chia tay lĩnh vực “Dịch vụ”, như người ta thường gọi, để tham gia vào khu vực tư nhân và doanh nghiệp. Tôi muốn học hỏi sự vận hành của nền kinh tế, đối đầu với các vấn đề quốc tế, nhưng tôi biết rằng một ngày nào đó mình sẽ trở lại với khu vực hành chính công. Trong suốt những năm này, tôi luôn quan tâm đến chính trị. Khi làm việc cho tạp chí Trí tuệ, tôi thường xuyên tiếp xúc với người thân của Jean Pierre Chevènement, sau đó tôi nhanh chóng chuyển sang Đảng Xã hội, nhưng nơi đó tôi không tìm thấy được bản thân mình. Rồi tôi đi khảo sát ở vùng Pas-de-Calais và đã xây dựng các mối liên lạc. Thời điểm vừa rời khu vực hành chính công để gia nhập ngân hàng đầu tư Rothschild, mọi thứ đều quá mới mẻ đối với tôi. Tôi đã dành nhiều tháng để khám phá các phương pháp, kỹ thuật, nhờ sự giúp đỡ của những đồng nghiệp trẻ tuổi nhưng nhiều kinh nghiệm chuyên môn hơn. Sau đó, được các chủ ngân hàng giàu kinh nghiệm hướng dẫn, tôi dần hiểu được lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này. Tôi đã có khả năng hiểu được một khu vực kinh tế và các vấn đề của một ngành công nghiệp nào đó. Tôi có thể thuyết phục một nhà lãnh đạo và đồng hành với ông ta trong quá trình thực hiện. Tôi cũng đã biết thêm về ngành thương mại, hiểu được sức mạnh to lớn của nó, nhưng trên hết, tôi đã học được nhiều điều về thế giới. Tôi không đồng tình với những lời tán tụng rằng thời đại này là chân trời vô tận, nhưng cũng không chấp nhận những lời chỉ trích cay đắng rằng đây là thời đại bị ám ảnh bởi tiền bạc và sự bóc lột giữa người với người. Đối với tôi, cả hai quan điểm đó đều thiếu chín chắn. Tôi đã dành nhiều thời gian với những người đồng nghiệp đặc biệt. Ví dụ như David de Rothschild, bằng trí thông minh và sự thanh lịch, ông đã tập hợp quanh mình những tài năng và những nhân vật tưởng chừng không bao giờ có thể đồng hành với nhau. Lãnh đạo khác với quản lý tài chính. Vấn đề cũng không phải là cho vay hay đầu cơ. Đây là công việc tư vấn, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất. Trong bốn năm làm việc tại ngân hàng, tôi không có điều gì phải hối hận. Nhiều người đã trách móc tôi. Những người không hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng thì thêu dệt nhiều chuyện.

    Ở ngân hàng, tôi đã học được một nghề nghiệp; điều này là cần thiết, bởi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị đều phải có một nghề nghiệp. Tôi đã có cơ hội tìm hiểu nhiều lĩnh vực và nhiều quốc gia. Tôi thường xuyên gặp những người có chức quyền và tôi học hỏi được nhiều từ những cuộc gặp gỡ đó. Trong lĩnh vực ngân hàng, tôi kiếm được kha khá, nhưng không giàu đến mức không phải làm việc nữa. Năm 2012, với một quyết tâm lớn, tôi đã quyết định rời ngành ngân hàng để tham gia phục vụ Nhà nước. Từ hai năm trước đó, tôi đã lập ra chương trình và ý tưởng cho một đảng cánh tả cải cách về mặt kinh tế, theo đề nghị của François Hollande. Nhận lời đề nghị sau cuộc bầu cử tổng thống, tôi đã tham gia vào bộ máy Nhà nước. Tôi đã phục vụ cho François Hollande hai năm với tư cách là Phó Tổng Thư ký phụ trách về Kinh tế và Khu vực đồng euro. Từ thời điểm đó, tôi không có gì nhiều để nói. Những lời khuyên chỉ dành cho những người mà chúng ta muốn gửi gắm. Tôi hy vọng là mình đã đưa ra những lời khuyên hữu ích, không biết những lời tư vấn đó có được thực hiện hay không, nhưng chắc chắn một điều là tôi không đưa ra những lời khuyên tồi. Tôi chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm. Mọi việc diễn ra không được suôn sẻ, nên hai năm sau tôi xin từ chức.




    Last edited by Poupi; 08-04-2018, 03:12 AM.

  • #2
    (phần 2)

    'Vợ chia sẻ cùng tôi năm tháng khó khăn'



    Chúng tôi kết hôn năm 2007, sự ghi nhận chính thức cho một tình yêu không được thừa nhận và phải giấu giếm, một mối tình nhiều người không hiểu.




    Phu nhân Brigitte Macron sinh năm 1953, hơn chồng 24 tuổi.



    Lên phổ thông trung học, nhờ môn kịch mà tôi gặp được Brigitte. Mọi thứ đã diễn ra một cách âm thầm, và, tôi đã yêu. Yêu bởi sự gần gũi về trí tuệ ngày càng trở nên đồng điệu. Không cần bất kỳ sự đấu tranh nào, tình yêu đó tồn tại mãi mãi. Cứ thứ sáu hàng tuần, tôi lại cùng cô ấy viết kịch hàng giờ liền. Công việc viết lách ấy kéo dài nhiều tháng ròng. Vở kịch được viết xong, chúng tôi quyết định đưa lên sân khấu. Chúng tôi trò chuyện về mọi thứ. Viết lách trở thành một cái cớ. Và tôi phát hiện ra chúng tôi như đã thân nhau từ thuở nào. Mấy năm sau, tôi xây dựng được cuộc sống mà tôi mong muốn. Chúng tôi đã trở thành một, không thể tách rời, dù trải qua nhiều sóng gió.





    Tôi rời điện Élysées vào tháng 7/2014. Sau đó, tôi không yêu cầu một chỗ đứng trong chính trường, một vị trí có trọng trách cao trong các công ty lớn hay chính quyền, như mọi người thường làm. Tôi thích tự mình làm chủ, khởi nghiệp và giảng dạy. Tôi không định quay trở lại chính trường nữa. Vả lại, một ủy ban tự xưng là “vì đạo đức nghề nghiệp”, đã kịch liệt cấm tôi gặp lại Tổng thống. Những việc làm thái quá này thật vô lý và nực cười. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi đã đi theo một con đường khác.


    Và rồi, tôi lại được Tổng thống gọi về để giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số. Tôi đã cố gắng hành động và được ủng hộ. Tôi đã dành nhiều thời gian ở Nghị viện để đạt được một điều luật mà tôi cho là có ích. Một điều luật cho phép gỡ bỏ mọi rào cản, mở ra những thị trường mới, hỗ trợ các hoạt động kinh tế, kích thích sức mua và tạo công ăn việc làm. Tôi muốn xây dựng một chính sách công nghiệp đầy tham vọng, dựa trên đổi mới và đầu tư. Sau quá nhiều năm tụt hậu, ngành công nghiệp của chúng ta phải được ưu tiên phát triển bằng tất cả nghị lực và đam mê để hồi phục nền kinh tế, như trường hợp tập đoàn PSA hay Chantiers de l’Atlantique.


    Tôi muốn xây dựng một chính sách “duy ý chí sáng suốt” để đấu tranh cho ngành công nghiệp và mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế nước ta, dù ở một số ngành như hạt nhân nguyên tử, dịch vụ dầu khí, hay thép, việc tái cơ cấu không phải dễ dàng. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi bị cuốn theo chính sách can thiệp vốn còn nhiều hạn chế của Nhà nước. Tôi đã gặp những thất bại mà tôi phải buồn bã thừa nhận. Với sự ủng hộ trong đầu tư, đồng thời huy động các ngành công nghiệp tập trung tìm kiếm các giải pháp cụ thể và phát triển “công nghệ Pháp”, tôi muốn tạo ra một luồng gió mới cho nền công nghiệp tương lai của chúng ta.


    Nhưng giai đoạn sau lại là thời kỳ của những rào cản và bất đồng. Sau các vụ thảm sát mùa thu năm 2015, chiến lược cần thiết để nắm bắt cơ hội mới của nền kinh tế bị khước từ. Chúng ta thiếu một ý chí cải cách thực sự và thiếu một tham vọng lớn hơn với châu Âu, chúng ta lao vào một cuộc tranh luận vô bổ về việc có nên thu hồi quốc tịch hay không, gây chia rẽ đất nước thay vì tìm hiểu xem chuyện gì vừa xảy ra. Tôi cho rằng đó là những sai lầm, thậm chí là những sai lầm chính trị cơ bản. Trong khi đó, sự khủng hoảng và tuyệt vọng trong xã hội làm dấy lên chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Trong khi các nước láng giềng của chúng ta đã tìm ra giải pháp giảm tỉ lệ thất nghiệp, thì nền kinh tế và xã hội của chúng ta vẫn ì ạch trong tình trạng báo động đỏ.
    Tôi đã không giải quyết được những mâu thuẫn này. Xét về hoạt động của một bộ trưởng, tôi mắc nhiều lỗi phân tích, thiếu năng lực kỹ thuật và những mục tiêu cá nhân. Vì vậy tôi quyết định thành lập phong trào Tiến bước! vào ngày 6/4/2016 tại Amiens, sinh quán của tôi. Dù gặp phải nhiều trở ngại trong hoạt động, phong trào Tiến bước! chưa bao giờ có mục đích “chống phá” mà luôn luôn mang tính “xây dựng”. Malraux nói đúng: “Sự đối lập không tồn tại”. Tôi là một người theo chủ nghĩa xây dựng. Chúng tôi mong muốn vượt qua những rào cản chính trị gây hậu quả tiêu cực, cố gắng đi xa hơn trong công cuộc cải cách đất nước, xây dựng kế hoạch, nối lại truyền thống lịch sử và những thành tựu, để con cái chúng ta được sống tốt hơn, để khơi dậy ước muốn được cống hiến xây dựng đất nước, để đánh thức những tài năng mới.


    Trong những tháng tiếp theo, việc gì phải đến đã đến: tôi phải rời khỏi Chính phủ. Điều đó cũng hợp lý thôi, đó là cái giá tôi phải trả cho công việc của mình, cho những người ủng hộ tôi, cho suy nghĩ của tôi về đất nước chúng ta. Tôi sẽ nói một lời đầy kiêu hãnh về sự phản bội mà người ta đã rêu rao để chống lại tôi, một lời thôi, không hơn. Điều đó cho thấy cuộc khủng hoảng đạo đức của nền chính trị đương đại. Người ta muốn gì khi nói rằng lẽ ra tôi phải ngoan ngoãn nghe lời Tổng thống như một cái máy, rằng tôi phải từ bỏ hoài bão của mình, hy sinh những gì tôi theo đuổi chỉ vì Tổng thống đã bổ nhiệm tôi làm bộ trưởng? Rằng ý tưởng làm lợi cho cộng đồng phải xếp sau ơn huệ.




    Tôi đã sốc khi thấy những thủ đoạn khéo léo của những kẻ muốn đè nén tôi, họ đã thú nhận rằng đối với họ, chính trị phải tuân theo quy luật: họ chịu khuất phục với hy vọng bản thân họ sẽ được đền bù. Tôi tin rằng khi nào người dân Pháp quay lưng lại với chính trị hoặc đi đến tình trạng cực đoan, thì đó là vì ghê sợ những thói quen này.


    Tôi cho rằng những lời Tổng thống nói về việc tôi mắc nợ ông chỉ là bông đùa. Tôi biết ông ấy quá gắn bó với ý nghĩ phải làm sao cho xứng đáng với chức năng của Nhà nước và với giá trị căn bản của nền Cộng hòa. Ông không thể tự cho phép mình, dù chỉ một khắc, làm trái với quy định. Đây cũng là lý do tại sao tôi rất tiếc khi phải rời bỏ ông. Ông đã cho tôi cơ hội cùng ông phục vụ đất nước và sau đó trở thành một thành viên của Chính phủ. Đất nước là đối tượng duy nhất tôi phụng sự, chứ không phải một đảng phái, một chức vụ hay một nhân vật nào đó. Tôi nhận những chức vụ từng có là vì chúng cho phép tôi phục vụ đất nước. Tôi đã nói điều này ngay từ đầu và không hề thay đổi. Khi gặp những trở ngại trên con đường hoạt động của mình, khi chứng kiến sự thiếu đổi mới về ý tưởng và con người, sự cạn kiệt sáng tạo, nói chung là tê liệt hoàn toàn, thì tôi không thể làm gì được nữa. Tôi đã chịu trách nhiệm và quyết định từ chức.


    Quan niệm của tôi về việc điều hành hoạt động chính trị không giống như quản lý nghề nghiệp, càng không phải là giữ cổng. Đó là sự cam kết chung, đồng lòng phục vụ đất nước. Những vấn đề khác đối với tôi không quan trọng, nhất là những lời chỉ trích hay vu khống của những người có lòng trung thành nhưng không dành cho đất nước, mà dành cho một hệ thống chính trị mà họ biết rất rõ sẽ mang những lợi ích và đặc quyền gì cho bản thân. Chúng ta đang sống trong hệ thống đó.



    Suốt những năm tháng khó khăn đó, Brigitte đã chia sẻ cùng tôi.

    Chúng tôi kết hôn năm 2007. Đó là sự ghi nhận chính thức cho một tình yêu không được thừa nhận và thường phải giấu giếm, một mối tình mà nhiều người không hiểu. Có lẽ tôi đã cứng đầu khi chống lại cuộc sống đủ đầy đang rời bỏ chúng tôi. Khi chống lại sự áp đặt của những điều ngay từ đầu đã lên án chúng tôi. Nhưng tôi phải nói người thật sự can đảm chính là Brigitte, sự quyết tâm bền bỉ và sự kiên nhẫn của cô ấy thật đáng ngưỡng mộ. Cô ấy đã có chồng và ba con. Về phần mình, tôi chỉ là một cậu học trò không hơn không kém. Cô ấy không yêu tôi vì những gì tôi có. Không vì gia cảnh. Không vì cuộc sống tiện nghi hay sự an toàn mà tôi có thể mang đến. Cô ấy đã từ bỏ tất cả vì tôi, tuy cô ấy luôn lo lắng cho các con. Cô ấy không bao giờ áp đặt bất cứ điều gì, nhưng với tất cả sự dịu dàng, cô ấy khiến mọi người hiểu rằng những điều kỳ diệu luôn xảy ra. Rất lâu sau tôi mới hiểu quyết tâm của cô ấy về một cuộc sống chung mới mẻ thực sự mang lại hạnh phúc cho chúng tôi. Nhờ vậy, các con cô ấy dần dần hiểu và chấp nhận. Chúng tôi đã xây dựng một gia đình mới, chắc chắn rất khác những gia đình bình thường, nhưng ở đó, sợi dây liên kết giữa chúng tôi luôn bền chặt. Tôi luôn ngưỡng mộ sự can đảm của cô ấy.


    Brigitte là giáo viên dạy tiếng Pháp và tiếng Latin. Cô ấy chưa bao giờ ngừng dạy học, đó là nghề nghiệp mà cô ấy theo đuổi từ năm 30 tuổi và cô ấy yêu công việc của mình hơn bất cứ thứ gì. Cô ấy dành nhiều thời gian cho những học trò gặp hoàn cảnh khó khăn, bởi vì cô ấy luôn lo lắng cho cuộc sống của họ. Đằng sau sự quyết liệt của cô ấy là một thế giới nhạy cảm mà chỉ có những người mong manh mới được tiếp cận và tìm lại chính mình.


    Là một người mẹ, cô ấy cũng chan chứa yêu thương. Cô đã đồng hành với từng đứa con trong cuộc sống và quá trình học tập. Cô ấy luôn hiện diện bên cạnh con và luôn kiên định với những mong đợi của cô ấy về con cái. Không ngày nào Sebastien, Laurence và Tiphaine không gọi điện, đến gặp và lắng nghe ý kiến của cô ấy. Cô ấy chính là chiếc la bàn của các con. Dần dần, trong cuộc sống của tôi đã có sự hiện diện đầy đủ của ba người con của cô ấy cùng các dâu, rể: Christelle, Guillaume, Antoine và bảy đứa cháu: Emma, Thomas, Camille, Paul, Elise, Alice và Aurelius. Chính vì tương lai của những đứa cháu này mà chúng tôi phải tranh luận với nhau. Tôi không thể dành cho chúng nhiều thời gian và đối với chúng đây là những năm tháng bị đánh cắp. Cũng vì sự hy sinh đó mà tôi không thể để lãng phí thời gian. Gia đình là nền tảng cho cuộc sống của tôi. Lịch sử đã dạy chúng ta ý chí bền bỉ không khoan nhượng với chủ nghĩa thỏa hiệp, nếu chúng ta thực sự tin tưởng và chân thành.



    Last edited by Poupi; 08-04-2018, 03:15 AM.

    Comment


    • #3
      phần 3
      'Thế giới đang đầy rẫy bất ổn'





      Emmanuel Macron tin rằng nước Pháp cần giải quyết những khó khăn về việc làm bởi đây là nguồn gốc của mọi khủng hoảng.






      Tôi không tin rằng chính trị nên hứa hẹn sẽ mang lại hạnh phúc. Người dân Pháp không dễ bị lừa, họ biết rất rõ rằng chính trị không thể làm mọi thứ, không có đủ phương tiện để điều chỉnh mọi thứ, điều khiển mọi thứ và cải thiện mọi thứ. Thay vì khao khát tạo nên hạnh phúc, tôi cho rằng chính trị nên đưa ra một khuôn khổ cho phép mỗi người tìm ra con đường làm chủ vận mệnh của mình, vươn tới tự do và có thể tự quyết định cuộc sống của mình.



      Nhưng để có thể tự lựa chọn cuộc sống cho mình, trước tiên người dân phải sống được bằng chính công việc của mình. Chúng ta làm việc để có thể sống, giáo dục con cái, tận hưởng, học hỏi, kết nối với mọi người. Cũng nhờ công việc mà con người có thể vượt lên hoàn cảnh của mình và tạo dựng được một chỗ đứng trong xã hội. Vì vậy, tôi không tin vào những bài diễn văn nói về “thời kỳ tiêu vong của việc làm”. Trên thực tế, bằng cách dành công việc cho những người làm việc năng suất cao, đẩy một bộ phận dân số vào thành phần “vô dụng” của nền kinh tế, những lời diễn văn này cứ văng vẳng bên tai tôi như đại diện cho một thất bại nặng nề trong lời hứa hẹn giải phóng cho tất cả mọi người của nền Cộng hòa. Vì vậy, đối với tôi, cuộc chiến chống lại nạn thất nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta.


      Lấy ví dụ về các đối tác của chúng ta như nước Đức, họ đã rất thành công, chúng ta sẽ thấy không có cái gì gọi là định mệnh cả. Luôn có những giải pháp, nhưng cần phải can đảm để áp dụng chúng. Tôi không tin rằng viễn cảnh về một xã hội “đủ việc làm” sẽ giúp khôi phục lại lòng tin vào đất nước. Những bài học của Anh Quốc hay Hoa Kỳ, các quốc gia đã đạt được mục tiêu này, có thể chứng minh cho điều đó. Vụ Brexit cũng như sự đắc cử của Tổng thống Donald Trump thể hiện rõ nét những bất ổn trong xã hội khi từ bỏ công cuộc vươn tới bình đẳng. Chúng ta phải tạo cho mỗi người có được một công việc, cho mỗi công việc có một khoản thù lao xứng đáng và những triển vọng phát triển. Hiện giờ, chúng ta đã thực hiện lời hứa này đến đâu?



      Thị trường lao động đang gặp khó khăn về mọi mặt. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng cao và tập trung ở 1/10 tổng số dân trong độ tuổi lao động, 1/4 dân số trẻ và 1/2 những khu vực khó khăn. Một số vùng hoàn toàn không còn việc làm, gây ra sự tuyệt vọng và phẫn nộ cho người dân, từ đó hình thành cái nôi của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và sự ủng hộ Đảng Mặt trận Dân tộc.
      Nỗi sợ hãi này đang lan rộng ra toàn xã hội. Cũng như chúng ta thời trẻ luôn bị ám ảnh về những quyết định sai lầm trong học tập, việc làm và ngành nghề, điều này có thể đẩy chúng ta sang một thái cực khác. Đối với những người có việc làm, công việc của họ vẫn chưa hẳn đã được đảm bảo. Bên cạnh những người được ký hợp đồng không thời hạn ổn định và lâu dài, có hàng triệu người phải làm những công việc tạm bợ. Trên thực tế, 70% số người được tuyển dụng bằng các hợp đồng ngắn hạn dưới một tháng, thường trong cùng một công ty. Ngoài ra, còn có những người không thể sống được bằng công việc của mình, chẳng hạn nhiều nông dân hoặc công nhân làm bán thời gian, trong đó đa phần là phụ nữ. Đất nước chúng ta cần có những quy định cho phép người lao động được sống bằng nghề nghiệp của mình.



      Tuy nhiên, các quy định hiện hành của chúng ta đều được xây dựng vào cuối Thế chiến thứ hai, do đó chúng không còn đáp ứng được những thách thức của thời đại này. Các quy định này ủng hộ người trong cuộc, nghĩa là những người đang làm việc được bảo vệ nhiều hơn những người khác, không ủng hộ những người bên ngoài, tức là người trẻ nhất, người được đào tạo ít và gặp nhiều khó khăn. Do đó, mô hình xã hội của chúng ta đã mất đi tính công bằng và không còn hiệu quả, nó coi trọng các chức danh và hạn chế sự luân chuyển việc làm.


      Thứ nhất, tôi muốn đảm bảo rằng mỗi cá nhân đều có thể tìm được một chỗ đứng cho mình trong thị trường lao động, bất kể nền tảng học vấn của họ thế nào đi nữa. Ngày nay, đất nước chúng ta có hai triệu người trẻ không có việc làm và cũng không có bằng cấp. Hàng triệu công nhân ít hoặc không có trình độ. Nhà nước cần tạo điều kiện để các công nhân này tiếp cận với việc làm mà không làm mất đi tầm quan trọng của bằng cấp. Để thực hiện điều đó, chúng ta sẽ phải hệ thống hóa tất cả các chương trình đào tạo nghề tới hết bậc phổ thông trung học, tập trung nguồn lực trình độ thấp và tăng cường sức mạnh các nhóm nghề để đào tạo người lao động theo các ngành nghề được chọn.



      Các chứng chỉ đào tạo nghề nói chung là cần thiết và đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong các ngành như xây dựng. Nhưng đôi khi bằng cấp trở thành rào cản đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc ít được đào tạo, hạn chế khả năng tự thành lập công ty riêng và lập nghiệp. Một số người có khả năng tìm được khách hàng dễ hơn tìm người có nhu cầu sử dụng lao động. Khi bạn sống ở Stains, thuộc vùng đô thị Paris hay ở Villeurbanne, Lyon, thì việc thành lập một doanh nghiệp và tìm kiếm khách hàng sẽ dễ dàng hơn là đi phỏng vấn xin việc. Việc gây khó khăn, hạn chế khởi nghiệp bằng các quy định về trình độ chuyên môn đồng nghĩa với việc lên án những người thất nghiệp. Tôi nhớ tới một người tên là Michel mà tôi đã gặp ở Colmar. Vào năm 50 tuổi, tức là sau 30 năm làm việc ở một cửa hàng sửa chữa vỏ ôtô mà không có chứng chỉ nghề, ông bị rơi vào tình trạng thất nghiệp. Ở độ tuổi ấy, ông ấy không được phép thành lập doanh nghiệp của riêng mình! Liệu ông ấy có cách nào để theo học một khóa đào tạo nghề không và liệu ông ấy còn đủ thời gian không? Kết quả là Michel bị lên án vì thất nghiệp dài hạn. Vấn đề đầu tiên của thanh niên, nhất là những người có trình độ thấp, là chuyện tiền lương. Tôi không tin rằng chính sách lương tối thiểu cho người trẻ là đúng đắn, vấn đề này phải được giải quyết một cách sáng suốt hơn.

      Theo tôi, cần phải hỗ trợ cho công tác dạy nghề. Người học có thể nhận một mức lương thấp hơn hiện nay, nhưng được cung cấp một khóa đào tạo chất lượng, cho phép họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Tôi muốn mở cánh cửa cho việc học nghề, giảm nhẹ sự quản lý của Nhà nước và chú trọng phát triển các ngành nghề. Ngoài vấn đề tiền lương đã đề cập, còn có chi phí dành cho thất nghiệp. Hiện nay, các thủ tục của tòa án lao động khá dài dòng, phức tạp và không rõ ràng. Nạn nhân của các phiên tòa lao động không phải là các công ty lớn, họ có thể chờ đợi và có cả đoàn luật sư để giải quyết các vấn đề pháp lý phức tạp. Người phải chịu hậu quả đầu tiên chính là người lao động. Họ ít được đào tạo, nếu mất việc, họ phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm để hoàn thành các thủ tục và nhận được khoản tiền bồi thường thất nghiệp. Hoặc sẽ là những người sử dụng ít lao động, đôi khi chỉ có một hoặc hai nhân viên, trong khi chờ đợi phán quyết của luật pháp, họ không thể tuyển dụng tiếp. Vì những lý do này, tôi đã đấu tranh để cải cách các tòa án lao động và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì mục tiêu đó.

      Chúng ta cần thiết lập mức sàn và mức trần cho các bồi thường thiệt hại thất nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải bảo vệ mức sống của người lao động, điều này còn quan trọng hơn việc bảo vệ sức mua của người tiêu dùng. Đây là vấn đề liên quan đến phẩm giá và sự coi trọng người lao động. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận được hoàn cảnh khó khăn mà ngày càng nhiều người nông dân đang phải chịu đựng như hiện nay? Làm sao chúng ta có thể chấp nhận tình trạng nhiều người làm công ăn lương cảm thấy rằng công việc của họ không được trả công xứng đáng? Tôi tin rằng cứ hứa hẹn hão về việc tăng lương trên diện rộng là không tốt. Những lời hứa này sẽ đánh vào các công ty và kết quả là người lao động phải hứng chịu nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Chúng ta có một trận chiến quan trọng để thúc đẩy sức mua. Thật không ổn nếu an sinh xã hội phục vụ lợi ích của tất cả mọi người mà lại chủ yếu dựa vào thu nhập của người lao động. Đây là một trong những lý do tại sao rất nhiều người dân ngạc nhiên khi thấy các công ty, doanh nghiệp cứ phàn nàn về “chi phí nhân công cao” trong khi bản thân họ lại cảm thấy đang được trả lương quá thấp so với công sức bỏ ra.

      Do đó, tôi đề nghị giảm mức thuế thu nhập và giảm thuế cho những người làm nghề tự do. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể tiền lương thực nhận mà không làm tăng chi phí lao động, không gây ảnh hưởng đến việc làm hay khả năng cạnh tranh. Nguồn tài chính phục vụ chính sách này sẽ được tính toán sao cho có lợi nhất cho người lao động.



      Last edited by Poupi; 08-04-2018, 03:16 AM.

      Comment


      • #4
        Phần Cuối

        'Chính sách thuộc địa là sai lầm'



        Emmanuel Macron cho rằng việc duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác quốc tế là chìa khóa để thúc đẩy nước Pháp và các quốc gia khác phát triển.



        Về Israel, quốc gia này vẫn là một đồng minh về ngoại giao và kinh tế. Đó là một nền dân chủ và chúng ta phải bảo vệ họ. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng biết rằng hòa bình bền vững phụ thuộc vào việc thừa nhận nhà nước Palestine. Do đó, chính sách thuộc địa là sai lầm. Chúng ta phải quay trở lại với tinh thần của Hiệp định Oslo. Liên quan đến các vùng đất thánh, nước Pháp bày tỏ mối lo ngại bằng việc lúc đầu bỏ phiếu ủng hộ, sau đó bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của UNESCO về việc khẳng định vai trò của Hồi giáo tại các khu vực này, đồng thời phủ nhận các mối liên kết trong lịch sử của Jerusalem với Do Thái giáo. Lẽ ra nước Pháp nên thể hiện tư cách là đất nước bảo vệ và tôn trọng tất cả các tôn giáo và kêu gọi các tôn giáo chung sống hòa bình. Nhưng những gì xảy ra tại Jerusalem ngày nay lại chứng tỏ điều ngược lại. Do đó, cần phải sớm thoát ra khỏi cuộc xung đột kéo dài về những vùng đất thánh, sự cố chấp của tất cả các bên sẽ đồng thời giam hãm chúng ta. Đối với các thế lực này, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ, nước Pháp sẽ ủng hộ chính sách của châu Âu. Rõ ràng sự hấp dẫn của mô hình châu Âu là đối trọng duy nhất có thể ngăn chặn chế độ độc tài và cản trở quyền tự do chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục theo đuổi.






        Thổ Nhĩ Kỳ không thể tách rời châu Âu trong vấn đề an ninh, địa lý, kinh tế, vì đó là nhân tố quan trọng để ổn định khu vực. Nhưng chúng ta cũng thừa biết là chế độ Erdogan không cho phép điều đó xảy ra. Vì những mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử với Maroc, Algeria và Tunisia, các nước Bắc Phi, tất nhiên là một khu vực đặc biệt đối với Pháp. Chúng ta không thể quên rằng hàng triệu công dân của chúng ta có nguồn gốc từ những nước này và họ vẫn luôn giữ một mối liên hệ chặt chẽ với quê hương. Dựa trên quá khứ chung đó, chúng ta phải cùng nhau xây dựng tương lai cho đất nước.


        Thật vậy, chúng ta phải đối mặt với những thách thức như nhau, dù là về an ninh, kinh tế hay môi trường. Nhiều vấn đề trong số đó phải được thảo luận trong khuôn khổ một cuộc đối thoại ở khu vực châu Âu – Địa Trung Hải. Có lẽ sẽ là quá tham vọng khi muốn xây dựng một chính sách chung cho cả khu vực Địa Trung Hải, nhưng sẽ thật sai lầm nếu không thấy rằng chúng ta có mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cùng một số phận. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều phải đối mặt với những nguy cơ mất ổn định mà chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức và trực tiếp. Tương tự, ở châu Phi, nước Pháp phải tiếp tục đảm nhiệm vai trò mà chúng ta đã xây dựng trong những năm gần đây, dù ở Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Trung Phi hay Mali. Tôi hoan nghênh sự can thiệp quân sự của chúng ta theo lệnh của Liên hợp quốc và hối tiếc về việc rút khỏi Cộng hòa Trung Phi khi tình hình vẫn chưa được ổn định. Có khả năng lớn là chúng ta sẽ phải quay lại đó trong vòng vài năm tới. Sự can thiệp của quân đội ở Mali rất hữu ích vì nó đã cứu đất nước này khỏi chủ nghĩa thánh chiến. Về vấn đề này, tôi muốn biểu dương các chiến binh đang chiến đấu trong những điều kiện rất khó khăn.



        Rõ ràng, vai trò của chúng ta ở châu Phi, cùng với quân đội châu Phi và các tổ chức trong khu vực, là để ổn định các vùng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Liên minh châu Âu đã điều phối hiệu quả các hoạt động đào tạo quân sự. Nhưng trên lục địa này, chúng ta cũng phải ủng hộ các quốc gia lựa chọn chế độ mở cửa và dân chủ. Như chúng ta đã biết, châu Phi có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế. Chúng ta cần tăng cường hợp tác với họ trong lĩnh vực này.



        Với những cam kết hiện tại có lẽ là quá nhiều và những mối nguy hiểm tiềm ẩn, rõ ràng nước Pháp phải duy trì một chính sách ngoại giao có tầm ảnh hưởng, một mạng lưới năng động trên địa bàn, cùng một bộ máy quân sự hiện đại và mạnh mẽ. Trong những năm tới, không nên cắt giảm quy mô lực lượng của quân đội, ngay cả khi đã quyết định chấm dứt chiến dịch Sentinelle. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, và trong cùng một nỗ lực giải thể, cần phải duy trì hoạt động của quân đội dù cho có tốn kém thế nào đi nữa. Bởi vì đó là lực lượng bảo vệ của chúng ta. An ninh trên trường quốc tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các lựa chọn chiến lược của Mỹ và Nga. Thực vậy, nước Nga đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng ở Trung Đông và kể từ Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã biến khu vực này trở thành khu vực ưu tiên can thiệp của họ, chúng ta cũng đã nhiều lần hưởng lợi từ điều đó. Vậy chúng ta muốn xây dựng một mối quan hệ như thế nào với nước Nga, một nước cũng thuộc châu Âu? Chúng ta có muốn khôi phục chế độ bảy mươi năm xung đột như thời kỳ Chiến tranh lạnh hay không? Liệu chúng ta có thực sự muốn tiếp tục theo đuổi chính sách quản lý mơ hồ và đầy mâu thuẫn như hiện nay với sự đối đầu trong mối quan hệ với cường quốc này hay không? Chúng ta cần xây dựng lại mối quan hệ với nước Nga. Chúng ta không thể mù quáng đi theo con đường của Mỹ, cho dù nó sẽ như thế nào sau khi Donald Trump đắc cử. Chúng ta cũng đồng lõa với một chế độ đáng bị chỉ trích mà một bộ phận thuộc cánh hữu của Pháp ủng hộ.



        Về phần mình, tôi sẽ tìm cách để chúng ta có thể khôi phục lại một cuộc đối thoại sôi nổi và thẳng thắn. Chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề của Crimea trong ngắn hạn. Nhưng chúng ta phải làm việc với nước Nga để ổn định mối quan hệ của họ với Ukraina và để dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của cả hai bên. Chúng ta cần phải tìm ra tiếng nói chung cho các vấn đề ở Trung Cận Đông để khôi phục an ninh trong khu vực. Châu Âu sẽ phải hết sức thận trọng trong những tháng tới để tránh bất kỳ sự thoái lui nào của Nga, vì có thể họ đã nhìn thấy trong cuộc bầu cử của Donald Trump một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ ít chú ý hơn tới châu Âu. Với nước Nga, chúng ta sống trên cùng một lục địa, có cùng một lịch sử và một nền văn học với họ. Nhà văn Turgenev đã từng sống ở Pháp, Pushkin luôn yêu mến đất nước của chúng ta, Chekhov và Tolstoy cũng có tầm ảnh hưởng lớn với chúng ta. Hai nước đã cùng nhau trải qua những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của nước Nga không hoàn toàn phù hợp với chúng ta và chúng ta ý thức rõ về điều này.


        Nhưng sẽ là sai lầm nếu cắt đứt mọi quan hệ với cường quốc Đông Âu này, thay vì thiết lập một mối quan hệ lâu dài. Trong cuộc chiến chống khủng bố hoặc trong lĩnh vực năng lượng, chúng ta có cơ sở để phát triển mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, vấn đề đặt ra trong mối quan hệ của chúng ta với Hoa Kỳ liên quan tới việc cải thiện cơ cấu. Cả hai quốc gia có chung mối dây liên hệ là hoạt động bảo vệ nhân quyền và những mối quan tâm chung trong việc ổn định thế giới. Rất nhiều vấn đề đã được xem xét lại trong dịp Tổng thống Donald Trump đắt cử vào tháng 11-2016. Không ai có thể biết được hậu quả của cuộc bầu cử này, nhưng một điều dễ nhận ra là những năm cầm quyền của Tổng thống Obama được đánh dấu bằng một mối quan hệ căng thẳng bị che đậy với châu Âu. Có lẽ những căng thẳng này đã hình thành từ sự bất đồng liên quan đến Syria. Dưới thời Tổng thống Obama, châu Á là lựa chọn ưu tiên lớn hơn châu Âu. Đây là một định hướng cơ bản mà chúng ta mới chớm nhận ra hậu quả nếu nó vẫn tiếp tục trong tương lai. Đồng thời, Hoa Kỳ đang dần rút khỏi Trung Đông và các khu vực khủng hoảng, mặc dù đó là một trong những cam kết quan trọng của họ từ nửa thế kỷ nay. Chính sách đối với khu vực Trung Đông của Obama rất đơn giản: trao quyền cho các nhân tố địa phương và khu vực, không kiến thiết cũng không tham gia quá nhiều vào quá trình kiến tạo hòa bình.
        Sau khi quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, chừng nào không có mối đe dọa trực tiếp đến Hoa Kỳ, họ sẽ không can thiệp. Hoa Kỳ và Pháp đang có mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và cần được duy trì. Trên nhiều lĩnh vực hoạt động, Pháp được sử dụng hệ thống thông tin tình báo của Hoa Kỳ và các phương tiện hỗ trợ quân sự. Hoa Kỳ nhận thấy dải Sahel là một mối nguy hiểm và sự hợp tác của đôi bên trong lĩnh vực tình báo ở khu vực này là rất cần thiết. Trong bất kỳ trường hợp nào, mỗi quốc gia bên bờ Đại Tây Dương đều cần làm sáng tỏ, đánh giá lại mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu, cần đổi mới và tái đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, nghe lén là một hành vi không thể chấp nhận được. Các cơ quan hữu quan thì giải thích rằng đó là những hành động bình thường, không có gì lạ trong hoạt động tình báo. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là một cú sốc nếu áp dụng cho các nguyên thủ quốc gia. Trong mối quan hệ giữa một bên là nước Pháp và rộng hơn là Liên minh châu Âu với một bên là Hoa Kỳ, đây là một khoảnh khắc quyết định cho tương lai của hành tinh.
        Liệu trục Đại Tây Dương, vốn giữ vai trò tổ chức cấu trúc phương Tây, áp dụng chính sách Nhân quyền và phát triển hòa bình kể từ sau Chiến tranh thế giới, có còn là trục quan trọng nhất không? Tôi hoàn toàn tin tưởng điều đó. Nhưng nó hàm ý rằng cần tái cân bằng mối quan hệ của chúng ta, điều này góp phần quan trọng cho việc bảo vệ đất nước. Tại thời điểm tôi viết cuốn sách này, đời sống chính trị của nước Mỹ đã chuyển sang một giai đoạn mới với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Không ai biết những quyết định đầu tiên của ông ta sẽ là gì. Nhưng ít nhất, tôi biết rằng, cũng giống như những người tiền nhiệm, các quyết định của Tổng thống Trump sẽ bị ràng buộc bởi tình hình thực tế.



        Comment


        • #5
          Nếu Evo là dân Pháp thì cũng bầu ông Macron. Bác Poupi có bầu ông Macron hông?


          Je suis comme je suis
          Je suis faite comme ça
          Que voulez-vous de plus?
          Que voulez-vous de moi?

          Comment


          • #6
            Nguyên Văn Bài Viết Của evolution View Post
            Nếu Evo là dân Pháp thì cũng bầu ông Macron. Bác Poupi có bầu ông Macron hông?
            Bác Ế hể thấy trai đẹp là nhào vô liền ah

            Comment


            • #7
              Nguyên Văn Bài Viết Của Poupi View Post
              Bác Ế hể thấy trai đẹp là nhào vô liền ah

              Bác Poupi thấy ông thủ tướng Canada chưa, Evo và dì Bụi bầu ông đó





              Bác Hk thì bầu ông đẹp trai này

              Last edited by evolution; 12-04-2018, 08:29 PM.


              Je suis comme je suis
              Je suis faite comme ça
              Que voulez-vous de plus?
              Que voulez-vous de moi?

              Comment

              Working...
              X