Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

3 Nốt Ruồi Trên Xác Người Yêu - Người Khăn Trắng

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 3 Nốt Ruồi Trên Xác Người Yêu - Người Khăn Trắng

    3 Nốt Ruồi Trên Xác Người Yêu - Người Khăn Trắng





    (Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm)



    NỐT RUỒI TRÊN XÁC NGƯỜI YÊU

    Lần đầu tiên từ cả chục năm rồi, Phước mới có được một kỳ nghỉ trọn vẹn và ở nhà được đúng đêm giao thừa. Kể từ khi ra trường, chuyển về một trung tâm y tế huyện miền xa, cứ tưởng làm bác sĩ nơi đó sẽ được nhàn hơn là những bệnh viện cấp tỉnh, thành phố lớn. Nào ngờ đó là một huyện có mật độ dân cư đông, lại là nơi thường xảy ra nhiều trận dịch, nên người dân đã quen với cảnh ôm con tới bệnh viện dù bất cứ bệnh gì. Nên hai năm ra nghề của Phước đúng là hai năm tích lũy kinh nghiệm vô cùng quý giá.

    Qua năm thứ ba thì Phước đã nổi danh như một bác sĩ tận tụy, có lương tâm và đặc biệt là có tay nghề cao trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, thương hàn, thủy đậu v.v... Và cũng chính vì thế, nên một bệnh viện lớn ở thành phố đã nghe tiếng và bằng mọi cách đã xin Phước về cho bệnh viện của mình. Phước đành phải tuân theo lệnh đìều động, và trước Tết năm ngày, anh đã được phép về nghỉ ở nhà, trước khi nhận công tác ở bệnh viện mới.

    Lan Hương, cô em họ của Phước là người vui nhất khi hay tin anh được chuyển công tác về thành phố. Cô đã ra tận bến xe đón Phước chở anh về nhà, và khi Phước chưa kịp tắm rửa thay quần áo thì Hương đã giục anh lên xe:

    - Anh đi ngay kẻo muộn. Bọn bạn em đang đợi anh ngoài... quán bánh xèo!

    Phước ngạc nhiên:

    - Sao lại có vụ ai đợi ngoài quán bánh xèo? Mà họ là ai?

    Lan Hương làm ra vẻ bí mật:

    - Ai thì lát nữa đây anh sẽ biết!

    Hương vù xe như bay khiến Phước phải nhắc chừng:

    - Chạy xe giống mấy tay ';';yên hùng';'; xa lộ quá cô ơi!

    Lan Hương cườí vui:

    - Chạy như vậy cho quen, để mai mốt tốt nghiệp ra trường còn chạy ';';sô';'; nữa chứ!

    Phước tỏ ra ngờ nghệch:

    - Chạy ';';sô';'; gì? Em đang học y mà, chứ phải ca sĩ, diễn viên đâu mà chạy ';';sô';';?

    Lan Hương lại cười to:

    - Ông anh tội nghiệp của tôi, chỉ mới đi vùng sâu vùng xa mấy năm mà lạc hậu quá chừng rồi! Anh tưởng bác sĩ bây giờ không vắt giò lên cổ để chạy đi làm giàu à?

    Phước hoàn toàn không biết:

    - Bác sĩ có tiếng, mở phòng mạch thì mới hy vọng phát lên được. Nhưng số đó đâu phải nhiều.

    - Không nhiều thì mình làm cho nhiều!

    Lời nói của Lan Hương ẩn ý rắc rối, mà tính của Phước thì thích đơn giản, nên anh không hỏi tiếp. Lát sau, anh được đưa tới một đường phố quen thuộc. Phước hỏi:

    - Có phải Đinh Công Tráng không?

    - Anh chưa quên sao! Đây là phố bánh xèo mà!

    Ở một bàn rộng, đã có sẵn ba người bạn gái chờ trước. Họ vừa thấy Phước tới đã cùng reo lên:

    - Chào ông bác sĩ sắp nhận nhiệm sở!

    Trong số này chỉ có một người vốn là bạn của Lan Hương là Phước có quen mặt, còn hai cô kia thì anh hoàn toàn xa lạ. Do vậy, anh chỉ gật đầu chào chứ không hỏi chuyện. Lan Hương phải làm người dẫn chương trình:

    - Ông anh mình sau khi ở ba năm trong làng xã xa xôi thì hầu như quên hết chuyện đời ở chốn thị thành rồi, các bồ thông cảm. Riêng Ái Mỹ, nếu trong ba mươi giây nữa mà anh mình không nhớ ra và hỏi chuyện bạn thì bạn có quyền phạt thế nào cũng được.

    Ái Mỹ phải mất vài mươi giây mới nói được:

    - Biết người ta có chấp nhận chuyện phạt hay không đó mới là vấn đề.

    Lan Hương vẫn cố chọc Phước:

    - Vậy anh Phước nói đi chứ, chịu phạt hay không nào?

    Lâu lắm rồi Phước mới lại có được cái không khí vui đùa trẻ trung như thế này, nên chất trẻ trong anh cũng bùng lên rất nhanh, anh hòa nhập vào họ một cách dễ dàng, vừa nói vừa đưa mắt nhìn sang Ái Mỹ:

    - Có anh đàn ông nào có thể cưỡng lại được mệnh lệnh của đàn bà đâu? Tôi cũng còn là đàn ông mà!

    Nghe Phước nói vậy, ba cô bạn thích thú cười ầm lên, khiến cả quán quay lại nhìn. Lan Hương làm mặt lì.

    - Kệ họ, mình vui mà! Nhất là bữa nay sinh nhật người ta mà.

    Phước ngạc nhiên:

    - Ủa, sinh nhật em hả, Lan Hương?

    Lại được dịp để cô em nghịch ngợm càu nhàu:

    - Có cô em gái mà sính nhật ngày nào cũng không nhớ nữa! Của em thì phải gần hè kia, còn bữa nay thì...

    Hương nhìn vào Ái Mỹ và chỉ chiếc bánh sinh nhật đang để ở bàn bên cạnh:

    - Chủ nhân của nó là đây.

    Rồi Hương nói thẳng ra:

    - Hôm nay sinh nhật của Ái Mỹ, lại trùng vào ngày anh Phước về nhận nhiệm sở mới, như vậy niềm vui nhân đôi đấy nhé! Mà đã nhân đôi thì cũng có nghĩa là nhân hai người chịu chi bữa tiệc này đó!

    Một cuộc gài độ rõ ràng, nhưng Phước lại thấy thích, anh tự nguyện:

    - Ông anh này xin tuân lệnh!

    Nói xong, anh lại đưa mắt kín đáo nhìn Ái Mỹ, mà nếu các bạn tinh ý sẽ thấy trong cái nhìn đó hàm ý sâu xa hơn là cái liếc nhìn thông thường.

    Ái Mỹ cũng kín đáo nhìn sang, rồi vội quay đi chỗ khác ngay khi thấy mọi người để ý.

    Lúc này thì Phước đã nhận rõ ý đồ của cô em Lan Hương. Cô nàng muốn ráp nốt cho anh và Ái Mỹ, người mà trong những lá thư gửi cho anh, Hương đã có đề cập, có nói bóng gió là nếu anh không kịp tính thì có thể sẽ không có dịp để Hương gọi bạn mình là chị dâu.

    - Ôi chà, mơ mộng gì mà chẳng mời ai cả, ai dám ăn!

    Vô tình mà cả Ái Mỹ và Phước đều thả hồn đâu đâu. Mãi đến khi Lan Hương nhắc thì cả hai mới giật mình, lúng túng:

    - Mời... mời! Nào, hôm nay cho ';';người về từ ngàn trùng';'; mời nhé!

    Ái Mỹ cũng hào hứng:

    - Đâu có được. Lan Hương nói rồi mà, nhân đôi chứ!

    Mọi người được dịp tán thưởng:

    - Vậy là thừa nhận rồi nhé. Hoan hô cặp đôi! Vậy thì bữa nay không chỉ là tiệc sinh nhật mà còn là ngày...

    Cô bạn còn ngập ngừng thì Lan Hương đã bạo miệng:

    - Lễ ra mắt luôn!

    Cả hai, Ái Mỹ và Phước đều ngượng nhưng trong lòng họ có chút gì là lạ, mà chẳng ai trong bàn hiểu.

    Phước cố lắm mới nói được một câu:

    - Cám ơn các bạn!

    Lan Hương vẫn không buông tha:

    - Nhân danh ai mà cám ơn một mình vậy? Phải nói là chúng tôi.

    Ái Mỹ phát vào vai bạn một cái rõ mạnh:

    - Con quỷ cái!

    Lan Hương vừa né sang bên, vừa nheo mắt nói:

    - Nếu không nhờ con quỷ cái này thì chưa chắc quỷ đã gặp ma à nhe.

    Bữa tiệc tuy đơn sơ, nhưng không khí vui vẻ đó kéo dài đến gần mười giờ đêm. Ái Mỹ là người lên tiếng trước:

    - Phải để anh Phước về nghỉ, anh đã đi suốt ngày rồi.

    Mấy ngườt kia cũng có ý như vậy, nhưng hứng chí, Phước quay sang Lan Hương nói:

    - Em đi với mấy bạn về trước, mang cả giỏ đồ của anh về luôn, anh mượn xe em đưa Ái Mỹ đi một vòng. Được chứ, bà mai?

    Lan Hương cũng không ngờ tình hình chuyển biến nhanh đến như vậy. Dĩ nhiên là cô nàng đồng ý liền và còn nói:

    - Em sẽ nói với cô Tư là anh bận đi nhậu với mấy người bạn tới tận nửa đêm mới về.

    Nói xong, họ chủ động đi trước, để cho hai người được tự nhiên. Bấy giờ Phước mới bộc lộ rõ ý của mình:

    - Lúc nãy có tụi nó anh không dám lộ chuyện của mình. Anh cám ơn về lá thư thăm hỏi của em mới đây, nhất là món quà mừng sinh nhật gửi trước.

    Nàng đột nhiên hỏi:

    - Anh không buồn vì món quà đó chứ?

    - Đóa hoa cúc khô ép trong lá thư? Hàm ý nói lời chia tay sớm?

    Nàng không đáp ngay, mà từ sau gáy mình, Phước cảm nhận có một tiếng thở dài.

    - Em sao vậy?

    Có lẽ chưa muốn phải nói những lời không vui, nên Ái Mỹ nói liền:

    - Mình kiếm chỗ nào vắng ngồi nói chuyện đi anh.

    Vào một quán vắng, không để Phước đợi lâu, cô đã nói liền:

    - Cho em xin lỗi anh về món quà đó.

    - Xin Iỗi, nhưng sao em lại gửi nó cho anh?

    - Chỉ vì...

    Cô lấy từ trong túi ra một chiếc hộp nhỏ, chưa mở ra thì Phước đã nói ngay:

    - Nhẫn cưới!

    Giọng của Ái Mỹ trầm hẳn xuống:

    - Gửi cho anh đến bốn lá thư, nhưng sao anh không trả lời?

    Phước quá đỗi ngạc nhiên:

    - Anh chỉ nhận được đúng một lá thư gần đây nhất, kèm món quà đáng ghét này!

    - Không lẽ...

    - Em gửi theo đường bưu điện?

    - Không, ba lá kia em nhờ Lan Hương chuyển.

    Phước đăm chiêu một lúc rồi lẩm bẩm:

    - Chẳng lẽ Lan Hương...

    Ái Mỹ cũng có ý nghĩ đó:

    - Hay là Lan Hương không muốn em báo những điều không hay đến anh?

    - Cũng có thể... Em biết đó, Lan Hương lúc nào cũng muốn chúng ta gắn bó, nên nó giấu hết mọi chuyện về em, nó sợ anh lo lắng.

    Ái Mỹ thở dài:

    - Chẳng thà nó cứ gửi hết nhưng thư từ dó cho anh mà lại hay. Đỡ cho em...

    Phước không cầm hộp nhẫn cưới lên, anh hỏi, giọng lạc hẳn đi:

    - Em đã nhận lời người ta?

    Ái Mỹ quay nhìn ra chỗ khác:

    - Không phải em nhận, mà mẹ em...

    Rồi nàng kể lể:

    - Mẹ dang sống những ngày cuối đời bởi căn bệnh nan y, ý mẹ muốn được nhìn thấy em thành gia thất trước khi bà nhắm mắt. Mà anh thì cứ biền biệt. Em đã giải thích, năn nỉ nhiều lần, nhưng tội mẹ quá, nhiều hôm bà chỉ nằm thiêm thiếp, không ăn uống gì...

    Ái Mỹ khóc, nước mắt chảy dài mà Phước cảm giác như mình đang nuốt thứ nước mặn đắng ấy vào lòng. Cuối cùng anh chép miệng:

    - Anh chỉ xin em một điều...

    Anh không thể nói hết câu. Bởi nước mắt của anh cũng thật sự chảy ra. Anh nhẹ lắc đầu không nói thêm gì, mà cả những gì Ái Mỹ muốn nói anh cũng ngăn lại, không can đảm nghe tiếp. Suốt gần một giờ ngồi trong quán, hai người hầu như im lặng. Hộp nhẫn cưới đặt trên bàn giữa hai người, vô tình trở thành một vật ngăn cách tuy nhỏ bằng nửa nắm tay, nhưng chẳng khác một khoảng cách ngàn trùng...

    - Thôi, chúng ta về. Em cảm thấy mệt...

    Phước nghe theo, anh dẫn xe ra trong tâm trạng nặng nề, tưởng chừng như không thể đưa Ái Mỹ về được. Suốt dọc đường, anh nghe Ái Mỹ khóc trên lưng mình, những giọt nước mắt thấm ướt cả lưng áo...

    Gần 11 giờ đêm họ mới chia tay. Đứng nhìn theo bóng Ái Mỹ khuất dần sau cổng nhà cô, tự dưng Phước có cảm giác như mình vừa mất một thứ mà trong đời này anh sẽ không bao giờ có lại được. Trong một giây bàng hoàng, Phước quên cả thực tại anh quăng chiếc xe bên đường, lao theo tới trước cổng nhà và gào lên một tiếng thật to:

    - Ái Mỹ.

    Nhưng tự dưng tiếng của Phước như lạc vào một nơi nào đó mà âm thanh không hề phát ra, không hề có phản hồi. Phước biết điều đó và lại cố gào to hơn, nhưng hầu như mọi thứ đều không chịu theo lòng anh. Phước tưởng chừng như mình đang bị dìm xuống nước hay nhấc bổng lên không trung... Trong một tích tắc, Phước không còn tự chủ được, anh ngã chúi xuống và nghe văng vẳng có người nào đó gọi... mà chẳng phân biệt được tiếng của ai.

    Đến một lúc, Phước nghe như bên tai mình có một giọng nói rất khẽ, như hơi thở:

    - Bên nhau thì tồn tại, chia ly là đoản mệnh!

    Câu nói đó vừa dứt thì cũng là lúc Phước bàng hoàng tỉnh lại. Anh ngơ ngác nhìn quanh và hốt hoảng, bởi lúc ấy anh thấy chung quanh mình là một khung cảnh hoàn toàn khác lạ, không phải ở trước cổng nhà của Ái Mỹ như vừa rồi!

    - Sao kỳ vậy?

    Phước tự hỏi vừa quay nhìn khắp chung quanh, và anh càng kinh hãi hơn khi nhận ra mình đang đứng trong một bãi đất hoang, toàn cây cỏ, không có một bóng nhà.

    - Kỳ quái..

    Phước cứ lặp lại câu nói và không thể nào tin vào mắt mình. Cho dến khi anh chợt nhìn xuống chân và đọc được trên một bia đá mấy dòng chữ: Phần mộ Yến Lan.

    Vừa đọc xong mấy chữ này thì một lần nữa, hai mắt của Phước hoa lên và anh hầu như không còn nhận ra chung quanh nữa.

    ° ° °
    Lan Hương vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một cô gái lạ đang dẫn chiếc xe Velo Solex rất giống xe của mình vào cổng. Cô gái lạ e dè lên tiếng hỏi:

    - Có phải nhà của cô Lan Hương?

    Hương bước ra ngay và không nghi ngờ gì nữa, chính chiếc xe kia là của chính cô bởi những đặc điểm riêng không lẫn lộn với xe của ai. Cô hỏi nhanh:

    - Sao cô lại...

    Cô gái lạ giải thích liền, có lẽ để tránh hiểu lầm:

    - Tôi đưa chiếc xe này tới đây, bởi có người chỉ nhà. Cô là Lan Hương?

    Lan Hương gật đầu:

    - Đúng tôi là Lan Hương. Nhưng tại sao...

    - Chiếc xe này tôi dược một người dặn đưa tới đây giao cho cô.

    Chợt nhớ tới Phước, Hương hốt hoảng:

    - Vậy anh Phước đâu? Người chạy chiếc xe này...

    Cô gái lắc đầu:

    - Tôi không biết! Chỉ nghe ngườt nhờ tôi bảo rằng chiếc xe này là của cô, phải đem trả lại cho cô ngay và hãy tới nghĩa địa Tiều Châu đưa ai đó về!

    Nói xong, cô gái quay đi ngay, không đợi hỏi thêm câu nào nữa. Lan Hương lấy xe đuổi theo định hỏi thêm chi tiết, nhưng chẳng còn thấy bóng cô ta đâu.

    - Nghĩa địa Tiều Châu? Không lẽ anh Phước...

    Không kịp suy nghĩ thêm, Hương phóng xe tới đó ngay. Khu nghĩa địa này nằm không xa trung tâm, nên chỉ một lúc sau thì Hương đã chạy thẳng vào trong. Cô không gặp ai, bởi nghĩa địa này hình như lâu nay bị bỏ hoang, chẳng có quán trang. Và không khó để Hương nhìn thấy một người nằm sóng soài trước một ngôi mộ xây còn tương đối mới hơn những mộ chung quanh.

    - Anh Phước!

    Lan Hương bỏ xe cách hơn chục mét, chạy tới chỗ người nằm vừa kêu lên, bởi cô đã nhận ra màu quần áo Phước mặc. Và đúng như vậy, Phước nằm im như chết!

    - Anh Phước!

    Phải gọi đến lần thứ ba thì Phước mới khẽ cử động, chứng tỏ anh còn sống. Lan Hương mừng quá:

    - Lan Hương nè, anh sao vậy?

    Phước bật dậy, anh cũng ngơ ngác:

    - Anh vẫn còn nằm đây sao?

    - Nhưng sao anh vào nghĩa địa làm gì?

    Nhìn thấy chiếc xe đằng kia, Phước ngạc nhiên:

    - Ủa, lúc nãy anh có chạy xe tới đây sao?

    Lan Hương kể lại. Phước càng không hiểu:

    - Sao lại có cô gái nào đưa xe tới nhà em? Anh đâu hề quen cô nào, tại sao cô ta lại...

    Anh chợt nhớ, thảng thốt kêu lên:

    - Không lẽ anh bỏ xe trước cổng nhà Ái Mỹ?

    Anh kể lại cho Lan Hương nghe diễn biến chuyện vừa qua, Hương hỏi lại:

    - Lúc ấy Ái Mỹ có thấy anh bị ngất không?

    - Chắc là không. Tuy nhiên, hình như có ai đó đứng gần bên anh nói điều gì mà bây giờ anh không còn nhớ...

    Bỗng Lan Hương kêu khẽ:

    - Yến Lan? Có phải...

    Lan Hương ghé mắt sát vào mộ bia ghi tên Yến Lan, nhìn kỹ ngày mất và ngày sinh trong đó, rồi hốt hoảng:

    - Đây đúng là mộ của người chị Ái Mỹ rồi.

    Phước cũng chợt nhớ ra điều gì đó:

    - Có phải cô chị cùng cha khác mẹ với Ái Mỹ, đã chết cách đây bốn năm năm, mà hồi đó em có đi đám đó không?

    Lan Hương gật đầu:

    - Đúng là chị ấy! Cái chết của người chị này từng gây ra bao xáo trộn trong nhà Ái Mỹ, đến đỗi cha của Mỹ đã đau buồn mà chết theo mấy năm sau đó.

    - Nhưng sao lại chôn cô ấy trong nghĩa địa hoang vắng này?

    - Em không rõ. Hình như...

    Ngập ngừng một lát Lan Hương kể:

    - Em từng nghe nói giữa mẹ của Ái Mỹ và Yến Lan này không thuận thảo với nhau. Kể cả Ái Mỹ cũng thế.

    Phước có phần hiểu:

    - Mẹ ghẻ con chồng chứ gì!

    - Có lẽ vậy...

    Rồi Lan Hương lại thắc mắc:

    - Mà sao tự dưng anh lại vào đây làm gì?

    Phước nhắc lại:

    - Thì như anh vừa kể cho em nghe, khi ngất thì trước nhà Ái Mỹ, nhưng khi tỉnh lại thì anh đã thấy mình nằm đây rồi. Anh đang thắc mắc thì chẳng hiểu sao người như bị say, lảo đảo và một lần nữa anh lại rơi vào cơn mê sâu. Chẳng hiểu ai đã nói câu ';';gần nhau thì tồn tại, chia ly thì đoản mệnh';';, anh nghe văng vẳng nên không thể phân biệt được giọng của ai.

    Lan Hương cứ nhìn mãi vào mộ bia và thỉnh thoảng lại lầm bẩm:

    - Sao lại là Yến Lan?

    Mãi đến lúc ra về rồi mà Lan Hương vẫn chưa hết nghĩ về cô gái này. Nên khi đưa Phước về nhà xong, cô đã chạy ngay tới nhà Ái Mỹ gọi cửa. Mẹ của Mỹ ra mở cổng, vừa thấy Hương bà đã mừng rỡ:

    - Bác đang tính cho người đi tìm con thì may quá con tới! Ái Mỹ bị bệnh nặng lắm!

    Lan Hương vào thăm thì phải giật mình, bởi chỉ sau một đêm mà trông Ái Mỹ tiều tụy hẳn, da mặt xanh xao một cách kỳ lạ.

    - Sao vậy Mỹ?

    Ái Mỹ không đáp được, chỉ khẽ khẽ lắc đầu rồi nằm im. Hai dòng lệ lăn dài trên má. Bà Châu, mẹ Mỹ kể:

    - Chẳng hiểu sao trong cơn mê sảng đêm qua, nó cứ gọi tên con chị nó.

    Bà nói chưa dứt thì Lan Hương đã nói liền:

    - Yến Lan!

    Bà Châu gật đầu:

    - Nó cứ kêu tên con Yến Lan rồi thỉnh thoảng lại gào lên như sợ con ấy làm gì nó vậy!

    Lan Hương muốn kể lại chuyện của Phước, nhưng nhớ tới việc bà Châu không thích Phước, nên im lặng quay đi. Đợi đến khi bà bước ra ngoài, Hương mới kề tai nói nhỏ với Mỹ:

    - Anh Phước cũng gặp chị Yến Lan!

    Ái Mỹ không phản ứng nhanh nhẹn được, nhưng một tay cô cũng chụp được tay của Hương, siết rất yếu ớt và thều thào:

    - Anh... Phước...

    - Anh ấy khỏe lại rồi. Mỹ nói mình nghe coi, bồ bị sao vậy? Chị Yến Lan đã làm gì bồ?

    Hình như Mỹ không nói được điều cô đang nghĩ, nên đôi lần cô mím chặt môi và cứ để cho nước mắt chảy ra hầu như không dứt. Nhìn cảnh tượng đó, Lan Hương linh tính có điều gì đó không ổn. Cô định về gọi Phước tới, nhưng vừa khi ấy ngoài cửa đã có người lên tiếng hỏi:

    - Mỹ ra sao rồi má?

    Người đó là Toàn, anh chàng đang là ';';người thứ ba';'; đáng ghét chen vào tình cảm giữa Ái My và Phước. Không muốn gặp anh ta nên Lan Hương bước ra ngoài, tránh xuống nhà sau. Đợi lúc anh chàng bước vào phòng của Ái Mỹ rồi, cô mới ra ngoài, dẫn xe đi mà không chào bà Châu.

    Phóng xe trên đường mà đầu óc Hương để đâu đâu. Mãi đến khi chợt bên tai vang lên câu nói của ai đó:

    - Đừng xía vào chuyện của thiên hạ, trong khi chuyện của mình vẫn chưa xong! Tốt hơn là nên quay về nhà, những gì đang đợi sẽ đáng tốn sức hơn nhiều.

    Quay lại nhìn trước sau, không thấy ai là người đang nói câu đó. Lan Hương nói cố cho ai đó nghe:

    - Là người đàng hoàng thì nên đối mặt mà nói chuyện!

    Không nghe trả lời. Hương nghĩ là họ đã nghe được mình, nên tiếp tục nói:

    - Tôi tuy là con gái nhưng không hề sợ chuyện quỷ ma. Nếu thật sự đây là hồn ma bóng quế thì nên gặp trực tiếp tôi sẽ hay hơn!

    Vẫn không có lời đáp, nhưng bất ngờ có một vật gì đó rơi đúng vào ghi đông xe của Lan Hương khiến cô hơi đảo tay lái, buộc lòng phải tấp vào lề. Lúc ấy, cô mới nhận ra vật vừa rơi và máng trên tay lái là... một con mèo con thật đẹp!

    Vốn thích súc vật, đặc biệt là mèo, nên thay vì bực mình, Lan Hương lại chụp lấy con vật, ôm vào lòng vừa xuýt xoa:

    - Ai mà ác quá, ném con mèo, chút nữa nó chết rồi!

    Con mèo hình như cảm thấy được cưng, nên tỏ thái độ thân thiện ngay với Hương bằng cách dụi đầu vào ngực cô, đồng thời phát ra tiếng kêu khe khẽ như biểu thị sự thích thú, vui mừng. Nhìn trước sau một lần nữa, Lan Hương lẩm bẩm:

    - Không thể bỏ con mèo này lại đây được, xe cộ quá nhiều sẽ gây nguy hiểm cho nó ngay!

    Cô một tay ôm con mèo, một tay chạy xe, tuy có bất tiện, nhưng rồi Lan Hương cũng đem được nó về nhà. Mang vào phòng riêng, Hương lấy cái mền còn mới, úm nó lại, chăm sóc như một đứa trẻ:

    - Ngoan đi cưng, chị mày sẽ nhận làm em nuôi, sẽ cho mày chung phòng từ nay nhé!

    Con mèo chừng như hiểu, nó càng tỏ ra trìu mến hơn với Hương, khiến cô nàng càng lúc càng thích thú, nằm vuốt ve nó mãi trên giường.

    Ngủ một giấc dài, cho đến khi đồng hồ treo tường đổ ba tiếng thì Lan Hương mới thức giấc. Việc đầu tiên của cô là đưa tay mò trong bóng tối để tìm con mèo cưng, nhưng chẳng hề thấy đâu.

    Nghĩ nó chạy đi đâu đó, chắc chắn chỉ nội trong phòng thôi, bởi cửa sổ, cửa lớn đều đóng kín trước lúc đi ngủ. Vậy mà sau gần chục phút cố sức tìm, vẫn biệt tăm. Con vật bé xíu đáng yêu kia. Lan Hương mở cửa gọi to ra ngoài:

    - Mẹ ơi, có thấy con mèo nhỏ của con không?

    Bà Bảo Tín, mẹ Lan Hương từ phòng riêng bước ra ngạc nhiên hỏi:

    - Con mèo nào? Nhà mình từ khi con Miu Miu mất trộm đến giờ có nuôi thêm con nào đâu?

    - Có! Con mèo con mới đem về. Mèo nhị thể đẹp lắm.

    - Mèo nhị thể là mèo gì?

    - Con mèo có hai màu đen, trắng.

    Bà Tín lắc đầu:

    - Mẹ ngủ sớm, con về mẹ còn không hay, thì làm sao thấy con nhị thể, tam thể gì! Con chử hỏi con Sáu Lanh coi.

    Sáu Lanh là chị người làm, đã chạy từ ngoài vào mà không cần chủ gọi. Chị ta hớt hải:

    - Có cái này bà chủ ơi!

    Trên tay chị ta ôm một cái hộp giấy được đóng gói cẩn thận. Bà Bảo Tín ngạc nhiên hỏi:

    - Hộp gì của ai vậy?

    - Dạ, không biết của ai, con thấy đặt ngay trước cổng nhà mình, mà ngoài hộp lại đề gửi cho cô Lan Hương, nên con...

    Lan Hương giật mình:

    - Gửi cho tôi?

    Cô bước tới nhìn vào thì rõ ràng người nhận chính là cô, không đề tên người gửi.

    - Cái này để ngoài cửa lâu chưa?

    - Tôi cũng không biết. Nhưng chắc là không lâu, bởỉ nếu lâu thì chắc gì còn, vì họ để khơi khơi ngoài cổng. Chẳng biết cái gì bên trong nữa.

    Đích thân Lan Hương khui thùng ra.

    - Trời ơi, quân ác nhân!

    Nghe con gái kêu thất thanh, cả bà Tín và Sáu Lanh đều bước tới nhìn. Trong thùng có ba con mèo với hai sắc lông đen, trắng đang nằm im như chết! Lan Hương bị kích động dữ dội:

    - Ai? Ai đã giết chúng thế này? Ai mà ác hơn loài cầm thú, trời ơi!

    Trong số ba con mèo chết có con mà Lan Hương đã đem về. Sở dĩ cô nhận ra nó là nhờ sợi dây rubăng đỏ mà cô đã tự tay đeo vào cho nó. Bà Bảo Tín sợ con gái mình vì quá xúc động mà có thể xảy ra chuyện không hay, nên vội đưa tay đóng nắp thùng lại, Nhưng đó cũng là một tai họa, vì tay bà vừa chạm vào thùng thì cả ba con mèo đồng loạt bật dậy phóng ra khỏi thùng. Chúng không chạy đi, mà mỗi con chọn một người đang có mặt, rồi bất thần cắn mạnh vào cổ tay cả ba.

    Bà Bảo Tín thét lên trước một tiếng rồi ngã lăn ra, kêu đau! Sáu Lanh cũng làm y như vậy. Chỉ có Lan Hương, mặc dù cũng đau buốt, tê cứng cánh tay, nhưng cô ráng sức bóp chặt chỗ vết cắn lại, hô to:

    - Đi lấy thuốc sát trùng mau lên!

    Sáu Lanh biết là bảo mình, nhưng do cơn đau nhức quá dữ dội, nên chị ta không thể ngồi dậy được. Lan Hương phải tự tay mình bò vào phòng mình tìm thuốc. Lấy được lọ thuốc sát trùng bôi vào vết thương xong, Lan Hương cố đứng lên bằng cách vịn vào chiếc tủ đứng. Và vô tình, cô nhìn bóng mình trong tấm gương soi, Hương kêu thét lên:

    - Sao thế này?

    Ngay giữa sống mũi của cô, có một nốt ruồi cỡ như con ruồi trâu mọc lên ở đó. Nghĩ mình bị vật gì đó bám phải nên Lan Hương lấy tay gỡ nó ra. Nhưng vật ấy hầu như đã dính chặt vào da thịt, không thể tách ra được!

    Đồng thời toàn thân của Hương bỗng dưng sốt lên rất cao, khiến cô choáng váng, lảo đảo. Tuy nhiên, cô vẫn cố đi trở ra nhà ngoài và phải kêu thét lên:

    - Trời ơi, má.

    Trên mũi của bà Bảo Tín và Sáu Lanh đều có một nốt ruồi giống hệt như của Lan Hương. Lan Hương chỉ kịp chứng kiến tới đó, rồi cô lịm đi. Hai người kia hầu như cũng trong tình trạng đó. Trong phút chót thì cả ba người đều nằm im như ba cái xác chết giữa phòng khách. Ba con mèo như ba cái bóng ma lao vút ra cửa và mất dạng.

    Nhiều biến cố dồn dập khiến cho Phước choáng váng. Muốn đến thăm người yêu mà không dám. Trong lúc đó lại nghe tin về Ái Mỹ làm cho Phước càng thêm lo. Cuối cùng, anh đành thu hết can đảm tới nhà Mỹ. Trái với sự lo lắng của anh, vừa bước vào nhà, anh đã được bà Châu săn đón:

    - Cháu ơi, giúp bác với!

    Phước ngạc nhiên:

    - Thưa bác, chẳng hay có chuyện gì?

    - Con Ái Mỹ...

    Bà nói tới đó thì òa lên khóc.

    - Thưa bác.

    Phước nhìn vào trong, cố ý đợi Ái Mỹ xuất hiện. Nhưng câu nói của bà Châu đã làm cho anh chới với:

    - Con Mỹ đã bỏ nhà đi rồi!

    - Mỹ đi đâu?

    Bà Châu nhìn thẳng vào Phước:

    - Bác đang muốn hỏi cháu. Bác nói thật bác chỉ có mình nó, xưa nay nó luôn nghe lời bác, ngoan ngoãn chưa bao giờ làm trái ý. Vậy mà lần này nó lại cãi, nó chỉ nói một câu rồi bỏ nhà đi liền. Bác nghĩ nó đi với cháu.

    Phước xua tay lia lịa:

    - Dạ, con xin thề với bác, con không hề biết gì chuyện Mỹ bỏ nhà đi! Chính con đang sốt ruột muốn gặp được Mỹ nên mới mạo muội tới đây thăm.

    Bà Châu thất vọng:

    - Vậy mà bác cứ nghi. Bây giờ bác phải làm sao đây? Nếu nó làm chuyện dại dột gì thì chắc là bác không sống nổi.

    Bà lại khóc sướt mướt. Phước tìm cách an ủi và hỏi rõ hơn:

    - Thưa bác, tại sao Mỹ làm chuyện dại dột đó?

    Đúng ra bà Châu không nói với Phước chuyện riêng tư của con, nhưng trong tình thế này, bà quên cả giữ gìn:

    - Chỉ vì bác ép nó lấy thằng Toàn. Mà con cái nó dại dột quá, nếu không chịu thì để bác còn tính lại, chứ đâu phải bác không thương con cái...

    Lâu nay Phước không có thiện cảm với người đàn bà này, nhưng giờ đây nhìn thấy bà đau khổ, anh đâm ra áy náy:

    - Thưa bác, cháu có thể làm được gì, xin bác cứ dạy, cháu nguyện làm hết sức mình.

    Bà Châu cầm tay Phước, giọng thành khẩn:

    - Cháu làm cách nào tìm giùm nó về cho bác. Nói với nó là bác tha thứ hết kể cả việc bác không ép nó nữa. Nó muốn làm theo ý gì bác cũng chịu!

    Phước sốt sắng:

    - Dạ, cháu sẽ làm theo lời bác. Nhưng có điều này, cháu muốn hỏi: bác có một người con tên Yến Lan phảỉ không? Cô ấy và Ái Mỹ có điều gì...

    Tuy Phước không nói hết ý, nhưng bà Châu đã hiểu, bà đáp ngay:

    - Chị em nó không thuận thảo nhau. Nhưng con Yến Lan đã chết từ lâu rồi...

    Phước thấy không cần phải giấu:

    - Vừa rồi cháu đã vào nghĩa địa và gặp ngôi mộ của Yến Lan. Cháu thấy có những điều khác thường nhưng chưa thể lý giải được...

    Bà Châu đăm chiêu một lúc rồi nói:

    - Con Yến Lan đã chết lâu rồi, chẳng hiểu sao mấy bữa nay con Ái Mỹ lại nhắc nó hoài, bác lo quá!

    - Bác có nghĩ giữa họ đang có việc gì đó không bình thường hay không?

    Bà Châu lắc đầu:

    - Bác không biết nữa. Chỉ thấy lo lo thôi...

    Hai người đang nói chuyện ở phòng khách thì chợt có tiếng động khác thường phòng trong. Bà Châu giật mình nói:

    - Ủa có chuyện gì trong phòng con Ái Mỹ?

    Bà chạy vào và ngay sau đó là tiếng la thất thanh:

    - Trời ơi!

    Phước chạy vào theo và anh khựng lại khi nhìn thấy trong phòng có ba con mèo đang nằm trên giường như đang ngủ say! Bà Châu lắp bắp:

    - Nhà đâu có nuôi mèo mà sao chúng nó lại ở đây?

    Đã nghe Lan Hương báo tin vụ ba con mèo này nên giờ đây nhìn thấy nó, Phước lo lắng:

    - Những con mèo nhị thể... Những con mèo đen trắng này phải chăng là...

    Phước không dám nói hết ý, nhưng trong thâm tâm anh đang nghĩ tới điều không hay. Mà điều này nếu nói ra lúc này e sẽ khiến bà Châu lo lắng thêm nên anh im lặng, chỉ đưa mẩt chăm chú nhìn ba con mèo.

    - Cháu... đuổi nó đi giùm bác.

    Phước ngần ngại, nhưng không từ chối được nên phải bước hẳn vào phòng, vỡ mạnh tay và xua:

    - Đi! Đi ra!

    Ba con mèo không động đậy, Phước phải bước tới gần hơn và vỗ tay mạnh hơn. Lần này có tác dụng, bởi một trong ba con mèo nhúc nhích và bất ngờ phóng thẳng lên, gần đụng trần nhà!

    Bà Châu hốt hoảng:

    - Coi chừng!

    Bà vừa kịp lùi lại thì một vật gì đó rơi xuống ngay trước mặt. Phước vừa kịp nhìn thấy, anh kêu lên:

    - Con mèo!

    Vẫn là con mèo trắng đen, nhưng lúc này nó cụt mất cái đầu mà thân mình thì đầy những máu.

    Thấy máu, bà Châu run lẩy bẩy, vừa lảo đảo. Phước phải chạy tới đở bà và dìu lại ngồi xuống chỗ bàn phấn. Nhưng bà Châu đã không còn có thể ngồi được, người bà đổ về một bên khiến Phước hốt hoảng, phải dìu bà ra phòng ngoài.

    Phải gần nửa giờ sau, bà Châu mới hồi tỉnh. Vừa mở mắt ra bà kêu lên:

    - Con Yến Lan!

    Phước ngạc nhiên:

    - Bác nói Yến Lan ở đâu?

    Chỉ vào khoảng không, bà run run giọng:

    - Nó... nó ở chỗ kia!

    Nói xong, bà ôm lấy mặt sợ hãi. Phước ngước nhìn theo hướng tay bà chỉ vừa rổi, và anh điếng hồn khi thấy trên cánh quạt trần có hai con mèo treo lơ lửng. Máu từ miệng chúng đang tuôn chảy, rơi xuống đỏ cả một khoảng sàn nhà!

    - Bác!

    Phước cảm thấy luồng khí lạnh đang chạy theo sống lưng của mình...

    ° ° °
    Phải mất hơn một tuần sau, Phước mới lấy lại cân bằng, anh trình diện nhiệm sở mới. Người ta chuyển anh về một bệnh viện khá nổi tiếng và ngay buổi làm việc đầu tiên, Phước đã gặp một ca bệnh khó. Người trợ lý khoa cho biết:

    - Có một bệnh nhân tuy đã chết lâm sàng rồi, nhưng người vẫn ấm, đồng tử chưa giãn nở, do đó ta chưa thể chuyển xuống nhà xác được, ý anh thế nào?

    Tuy được phân công trưởng khoa, nhưng là người mới, nên Phước dè dặt:

    - Các anh em, nếu cần thì ta cứ để xem lại. Tôi sẽ trực tiếp xem.

    Anh vào phòng cấp cứu, chỉ có một bệnh nhân duy nhất còn lại đó.

    - Nam hay nữ?

    Cô y tá hướng dẫn Phước đến bên giường bệnh nhân vừa bảo:

    - Cô gái còn khá trẻ, người ta chuyển vào đây lúc chiều trong tình trạng hôn mê sâu. Ai cũng ngỡ cô bị chấn thương gì đó, nhưng sau khi xem kỹ thì không thấy thương tích gì, cũng không có dấu hiệu gì là tự tử. Chẳng hiểu sao lại như thế này. Phước vừa nhìn vào người bệnh đã thất thần khi nhận ra đó là Ái Mỹ!

    - Trời ơi!

    Cô y tá ngạc nhiên:

    - Người quen của bác sĩ?

    Phước giục:

    - Chị lấy ống nghe giúp tôi!

    Anh mất bình tĩnh đến đỗi đặt ống nghe trật vuột mấy lượt. Phát hiện có dấu hiệu còn mạch, Phước phấn khích:

    - Còn sống!

    Cô y tá Sương cũng phấn khởi:

    - Còn có thể cứu được phải không bác sĩ? Từ chiều đến giờ tụi em cứ sợ lại phải thêm một lần chuyển người bệnh xuống nhà xác!

    Phước kề sát tai Mỹ gọi khẽ:

    - Anh đây, Phước đây Mỹ!

    Cô nàng vẫn không có phản ứng gì. Phước vẫn gọi:

    - Ái Mỹ!

    Anh cầm bàn tay nàng và lạ sao bàn tay xanh tái kia từ từ nắm chặt lại và giữ tay Phước như không muốn rời ra.

    - Em không sao rồi, Mỹ ơi.

    Phước lúc này là một người thân chứ không phải là anh quên sự có mặt của cô y tá bên cạnh, vội áp mặt mình vào mặt bệnh nhân.

    - Thưa bác sĩ, có cần làm cấp cứu không?

    Phước giật mình, vội bảo:

    - Chị lấy ống thuốc trợ tim, chích cho cô ấy.

    Nhưng cô y tá chưa lấy được ống thuốc thì đã nghe Phước hốt hoảng:

    - Mỹ! Ái Mỹ!

    Ái Mỹ lồng lên dữ dội, xô ngã Phước ra và hai tay bứt tung cả nút áo ngực, để lộ ra ngực trần. Phước lại kêu:

    - Mỹ, em đừng...

    Nhưng tiếng kêu của Phước chưa dứt thì Ái Mỹ đã bất động trở lại, như một xác chết. Mà là xác chết thật sự khi Phước đưa tay đặt lên mũi cô:

    - Ái Mỹ!

    Phước đang chụp lấy vai cô vừa lắc mạnh thì đã phảỉ ngừng lại, sửng sốt khi nhìn lên bộ ngực trần. Từ đầu nhù bên này kéo dài sang đầu nhũ bên kia có ba nốt ruồi đen, tròn, giống như ba hạt đậu nằm rải đều nhau!

    Đây không phải lần đầu Phước nhìn thấy ngực người yêu, nên anh vừa sững sờ vừa sợ hãi. Mãi một lúc anh mới cất tiếng được:

    - Chị gọi thêm...

    Anh định bảo cô ý ta gọi thêm bác sĩ tăng cường, nhưng kịp nghĩ lại, anh ngăn lại:

    - Thôi, không cần!

    Rồi tự tay anh kéo áo nàng lại một cách cẩn thận. Dù không cố ý, nhưng tay Phước cũng chạm vào một trong ba nốt ruồi ấy, và như có luồng điện cực mạnh truyền sang, khiến Phước bị bắn bật ra, ngã hẳn xuống sàn!

    - Ái Mỹ!

    Khi một số bác sĩ khác chạy vào tiếp cứu thì đều nhận xét:

    - Bệnh nhân đã chết hẳn rồi!

    Phước tuy không dám chạm vào thân xác của người yêu, nhưng anh vẫn chưa muốn rời nàng, do vậy anh chưa cho chuyển Ái Mỹ xuống nhà xác. Anh ngồi rất lâu, thỉnh thoảng cứ muốn nhìn lại ba cái nốt ruồi kỳ lạ ấy, nhưng lại cũng không dám...

    ° ° °
    Chính Phước là người nhận xác người yêu về ngay đêm hôm đó mà không để bệnh viện chuyển xuống nhà xác. Bà Châu đau buổn vì mất con bao nhiêu thì Phước đau cũng không kém, ngoài ra anh còn nỗi ray rứt không yên là không cứu được nàng, dù phút cuối anh cận kề bên cạnh.

    Khi tang lễ chấm dứt, đưa quan tài Ái Mỹ ra nghĩa địa, anh quyết liệt chống đối việc thiêu xác. Anh cố thuyết phục bà Châu:

    - Con xin bác đừng thiêu xác Mỹ, con muốn cô ấy được nguyên vẹn.

    Bà Châu phải nghe theo, dù mọi thủ tục thiêu xác đã được chuẩn bị. Phước còn nghị và được chấp thuận:

    - Ở phần vườn nhà con nhiều khoảng trống, con xin bác hãy cho chôn Ái Mỹ ngay trong đó.

    Bà Châu lại nghe theo và còn bảo Phước:

    - Bác muốn con qua bên này lo giúp bác một thời gian. Nhà hiện nay không còn ai. Bác thì có bệnh tim.

    Phước nhận lời ngay. Trước mắt, gần như suốt ngày anh ở ngoài phần mộ. Cứ đốt hết đợt nhang này đền đợt nhang khác hầu như không bao giờ dứt khói hương. Hằng ngày cho mãi đến khi trời tối mịt Phước mới vào nhà. Anh xin phép được ngủ ở phòng của Ái Mỹ và được bà Châu chấp thuận, bà còn bảo:

    - Con coi trước khi chết nó có để lại di bút gì không?

    Phước cố tìm, nhưng không thấy gì. Cả hai đêm liền Phước đều khó ngủ và lại tìm khắp các phòng trong, mong thấy được một cái gì đó chứng tỏ Ái Mỹ chán chường và tuyệt vọng, mà vẫn không có. Qua đêm thứ ba, tức tròn một tuần từ ngày Mỹ chết, Phước quá kiệt sức nên đi ngủ sớm. Ngay khi từ ngoài mộ Ái Mỹ về, chưa kịp thay quần áo Phước đã ngã lưng ngủ ngay. Không biết giấc ngủ kéo dài bao lâu, cho đến khi Phước nghe có một tiếng ho khan của ai đó ngay trong phòng mình, đồng thời anh ngửi được mùi thuốc lá rất lạ.

    - Ai vậy?

    Phước vừa bật dậy thì đã nghe có người lên tiếng, giọng đàn ông:

    - Ngày nào cũng ăn ngủ chập chờn như vậy thì liệu sống được bao lâu nữa?

    Trong phòng lúc ấy không có ánh sáng, nhưng qua giọng nói Phước biết người ấy đang ngồi bàn cạnh cửa sổ. Ông ta lại tiếp:

    - Cậu cứ ở đó không cần phải mở đèn lên, ta sợ ánh sáng.

    Lúc này Phước mới hỏi:

    - Ông là ai? Tôi nhớ lúc đi ngủ đã chốt cửa phòng lại rồi mà!

    Một tiếng cười khẽ cất lên:

    - Cửa chốt lại là để ngăn người trần, chứ người trong thế giới vô hình thì cửa khóa có nghĩa gì với họ!

    Phước hốt hoảng:

    - Ông là...

    - Cậu có sợ cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa, bởi ta đã ở đây, cận kề bên cậu rồi. Cậu sợ thì cũng không thể thoát được, nếu ta muốn ra tay...

    Câu nói có tính hăm dọa thật sự không làm cho Phước sợ, tự dưng anh cảm thấy tự tin hơn, nên nói liền ý nghĩ của mình:

    - Giờ phút này tôi còn đang muốn được chết, bởi người yêu tôi không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa thì sự sống cúng đâu còn nghĩa lý gì với tôi nữa!

    Người đàn ông im lặng một lúc mới lên tiếng trở lại, giọng có hơi khác:

    - Cậu yêu người con gái ấy đến thế sao? Đó là lòng thành hay chỉ là...

    - Tôi không việc gì phải dối lòng. Vã lại ông không là gì để tôi phải bày tỏ...

    - Khá khen cho cậu. Nhưng có một điều tôi thấy tiếc...

    Ông ta ngừng nói một lúc nữa, rồi đột ngột hỏi:

    - Cậu có chắc là đã chôn người yêu của mình?

    - Kìa ông, chuyện ấy là của tôi. Chính tôi đã...

    - Đã chôn nàng ngoài sau vườn nhà này chứ gì? Tôi nghiệp cho một con người si tình nhưng thiếu sáng suốt! Cậu có nghĩ là mình chỉ chôn xác ba con mèo không?

    Câu hỏi khiến cho Phước giật mình:

    - Ông nói sao? Làm gì có chuyện ấy! Chính tôi...

    Có tiếng xô ghế đứng lên của người kia, kèm theo lời nói:

    - Tin hay không thì cậu ra mà xem. Tôi chỉ muốn giúp cậu thôi.

    Im lặng hoàn toàn sau đó. Phước hỏi to:

    - Ông còn đó không?

    Chẳng nghe tiếng trả lời. Phước chạy tới công tắc đèn, bậc lên thì chẳng thấy ai trong phòng mình nữa. Cửa vẫn chốt chặt từ bên trong.

    Nhớ lại câu nói của ông ta, Phước lặp lại một mình:

    - Không có xác của Ái Mỹ...

    Anh tốc cửa chạy ra ngoài. Lúc này Phước mới biết trời vừa sáng. Việc đầu tiên của Phước là chạy ra phần mộ của Ái Mỹ và sau đó tìm mấy vật dụng để đào đất.

    Phước hành động một mình, bởi sợ kinh động đến bà Châu thì sẽ bị phản đối. Đào mộ mới chôn nên cũng không khó để Phước đào tới nắp quan tài chỉ sau mười lăm phút. Không chần chừ, Phước tìm cách nạy nắp quan tài lên. Cũng không khó. Khi nắp quan lộ ra, Phước đã sững sốt kêu lên:

    - Trời ơi!

    Trong quan tài rõ ràng có ba con mèo nhị thể nằm rải đều ra từ đầu đến cuối. Ngoài ra không có xác của Ái Mỹ! Điều này không thể nào xảy ra, bởi khi liệm xác Mỹ thì chính tay Phước đã làm. Vậy thì tại sao?

    Không thể nào lý giải được, nên Phước chỉ còn biết đứng thừ người ra, chưa biết phải làm sao, thì bỗng có một cơn lốc xoáy thổi lên khiến Phước phải lảo đảo lùi ra mấy bước. Đến khi cơn lốc qua rồi, Phước nhìn lại thì trong quan tài không còn xác ba con mèo nữa, mà đất của phần mộ cũng được lấp lại nguyên vẹn như lúc chưa đào!

    Vẫn còn chưa hết bàng hoàng, nên Phước cứ lầm bầm:

    - Không thể nào, không thể là như thế này được!

    Phải hơn một giờ sau anh mới trở vào nhà, gặp bà Châu ngay cửa ra vào, bà reo lên khi thấy Phước:

    - Bác đợi cháu nãy giờ. Có chuyện này...

    Bà hạ thấp giọng như sợ có người nghe:

    - Ba con Ái Mỹ về báo mộng cho bác biết con Ái Mỹ chưa chết sao bữa mình đem chôn nó?

    Phước không thể giấu chuyện vừa rồi, liền thú thật:

    - Cháu cũng được biết chuyện đó nên mới đây cháu đã đào mộ lên.

    Bà Châu hỏi dồn:

    - Vậy có cứu được nó không?

    - Không có xác của Mỹ dưới mộ.

    Câu nói của Phước làm cho bà Châu tròn xoe mắt:

    - Vậy nó ở đâu? Không lẽ chỗ ba nó nói?

    - Bác trai bảo thế nào?

    - Ở chỗ mộ con Yến Lan.

    Phước giật mình:

    - Sao lại ở chỗ ấy?

    Tuy nói vậy, nhưng Phước lại vừa bước ra cửa, bà Châu hỏi:

    - Con đi đâu vậy?

    Không trả lời, Phước gọi xích lô đi thẳng tởi chỗ nghĩa địa vắng hôm trước. Đến trước ngôi mộ Yến Lan, nhìn trước sau không thấy gì khác lạ, Phước vừa định bước trở ra thì chợt nghe văng vẳng trong gió giọng người đàn ông quen quen:

    - Phải tìm thì mới gặp chứ cớ sao chỉ đứng đó mà nhìn!

    Chẳng hiểu có động lực nào thúc đẩy mà Phước lại bước về hướng bên trái. Có lẽ anh theo giọng nói vừa phát ra. Năm phút sau, Phước đã đứng trước một ngôi nhà xiêu vẹo, cửa đóng nhưng không khóa. Nghĩ là có người bên trong nên Phước cất tiếng gọi:

    - Có ai trong nhà cho tôi hỏi thăm...

    Chẳng có ai lên tiếng, nên gọi đến lần thứ hai thì Phước mạnh dạn đẩy cửa vào. Bên trong có ánh sáng từ chiếc đèn dầu hắt ra, chiếc giường tre ọp ẹp có một người nằm.

    - Ái Mỹ!

    Vừa trông thấy người trên giường, Phước đã nhận ra ngay là người yêu. Anh chạy tới thật nhanh và quả đúng là Ái Mỹ đang nằm im. Chạm tay vào nàng, Phước mừng rú:

    - Còn sống.

    Thân thể còn ấm. Chỉ có điều là bất động như xác chết. Là một bác sĩ, Phước hiểu điều đó có nghĩa là nàng còn sống. Anh nắm chặt bàn tay nàng, gọi khẽ:

    - Mỹ, anh đây. Phước đây.

    Nàng vẫn bất động. Chợt giọng nói lúc nãy vang lên:

    - Áp thân cậu vào thân nó, Mỹ sẽ tỉnh lại!

    Như một mệnh lệnh, Phước làm theo mà không chút e dè. Và anh cảm thấy máu trong người mình chuvển động mạnh. Hơi nóng từ thân thể Mỹ từng lúc ấm thêm lên...

    Đến một lúc, Phước bị hất tung ra, suýt văng xuống sàn. Nhưng khi nhìn lại anh mừng quá, reo lên:

    - Mỹ! Em tỉnh lại rồi!

    Ái Mỹ bật dậy rất nhanh và lên tiếng ngay:

    - Tôi đang ở đâu?

    - Anh đây!

    Nhìn thấy Phước, nàng oà lên khóc! Chợt giọng nói lúc nãy thúc giục:

    - Đưa nó rời khỏi đây ngay.

    Không biết Ái Mỹ có thể đi được hay không, Phước bế xốc nàng lên và chạy như bị ma đuổi ra khỏi nơi đó!

    Mãi khi lên taxi rồi, Phước mới để ý mình đang ở một khu ngoại ô vắng vẻ...

    Khi về đến nhà rồi, Phước vẫn chưa tin là sự thật. Anh quay sang định hỏi thì thấy Ái Mỹ đang dựa vào vai mình ngủ thiếp đi. Có lẽ quá mệt chứ không phải ngất. Hơi thở của nàng đều đều...

    Khỏi nói thì cũng biết, khi nhìn thấy cả hai bước xuống xe ngoài cổng, bà Châu đã gần như muốn đứng tim. Mãi đến khi Phước dìu Ái Mỹ vào đến bậc thềm bước vào nhà, bà mới lắp bắp:

    - Có phải... có phải.

    Phước nói ngay để bà an tâm:

    - Ái Mỹ còn sống bác ạ!

    Ái Mỹ ôm chầm lấy mẹ, chỉ có khóc chứ không nói được lời nào! Bà Châu cũng thế.

    Phước bước về phòng định dọn dẹp để ái Mỹ vào được thoải mái. Tuy nhiên vừa khi ấy anh khựng lại, bởi mùi thuốc lá bay phả vào mũi đến khó chịu. Mùi này đã một lần Phước ngửi được, anh vừa định lên tiếng hỏi thì đã nghe giọng nói quen thuộc của người đàn ông:

    - Cậu vừa cứu nó khỏi cái chết cầm chắc mười mươi! Bây giờ còn một việc cuối cùng nữa, cậu làm được thì vĩnh viễn nó là của cậu. Cậu phải trở lại nghĩa địa, đem xác ba con mèo và chôn bên cạnh mộ con Yến Lan. Chỉ có cậu làm được việc đó, và cậu làm thì mới có hiệu quả. Hãy làm ngay đi, xác ba con mèo đã được đem lên khỏi mộ trống cua Ái Mỹ, cậu cứ mạnh dạn mang đi, không việc gì phải ngại.

    Không chờ Ái Mỹ vào phòng, Phước vội ra sau vườn và quả nhiên anh nhìn thấy cái thùng giấy đặt sẵn ở đó. Ba con mèo nằm im trong thùng như đang ngủ say. Đã từng cứng kến điều kỳ lạ từ ba con mèo này, nên Phước cẩn thận nhặt sợi dây gai gần đó cột chặt nắp thùng lại rồi mới nhanh chóng mang đi. Đến nghĩa địa, Phước chưa biết phải làm sao đào đất thì đã nhìn thấy một chiếc xẻng ai đã đặt sẵn ở đó. Anh đào một lỗ rất vừa, chôn cái thùng giấy xuống và lấp đất lại, có nấm nhô lên chẳng khác một ngôi mộ nhỏ. Làm vừa xong thì Phước có cảm giác như đất dưới chân mình rung chuyển nhẹ, và hình như có tiếng khóc từ dưới mộ của Yến Lan vọng lên. Anh hơi hoảng, tuy nhiên nhớ đến lời dặn của người đàn ông, anh bình tĩnh bước nhanh ra khỏi nơi ấy.

    Phước nghe văng vẳng phía sau mình tiếng khóc rất lạ...


    ° ° °
    Việc Ái Mỹ sống lại sau hơn một tuần chết, chính Phước cũng không hiểu tại sao. Anh chỉ ngầm hiểu rằng có điều thần bí gì đó. Đến khì nghe bà Châu kể chuyện bà gặp chồng trong giấc mộng đêm qua thì Phước mới tin là thật sự có chuyện cõi âm trong việc này. Bà Châu bảo:

    - Ông nhà tôi thương con Yến Lan, bởi mẹ nó mất là do ông gây ra, nên kể từ khi ông ấy chết sau khi con Yến Lan tự tử thì chưa lúc nào ông ấy về báo mộng cho bác hay Ái Mỹ. Vậy mà vừa rồi hết về gặp cậu, rồi gặp bác, khi nào ông ấy cũng lo lắng chuyện con Yến Lan định bắt hồn Ái Mỹ! Nhà tôi bảo rằng nếu không có cậu thì ông ấy không ngăn con Yến Lan ra tay.

    - Cháu không quan tâm lắm chuyện oan hồn cô Yến Lan, chỉ thắc mắc chẳng hiểu sao Ái Mỹ chết đã hơn một lần mà tim vẫn còn hoạt động, và tại sao ra khỏi mộ được?

    Bà Châu kể tiếp:

    - Ông nhà tôi nói rằng, do không muốn thêm một đứa con của mình chết nữa, nên ông đã kịp thời ra tay cứu Ái Mỹ khi mình vừa hạ huyệt xong. Ái Mỹ chưa kịp chết hẳn, đã được ông cứu và đưa tới ngôi nhà hoang. Yến Lan thì nhất quyết phải đòi cho được mạng của Mỹ, bởi có như thế nó mới trả được mối hận. Nó là một hồn ma thật sự, nó có thể ra tay hại người rửa hận, còn ông nhà tôi chỉ là một vong hồn. Vong hồn khác với hồn ma. Vong không hại người, chỉ hiện về báo điều lành dữ cho người sống mà thôi. Chính ông ấy đã gặp cháu mầy lần đó.

    Phước nhớ lại giọng nói đầy thiện cảm của người đàn ông, anh lặng người một lúc rồi nhẹ giọng nói:

    - Bây giờ cháu đã hiểu. Cháu xin cảm ơn vong hồn của bác trai.

    Anh tỏ ý muốn trở về nhà mình thì bà Châu chân tình nói:

    - Bây giờ bác đã hiểu điều tệ hại của việc ép duyên con. Bác muốn cháu giúp con Ái Mỹ trở lại tình trạng cân bằng. Vậy tốt nhất là cháu nên ở đây thêm một thời gian nữa. Rồi sau đó về thưa chuyện với bà thân, mời bà sang đây nói vài lời, bác sẽ đồng ý cho hai đứa hết hợp với nhau. Ý cháu thế nào?

    Phước chưa kịp đáp thì Ái Mỹ đã từ nhà trong chạy ra ôm lấy mẹ, ríu rít:

    - Con cám ơn mẹ! Anh Phước cũng vậy, anh ấy cũng như con.

    Bà Châu mắng yêu con gái:

    - Sao lại nói thay cậu ấy được, con khỉ này chỉ tài lanh!

    Phước nói nhanh:

    - Đây là điều con mong đợi từ lâu rồi!

    Một tháng sau. Đám cưới của Ái Mỹ và Phước diễn ra trong sự lo lắng của bà Châu và cả Lan Hương nữa. Những người biết chuyện báo thù của hồn ma Yến Lan đều nơm nớp lo sợ điều chẳng lành sẽ xảy ra trong lễ cưới. Nhưng may mắn, lễ cưới đã diễn ra êm thấm. Cả ba, bà Châu, Ái Mỹ và Phước ngầm hiểu là có sự che chở của ông Châu. Họ khấn vái ông ngay trong lễ cưới. Và cũng không quên khấn hương hồn Yến Lan. Ái Mỹ đã nắm chặt tay chồng, nói vọng vào khoảng không:

    - Em cám ơn chị Yến Lan. Tụi em sẽ sống hạnh phúc và mong được chị mãi mãi phù hộ...

    Và họ đã có những ngày hạnh phúc sau đó.




    Last edited by Poupi; 15-03-2018, 03:28 AM.

  • #2
    HỒN TRĂNG


    Ông thầy thuốc bước ra khỏi phòng bệnh nhân với tâm trạng phấn khởi. Ông xoa tay nói với bà mẹ:

    - Bà cứ yên tâm, cô nhà xem như đã khỏi bệnh hẳn rồi, mà về đây có điều kiện tịnh dưỡng tốt nữa thì chắc chắn chỉ sau vài tuần là trở lại bình thường và có thể...

    Biết ông ta sắp nói gì, nên bà Cẩm Tú đưa tay ngăn lại:

    - Cả nhà này bây giờ chẳng ai nhắc tới điều đó nữa. Vậy lần sau có tới khám thì ông cũng không nên nói:

    Tiễn ông bác sĩ tâm thần ra về rồi, bà Cẩm Tú đem tâm trạng vui lây đó trở vào phòng con gái, tính chúc mừng. Nhưng vừa đẩy cửa bước và bà đã phải sững người lại, bởi ngay trước mặt bà là một người đang treo cổ trên sợi dây thòng lọng.

    - Trời ơi! Bớ...

    Sự xất hiện của bà Tú đã làm cho hai chân của người đó chưa kịp đá văng chiếc ghế thì đã phải dừng lại.

    - Má phá đám con hoài!

    Chẳng nói thêm lời nào, bà Tú nhào lên giường, chụp lấy hai chân con gái ôm chặt vừa van lơn:

    - Đừng làm vậy con! Mẹ đây, con gái...

    Từ từ cởi sợi dây thòng lọng ra khỏi cổ, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, cô nàng quay sang trách mẹ:

    - Mẹ không để con thử một chút.

    Bà Cẩm Tú sờ trán con, vừa dìu Thu Hoa xuống, bà lo lắng:

    - Sao thầy thuốc nói con đã khỏe hẳn rồi?

    Thu Hoa vẫn tỉnh queo:

    - Thì con có sao đâu? Con thử coi cảm giác của một người đưa cổ vào dây nó thế nào, mà tại sao mấy người kia người nào cũng thích chui vào đó!

    Bà Tú ngạc nhiên:

    - Mấy người kia là ai?

    - Trong nhà mình đây nè!

    Bà Tú giật mình:

    - Con gặp ai trong nhà này?

    Đưa tay chỉ ra cửa sổ, rồi lại chỉ lên trần nhà:

    - Họ ở mọi nơi, chỗ nào cũng có, mà người nào cũng treo cổ lè lưỡi dài cả tấc luôn!

    - Trời ơi, con tôi...

    Bà Cẩm Tú chưa kịp vui đã phải buồn hơn, bà quay đi giấu đôi dòng lệ vừa tuôn ra, cố không cho con thấy, nhưng Thu Hoa đã phát hiện, cô nàng phá lên cười:

    - Mẹ lại khóc nữa rồi! Vừa rồi con hù mẹ chơi mà chứ có phải làm thật đâu. Mẹ coi kìa, chiếc thòng lọng con làm bằng giấy mà làm sao siết cổ được..

    Cô và mẹ cùng nhìn lên trần một lượt và cùng kêu thét lên:

    - Trời ơi, sao vậy?

    Sợi dây thòng lọng mà Thu Hoa nói là bằng giấy lúc ấy đang lay động và xoay vòng như được ai đó điều khiển. Chính Hoa cũng quá đỗi ngạc nhiên:

    - Sao vậy mẹ?

    Bà Cẩm Tú run giọng:

    - Con làm gì nó?

    Thu Hoa xua tay lia lịa:

    - Con đâu có làm gì, con chỉ vo tròn mấy tờ giấy lại giả bộ như treo cổ, sao bây giờ nó... nó...

    Việc đó chỉ diễn ra trong vòng mấy mươi giây rồi sau đó thì chẳng còn thấy gì nữa. Bà Cẩm Tú sợ hãi bảo con gái:

    - Hay là con qua ngủ chung với mẹ?

    Thu Hoa ngoan ngoãn nghe theo, điều đó chứng tỏ cô đã thật sự hết bệnh. Khi sang phòng mẹ rồi, Hoa còn nói:

    - Chắc tại con ở bên đó một mình nên bị ám ảnh. Mà chẳng hiểu sao con cứ nhìn thấy những sợi dây thòng lọng đó mãi chứ không phải cái gì khác.

    Bà Tú ngại con sợ thêm nên nói cho qua:

    - Có lẽ con bị một hình ảnh nào đó trước đây tác động. Mà thôi, con đừng bao giờ suy nghĩ lung tung nữa thì sẽ ổn thôi.

    Bà Tú còn cẩn thận gọi chú Mười làm vườn và Cảnh tài xế dặn thật kĩ:

    - Con Thu Hoa trong thời kỳ dưỡng bệnh, không ai được làm gì gây ra tiếng động lớn. Hai người chú ý, hễ nghe gì bất thường chì chạy tới ngay.

    Mười Hưởng đã sống lâu năm trong nhà nên biết ý, ông nói ngay:

    - Tôi ở đây lâu, phân biệt được cả tiếng mèo chạy hay chó rình mồi, không có gì qua được tai tôi đâu!

    Hai mẹ con yên tâm, nên đóng cửa đi ngủ sớm. Tuy nhiên, hình ảnh chiếc thòng lọng quái dị lúc nãy cứ ám ảnh bà Cẩm Tú hoài. Ngoài mặt trấn an con, nhưng trong lòng bà thắc mắc ngày càng lớn. Nó gợi cho bà nhớ tới câu chuyện khi bà mới bước chân về nhà này làm dâu.

    Ngày đó có người nói với bà rằng gia đình họ Vương này có nhiều người chết do thắt cổ nhưng sống lâu trong nhà mà không thấy có gì khác lạ, nên dần dần chuyện ấy đi vào quên lãng.

    - Mẹ chưa ngủ sao?

    Nghe con hỏi, bà Tú vờ như buồn ngủ, đáp:

    - Mẹ sắp ngủ...

    Một lát sau bà đã nghe Thu Hoa ngáy đều. Mười một giờ, đột nhiên bà Tú bật dậy, trong đầu bà vừa lóe lên một việc mà không thể đợi trời sáng. Bà nhẹ nhàng bước xuống giường và tin chắc là Thu Hoa không phát hiện bởi liều thuốc ngủ con bé uống mỗi tối ít nhất cũng giúp nó ngủ đến gần sáng.

    Nơi bà tới là căn phòng ở phía đông. Trước đây nó từng là phòng riêng của vợ chồng bà khi còn ở đây. Sau khi cả nhà chuyển về thành phố, lúc sinh tiền chồng bà đã dùng phòng này làm nơi lưu giữ nhiều thứ có giá trị, trong đó có cả giấy tờ và hình ảnh gia đình.

    Xâu chìa khóa riêng của bà mở được tất cả phòng trong nhà, nhưng từ mấy năm nay, khi lui tới trở lại ngôi nhà này bà Tú chưa bao giờ đặt chân vào đây. Tuy nhiên, do đã ở trong mấy năm liền, nên bà Cẩm Tú không cần bật đèn lên cũng có thể mò trong bóng tối đi mà không đụng vào đồ vật để trong. Khi đến sát tủ quần áo mà bà biết chắc còn lại trong phòng và yên chỗ cũ bởi nó to lớn khó chuyển đổi vị trí. Bà Tú mở đèn pin lên. Cánh cửa tủ vẫn còn nguyên chiếc chìa khóa cắm trong ổ khóa. Nhẹ tay bà kéo cánh cửa tủ ra, bà nghĩ trong đó chứa đầy những vật dụng linh tinh.

    Nhưng hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của bà, trong khoang tủ lớn treo một dọc những bộ quần áo phụ nữ đủ màu sắc. Hình ảnh đó khiến bà Cẩm Tú giật mình, bà bước thẳng tới mở công tắc đèn. Đèn vừa sáng lên thì càng kinh ngạc hơn khi căn phòng thật lộng lẫy, khang trang và sạch bóng như đang có người.

    - Kỳ vậy?

    Bà không thể nào tưởng tượng được, bởi đây là nhà bà, tuy bỏ không ở, nhưng làm sao lại có người vào ở mà bà không biết?

    - Chú Mười...

    Bà vừa cất tiếng định gọi ông làm vườn, cũng là người được giao nhiệm vụ quản gia bấy lâu nay. Tuy nhiên, tiếng gọi chưa thoát ra ngoài thì mắt bà Cẩm Tú đã dừng lại chiếc giường ngủ trải ra trắng tinh. Trên giường có một người đang nằm im, màn màu hồng nhạt buông phủ xuống.

    - Ai?

    Bà Tú hỏi hơi to. Không có tiếng hồi đáp, cũng chẳng thấy người nọ cử động. Bà lại bước tới gần và dừng lại sát mép giường, lên tiếng lần nữa:

    - Ai đây, tôi muốn nói chuyện.

    Không nghe trả lời, bà Tú hơi bực mình nên đưa tay đụng vào góc mùng, không ngờ chỉ vừa chạm nhẹ thì vải mùng đã rệu rã ra và rơi xuống từng mảng. Có thể mùng đã được giăng quá lâu và người nằm trong đó...

    - Trời ơi!

    Bà quay người chạy nhưng do quá vội nên chân vướng vào thành giường, bất ngờ ngã sóng soài, tay chạm vào cái mền người nằm đang đắp, một bên mền tốc ra để lộ nguyên mái tóc dài và một gương mặt mà bà Tú vừa nhác thấy đã hồn phi phách tán.

    Một cái đầu lâu còn tóc!

    Cố bò, lết nhưng hình như chỉ một quãng ngắn thì bà Tú đã ngã người ra và ngất đi.

    - Bà chủ! Bà chủ!

    Mở mắt ra vừa thấy ông Mười làm vườn, bà Cẩm Tú vẫn còn bàng hoàng:

    - Cứu... cứu tôi!

    - Bà không sao rồi. Lúc nãy nghe tiếng động, tôi với chú Cảnh tài xế cùng chạy lên chỉ thấy bà đang nằm trước cửa phòng đằng kia. Sao khuya rồi bà còn đi đâu để xảy ra chuyện vậy?

    - Nó đâu rồi?

    Ông Mười ngạc nhiên:

    - Nó nào?

    Đưa tay chỉ vào căn phòng, bà vẫn còn sợ hãi:

    - Nó... trong phòng...

    Tài xế Cảnh đứng gần đó tới mở cửa phòng ra và nói:

    - Đâu có gì trong này!

    Mặc dù còn choáng váng nhưng bà Cẩm Tú cũng gượng đi về phía đó, bà đưa mắt nhìn vào và vẫn thấy khung cảnh y như hồi nãy, chỉ có cái giường thì trống không, chiếc mùng buông xuống vẫn còn đó nguyên vẹn.

    - Không thể nào...

    Bà lẩm bẩm và đảo mắt khắp nơi như tìm kiếm. Ông Mười bảo:

    - Căn phòng này từ nhiều năm nay tôi không có chìa khóa nên không mở cửa để dọn dẹp. Mà sao bây giờ nó lại mở ra như thế này?

    Bà Tú muốn giấu chuyện vừa rồi, nhưng bà lại lỡ lời:

    - Cái xác trên giường...

    Ông Mười ngạc nhiên:

    - Bà chủ nói xác gì?

    Bà đành phải thuật lại chuyện, nghe xong ông Mười cũng quá đỗi kinh ngạc:

    - Làm sao có chuyện đó được, từ nào đến giờ tôi ở đây giữ nhà, có hề thấy chuyện gì xảy ra đâu? Mà rõ ràng, trên giường đâu có ai.

    Dù đang sợ, nhưng bà Cẩm Tú cũng trở lại bên giường quan sát thật kỹ, không hề có một dấu vết gì chứng tỏ mới vừa có một người nằm, mà lại là một xác chết nữa.

    - Không thể được...

    Bà cứ lặp lại nhiều lần câu nói. Ông Mười bảo:

    - Hay là bà bị ám ảnh chăng?

    Bà Tú nổi giận:

    - Bộ ông cho rằng tôi bịa đặt chắc!

    - Dạ, tôi đâu dám...

    Thấy bà định bỏ về phòng riêng, ông Mười nhắc:

    - Bà khóa cửa phòng này lại.

    Đích thân bà khóa cửa lại rồi dặn tài xế Cảnh:

    - Chuẩn bị xe cho tôi về Sài Gòn. Con Thu Hoa cùng đi nữa.

    Bà trở về phòng mình, cất tiếng gọi con gái:

    - Hoa ơi, dậy chưa con?

    Không nghe Hoa đáp, bà Tú đẩy cửa vào, bà hốt hoảng kêu lên:

    - Nó đâu rồi?

    Lúc ấy chỉ mới hơn một giờ sáng, bên ngài trời tối đen, nên bà Tú càng lo sợ hơn, đi khắp các phòng coi có nó trong đó không Bà bước qua căn phòng mà Thu Hoa mấy hôm nay ở, trong phong cũng trống không. Tìm kiếm một lát, ông Mười và Cảnh đều báo:

    - Dạ, không thấy cô Hoa đâu cả!

    Nghĩ tới cơn bệnh tái phát của con, bà Tú quýnh lên:

    - Không xong rồi, mọi người kiếm khắp vườn xem!

    Một cuộc tìm kiếm quy mô được tung ra, có sự tham gia của những người ở xóm lân cận nữa. Cho đến sáng hôm sau...

    - Vẫn chẳng thấy tăm hơi gì. - Ông Mười bảo - Cửa cổng khóa chặt, tường lại cao, dứt khoát cô ấy không thể leo ra được.

    Mấy người hàng xóm cũng sốt sắng:

    - Để tụi tôi tìm xa hơn một chút xem. Cách đây ba bốn cây số mới ra đường xe ôtô nên có đi ra ngoài đó thì giờ này chưa chắc cô ấy đón được xe.

    Cho đến gần trưa mà cuộc tìm kiếm cũng chưa đem lại kết quả gì. Bà Cẩm Tú bắt đầu nghĩ tới điều tệ hại nhất, nên chỉ còn biết ngồi ôm mặt khóc ròng. Nhìn bà như thế, ông Mười cũng bất nhẫn:

    - Sao tòan những chuện rắc rối không vậy trời!

    Quá kiệt sức bà Tú định trở về phòng nghĩ ngơi thì chợt bà nghe như có ai gọi mình. Bà dừng lại lắng nghe kỹ hơn và xác định tiếng kêu đó phát ra phía đông. Bà theo quán tính đi về hướng đó và cuối cùng, bà dừng lại bên căn phòng vừa xảy ra chuyện.

    - Sao lại đây?

    Tuy tự hỏi với vẻ lưỡng lự, nhưng cuối cùng bà Tú cũng đưa tay mở cửa phòng lần nữa. Tiếng kêu của ai đó chấm dứt.

    Cũng vừa lúc bà Tú kêu lên:

    - Con Thu Hoa!

    Con gái bà đang ngồi bật dậy ngay trên chiếc giường kia khi bà mở cửa.

    - Mẹ!

    Cô gọi trong trạng thái bình thường, nhưng cũng khiến bà Tú sợ hãi:

    - Sao... con lại ở đây?

    Thu Hoa bình thản đáp:

    - Thì con ngủ.

    - Con đang ở phòng mẹ mà, sao bây giờ lại ở đây?

    Nghe mẹ nhắc, Thư Hoa mới nhìn chung quanh rồi ngỡ ngàng:

    - Ủa con cứ tưởng...

    - Ra, ra khỏi đây mau!

    Bà nắm tay Thu Hoa lôi nhanh ra khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của cô gái:

    - Sao vậy mẹ?

    Ra ngoài rồi, bà mới hỏi lại:

    - Ai đưa con vào đó?

    - Đâu có ai. Con ngủ trong phòng mẹ, đâu biết gì.

    Nỗi sợ hãi khiến bà Cẩm Tú run hai đầu gối, bước đi một cách khó khăn. Bà giục:

    - Đi nhanh đi con.

    - Đi đâu mẹ?

    - Rời khỏi đây, về Sài Gòn ngay, đi nào!

    Từ khi bị bệnh, không khi nào Thu Hoa cãi lại mẹ, nhưng lúc này cô giằng tay ra khỏi bàn tay bà Tú, nghiêm giọng:

    - Con không thích về, con thích ở đây thôi!

    - Kìa, Thu Hoa...

    Vừa nói xong tức cô nàng lập tức trở lại căn phòng khiến bà Tú kinh hãi:

    - Đừng. Đừng vào đó, không được.

    Nhưng bằng động tác rất nhanh Thu Hoa đã bước vào phòng và đóng sầm cửa lại. Bà Tú đập cửa, kêu to:

    - Thu Hoa! Con phải nghe mẹ, trong đó có...

    Bà nói tới đó thì như bị ai bóp ngang cổ, khiến lời bà không phát ra được nữa Bà lảo đảo và ngã chúi xuống.

    - Bà chủ...

    Tài xế Cảnh từ ngoài hốt hoảng chạy vào, thấy vậy anh ta định đở bà dậy, nhưng bà Tú vừa chỉ tay vào:

    - Mở... mở ra.

    Cảnh chưa biết chuyện gì thì từ bên trong có giọng Thu Hoa:

    - Để tôi nghỉ ngơi đừng ồn ào!

    Cảnh ngỡ bà chủ chưa biết Thu Hoa ở trong đó nên mừng quýnh, lay mạnh bà dậy:

    - Bà chủ, cô Hoa ở trong kia.

    Nhưng đến lượt anh ta im bặt sau đó, bởi hình như anh ta cũng bị cái gì đó làm cho sợ hãi, trợn tròn mắt và chỉ muốn chạy khỏi nơi đó mà chẳng làm sao nhúch nhích được...

    Việc để cho Thu Hoa ở lại là điều bà Cẩm Tú không hề muốn. Tuy nhiên, kể từ khi đóng cửa phòng lại và quyết liệt từ chối không chịu ra của Hoa, bà Tú hiểu rằng bà đã không còn kiểm soát được con gái. Qua hai ngày sau Thu Hoa mới chịu mờ cửa và cô tỏ ra như chẳng có việc gì khi nói với mẹ:

    - Con cảm thấy thỏai mái khi ở trong căn phòng đó, vậy mẹ đừng thắc mầc gì nữa. Cứ đà này chỉ vài tuần là con sẽ trở lại bình thường thôi.

    Nhìn sắc diện của con, lại nghe Hoa nói thế, mặc dù vẫn còn chưa yên tâm, nhưng bà Tú cũng tạm chấp nhận:

    - Thôi thì cũng được. Nhưng mẹ hỏi thật con, lúc trong phòng đó con có thấy điều gì bất thường không?

    Thu Hoa lắc đầu:

    - Con ngủ yên và cảm thấy thoải mái còn hơn là ở phòng mẹ hay phòng riêng của con nữa.

    Rồi cô còn khoe:

    - Con tìm được mấy cái này...

    Cô đưa ra một cái khung ảnh có hình hai người chụp chung, mà vừa thấy nó bà Tú đã thất thần:

    - Ở đâu con có cái này?

    - Con lấy được trong tủ áo. Mặt ba hồi trẻ so với lúc già không khác mấy, chỉ có mẹ...

    Bà Tú rít lên:

    - Không phải!

    Hoa ngơ ngác:

    - Mẹ nói cái gì không phải?

    - Cái hình này! Đó không phải mẹ.

    Bà giằng lấy và tiện tay ném mạnh ra ngoài cửa sổ! Tiếp theo là một tiếng kêu thất thanh và bà ôm lấy mặt, đau đớn. Chiếc khung ảnh vừa bị ném, chẳng hiểu sao lại bay trở lại và nắm trúng vào mặt bà Tú, khiến bà gục xuống, máu me đầm đìa.

    - Kìa mẹ!

    Đoán được phần nào cơn thịnh nộ của mẹ vừa rồi, Thu Hoa cầm tấm ảnh lên, hỏi:

    - Vậy ai trong hình với ba vậy?

    Bà Tú rũ người xuống trông thật thảm hại, Hoa thấy thương mẹ vô cùng:

    - Mẹ nói con nghe đi, có chuyện gì vậy?

    Mãi một lúc sau bà Tú mới nói, giọng đứt quãng:

    - Người đó nào có buông tha ba con ra như ba con đã nói. Họ vẫn là một cặp đôi đó thôi!

    - Nhưng... đây là chuyện cũ rồi mà mẹ, hồi ba còn trẻ. Vả lại bây giờ ba đã chết rồi.

    Bà Cẩm Tú cầm khung ảnh lật ra phía sau và gỡ ảnh ra khỏi khung, chỉ cho Hoa xem:

    - Con đọc dòng chữ sau này sẽ rõ!

    Thu Hoa chú ý tới dòng chữ viết khá nắn nót, nét chữ của cha cô: ';';Mùa Xuân Canh Thân, đánh dấu ngày mặt trăng của chúng ta ra đời! Cám ơn em Thu Hà!';';

    - Thu Hà là người trong ảnh này?

    Bà Cẩm Tú không đáp thẳng, nhưng câu nói tiếp theo của bà đã như câu trả lời:

    - Đã lấy tôi rồi mà lúc nào cũng Thu Hà, cũng em ơi, em hỡi! Và cũng đi tìm vầng trăng non cho bằng được, trời ơi!

    - Trăng non là gì mẹ? Ai là mặt trăng của ba như lời trong ảnh này?

    - Hãy tìm cha con mà hỏi!

    Vừa nói bà vừa vụt chạy bay ra ngoài.

    - Mẹ!

    Ông già Mười hình như đã chứng kiến từ đầu đối thoại giữa hai mẹ con, ông nhẹ giọng nói:

    - Cô hãy để cho bà tĩnh tâm đã. Chính bức ảnh này đã khiến cho bà bị sốc đó!

    - Nhưng... sao lại sốc? Người trong ảnh là ai ông Mười biết không?

    Ông già nhìn thẳng vào Thu Hoa một lúc, rồi hỏi:

    - Cô có thật sự muốn biết không?

    - Ông Mười biết thì kể cho con nghe đi. Bà ta tên Thu Hà phải không?

    - Phải! Bà ta tên Thu Hà, bởi vậy bà đặt tên cho các con đều bắt đầu cũng bằng chữ Thu. Thu Nguyệt, Thu...

    Ông lại nhìn Thu Hoa và ngừng lại. Linh tính của Hoa hiểu đang có điều gì đó liên quan tới mình, cô hỏi nhanh:

    - Còn Thu gì nữa?

    Ông già Mười trầm ngâm một lúc mới tiếp lời:

    - Trước khi kể tới những tên Thu khác tôi xin kể cho cô nghe chuyện về cái chết của cô Thu Nguyệt, con gái lớn của bà Thu Hà này.

    Ông đằng hắng lấy giọng, mà có lẽ cũng để lấy bình tĩnh. Hôm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc, cũng tại một ngôi nhà giống như nhà này, nhưng ở cách đây hơn trăm cây số. Một trong hai đứa bé song sinh đã chết do bị rơi từ trên lầu cao xuống đất. Nó chết, bởi vì nó có tên là Trăng, là Thu Nguyệt.

    Thu Hoa chặn ngang:

    - Là con của bà Thu Hà này?

    - Phải! Cũng may là đứa bé kia còn sống sót.

    - Nhưng sao lại rơi từ trên cao xuống? Bà ấy lỡ tay làm rơi chẳng?

    Giọng ông Mười đầy bi phẫn:

    - Bị ngườí ta ném!

    - Trời ơi! Ai mà dã man vậy chứ?

    - Chỉ vì ghen mà người ta nở nhẫn tâm như vậy, bất kể đó là một đứa trẻ vô tội! Bởi vậy trời cao có mắt, kẻ đã gây họa thì chẳng bao giờ được quyền làm mẹ, mà phải suốt đời mượn con thiên hạ làm con của mình.

    Thu Hoa càng nghe càng không hiểu, cô hỏi thẳng:

    - Ông Mười nói gì vậy?

    Ông già nhẹ lắc đầu rồi bỏ đi. Hoa định chay theo thì đã nghe ông nói vọng lại:

    - Cô tự mà tìm hiểu. Mọi thứ đều có ngay trong phòng ngủ của cô đó.

    Ông đi khuất rồi mà Thu Hoa vẫn còn chưa hết thắc mắc. Chợt nhớ tới mẹ, cô chạy theo hướng bà đã đi lúc nãy. Nhưng vừa ra tới cổng thì đã gặp tài xế Cảnh chạy xe về, anh chặn Hoa lại và nói:

    - Bà bảo cô đừng đi tìm, bà đang ở ngoài kia chờ đi chung xe với một người quen về Sài Gòn luôn. Vài hôm bà sẽ lên.

    Anh ta móc túi đưa cho Hoa gói giấy nhỏ:

    - Bà dặn cô cất kỹ vật này. Nó sẽ cần cho cô lắm.

    Thu Hoa mở ngay gói ra và ngạc nhiên khi đó là chiếc vòng ngọc thạch có chạm hình mặt trăng giữa nền trời mây bay. Không kịp hỏt gì thêm thì tài xế Cảnh đã rồ xe đi. Thu Hoa ngẩn ngơ nhìn theo, sau đó cô lững thững trở vào nhà mà lòng dạ bồn chồn không yên.

    ° ° °
    Thu Hoa về phòng ngồi thừ ra rất lâu, rồi cô theo quán tính lại lục lọi tủ áo. Lần này cô gặp thêm một bức ảnh chân dung khác, trong đó chỉ có ba người: người đàn bà mà mẹ cô gọi là bà Thu Hà và hai đứa trẻ khoảng lên 5, một đứa có khuôn mặt bầu bầu, đôi mắt tròn như hai hạt nhãn, còn đứa kia cũng y như vậy, nhưng tóc lại cột cao, nhờ vậy mà thoạt nhìn có thể phân biệt được là hai đứa khác nhau, chứ thật ra chúng giống nhau như hai giọt nước.

    - Sao đứa có tóc để dài này giống y như mình?

    Lật phía sau bức ảnh, mắt Thu Hoa dán chặt ngay vào dòng chữ: Hai mặt trăng mùa thu của mẹ: Thu Nguyệt, Thu Hoa!

    - Cái gì? Sao lại là... Thu Hoa?

    Trời đất như đang quay cuồng trước mặt Hoa. Cô phải vịn vào thân tủ mới đứng vững được. Nhìn lại bức ảnh lần nữa, và Hoa không còn giữ được bình tỉnh, cô kêu lên:

    - Thu Hà, Thu Nguyệt, Thu Hoa, cả ba đều là Thu! Cả ba...

    Đôi tay Hoa run khiến không cầm được bức ảnh, để nó rơi xuống chân. Vừa cúi xuống nhặt lên thì tay Hoa chạm phải một gói giấy nhỏ bên cạnh hộp đựng ảnh, vừa mở nó ra cô đã sững sờ: lại một chiếc vòng ngọc thạch khác có hình dáng và màu sắc giống y như chiếc vòng mà tài xế Cảnh vừa mới đưa. Nhìn lại nét chạm khắc trên đó thì cũng giống, ngoài ra còn có một khóm hoa cúc rong bức tranh chạm hình trăng, mây và hoa.

    - Hoa mùa thu, Thu Hoa.

    Hai chiếc vòng này nhỏ xíu, dành cho trẻ con đeo. Mà trong bức ảnh kia, trên cổ tay hai đứa bé đều có đeo hai chiếc giống như nhau.

    - Hai chiếc vòng này!

    Thu Hoa chợt hiểu, cô lạnh cả người khi ý nghĩ chạy qua trong đầu:

    - Mình là... con của người đàn bà này?

    Thấy một chiếc hộp thiếc thứ hai trong tủ, Thu Hoa chụp lấy và mở tung nó ra. Trong đó vẫn là bức ảnh giống như vậy, nhưng được phóng lớn ra và bôi lem luốc cả vì những vệt giống như máu lâu ngày biến thành màu nâu sậm. Thu Hoa đọc được mấy chữ: ';';Nó giết con rồi Nguyệt ơi!';';

    Ngoài ra còn có một cuộn dây gai khá to, thắt hình cái thòng lọng mà vừa trông thấy Thu Hoa đã kêu lên:

    - Chiếc thòng lọng!

    Cô đã từng bị ám ảnh bởi sợi dây thòng lọng mà nên vừa thấy nó Thu Hoa đã lùi lại, sợ hãi! Khiến cho chiếc hộp thiếc trong tay cô lại bị rơơi xuống sàn. Từ trong đó bay ra một mảnh giấy nhỏ mà vừa trông thấy chữ viết là Hoa biết ngay là của cha mình: ';';Trong hai mặt trăng bé bỏng của chúng ta chỉ còn có một, nhưng sao em không ở lại cùng với nó mà lại vội ra đi, Thu Hà ơi!';';

    - Ba! Ba nói gì con không hiểu?

    Thu Hoa gào lên như đang đứng trước mặt người cha đã quá cố của mình. Cô lặp lại câu hỏi đến ba lần, đến khi khàn cổ họng thì quay ra gọi lớn:

    - Ông Mười ơi!

    - Tôi đây, cô Hoa!

    Ông già Mười đã đứng ngài cửa phòng từ lúc nào rồi. Ông lên tiếng:

    - Tôi định để cô một mình, nhưng biết có những điều cô chưa rõ, nên tôi phải trở lại. Đó, mọi việc đang bày ra trước mắt cô đó, cô tìm hiểu đi...

    Thu Hoa nhào tới chụp lấy ông:

    - Ông nói cho con biết, con và người đàn bà tên Thu Hà kia là thế nào? Bà ấy...

    - Mọi thứ đã nói hết rồi, sao cô còn hỏi. Cô là một trong hai Thu mà bà ấy đã nhắc.

    - Như vậy con là... là con của bà ấy?

    - Cùng với người chị song sinh đã chết là con đẻ của bà ấy và cha là... người từ mà đến giờ cô vẫn gọi là cha!

    Thu Hoa vẫn chưa tin hẳn:

    - Không thể nào!

    - Cô có biết sợi dây thòng lọng đó là gì không?

    Câu hỏi nhắc Hoa điều mà cô muốn biết. Thu Hoa nhìn dưới chân, nhưng Hoa vẫn chưa dám cầm, thì giọng ông Mười lại vang lên:

    - Đó là sợi dây oan nghiệt đã giết chết một mạng người!

    - Bà Thu Hà?

    Ông Mười không đáp, nhưng sự im lặng của ông đã như xác nhận. Thu Hoa nhìn ông, hỏi lại:

    - Sao nghe nói là bà ấy chết vì lý do khác?

    Ông Mười lắc đầu:

    - Trong nhà này có nhiều việc tưởng vậy mà không phải vậy! Giống như cô đâu phải muốn chết, vậy mà cô vẫn đưa đầu vào dây thòng lọng.

    Bị chạm đúng vào điều mà mình đang bị ám ảnh, Thu Hoa có vẻ sợ, nên im lặng. Ông già Mười ngừng một lúc, lại nói tiếp:

    - Cô không muốn biết tại sao người sinh ra cô lại chết như vậy sao?

    - Nhưng mà...

    - Kể cả cha cô nữa, tại sao ông cũng chết sau khi chị và mẹ cô chết không lâu.

    Thu Hoa im lặng. Trong cô đang có cuộc xáo trộn lớn. Từ nào đến giờ không khi nào cô có gợn một chút gì không hay về người cô vẫn quen gọi là mẹ: bà Cẩm Tú. Vậy làm sao trong một vài giây cô có thể nghĩ khác về bà.

    - Được rồi, cô cần có thời gian suy nghĩ. Mà cũng nên hiểu kỹ mới được. Chuyện không đơn giản đâu.

    Giọng ông già Mười xa dần, đến khi Hoa nhìn lại thì không còn thấy ông đâu nữa. Cô vẫn còn muốn tìm hiểu thêm, nên lại xốc tung quần áo trong tủ lên. Tuy nhiên, bỗng dưng cánh cửa phòng đóng sầm lại và ngọn đèn duy nhất trong phòng tắt ngấm, bóng tốt bao trùm. Thu Hoa bước tới mở công tắc thì mới biết là cúp điện. Cô lò mò tìm hộp diêm và cây nến, nhưng phải thất vọng, bởi hai vật đó không có ở nơi thường lệ.

    - Ông Mười ơi!

    Hoa gọi đến mấy lượt mà không nghe ông già Mười lên tiếng. Đoán ông đã ra ngoài vườn nên tự Hoa phải đi xuống nhà bếp tìm cách đốt đèn. Khi cô trở lại phòng mình thì chẳng cách nào mở được cửa. Chúng đã bị khóa bên trong.

    - Ủa, mình đâu có khóa?

    Thu Hoa rất ngạc nhiên, bởi khi nãy đi ra cô vẫn để cửa mở. Phải mất hơn mười lăm phút sau mới tìm được ông Mười. Ông cũng phải dùng xà beng mới nạy được cửa ra. Lúc bung cửa, ông bảo:

    - Căn phòng này đã nhiều lần tự đoóng và tự khóa như vậy. Hình như đây là cõi riêng của bà ấy vậy.

    Lúc cửa mở bung ra, Thu Hoa nhìn thấy có một người treo cổ lơ lửng phía trên giường ngủ.

    - Trời ơi.

    Ông già Mười hốt hoảng kêu lên:

    - Bà chủ!

    Thì ra người đang treo cổ kia chính là bà Cẩm Tú!

    - Mẹ.

    Họ chạy tới thì may quá, có lẽ bà Tú mới vừa thực hiện hành vi đó, nên thân thể còn cử động. Ông Mười kịp gỡ dây xuống và làm cấp cứu ngay. Bà Tú mở mắt ra thấy họ mà như nhìn thấy quỷ ma, bà thét lớn:

    - Để tôi tự làm! Hãy để tôi làm.

    Bà quơ tay như tìm vật gì, đến khi chạm phải sợi dây thòng lọng mà ông Mười vừa cởi ra, bà ta lập tức lấy tròng vào cổ mình. Thu Hoa phải giằng lại và nói to:

    - Mẹ làm gì vậy, con đây mà! Con cứu mẹ được rồi!

    Bà Cẩm Tú hình như không màng đến Thu Hoa, bà chồm dậy vừa gào lên:

    - Hãy chờ tôi với. Hãy chờ tôi!

    Bà bật dậy rất nhanh và tung chạy ra ngoài trước sự bất ngờ của Thu Hoa và cả ông già Mười. Đến khi cô có phản ứng kêu lên thì bóng bà ta đã khuất ngoài cửa. Màn trời đêm tối đen như mực...

    Ông Mười chỉ tay lên trần nhà và bảo Thu Hoa:

    - Cô hãy nhìn kỹ xem, có phải sợi dây thòng lọng lúc nãy kia không?

    Hoa không phải quan sát lâu, cô đã nhận ra chính là sợi dây được cất trong hộp thiếc. Lúc nãy nó được gỡ ra, nhưng bâỵ giờ tự nó dựng đứng lên như cây sào và quay nhiều vòng như có người điều khiển. Để rồi sau cùng bay vút xuyên ra ngoài cửa sổ như một cây lao dược ném đi!

    Bỗng dưng Thu Hoa nhìn theo và thét lên một tiếng kinh hoàng:

    - Mẹ!

    Rồi cô ngã nhoài xuống, hai tay chới với đưa về phía trước như bất lực trước nỗi tuyệt vọng và đau khổ.

    - Mẹ ơi!

    Cô cố gào lần nữa rồi lịm đi.

    Đến quá nửa đêm thì trăng mới xuất hiện và xoa đi màn đêm dày đặc. Ông già Mười sau khi nhìn cô chủ ngủ yên thì mới an tâm rời khỏi phòng. Cũng giống như Thu Hoa, kể từ lúc này bỗng dưng ông có cảm giác như đang có điều gì đó...

    Đúng ra lúc nãy ông phải là người đuổi theo bà Cẩm Tú khi bà ta chạy trong đêm tối. Nhưng phần vì quá bất ngờ, phần vì lo cho an nguy của Thu Hoa, nên mãi cho đến bây giờ ông mới có ý định đi ra khu vườn nhiều cây cối, và không cần suy nghĩ, ông cũng tìm tới đúng tàn cây cổ thụ duy nhất, mà nơi đó đã nhiều năm người ta từng tạo ra mấy cái xích đu dành riêng cho hai cô con gái nhà này.

    Chỉ kể từ khi xảy ra tấn tảm kịch năm đó, một trong hai cô gái chết đi, cô còn lại bị đưa đi khỏi nơi này thì ông mới không còn hứng thú ra gốc cây này để chăm sóc cho chiếc xích đu nữa. Đã hơn mười năm rồi còn gì. Chiếc xích đu giờ chắc cũng đã mục nát, đứt dây rồi...

    Tuy cũng ở trong khu vườn rộng chưa quá hai hécta, và nằm dưới sự cai quản của chính ông, đã từ lâu lắm, chỉ riêng khu vực cây cổ thụ này ông già Mười chừa ra, không bước tới. Chính ông cũng chẳng hiểu tại sao vậy.

    - Dữ hôn, đến hôm nay ông Mười mới tới thăm mẹ con mình kìa Nguyệt ơi!

    Đang lầm lũi bước, chợt nghe giọng nói quen quen ấy, ông Mười ngẩng lên và trố mắt kinh ngạc. Trước mắt ông, ngồi vắt vẻo trên chiếc xích đu là hai người một lớn, một bé.

    - Là... là... bà đó sao?

    - Lâu quá rồi nên giọng nói của của tôi ông cũng quên mất rồi! Mà cũng phải, hơn mười năm rồi còn gì. À bây giờ ông quen với giọng người khác hơn.

    - Bà Thu Hà!

    Rồi tiếng reo của đứa bé:

    - Ông Mười!

    - Cô... Thu Nguyệt!

    Chiếc xích đu rung lắc thật mạnh, lao vun vút trong không trung, chứng to hai người ngồi trên đó đang xúc động mạnh. Ông già Mười hoa cả mắt, không nhìn rõ mặt họ. Ông phải nói lớn:

    - Sao bây giờ bà và cô mới về?

    Một tiếng cười ngắn, khô khan:

    - Đêm nào có trăng là chúng tôi về, chỉ có ông là không bao giờ tới đây thôi. Vậy làm sao gặp nhau được!

    - Mà ai cấm ông vậy, sao ông không tới chỗ này?

    Ông già Mười lúng túng, ấp úng:

    - Cũng... cũng chẳng hiểu tại sao nữa...

    Giọng đứa trẻ cất lên thật trong trẻo:

    - Bây giờ không cần ông Mười đưa xích đu nữa, con đã có người đưa rồi!

    Sau câu nói đó, chiếc xích đu lại lao vun vút đi như có người đưa. Khi nhìn kỹ lại, ông Mười vội kêu lên:

    - Kìa.

    Ông thấy ở một cành cây khác có một người bị treo lơ lửng, nhưng vẫn đưa tay ra đẩy chiếc xích đu mỗi lần nó đi qua. Người đó...

    - Bà... bà Cẩm Tú!

    Nhờ ánh trăng chiếu vào nên ông Mười đã nhận ra người bị treo kia chính là bà Cẩm Tú! Bà ta chẳng khác một xác chết treo cổ, chỉ có mỗi lần dang tay ra là biều hiện đó là một con người...

    Quá kích động ông Mười định chạy tới và leo lên cây, nhưng giọng của người trên xích đu lạnh và sắc:

    - Ông thương người là đúng, nhưng ở trường hợp này thì không nên. Chắc ông đâu lạ gì chuyện của bà ta đã gây ra cho mẹ con tôi phải không? Đây là sự trả giá mà. Chúng tôi phải đợi đến hơn mười năm. Quá lâu!

    Con bé Thu Nguyệt cũng tiếp lời:

    - Đáng lý ra con cũng đã lớn như em Thu Hoa bây giờ, nhưng do chưa hiện được thành người, nên cho đến giờ con vẫn là đứa trẻ con năm tuổi! Có phải từ nay, khi con được hiện về mỗi đêm trăng như thế này thì thân xác con sẽ phát triển như một người bình thường không? Con sẽ gặp lại em Thu Hoa phải không mẹ?

    - Phải.

    Rồi bà quay sang bà Cẩm Tú, nói với ông già Mười:

    - Bà ta đã hại chết cả hai mẹ con tôi, đáng lý chúng tôi đã trả được thù rồi, nhưng cũng chỉ vì con Thu Hoa.

    - Chính mạng con bé phải gắn liền với người đàn bà này, cho nên chúng tôi phải đợi đến bây giờ. Bao nhiêu năm nay, Cẩm Tú có chịu đưa con bé trở về đây đâu.

    - Chúng tôi thì bất lực trong việc tác động, giục bà ta dắt cháu trở về. Phải đến vừa rồi đo Thu Hoa bị phụ tình, nó phát điên phát rồ thì chúng tôi mới dẫn dụ nó về đây được. Và có như vậy thì nó mới vào được phòng của chúng tôi, nằm lên giường tôi, và... mẹ con tôi mới gặp lại nhau! Cám ơn ông Mười, chính nhờ ông mà Thu Hoa nó mới hiểu được thân phận mình...

    Nhớ tới Thu Hoa, ông Mười nói:

    - Để tôi về kêu cô ấy ra đây, chắc là cô ấy mừng lắm!

    Ông ta bị ngăn lại:

    - Không nên. Từ nay mẹ con chúng tôi muốn gặp nhau lúc nào cũng được. Nhưng tôi không muốn nó nhìn thấy cảnh người đã nuôi nó bấy lâu nay trong hình ảnh như thế này. Nếu còn thương mẹ con tôi thì xin ông Mười cứ tiếp tục ở lại trong nhà này như từ nào đến giờ, và ông đừng nói gì hết chuyện ngày hôm nay. Cần thì ông có thể kể lại chuyện cái chết của chúng tôi, kể hết chuyện bà Cẫm Tủ vì ghen tuông, ích kỷ, đã hại chết mẹ con chúng tôi cho nó nghe. Như thế đủ rồi.

    Ông Mười định nói mấy lời xin cho bà Cẩm Tú, nhưng nhìn cảnh bà ta chỉ còn là cái xác, và tự nguyện đung đưa như thế, ông chỉ khẽ lắc đầu rồi đứng im.

    Lát sau, chính bà Thu Hà lên tiếng:

    - Ông quay về đi, con Thu Hoa sắp tỉnh lại rồi đó. Hãy kể cho nó nghe và bảo nó cứ yên tâm ở lại đây, ở lại trong vòng tay của mẹ và chị nó...

    Lúc đó, trên nền trời có một áng mây đen lớn đang che khuất ánh trăng, ông Mười không còn nhìn thấy họ nữa, nghĩ là sau khi mậy tan sẽ lại gặp, nên ông đứng đó đợi. Tuy nhiên, khi trăng hiện ra trở lại thì trước mắt ông chỉ con lại chiếc xích đu trống không. Kể cả bà Cẩm Tú cũng không còn.

    ° ° °
    Thu Hoa chăm chú lắng nghe lời kể của ông già Mười, thỉnh thoảng cô chen vào hỏi:

    - Vậy ba con đâu, sao để sự việc xảy ra như vậy?

    Ông Mười thở dài:

    - Bà Cẩm Tú coi bề ngoài hiền lành vậy mà thâm hiểm lắm. Khi dan díu với ông Lộc cha cô, thì lúc đó mẹ cô đang có thai gần ngày sinh. Chính bà đã lấy thuốc gì đó của một ông thầy làm thuốc ngải trong rừng, cho cha cô uống, gây cho ông bệnh liệt giường suốt năm trời, sau đó bệnh tật kéo dài, cho đến lúc hai chị em cô lên năm tuổi. Năm đó, tôi nhớ lúc cha cô đi chữa bệnh ờ Sài Gòn thì ở nhà xảy ra chuyện! Mẹ cô, bà Thu Hà đang bế hai đứa con ngồi chơi trên phòng thì bà Cẩm Tú xất hiện. Xảy ra cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa hai người, rồi dẫn đến xô xát. Mẹ cô trên tay đang bế bé Thu Nguyệ bỗng bị bà Cẩm Tú giằng lấy, rồi như một người điên, mụ ta ném mạnh đứa bé ra ngoài như ném một con búp bê! Có lẽ đó là hành động trong lúc điên loạn, nên ngay sau đó chính bà ta đã lao người ra định chụp đứa bé lại và mất đà ngã chúi ra khỏi cửa sổ! Cũng may là khi ấy tôi vừa trờ tới, kịp đở bà ta lại khi bị rơi xuống đất. Tôi thất thần nhìn con bé Thu Nguyệt nằm chết mà người đầy máu me. Mẹ cô gào lên, leo lên cửa sổ định nhảy theo con, thì chợt trong phòng có tiếng khóc. Tiếng khóc thét của cô! Do vậy, tôi thấy bà buôn rơi mình trở vào phòng. Khi tôi chạy lên thì thấy bà Thu Hà đang quằn quại do bị ngã. Cô thì ôm lấy mẹ mà khóc không thôi.

    Ngừng lại một chút, ông Mười kể tiếp:

    - Từng mọi chuyện đến đó là hết, nào ngờ khi tôi lo mai táng cho chị cô thì bà Thu Hà đã treo cổ chết trong phòng này! Khi tôi phát hiện thì không còn kịp nữa!

    Ông lại ngừng kể, khóc như đứa trẻ. Lát sau ông nhìn Thu Hoa, nhẹ giọng nói:

    - Trong lúc mọi người đang rối rắm thì bà Cẩm Tú biến mất cùng với cô. Bà ta ẵm theo cô và từ đó không hề nghe tin tức gì. Cho đến khi cha cô chết vì thua buồn cảnh mất vợ, mất con, thì tôi hay tin bà ta xuất hiện ở Sài Còn, chứ không dám về đây. Tôi cũng hay tin cô lớn lên cùng bà ta và xem bà ấy như mẹ ruột của mình. Vừa rồi khi bà ta đột ngột trở về đây thi tôi lên tiếng phản đối, nhưng bà ta đã lạy lục, năn nỉ tôi để cho bà ta chuộc lại lỗi lầm và cũng để chữa bệnh cho cô, khi nào cô lành bệnh thì bà ta ra đi.

    Kể tới đây, ông Mười đứng lên và bằng giọng chân thành, ông nói:

    - Cô Hoa cứ yên tâm ở lại đây. Mẹ cô và Thu Nguyệt luôn ở cạnh, họ sẽ phù hộ cho cô mãi mãi. Còn tôi, như bao giờ, tôi cũng là người đầy tớ trung thành trong ngôi nhà này.

    Ông đi ra rồi mà Thu Hoa vẫn còn ngẩn ngơ. Tuy nhiên, trong lòng cô lúc ấy lại không có chút gì là lo lắng. Mà trái lại, cô thầm khấn:

    - Nếu linh hiển thì mẹ và chị Nguyệt cho con gặp một lần...

    Comment


    • #3
      MIẾU HAI CÔ


      Ông bác vật Tụng bảo dừng xe lại ở rãnh đất phía mặt trời lặn, vừa đưa tay chỉ cho mấy người đi theo:

      - Đo từ chỗ này vào tận rặng tre bên trong đó, coi có đúng ba trăm công không. Đo đúng thì cắm mốc, có bao nhiêu nhà cửa, mồ mả chôn trên đó cũng đếm cho kỹ rồi báo ngay cho tao.

      Cậu con trai cả tên gọi Hai Thạnh đứng bên cạnh nãy giờ bỗng lên riếng:

      - Mồ mả thì cần gì đếm, bởi bao nhiêu cái cũng kệ họ, mình cứ cho san bằng theo ý mình thôi! Bộ ba muốn đếm mả để bồi thường tiền di dời cho người ta hả?

      Ông bác vật Tụng gật đầu:

      - Mồ mả là thứ linh thiêng, bảo họ dời đi khi bán đất cho mình là chuyện đương nhiên, nhưng xem ra dân đây quá nghèo thì họ lấy tiền đâu mà di dời mồ mả, mình phải hỗ trợ cho họ phần nào.

      Hai Thạnh mạnh miệng:

      - Theo con thì không hỗ trợ. Đất mình mua có hợp đồng, trong đó có ghi rõ phần giải tỏa nhà, di dời mồ mả là của chủ bán. Vả lại theo con thấy thì xóm này đâu phải toàn ghèo. Nghèo sao có ngôi nhà ngói to đùng kia kìa!

      Một người đi theo đoàn vội nói:

      - Nhà đó tuy là nhà ngói, nhưng theo tôi biết thì qua trận dịch tả cách đây gần năm năm, đã giết sạch người trong nhà đó cùng bà con cả xóm, nên ngôi nhà từ ấy bỏ hoang. Xóm này đâu còn mấy người.

      Hai Thạnh reo lên:

      - Như vậy còn tiện hơn nữa! Ta cứ xúc tiến việc san ủi đất thôi. Toàn mồ mả hoang cả, đâu cần bồi thường hay di dời chi cho mất công!

      Ông bác vật Tụng tuy không hài lòng cách tính của con trai, nhưng ông chỉ nhẹ lắc đầu rồi bỏ đi về hướng khác. Hôm nay ông và con ông tới đây đo đạc khu đất vừa rồi, ngoài ra còn vài khu nữa trong kế hoạch mở rộng điền sản và khuếch trương kinh doanh. Ông chỉ tay về phía khu đất bên này, bảo:

      - Phía này là ruộng trống, hay là ta lấy bên này để lập chợ, đở phải giải tỏa hơn.

      Hai Thạnh nói liền:

      - Bên kia tuy vướng nhà cửa, mồ mả nhiều nhưng thuận lợi cho việc lập chợ hơn, lại gần sông. Ba không nhớ là xưa nay chợ của xứ mình đều xây dựng sát bờ sông sao. Nó thuận tiện cho giao thông, cung cấp hàng hóa. Ngoài ra nó còn hợp địa lý nữa. Con đã cho mời một thầy địa lý tài giỏi, vừa từ Hồng Kông sang, về đây giúp mình lập hướng xây chợ. Không chừng lát nữa lão ta cũng tới đây!

      Ông bác vật cũng không bàn thêm, bởi tính ông xưa nay vậy, ít nói và cái tâm khác đứa con trai. Vả lại, công việc mở rộng kinh doanh lần này là ông làm cho con, chuẩn bị cho Hai Thạnh kế nghiệp mình sau khi anh ta học xong bằng Thành chung ở Sài Gòn về.

      Ra một quán nước ven bờ ngồi uống cà phê, đợi đám công nhân đo đạc trở lại, Hai Thạnh nói huyên thuyên:

      - Mai mốt nơi này sẽ mọc lên một ngôi chợ bề thế với nhà lồng chợ rộng, chứa đến vài trăm sạp hàng, hai bên là hai dãy phố lầu thuộc loại sang nhất xứ mình! Ba để con làm cho ba coi, không ăn được chợ Ô Môn con không là con ba!

      Vừa khi đó, có một chiếc xe thổ mộ ngừng lại, Hai Thạnh reo lên:

      - Ông thầy địa lý tới kìa!

      Một ông thầy Tàu mặc bộ đồ lụa nút thắt quen thuộc bước tới xá chào mọi người rồi quay sang Hai Thạnh nói liền bằng tiếng Việt khá rành:

      - Cuộc đất này đẹp lắm, nhất là phía đất bên tay trái. Tuy nhiên âm khí nơi đấy quá nặng nề, e rằng...

      Hai Thạnh lớn tiếng:

      - Tôi biết thế nào thầy cũng nói vậy, biết thế tôi đã có kế hoạch rồi.

      Anh ta chỉ tay về phía cuộc đất:

      - Có một số mồ mả, nhà cửa bỏ hoang trên đất, nhưng không sao, tôi sẽ cho ủi thành bình địa trong một vài ngày!

      Quan sát một lượt bằng mắt lão thầy địa lý gục gật đầu:

      - Nếu thế thì được...

      Vừa khi ấy đám chuyên viên đo đạc trở về. Một người báo cáo công việc:

      - Chúng tôi đo rồi, đúng là ba trăm công. Có hai chục ngôi nhà nát, một nhà ngói bị bỏ hoang, 91 ngôi mộ lớn nhỏ và một ngôi miếu. Lời anh ta vừa dứt thì ông thầy địa lý nói liền:

      - Rắc rối là cái miếu đó!

      Ông bác vật cũng quan tâm:

      - Đụng cái gì thì được, chớ chùa miếu là không xong rồi, phải giữ lại thôi!

      Nhưng Hai Thạnh vẫn lớn tiếng:

      - Nhằm nhò gì mấy cái miếu hoang đó ba! Cùng lắm mình sẽ cúng kiến tử tế trước khi dở nó đi chớ gì!

      Chợt nhớ nãy giờ mình quên giới hiệu ông thầy địa lý với cha, Hai Thạnh nói:

      - Đây là thầy Gia Lợi một chầy địa lý kiêm tướng số hàng đầu ở Hồng Kông. con rước về đây để đặc biệt lo cho cuộc đất mới của mình!

      Ông bác vật chào chào lấy lệ, bởi ông vốn không thích mấy ông thầy tướng số kể cả thầy gọi là địa lý loại này. Thấy cha như vậy nên Hai Thạnh kéo tay ông thầy đi:

      - Thầy đi với tôi vào xem tận mắt cuộc dất. Nhất là xem cái miếu hoang đó.

      Ông bác vật vội nói:

      - Tao không cho đụng tới chùa miếu nghe chưa! Mày có làm gì thì làm, riêng cái miếu đó thì phải để nguyên, cần thì trùng tu thêm.

      Hai Thạnh vừa đi vừa nói với lại:

      - Tôi biết rồi mà!

      Cùng ông thầy Gia Lợi đi sâu vào khu đất, tiến gần sát ngôi nhà ngói bỏ hoang, Hai Thạnh nói:

      - Nhà lớn thế này mà lại bỏ phế, đúng là con người ta chết là hết đâu có đem theo được gì. Bởi vậy tôi nói với ông già, còn sống thì cứ hưởng, để mai mốt như chủ ngôi nhà này...

      Ông thầy xem kỹ ngôi nhà rồi lắc đầu:

      - Người xây ngôi nhà này không coi địa lý. Ai lại xây nhà mà cửa chính lại hướng thẳng về ngôi miếu kia! Chính cái miếu đã ám, khiến chủ nhân nhà này nếu không chết bất đắc kỳ tử thì cũng làm ăn suy sụp, nhà luôn có tai họa.

      Hai Thạnh phục quá, reo lên:

      - Mới nhìn qua mà thầy đã biết hết mọi chuyện! Bây giờ nếu muốn hóa giải ngôi nhà này thì ta cứ dở bỏ ngôi miếu chớ gì?

      Ông thầy lắc đầu:

      - Không phải. Cái phải dở bỏ đi chính là ngôi nhà! Miếu xây thì dễ, nhưng dở bỏ lại khó vô cùng. Ba cậu nói đúng, ngôi miếu này không dỡ bỏ được!

      Hai Thạnh bực bội:

      - Vì một ngôi miếu hoang mà phải phá nguyên căn nhà, vô lý vậy! Thí dụ như nhà mình đang ở mà bị ngôi miếu kế bên chiếu vào, mình không làm cách nào hóa giải nó sao?

      - Có cách nhưng không phải dở bỏ miếu. Miếu là nơi thờ người cõi âm, thánh thần, mình người trần mắt thịt làm sao tự tiện dỡ bỏ được.

      - Vậy cách nào?

      - Cậu tính xây ngôi chợ tại khu đất này?

      - Đúng vậy! Ngôi chợ khang trang kèm hai dãy phố hai bên.

      - Đất này còn rộng, hay là cậu dời địa điểm về phía kia một quãng.

      Hai Thạnh xua ray, lắc đầu:

      - Nhất định không. Tôi nghĩ cái miếu này chẳng qua là miếu nhỏ, do ai đó dị đoan xây nên, rồi lâu nay bỏ hoang chẳng ai thờ cúng thì thật sự nó có còn linh thiêng gì nữa không? Nó chỉ như...

      Ông thầy ngăn Thạnh lại:

      - Cậu ăn nói coi chừng. Cái gì chứ đụng tới cõi âm thì không đơn giản đâu.

      Ông ta ra tận ngôi miếu, rêu phong cỏ mọc phủ gần hết mái miếu, nhìn ngắm một hồi, rồi trở vào nói:

      - Ngôi miếu này lập lên để thờ oan hồn, nhưng lâu nay không ai cúng kiến, tuy nhiên, chẳng hiểu sao âm khí còn nặng nề lắm. Tôi e...

      Hai Thạnh rất cực đoan:

      - Ông nói e này e nọ nãy giờ mấy lần rồi, vậy ông có còn là thầy tướng số nữa không? Thầy sợ mấy hồn ma à?

      Bị chê, lão ta hơi phật ý, nhưng vẫn giữ vẻ điềm nhiên:

      - Chuyện cũng phải từ từ tính. Bây giờ ý cậu muốn gì?

      Thạnh đáp dứt khát:

      - Muốn thầy triệt hạ ngôi miếu đó ngay!

      Ông thầy trầm ngâm một lúc, rồi đột ngột bước đi, không nói tiếng nào. Thạnh phải gọi theo:

      - Thầy! Thầy sao vậy?

      Nhưng ông ta không trả lời, cũng không quay lại, đi một nước ra lộ cái, đón xe thổ mộ đi luôn.

      Hai Thạnh bực dọc, nói trổng:

      - Được rồi, để coi thằng này làm có được không!

      Hai Thạnh bàn với mấy tay bặm trợn trong một quán nhậu ngoại ô:

      - Tụi bay dám làm chuyện đó không?

      Tên Tám Bò ực xong ly rượu, nói to:

      - Nhằm nhò gì ba cái miếu hoang đó! Được rồi, miễn là thầy Hai chi cho tụi này kha khá một chút, nhậu cho đã đời một chút là xong ngay!

      Móc ngay ra hai tờ giấy bạc. Hai Thạnh đặt xuống bàn:

      - Đây chỉ là tiền bôi trơn thôi, làm xong tụi bay sẽ có gấp mười lần nữa!

      Nhìn thấy rõ hai tờ tiền mệnh giá lớn, cả bọn bốn người đều đồng thanh:

      - Hoan hô thầy Hai chơi sộp! Tụi này làm liền tối nay cho thầy coi!

      Thạnh bàn cụ thể:

      - Cái miếu đó nhỏ, nhưng xây bằng gạch, tụi bay phá nhưng không được đập, mà làm cách nào đó kéo cho nó đổ. Có cách nào không?

      - Ờ, thì...

      Tám Bò vỗ đùi:

      - Được rồi, để tôi đem hai con trâu tới, cột dây xích rồi cho nó kéo mạnh thì cái gì mà không đổ!

      - Nghe được đó. Vậy thì uống hết đi rồi chuẩn bi. Tao sẽ ra lộ ngồi trên xe chờ, một giờ sau tụi bay làm xong ra báo cáo kết quả!

      Tám Bò quay sang mấy tên đàn em:

      - ';';Dô';'; hết rồi đi tụi bay!

      Bọn chúng rầm rộ kéo nhau đi, Hai Thạnh cũng bước theo nhưng về hướng khác. Vừa đi hắn vừa làu bàu:

      - Có gì đâu mà ngại với ngùng! Hai Thạnh này đã muốn là làm mà.

      Trong khi đó, khoảng nửa giờ sau thì nhóm của Tám Bò đã có mặt tại hiện trường. Bọn chúng gồm sáu đứa, thêm hai con râu cộ. Sau khi quan sát kỹ, Tám Bò hạ lệnh:

      - Cột dây thừng vào cổ trâu, đầu kia thì choàng qua hết cái miếu nhỏ, hễ tao hô kéo thì thằng Hai Hùm ra roi mạnh cho hai con trâu chạy tới. Cái miếu nhỏ này ta nghĩ giật một cái là sập ngay thôi!

      Mấy tên đàn em làm y theo lời, chúng còn phụ đẩy chiếc cộ trâu tới. Sau tiếng hô ';';kéo';';, chúng đồng loạt hô theo:

      - Kéo.

      Một tiếng rống thật to, bỗng nhiên hai con trâu kêu lên rồi ngã bật ra, khiến chiếc cộ trâu ngã lăn theo, mấy tên đẩy hai bên và tên Hai Hùm ngồi trên cộ đều bị bắn tung lên trời. Đứng ngoài nhìn thấy hết, Tám Bò hốt hoảng:

      - Sao vậy?

      Hắn chạy tới thì trố mắt kinh ngạc khi nhìn thấy cả hai con trâu đều ngẹo đầu sang bên, miệng trào máu:

      - Trời ơi!

      Cả mấy tên kia cũng tình trạng như vậy, đứa nào cũng hộc máu và nằm bất động! Tám Bò hoảng quá, hắn nhìn lại ngôt miếu thì thấy nó vẫn con nguyên như thách thức. Không dám lưu lại đó giây nào, Tám Bò nhanh chóng chạy trở ra lộ cái. Hai Thạnh ngồi trên xe từ xa đã hỏi lớn:

      - Xong chưa?

      Tám Bò mặt xanh dờn, vừa thở dồn dập vừa đưa tay chỉ ra sau:

      - Ngôi... ngôi miếu đó...

      Hắn nói bị đứt quãng, bởi cơn sợ hãi đang làm cho cổ họng hắn nghẹn lại. Hai Thạnh sốt ruột:

      - Sao rồi?

      - Chết, Chết hết rồi!

      Tám Bò chỉ nói được mấy tiếng đó rồi ngồi phịch xuống đất. Khiến cho Thạnh càng hoảng hơn:

      - Chuyện gì đã xảy ra?

      Tám Bò lặp lại, rõ ràng hơn:

      - Tụi nó sáu thằng, đã... chết hết rồi!

      - Sao?

      Không nói gì thêm, Tám Bò chỉ đưa tay về phía bãi đất hoang. Thạnh sốt ruột nên không đợi dẫn đường, anh ta chạy thẳng tới nơi thấy trước mặt hắn là cảnh tượng kinh hoàng mà thoạt nhìn hắn đã hồn phi phách tán đứng như trời trồng một lúc lâu.

      Cũng may là số tay em của Tám Bò không đứa nào chết chỉ có hai con trâu là phải đền tiền để người ta xẻ thịt. Hai Thạnh chỉ dám hỏi nhỏ mấy tên nằm dưỡng thương:

      - Tụi bay bị ai làm gì vậy?

      Cả mấy tên đều nói:

      - Có thấy cái gì dâu. Tụi này vừa hô kéo một cái thì đã bị hất tung lên trời, khi ngã xuống thì ngất đi.

      Thạnh hỏi Tám Bò:

      - Theo mày thì chuyện đó là gì? Có phải... cái miếu hiển linh không?

      Tám Bò vẫn còn sợ hãi:

      - Tôi không biết. Chỉ có điều là vụ này thôi đi, tụi tôi xin rút lui.

      Thạnh rút ra thêm một xấp tiền:

      - Tao trả tụi bay gấp đôi, làm không?

      Tám Bò đưa mắt nhìn mấy tên đàn em, chúng thảy đều lắc đầu. Dĩ nhiên Tám Bò đâu dám:

      - Tụi này chịu thua. Đụng tới chùa miếu thì xin không dám!

      Chúng dù còn yếu mà cũng đứng lên cùng rút lui một lượt. Hai Thạnh bất nhẫn, than trời:

      - Kiểu này thì hư bột hư đường hết!

      Hắn ta định leo lên xe thì đã thấy một chiếc xe lôi ngừng lại, lão thầy địa lý Gia Lợi xuất hiện thật bất ngờ:

      - Biết thế nào cậu cũng ở đây, nên tôi tới thẳng từ bến xe.

      - Mấy hôm nay ông bỏ tôi một mình, sao nay lại đổi ý rồi?

      Ông thầy nghiêm giọng:

      - Tôi trở xuống đây không phải để giúp cậu dở ngôi miếu, mà vì một chuyện khác. Tôi muốn cứu cậu khỏi một vụ còn dữ hơn.

      Ông ta bước hẳn lên ngồi trong xe hơi của Thạnh mà không đợi mời.

      - Cậu vào đây rồi tôi nói chuyện này. Quan trọng lắm.

      Ông ta đưa ra một tờ báo chữ Hoa, vừa nói:

      - Đây là một tờ báo chuyên về chuyện tâm linh, xuất bản ở Hồng Kông mà một người bạn tôi mới gửi qua, nó có liên quan tới câu chuyện về một ngôi miếu.

      Nghe tới chuyện này, Hai Thạnh quan tâm ngay:

      - Sao? Có giống ngôi miếu ở đây không?

      - Giống.

      Câu trả lời của ông ta khiến Thạnh giật mình. Cùng lúc, ông đưa cho Thạnh xem bức ảnh in kèm theo trong bài báo. Vừa nhìn thấy thì Thạnh đã kêu lên liền:

      - Nó đây mà!

      Ngôi miếu nhỏ trong ảnh giống hệt cái miếu hoang mà Thạnh đang quan tâm. Giống từ hình dáng cho tới màu sắc rêu phong và đặc biệt là hàng chữ số 1958 khắc trên cửa miếu nữa. Như vậy thì đúng là ngôi miếu ấy rồi! Không biết chữ Hoa nên Thạnh hỏi:

      - Trong bài này người ta viết cái gì vậy?

      Ông thầy nhìn Thạnh một lúc rồi mới nói:

      - Tôi hỏi thật, cậu có tin chuyện tâm linh ma quỷ hay không?

      Hai Thạnh hơi bị khựng. Anh ta từ nào đến giờ rất bướng bỉnh, không hề tin chuyện gọi là hồn ma bóng quế, tuy nhiên kể từ đêm đám đệ tử của Tám Bò bị cú sốc khi kéo ngôi miếu thì anh ta hơi có phần nao núng. Giờ nghe hỏi, phải mất gần nửa phút anh ta mới đáp:

      - Có, nhưng một phần thôi.

      Lúc này, ông thầy mới giải nghĩa nội dung bài viết:

      - Trong bài này, tác giả kể lại một câu chuyện được nghe từ một người bà con ở Chợ Lớn của xứ này. Người đó kể rằng vào một chuyến đi thăm chùa ở miệt núi Sam, khi đi ngang qua vùng của cậu đây, bà ấy vô tình xuống xe đi tiểu tiện bên bờ ruộng.. Khi về nhà bỗng vào nữa đêm, bà ta thấy có một người phụ nữ mình mẩy dính đầy máu và bùn đất, nói rằng bà ấy bị chôn vùi trong một hố huyệt của ai đó và chết thê thảm, rồi do bị kẹt trong huyệt lạ nên hồn không siêu thoát được, nay xin được cứu giúp bằng cách cúng cho một lễ. Mà phải cúng tại đúng chỗ miếu, ở gần chỗ bà ấy đi tiểu tiện. Người này thức dậy và nhớ lại. đúng là mình có đi tiểu tiện, nhưng không nhớ chỗ. Đêm sau, vẫn người đàn bà kia lại hiện về, chỉ chỗ thật rành mạch và bảo người nọ phải tới ngay bởi chỗ đó sắp có một đại dịch nếu tới không kịp thì đại dịch đó sẽ cướp đi sinh mạng nhiều người, cả vong hồn của bà ta nữa. Mà như vậy thì vĩnh viễn bà ấy sẽ không thể siêu thoát!

      Ông thầy ngừng kể một lúc để thở, bởi ông say sưa kể quên cả mệt. Lát sau ông tiếp:

      - Người nằm mơ nói rằng đáng lẽ bà ta đã đi ngay ngày hôm sau, nhưng do có đứa con bệnh nặng bất ngờ nên phải một tuần sau nữa, bà mới đi tới chỗ được hướng dẫn. Tới nơi thì mới hay cả ngôi làng đó đã bị bỏ hoang sau trận dịch tả tràn qua, giết gần sạch người trong làng! Không dám lưu lại đo lâu, bà chỉ kịp nhìn thấy một ngôi miếu nằm bên cạnh ngôi nhà gần làng, có cả dòng chữ số 1958 như lời hướng dẫn, sẵn dem theo máy ảnh bà ấy chụp ngay ảnh ngôi miếu rồi ra về với sự hối hận vô cùng.

      Hai Thạnh xen vào hỏi:

      - Như vậy ngôi miếu ấy thờ người đàn bà chết dưới huyệt?

      Ông thầy lắc đầu:

      - Theo bài viết này thì không phải vậy. Bởi đêm sau nữa, thì vong hồn của người chết lại hiện về. Lần này bà ta khóc lóc dữ lắm, nói rằng số của mình phải chịu hẩm hiu, chỉ mong được giúp lần nữa, đó là hãy lấy giùm cốt của bà lên khỏi huyệt lạnh, ngôi mộ đó ở cảch miếu một trăm bước chân, bên cạnh một cây me lớn, mộ không có bia, nhưng đào xuống sẽ thấy một bộ hài cốt, trên cổ tay còn đeo cái lắc vàng có khắc chữ Jacqueline Liễu. Rồi đem mai táng một nơi khác. Hỏi tại sao phải làm vậy thì vong hồn người chết nói rằng bà ta bị hai oan hồn trấn giữ cái miếu kia canh ngày đêm, không cho đầu thai!

      Nghe giải thích xong, Thạnh chán nản hỏi:

      - Bài viết này cũng đã nói được điều gì liên quan đến việc làm sao mình triệt hạ được nó?

      Ông thầy lắc đầu:

      - Cậu vẫn chưa chịu hiểu, có lẽ tôi chưa nói đoạn kết của chuyện đó. Đoạn này có nên quan tới một tai họa cho ai đó ở vùng này.

      Rồi ông ra lật ra trang cuối của tờ tạp chí, đọc phần tiếp của bài:

      - Hồn người chết nói rằng nếu bà ta được cứu trước khi trận dịch xảy ra thì bà ta đã kịp báo động cho dòng họ của mình tránh được chuyện trả thù hết kiếp này sang kiếp khác của hai hồn ma trú trong ngôi miếu đó.

      - Trả thù kiếp này sang kiếp nọ là sao?

      Người ta gọi đó là những mối thù truyền kiếp. Các oan hồn thường làm điều này, bởi đối với họ kẻ gieo thù oán phải trả trong nhiều kiếp mới hết!

      Nghe hết câu chuyện, Hai Thạnh lại nhìn lần nữa ảnh ngôi miếu. Hắn ta lẩm bẩm:

      - Chuyện truyền kiếp gì đó lại xảy ra ngay tại làng này chăng?

      Anh ta nói:

      - Ba tôi ở nhà biết chữ Hoa, hay là ông cho tôi mượn tờ báo này đem về cho ông ấy đọc.

      Ông thầy gật đầu:

      - Tặng luôn cho ông thân của cậu cũng được. Riêng cậu, tôi có lời khuyên thế này, hãy bỏ ý định triệt ngôi miếu đi.

      Thạnh mời lão ta về nhà mà không vừa lòng với lời khuyên vừa rồi. Anh gặp ngay ông bác vật, đưa cho ông:

      - Có một bài báo ở Hồng Kông người ta viết về ngôi miếu trong miếng đất mình mới mua. Ba xem thử coi.

      Biết tiếng Hoa rất khá, bởi ông đã từng đi học và làm việc nhiều năm ở Hồng Kông, Thượng Hải vào những năm còn trẻ. Vừa cầm tờ báo lên, ông đá bị cuốn hút vào câu chuyện. Khi đọc đến một đoạn, ông bỗng thảng thốt kêu lên.

      - Cô Út mày đây mà!

      Cả Thạnh và ông thầy địa lý đều ngẩn ngơ. Thạnh hỏi:

      - Ba nói cô nào?

      - Cô Liễu của con! Trời ơi, đã gần bốn chục năm rồi ba đi tìm mà không gặp nó, nay lại gặp ở đây.

      Giọng ông run run và thất thần ngồi phịch xuống ghế trường kỷ. Thạnh ngạc nhiên quá đỗi:

      - Ba nói cô Liễu, mà cô ấy là ai? Sao từ nào đến giờ con không nghe nói bao giờ?

      Chỉ tay vào tờ báo, ông xúc động:

      - Người tên Jacqueline Liễu trong bài này chính là cô út của con, người em gái mà ba bị thất lạc trong chiến tranh. Jacqueline Liễu là chính nó chớ không ai khác, bởi cái tên này do chính ông nội con đặt cho. Bà nội con sinh cô Liễu ra chưa được một tuổi thì một hôm lọt vào giữa trận càn của lính Pháp, bà con bị chúng bắn chết, còn cô út thì mất tích luôn từ đó! Trời ơi...

      Thạnh vẫn cố chứng minh là không phải:

      - Ba chưa gặp mặt, chỉ có cái tên giống thôi thì lấy gì làm chắc đó là người nhà của nình? Lỡ trùng tên thì sao?

      Ông bác vật quả quyết:

      - Tên có thể trùng, nhưng việc khắc tên lên mặt dây chuyền vàng thì không thể có hai người giống nhau. Dây chuyền đó do chính bà nội con nhờ thợ khắc, ba có nhìn thấy và nhớ rất rõ.

      Rồi ông quay sang hỏi lão Gia Lợi:

      - Ông có biết người nằm mơ trong câu chuyện này ở Chợ Lớn mà tại đâu không?

      - Cũng không rõ, nhưng đi tìm thì cũng có thể tìm ra.

      Ông bác vật mừng rỡ:

      - Ông giúp giùm tôi đi, tôi cần tìm lại cô ấy lắm!

      Thạnh nói một câu khiến cho cha mình thất vọng:

      - Bà ta chết mất xác rồi, tìm đâu ra!

      Tuy nhiên lão thầy Gia Lợi lại nói khác:

      - Chẳng phải như trong bài viết nói rằng người nằm mơ sau đó đã về xứ này và tìm ra nơi chôn cất bà kia ư?

      Ông bác vật reo lên như đứa trẻ:

      - Không cần đi tìm đâu xa. Tại sao mình không theo lời chỉ của oan hồn cô út con, ngôi mộ dưới gốc cây me, cách ngôi miếu vài chục bước. Phải rồi, ta tới nơi đó sớm đi.

      Ông gọi thêm gần chục gia nhân, rồi không đợi Thạnh tán thành, ông cùng ông thầy số đi trở lại đó. Họ tìm thấy cây me không khó, tuy nhà cửa ở khu đó đã không còn; nhưng cây me cổ thụ hết trái thì vẫn còn nguyên. Chung quanh gốc cây có bốn ngôi mộ, không ngôi nào có mộ bia. Sau khi bàn, ông bác vật nói với mấy tên gia nhân:

      - Cứ tuần tự đào, ngôi mộ gần gốc cây nhất trước, rồi tới ba ngôi kia, đào cho kỹ!

      Tuy có hơi chùn tay, nhưng vì có mặt chủ ở đó nên người phu vẫn phải ra sức đào. Một lát sau, một người kêu lên:

      - Ngôi mộ này quan tài không có nắp!

      Họ cuốc thêm chục nhát nữa thì lòi nguyên phần trên quan tài ra, trong quan tài không có hài cốt, chỉ còn lại vài vật dụng linh tinh. Người thứ hai nhận xét:

      - Mộ này bị kẻ trộm đào trước đây rồi!

      Bỗng ông thầy lên tiếng:

      - Có thể đúng là ngôi mộ này. Bà nằm mơ trong truyện kể đã tới đây lấy cốt đem đi rồi cũng nên!

      Ông bác vật thất vọng:

      - Ta chậm rồi.

      Bỗng một người đào mộ reo lên:

      - Có sợi dây chuyền kìa!

      Anh ta chụp lấy liền. Vừa lúc ông bác vật quát lớn:

      - Không được lấy!

      Ông nhanh tay giật lại, đưa lên xem và reo lên:

      - Đúng là nó rồi, moi người xem đây, tên của em tôi.

      Trên mặt dây chuyền vàng có khắc hai chữ Jacqueline Liễu con rất rõ nét. Ông thầy bảo:

      - Có lẽ quá vội hoặc không con bình rĩnh khi bốc mộ nên họ để rơi lại sợi dây chuyền. May cho ta!

      Ông bác vật nói để đám gia nô yên tâm:

      - Để rồi tao cho tụi bay số tiền bằng hoặc hơn trị giá sợi dây chuyền này. Còn đây là vật kỷ niệm của em gái tao, không thể để mất được!

      Lúc đó trời đã bảy tám giờ đêm rồi, chung quanh vắng tanh, tối mịt nên không ai thấy họ. Cho đến lúc họ rời khỏi đó cũng lặng im. Chỉ có ở ngôi miếu bất chợt lóe lên một ngọn lửa xanh lè, lúc mờ lúc tỏ. Cũng may bọn người kia không nhìn thấy.

      ° ° °
      Chưa bao giờ ông bác vật có được niềm vui như vậy. Khi ông trở về nhà thì không có Hai Thạnh ở nhà, nên ông thoải mái ngồi xuống bộ trường kỷ, xem ngắm lại thật kỹ sợi dây chuyền vừa lấy được. Ngoài dòng chữ tên ra, ở mặt sau còn có hai hàng chữ nhỏ nữa: Tụng tức Tùng, Đỗ tức Hăngry và Liễu, ba đứa con nhà họ Phạm.

      - Đúng rồi. Tụng là ta, Đỗ là chú ruột con, cũng bỏ nhà đi mất từ mấy chục năm nay không có tin tức gì, còn Liễu là con út, là nó!

      Không còn nghi ngờ gì nữa, người chết mang sợi dây chuyền này là Jacqueline Liễu!

      - Chào người nhà họ Phạm!

      Ông Tụng bật đứng dậy, vừa lúc như bị ma lực đẩy mạnh, khiến ông phải ngồi yên. Giọng nói lại tiếp tục:

      - Đâu có gì phải vội, ông Phạm Bảo Tụng.

      - Cô... cô là ai? Cô là...

      - Ông không thể thấy được tôi, nhưng tôi thì thấy rõ ông và cả thằng con trai sắp về tới của ông nữa!

      Rồi ông Tụng có cảm giác như ai vừa ngồi xuống bên cạnh mình, hơi lạnh kỳ lị từ người này tỏa ra khiến cho chỉ trong nháy mắt toàn thân ông lạnh như băng!

      - C... ô...

      Ông Tụng chỉ phát ra được có bấy nhiêu rồi cảm thấy như nghẹt thở, như đang bị ai đó bóp cổ.

      - Kìa ba... Ba sao vậy?

      Hai Thạnh từ ngoài cửa lao nhanh vào kịp chạm vào người của ông Tụng thì ông đổ xuống, như trái mít rụng.

      - Ba!

      Có một luuồg khí lạnh phả vào mặt của Thạnh, khiến anh ta choáng váng, lảo đảo.

      Khoảng nửa giờ sau...

      Cả hai cha con tỉnh lại cùng lúc. Thạnh có sức khỏe hơn nên hắn lên tiếng trước:

      - Ba bị sao vậy? Nếu con vào không kịp thì ba đã... ngạt thở!

      Ông bác vật Tụng nhớ lại chuyện vừa rồi và hỏi lại Thạnh:

      - Con gặp ai không?

      - Đâu có ai!

      - Có! Họ muốn giết ba, cũng may là nhờ có con. Họ là hai người, mà là hai cô gái. Ba tuy không nhìn rõ mặt nhưng chắc là họ còn trẻ.

      Vừa lúc đó, bỗng Thạnh kêu lên:

      - Tờ báo tiếng Hoa sao vậy nè?

      Tờ báo có bài viết về chuyện Jacqueline Liễu và ngôi miếu hoang, chẳng hiểu ai đã cắt thật gọn mất tấm ảnh ngôi miếu, và dưới cái tên Jacqueline Liễu được gạch bằng mực đỏ nổi bật lên.

      Ông Tụng thảng thốt:

      - Đúng rồi. Hai cô gái đó đang ở trong ngôi miếu!

      Thạnh nghe nhắc tới ngôi miếu thì tỏ ý ngại, nhưng vẫn ương ngạnh:

      - Con vẫn quyết phải triệt hạ cái miếu! Phải làm ngay để mình con kịp xây chợ chớ!

      Ông Tụng thì lộ vẻ sợ hãi:

      - Ba xin con, hãy bỏ ý định đó đi. Rồi ba sẽ mua cho con miếng đất khác rộng hơn, ngon hơn. Ba muốn xây cho cô út con một nhà mồ ở đó. Xong thì trùng tu lại miếu của hai cô gái lạ. Ba biết, mặc dù giữa họ và cô út con có một hận thù gì rất sâu đậm, nhưng ba nghĩ với việc làm của ba thì có hy vọng hòa giải được hận thù giữa họ.

      Thạnh hùng dũng đứng ậy, nói dứt khoát:

      - Con sẽ làm theo ý mình.

      Nhưng anh ta bước chưa được mấy bước thì bỗng người bị nhấc bổng lên trời và cứ thế lơ lửng trên không mà chẳng thấy dây cột hay móc tre. Thạnh la bài hải:

      - Bỏ tôi xuống! Bỏ tôi...

      Có những riếng bốp chát vang lên, như có ai đang đánh mạnh vào hai bên má hắn, khến hắn cứ lắc qua lắc lại và sau một hồi thì máu từ trong mép hắn tuôn ra!

      Ông Tụng hoảng hốt, van xin:

      - Tôi lạy các oan hồn, xin tha mạng cho nó, nó là đứa con ngỗ nghịch, quen thói ngang tàng vậy chớ còn dạy được. Xin để tôi dạy nó và bỏ ngay ý định xằng bậy kia đi! Tôi xin hứa sẽ làm theo tâm nguyện. Tôi có chết cũng làm.

      Thạnh rớt xuống sàn như bị ném, nhưng anh ta vẫn còn lên tiếng được, dù có biểu hiện đau đớn:

      - Tôi xin... xin chừa! Tôi xin..

      Hắn gục xuống ngất đi.

      Ông Tụng cố gắng đứng lên và lê bước về phòng riêng, nhưng khi ngang qua phòng của Thạnh, ông nhìn vào và giật mình! Trong phòng đang có hai bóng người con gái đứng song hàng, nhưng chỉ có thân mà không có đầu và mặt!

      Tuy nhiên, vẫn có tiếng phát ra từ họ:

      - Tôi là Ánh Hồng!

      - Tôi là Xuân Hằng!

      - Hai chúng tôt là nạn nhân của hai người em của ông từ mấy chục năm trước. Nay tuy họ đều đã đền mạng, nhưng dòng họ Phạm của ông vẫn còn lại hai người mà chúng tôi chờ từ hơn mười lăm năm rồi, nay mới có dịp làm nốt ý nguyện!

      Ông Tụng thay vì sợ bỏ chạy, lại đứng khựng lại, rồi từ từ quỳ xuống, giọng thành khẩn:

      - Tôi tuy không tham gia vào tội ác của các em mình, nhưng dẫu sao thì cũng đáng chết. Tôi xin chịu hình phạt. Chỉ có điều thằng con tôi tuy lỗ mãng, bất kính, nhưng dòng họ Phạm này không còn ai nối dõi, vậy rất mong quý cô nương thương tình, tha mạng cho nó, muốn sai khiến làm gì cũng được!

      Một trong hai cô tặc lưỡi:

      - Thằng này thì khó tha, ông không nghe nó vẫn hung hăng đòi san bằng miếu của tụi tôi đó sao? Hắn ta có dòng máu giống với chú và cô hắn hơn là giống ông, nếu để hắn sống thì liệu gia sản của ông có còn giữ được không?

      Hơn ai hết, ông Tụng hiểu điều đó, nhưng làm sao ông dửng dưng trước sự an nguy của con. Nên ông vẫn cố năn nỉ:

      - Mạng tôi đây các cô muốn lấy lúc nào cũng được, chỉ xin...

      Một giọng the thé cất lên:

      - Không nói nhiều, hãy làm đi!

      Thân thể đang nằm bất động của Thạnh bồng lao vút đi trong tư thế nằm sấp, phúc chốc không còn thấy bóng...

      Buồn vì chuyện mất tích của Hai Thạnh, nhưng ông Tụng vẫn giữ y lời hứa của mình. Ông bắt đầu cho trùng tu lại ngôi miếu hoang. Trước khi tến hành, ông cẩn thận đặt một con heo quay lớn cùng nhiều hoa quả trước miếu, cúng và vái rất thành khẩn:

      - Mạng già của tôi dẫu sau đây có bị bắt đi, nhưng lời đã hứa thì tôi xin giữ. Hôm nay tôi xin phép cúng hai cô và được trùng tu ngôi miếu này. Tôi sẽ giữ nguyên ngôi miếu nhỏ này, chỉ xây trùm bên ngoài một ngôi miếu lớn, khang trang hơn, và cũng xin phép được ghi danh hai cô trên bài vị thờ trong miếu. Nếu đồng ý thì hai cô giáng xuống điều gì đó để tôi biết mà làm theo.

      Ông vừa dứt lời bỗng con heo quay đang đặt trước miếu vụt bay lên, rồt biến đi mất trước sự ngạc nhiên của mọi người! Chỉ còn lại số hoa quả. Chừng như hiểu ý, ông Tụng lại vái:

      - Nếu hai cô không đồng ý cúng đồ mặn thì tôi xin thay bằng hoa quả.

      Ông cho người chạy đi mua thêm nhiều trái cây và cúng vái lại lần nữa. Quả nhiên, lần này nhang cháy cho đến tàn mà không xảy ra chuyện gì.

      Mười ngày sau, một ngôi miếu mới được hình thành. Đứng ngắm nhìn ngôt miếu mới, ông Tụng hài lòng lắm, ông thầm khấn vái:

      - Tâm nguyện của tôi đã hoàn thành, vậy nay không còn gì để luyến tiếc nữa tôi xin với hai cô một điều thôi, cho phép tôi được về nhà, nằm trong phòng riêng và chờ chết. Tôi muốn được chết trong nhà mình.

      Ông vái xong lãng lẽ bước đi. Ông ta về nhà và làm đúng như lời đã nói. Nhưng nằm chờ hoài đến chiều, rồi đêm và mãi cho đến sáng ngày mai vẫn

      không có điều gì xảy ra cả! Vừa muốn ngồi dậy thì chợt ông nghe tiếng ai văng vẳng:

      - Ông là người duy nhất trong dòng họ có thể sống để làm điều tốt đẹp.

      Từ ngày hôm đó, người quanh vùng bỗng nhìn thấv một người lớn tuổi, từ sáng cho đến chiều tối, lặng lẽ cầm chổi quét lá chung quanh ngôi miếu. Ông cũng ngày ngày nhang khói, cúng vái như vai trò của của một ông từ giữ miếu. Người đó chính là ông chú vật Tụng!

      Ai hỏi ông tại sao làm vậy thì ông cười và nói:

      - Còn sống ngày nào thì nên làm điều thiện cần làm. Làm gì sẽ gặp nấy thôi.

      Và càng lạ hơn, ngày hôm sau nữa, chỗ dưới gốc cây me già bỗng hiện ra một mộ huyệt mới xây nhưng để trống không chôn ai trong đó. Nhiều ngườl thắc mắc không hiểu ai xây và xây để chôn ai. Chỉ mình ông Tụng là hiểu. Ông thường đứng trước mộ huyệt và nói thầm:

      - Anh em, con cái tôi làm ác, làm bậy nên chết không có mồ chôn là đúng. Phần mộ này có lẽ họ dành cho tôi khi nằm xuống. Xin cám ơn vong hồn hai cô.

      Ông Tụng sống đến hơn mười năm sau mới chết. Và đúng như lời ông, khi ngưới ta liệm xác ông và quan tài, chưa kịp di quan thì bỗng quan tài biến mất!

      Chiều hôm đó có người phát hiện quan tài ông đã được ai đó đặt vào huyệt mộ.

      Comment


      • #4
        TÌNH MA DUYÊN TỤC




        Đoạn đường từ Rạch Giá về Hà Tiên không xa, chưa đầy một tăm cây số, nhưng đường sá vào năm 1945 còn quá hẹp và xấu, nên đù cố gắng tăng tốc mà chiếc Traction phải mất ba tiếng đồng hồ Hiệp mới tới Kiên Lương. Nhìn đồng hồ tay, Hiệp hơi sốt ruột, đã hơn 6 giờ chiều. Đến chợ Hà Tiên còn ngót ba chục cây số nữa mà trời tối thì liệu có kịp không?

        Không có hẹn với ai ở đó, nhưng Hiệp lại ngại lái xe đường lạ trong đêm tối. Vả lại trời đang chuyển mưa nữa mà. Lúc này Hiệp mới thấy hối hận khi không nghe lời khuyên của bạn bè rằng anh không nên đi, bởi lúc khởi hành đã hơn hai giờ chiều. Hiệp vốn tính bướng bỉnh, lại muốn sáng ngày mai khi tới trình diện nhà cha mẹ vợ tương lai ở gần Mũi Nai thì anh phải tươi tỉnh, chững chạc như hình ảnh một thầy ký tòa án Lê Hữu Hiệp vốn có dưới mắt của Nguyệt và gia đình cô.

        Việc Hiệp bỏ ngang công việc tòa án, đi về Hà Tiên vào những ngày giữa tuần cũng chỉ vì anh lỡ hứa với Nguyệt rằng anh sẽ có mặt tại nhà cô và dự đám giỗ, để nhân dịp có sự có mặt đông đủ thân nhân Nguyệt, sẽ là một dịp tốt nhất cho anh ra mắt bên vợ, những người vốn giàu có và trọng hình thức. Ông già của Nguyệt tuy không phải là quan chức, nhưng là một nghiệp chủ giàu nhất nhì Hà Tiên thời đó, chính ông là người đã âm thầm giúp đỡ cho Hiệp ăn học và khi ra trường với bằng Tú tài toàn phần, ông đã vận động để đưa anh chàng vào ngành tòa án, giữ ngay vai thư ký tòa, một địa vị mà không phải người trẻ mới ra trường nào cũng có được. Và để đền ơn người đã giúp đở mình, Hiệp đã long trọng hứa sẽ làm rể nhà nghiệp chủ Ma Đại Nhơn.

        Tuy gọi là trả ơn, nhưng cũng may cho Hiệp, vì Nguyệt - cô con gái của nghiệp chủ Nhơn lại là một mỹ nhân đúng nghĩa. Cô ta từng được mệnh danh là hoa khôi của vùng Tô Châu - Thạch Động. Khi hai ngưới gặp nhau lần đầu tiên ở Rạch Giá, nơi Minh Nguyệt trọ học, thì cả hai đã ngỡ ngàng nhìn nhau sau vài giây, tự dưng họ đâm ra mến nhau, hợp nhãn nhau liền!

        Bởi vậy, chính Nguyệt đã từng nói với Hiệp rằng duyên của họ đúng là duyên tiền định! Cô nàng hầu như muốn giữ chặt lấy người tình, giục Hiệp

        nhanh chóng tiến hành hôn lễ, bằng cách thúc hối cha mua ngay cho hai người một căn phố lầu ở chợ Rạch Giá, và nội tháng 8 phải làm lễ thành hôn, mặc dù cô còn đang học dở dang lớp chuẩn bị thi bằng Thành chung. Ông Nhơn chiều ý con, nên đã yêu cầu Hiệp phải có mặt nhân ngày giỗ ông ngoại của Nguyệt. Hiệp về Hà Tiên với lý do như vậy. Dù đã đi về thị xã Hà Tiên mấy lần rồi, nhưng khi chạy ngang một ngã ba bên tay trái, nhìn thấy tấm bảng đề mấy chữ "82 km là Hòn Chông", Hiệp hơi ngạc nhiên:

        - Thì ra đường đó đi về Hòn Chông, một địa danh có thắng cảnh Chùa Hang, Hòn Phụ Tử!

        Anh rà xe chậm lại nhìn kỹ con đường, định bụng lượt về thế nào cũng rẽ vào đó xem cho biết Hòn Phụ Tử đẹp như thế nào. Vừa khi ấy chợt trời đổ mưa. Cơn mưa đã được bào trước, nhưng Hiệp không ngờ nó lại tới nhanh và lớn đến như vậy!

        Xe hơi thì có thể đi trong mưa dễ dàng, tuy nhiên chỉ với một người chưa quen lắm với đoạn đường quanh co trên lộ trình đến thị xã, nên Hiệp có nới ngại. Anh nhìn thấy một ngôi nhà gần lộ, giống như cái quán ven đường nên không kịp nghĩ ngợi, đã lái xe thẳng vào khoảng sân hẹp, đậu lại định chờ cho bớt mưa.

        Hơn mười phút qua, ngồi trong xe đóng kín cửa cảm thấy bí, Hiệp quay kiếng xuống nhìn vào quán, vừa lúc mắt anh dừng lại chỗ một cô gái ngồi co ro trong quán. Toàn quán không có ai khác, ngoài cô gái là khách duy nhất. Cô ta đúng là khách, bởi ngay dưới chân cô, Hiệp nhìn thấy một túi xách của một người đi xa. Chỉ hơi ngạc nhiên bởi ở chỗ vắng vẻ này lại có một cô gái ngồi trong một quán ven đường, trong buổi chiều tối như thế này. Hiệp thôi không nhìn nữa, quay kiếng xe lên, định cứ ngồi trong xe như thế cho đến hết cơn mưa. Nhưng mưa càng lúc càng thêm nặng hạt mà không khí trong xe càng thêm bức bối, nên Hiệp quyết định mở cửa xe, chạy vụt vào trong quán với ý nghĩ rằng mình cũng nên trú mưa trong quán cho thoáng mát hơn.

        Có lẽ chủ quán đã thấy Hiệp đậu xe và ngồi trong đó khá lâu, nên khi anh vừa vào đã nghe lời chào hỏi:

        - Quý khách cần uống nóng hay lạnh. Lạnh thì hôm nay có nước đá mới chở từ Rạch Giá về.

        - Dạ, cho tôi một cà phê nóng.

        Hiệp đáp và nhìn lên, anh giật mình, bởi người hỏi anh không phải là chủ quán, mà lại là cô gái anh thấy ngồi co ro nãy giờ!

        - Tôi... tôi tưởng...

        Có giọng nói từ phía trong vang lên, lần này hình như đúng là của chủ quán thật:

        - Thầy Hai uống gì gọi nó cũng được, đó là đứa cháu của tôi, nó đang chờ xe, chớ không phải người ngoài.

        Lúc này Hiệp mới chợt giật mình khi nhìn kỹ cô gái!

        - Cô nàng đẹp khác hẳn con gái ở xứ này mà lâu nay anh vẫn thấy. Cô ta lại ra vẻ là một người của thị thành với kiểu ăn mặc tuy giản dị mà đúng cách. Bộ đồ bà ba, quần lĩnh đen, áo màu hoa cà, hợp với làn da trắng muốt, khiến người nhìn phải sững sờ!

        Ly cà phê nóng được bưng ra, mùi thơm lừng chẳng khiến cho Hiệp bị quyến rũ bằng đôi bàn tay nõn nà, đang nhẹ nhàng đặt ly xuống và cất tiếng mời như rót mật vào tai:

        - Dạ, mời... anh!

        Rồi cô nàng quay trở lại chỗ ngồi cũ, vẫn co ro như lúc đầu, mắt nhìn ra ngoài như chẳng để ý tới ai chung quanh. Hiệp uống chưa hết ly cà phê thì trời đột ngột ngừng mưa. Bất ngờ như lúc bắt đầu, cơn mưa lại khiến cho Hiệp vừa ngạc nhiên vừa hài lòng. Anh nhìn đồng hồ đã hơn 7 giờ, anh nhẩm tính:

        - Phải cỡ chín giờ thì mới tớí nơi được.

        Hiệp vừa đứng lên kêu tính tiền thì bà chủ quán xuất hiện, bà hỏi thẳng vị khách trẻ:

        - Cậu có về Hòn Chông không?

        Rồi không đợi anh trả lời, bà ta nói luôn:

        - Con nhỏ cháu đi Sài Gòn về, tới đây thì trễ giờ nên hết xe lam về nhà nó ở nửa đường đi Hòn Chông. Nếu cậu có về qua đó thì làm ơn...

        Bỗng cô nàng lên tiếng:

        - Dì hỏi mất công. Người ta về Hà Tiên mà. Thôi, tạnh mưa rồi để con đi bộ từ từ về nhà cũng được. Sáu bảy cây số thôi mà.

        Hiệp ngước nhìn cô nàng đang đứng dậy, tay xách giỏ chuẩn bị đi, anh vụt nói:

        - Để tôi đưa cô về!

        Bà chủ quán reo lên:

        - Gặp được người tốt bụng như cậu quả là trời thương cháu tôi rồi!

        Hiệp ra mở cửa xe phía trước cho cô gái lên ngồi, anh giải thích:

        - Tôi không rành đường, cô ngồi trước chỉ đường cho.

        - Dạ, cám ơn anh.

        Cô nàng ngồi gần, phả hương thơm rất lạ vào mũi Hiệp, khiến anh thích thú. Mặc dù không ưa phụ nữ xức nước hoa, nhưng hương thơm từ cô gái không phải do nước hoa, nên ngay giây đầu tiên Hiệp đã có thiện cảm và thầm nghĩ, nước hoa đâu có gì mà không ưa!

        - Anh không phải là người xứ Hà Tiên này?

        - Sao cô biết?

        Thấy cách anh dò đường. Người gốc Hà Tiên thì không ai là không biết đường vào Chùa Hang, Hòn Phụ Tử.

        - Thú thật, tôi từ Rạch Giá qua đây.

        - Đi chơi thì không đúng rồi, vì không ai đi tham quan, du ngoạn mà đi một mình. Còn thăm bà con thì chắc cũng không đúng, bởi thăm viếng thì phải có quà cáp.

        - Vậy theo cô thì tôi đi đâu?

        - Đi coi mắt vợ phải không?

        - Câu hỏi khiến Hiệp giật mình, ngơ ngác:

        - Cô... cô lại biết...

        Cô gái phá lên cười, giọng cười giòn tan rồi không nói gì thêm, đưa mắt nhìn ra ngoài. Hiệp biết mình hố nên nói chữa:

        - Tôi... tôi chỉ có ý...

        Cô nàng quay lại, cười nhẹ:

        - Tôi chỉ cười suông thôi chớ có ý gì đâu. Vả lại, chuyện anh đi coi mắt vợ hay đi đâu đó là chuyện riêng của anh có mắc mớ gì đến tôi đâu.

        Xe chạy được mười phút, Hiệp bớt tốc độ và hỏi:

        - Đã sắp tới chưa?

        Cô nàng không cần nhìn đã nói ngay:

        - Dạ chưa, phải hơn cây số nữa. Khi nào thấy ngôi nhà bên trái có giàn hoa giấy chạy hoài theo bờ rào, đó là nhà... em.

        Nàng đổi cách xưng hô một cách đột ngột, khiến Hiệp phải lúng túng:

        - Cô... cô...

        - Em là Mỹ Dung.

        - Còn tôi.. là Hiệp.

        - Thấy nàng dạn dĩ, Hiệp nói đùa.

        - Tên cô giống với tên một co gái trong truyền thuyết của xứ Hà Tiên này quá. Nàng Phù...

        Cô nàng Mỹ Dung cũng đùa:

        - Nàng ta khác chữ lót. Mỹ Dung là nhan sắn đẹp, còn Phù Dung là loài hoa mau tàn.

        - À, tôi không để ý. Mà tôi cũng sơ suất nữa, ai lại ví tên cô với một cô gái trong truyền thuyết đã ra người thiên cổ từ lâu rồi. Người hiện tại mới đáng nói hơn phải không?

        Tưởng mình nịnh một câu như vậy sẽ được hưởng ứng nào ngờ Hiệp lại nhận được câu nói:

        - Chắc gì thực tại hay hơn cái đã mất! Theo em...

        Nàng kịp ngừng lại điều đang muốn nói ra. Hiệp hơi ngạc nhiên:

        - Cô định nói gì?

        Nàng lắc đầu nhanh:

        - Dạ không. Kìa anh cho em xuống đây.

        Quả là có một ngôi nhà ngói xưa nằm khuất sau hàng rào dài vớt nhiều hoa giấy che phủ. Hiệp cho xe ngừng lại và lịch sự bước xuống mở cửa cho nàng. Anh không quên nói nịnh một câu nữa:

        - Nhờ có cô mà tôi biết thêm đường vào Hòn Chông. Lượt về thế nào tôi cũng ghé qua thắng cảnh này, cô sẵn sàng mời tôi ghé nhà chớ?

        Nàng cười rất tươi:

        - Đâu đợi gì ngày mai, nếu bây giờ em mời thì anh có ghé không?

        Hiệp lúng túng:

        - Tôi... tôi còn phải về Hà Tiên. Trời quá tối rồi.

        - Vậy cám ơn anh. Anh đi cẩn thận.

        Hiệp vẫy tay chào rồi leo lên xe ngay. Mở máy như thường lệ, nhưng sao máy xe lại không chịu nổ. Kỳ vậy, mới chạy ngon đây mà...

        Thử đề lại lần nữa, tiếng è è phát ra rồi tắt ngấm. Hiệp coi lại xăng, vẫn còn hơn nửa bình, cũng không phải hết bình điện, vậy tại sao không khởi động được máy. Loay hoay làm một mình đến gần mấy phút, chợt anh nghe từ phía sau lưng mình, giọng lo lắng của cô nàng:

        - Xe anh bị sao vậy?

        Hiệp hơi ngượng:

        - Cũng hẳng hiểu sao. Có lẽ... tại vì...

        Anh muốn tìm một lý do để nói, nhưng vốn không rành về chiếc xe mới mua này lắm, nên cuối cùng anh chỉ biết lắc đầu:

        - Chịu thua.

        Và đúng là Hiệp chịu thua thật, bởi sau gần hai mươi phút thì hục mà vẫn không sao thay đổi được tình hình. Trời lại đổ mưa trở lại. Cô nàng Mỹ Dung đề nghị:

        - Anh phải nghỉ tạm lại nhà em thôi. Rồi sáng mai về bên đó sớm, như thế tiện hơn.

        Hiệp áy náy:

        - Như vậy e không tiện...

        Cô nàng trấn an:

        - Anh không phải lo, ba má em hôm nay đi qua Hòn Me, nên nhà chỉ còn mỗi mình em. Người sợ chính là em, nhưng mà...

        Hiệp lại càng ngại hơn:

        - Như thế lại càng không nên.

        Anh còn đang phân vân thì trời mưa thật lớn, Mỹ Dung nói như ra lệnh:

        - Anh cứ để xe đó đi, vào nhà đi!

        Không còn cách nào khác, Hiệp đành phải nghe theo. Khi vào nhà rồi anh chàng mới yên tâm phần nào. Nhà rộng và khang trang, Mỹ Dung lại không có vẻ gì là ngại sự có mặt của khách lạ. Cô giục Hiệp:

        - Dù gì anh cũng phải ngủ ở đây tối nay rồi, vậy lấy dù của em ra ngoài xe lấy đồ đạc vào, tắm rửa rồi em làm cơm cho ăn. Vừa ăn ta vừa nói cnuyện. Em cũng cần một người bạn để hàn huyên trong khi nhà vắng thế này.

        Phải đợi nàng giục lần thứ hai Hiệp mới làm theo. Khi trở vào anh đã thấy một mâm thức ăn nóng nấu sẵn, cô nàng thân mật nói:

        - Trong lúc anh tắm thì em nấu cơm. Nhà con thức ăn tươi và ngon. Có lẽ má em đoán em sẽ về hôm nay!

        Hiệp thấy nàng tự nhiên thì cũng đở phải e ngại. Anh tắm xong thì đã thấy một mâm cơm dọn sẵn. Anh tự hỏi sao cô ta có thể nấu thức ăn nhanh như vậy. Tuy nhicn, Hiệp cũng không còn thời gian suy nghĩ, nàng đã giục cầm đũa:

        - Anh ăn đi, như thế mới không chê cơm nhà nghèo chứ!

        Mỹ Dung vừa ăn vừa tiếp thức ăn cho khách, nàng còn nói huyên thuyên đủ thứ chuyện, khiến cho bữa cơm qua nhanh và Hiếp ăn rất ngon! Ăn vừa xong thì chẳng hiểu sao, anh lại cảm giác như mình buồn ngủ từ thuở nào vậy, mắt nhướn không lên:

        - Tôi... tôi...

        - Dậy! Dậy nhanh đi anh, má em về tới!

        Tiếng giục của cô nàng khiến dù đang say ngủ, Hiệp cũng phải bật dậy ngay. Anh hỏi:

        - Mấy giờ rồi?

        - Chắc là gần sáng. Má em đột ngột về mà không báo trước, may mà vừa rồi có người đưa đồ đạc về trước, nói khỏang vài chục phút nữa má về tới.

        Hiệp nhớ lại những gì xảy ra đêm qua, anh ái ngại:

        - Tối qua bỗng dưng tôi buồn ngủ quá, chắc cô không trách chớ!

        Mỹ Dung càng hối thúc:

        - Anh thay đồ nhanh rồi đi đi. Bữa về ghé lạl em, em sẽ nói với mà anh là bạn học từ Rạch Giá về chơi. Còn bây giờ...

        Hiệp thay đồ xong anh chợt nhớ ra:

        - Ờ còn chiếc xe nữa không biết khởi động nó có được không?

        Anh ra xe, chuẩn bị tinh thần là sẽ đẩy hay nhờ người đi rước thợ tới sữa. Tuy nhiên, vừa đề lần thứ nhất máy xe đã nổ giòn tan, êm ru. Hiệp ngơ ngác:

        - Chiếc xe này điên chắc!

        Lái xe đi được một quàng. Hiệp quay lại nhìn, anh ngỡ mắt mình bị hoa, bởi đi xa lắm. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn lại đã không còn thấy ngôi nhà đâu? Chỉ toàn là ruộng và xa xa là rừng...

        Hiệp muốn quay xe lại để xác minh, nhưng thấy mặt trời vừa ló dạng, sợ chạm mặt bà mẹ của Mỹ Dung. Nên anh nhấn ga, xe vọt tới với nguyên nỗi thắc mắc trong lòng.

        Ra tới ngã ba Kiên Lương, cố nhìn nhưng Hiệp cũng không thấy cái quán lá ven đường hôm qua đâu. Anh nghĩ có thể mình lộn chỗ, nhưng rõ ràng hôm qua nó nằm ngay ngã ba này mà?

        Mải lo nhìn tìm, suýt nữa xe của Hiệp chạm phải một xe khác chạy trờ tới. Anh hú vía vội rồ ga thẳng về Hà Tiên. Trời sáng mát mẻ, nên Hiệp chạy rất nhanh, chỉ khoảng nửa giờ sau là anh đã vào thị xã.

        Nhờ ngủ được một giấc đầy, lại mới thay quần áo sạch, nên Hiệp mạnh dạn chạy thẳng tới nhà vợ tương lai. Vừa đậu xe ngay cổng, Hiệp đã thấy một người đàn bà lớn tuổi từ trong bước ra, trên tay bà ta ôm khư khư cái khung ảnh mới. Khi bà ta đi ngang rất gần với mình, Hiệp chợt nhìn vào tấm ảnh lộng trong khung, và thảng thốt kêu lên:

        - Kìa, sao lại như vậy?

        Khuôn mặt người trong ảnh đập vào mắt Hiệp, anh tưởng chừng như mình đang mơ ngủ, phải nhướng đến lần thứ hai anh mới lại kêu lên lần nữa:

        - Mỹ Dung!

        Nghe anh gọi, người phụ nữ kia khựng lại và hỏi:

        - Cậu gọi ai?

        - Mỹ Dung! Phải đây là.. là My Dung?

        Thật bất ngờ, bà ta đáp ngay:

        - Đúng. Nó là Mỹ Dung, con gái tôi!

        Bước ngay xuống xe và không cần giữ ý. Hiệp chụp ngay cái khung ảnh, hỏi lại người phụ nữ:

        - Cô gái trong ảnh này đúng là Mỹ Dung, nhà ở đường ra Hòn Chông?

        Kinh ngạc trước thái độ của Hiệp, bà ta nhíu mày hỏi:

        - Cậu biết con gái tôi?

        Vừa khi ấy, có tiếng oang oang từ trong nhà:

        - Hiệp về tới phải không con? Ra đón anh Hiệp, Nguyệt ơi!

        Họ ùa ra, khiến cho câu chuyện giữa Hiệp vừa người đàn bà kia phải gián đoạn. Bà ta vụt đi thật nhanh, phút chốc đã khuất ở góc đường.

        Thấy Hiệp nói chuyện với bà ta, ông Nhơn hỏi:

        - Con bị bà ý làm gì vậy?

        Hiệp hỏi luôn:

        - Bà ta là ai vậy và cái khung hình trên tay bà ấy?

        Ông Nhơn tặc lưỡi:

        - Oan gia đấy mà! Chị ta gây rối, khùng điên. Bữa nay biết con sẽ về nên ba không đuổi chị ta đi, chớ gặp bữa khác thì...

        Minh Nguyệt kịp bước ra, đã vội lên tiếng:

        - Anh để ý làm gì chuyện tầm phào đó. Ối, xứ này họ thấy nhà em giàu nên hễ có bất cứ chuyện nhỏ chuyện to gì họ cũng kéo tới. Bà này có đứa con bị xe nhà mình gây tai nạn, nên mới...

        Cô ta nói tới đó thì cũng ngừng ngang, Ông Nhơn phá tan không khí mà ông cảm thấy khó chịu đó:

        - Thôi, vào nhà đi con. Để xe đo chút nữa tụi tài xế đem rửa.

        Minh Nguyệt tự nhiên như Tây, cặp tay Hiệp đi sóng đôi với cha mình vừa hỏi huyên thuyên:

        - Bộ đi vào nửa đêm sao giờ này đã về tới đây rồi?

        Biết không thể bịa chuyện hoàn toàn được, nên Hiệp tìm cách nói khéo:

        - Anh về quá trễ, lại quên đường vào nhà, nên phải ghé hotel ở tạm.

        Minh Nguyệt ré lên:

        - Sao một mình mà dám ngủ ở khách sạn! Hay là đã ngủ với...

        Ông Nhơn phải nói đở cho con rể tương lai:

        - Nó làm vậy là đúng đó. Bộ con nghĩ ai ngủ khách sạn cũng đều ngủ với ai đó hay sao!

        Nguyệt nhéo chồng tương lai một cái đau điếng:

        - Được cha vợ bênh, sướng há!

        Hiệp bước theo họ mà đầu óc cứ nghĩ về chuyện bức ảnh lúc nãy. Khi đã vào nhà rồi, nhân lúc Minh Nguyệt ra nhà sau pha trà. Hiệp mới hỏi ông bố vợ:

        - Hồi nãy ba nói người đàn bà ôm khuôn hình đó tới đây phá, mà phá cái gì vậy?

        Hơi ngạc nhiên về sự quan tâm của con rể, nhưng ông Nhơn văn đáp:

        - Số là anh của con Nguyệt, thằng RôBe lỡ vụng trộm với một cô gì mà ba không chấp nhận, ba ngăn không cho chúng nó lấy nhau. Không ngờ một bữa kia nghe tin con nhỏ nhảy sông tự tử! Chuyện này làm sao ba ngăn được, và ba cũng đâu co xúi giục hay nhúng tay vào cái chết của con nhỏ đâu. Vậy mà năm nào cũng vậy, hễ tới ngày giỗ con nhỏ đó thì mụ ta lại cầm tấm hình tới đây làm trận làm thượng. Mà thằng RôBe thì đã đi lấy vợ từ lâu rồi, ở xa lắc xa lơ.

        - Nhưng... có phải nhà cô ấy ở trên đường vào Hòn Chông không?

        Ông Nhơn ngạc nhiên:

        - Sao con biết?

        - Nhưng con nói là có phải cô ấy ở đường đi Hòn Chông không? Mà nhà cô ấy có mấy chị em? Còn có ai cỡ tuổi nàng không?

        Trước một loạt câu hỏi như tra vấn của Hiệp, ông Nhơn phải hỏi lại:

        - Con sao vậy, Hiệp. Chuyện của họ thì mắc mớ gì đến con?

        Hiệp chợt giật mình, anh ấp úng:

        - Dạ con... con...

        Minh Nguyệt đem trà lên, chỉ nghe loáng thoáng nên hỏi lại:

        - Chuyện gì vậy?

        Ông Nhơn hình như cũng không muốn con gái mình bàn sâu thêm câu chuyện giữa ông và Hiệp đang bàn, nên vội nói:

        - Ba hỏi nó chuyện chuẩn bị lễ cưới mà.

        Minh Nguyệt sà xuống bên cạnh Hiệp, chẩu môi ra nũng nịu:

        - Em muốn phải có hai phù dâu, hai phù rể hà! Anh kiếm đâu đủ hai người đi. Còn em kiếm phù dâu.

        Để cho qua chuyện, Hiệp gật đại:

        - Thì có gì khó đâu. Anh sẽ lo.

        Suốt trong bữa cơm trưa hôm ấy, hầu như Hiệp chỉ ậm ừ cho qua, ai nói gì anh cũng gật. Đến nỗi Minh Nguyệt phải cảnh cáo:

        - Anh tơ tưởng đến ai mà đầu óc như kẻ mộng du vậy? Coi chừng em đó nghen!

        Hiệp lại phải xuống nước:

        - Anh muốn cảm mà. Có lẽ tại toi qua không quen chỗ lạ nên mất ngủ.

        Ăn cơm xong, thay vì phải ở lại chơi một ngày nữa như đã hứa, nhưng Hiệp viện lẽ:

        - Sáng sớm mai con phải nộp và báo cáo với cơ quan biện lý về một vụ án lớn, nên tối nay con phải về để nghiên cứu tài Iiệu. Con xin phép ba con về.

        Anh quay sang trấn an Nguyệt:

        - Đầu tuần này, tức ba bữa nữa anh sẽ trở lên và chở em đi may áo cưới.

        Nguyệt cười híp mắt:

        - Em sẽ ra ngoài Rạch Giá bắt anh chở đi Sài Gòn mua đồ, chớ không thèm sắm đồ ở Rạch Giá đâu!

        - Cũng được. Vậy anh về nhé!

        Đưa Hiệp ra tận xe, cô nàng dặn đi dặn lại:

        - Đi mà ghé chỗ này chỗ nọ sẽ hiết tay tôi! Tôi có mật thám đó nghe!

        Hiệp một phần đã quen đường, phần nữa là do quá nôn nóng, nên chỉ vài chục phút sau đã nuốt gọn quãng đường mấy chục cây số. Lần này vào ban ngày sáng rõ, anh quan sát kỹ lại chỗ cái quán bên đường. Đúng là không hề có. Chỉ

        có một mái lá tạm bợ của một người ngồi vá vỏ xe. Khi Hiệp hỏi về cái quán thì người đàn ông trung niên tỏ ra ngạc nhiên:

        - Ở đây Iàm gì có quán xá nào.

        Hiệp biết chắc là không có, bởi vài cây số quanh đó là đồng không mông quạnh, không làm sao có một cái quán mà đã biến mất chỉ trong một đêm. Anh tần ngần một lúc rồi quyết định chạy thẳng vào chỗ ngôi nhà nàng Mỹ Dung. Sự hồi hộp âu lo của Hiệp đã có ngay kết quả sau đó. Chẳng hề có ngôi nào với giàn hoa giấy trước cổng như anh từng thấy!

        Hỏi một vài người qua đường thì có ngườt biết, người không. Ngời biết thì nói:

        - Nguyên cả đoạn đường này trước kia chỉ có duy nhất ngôi nhà của một người làm nghề đi biển. Nhưng vào mùa bão lớn ông ta đi mãi không về, ở nhà vợ con chờ đợi mỏi mòn, rồi lần lượt bỏ đi tìm phương sinh sống.

        Một người con lớn thì đi làm xa lâu ngày cũng không người nào trở lại. Riêng bà mẹ và cô con gái thì đi ở đợ cho một nhà giàu trên thị trấn Hà Tiên, nhưng sau nghc nói có chuyện gì đó mà họ trở về không đủ hai người.

        Nói tới đây, ngưới ấy chỉ khẽ lắc đấu rồi đạp xe tới. Hiệp cố chạy thco năn nỉ lắm thì ông ta mới chỉ tay vào trong cánh đồng và nói:

        - Tôi chỉ biết có vậy. Còn muốn hiểu thêm thì cậu nên đi vào chỗ cánh đồng kia, nó có một nghĩa trang...

        Ông ta nhất quyết không nói gì thêm, đạp xe đạp thật nhanh rồi chỉ thoắt cái đã không còn thấy đâu.

        Hiệp lưỡng lự, bởi chỗ anh đang đậu xe muốn đi vào cánh đồng kia thì chỉ có cách duy nhất: xắn quần lội bộ qua một đoạn ruộng đồng mà anh biết chắc là sình lầy nhiều hơn là đất liền.

        Nhưng cuối cùng Hiệp cũng phải đi. Quả đúng như anh tiên liệu, phải hơn nửa tiếng đồng hồ sau anh mới tới được khu nghĩa địa chỉ có hơn chục nấm mồ, mà người muốn đem xác đi chôn chắc chắn là phải di chuyển bằng ghe xuồng, chớ không thể đi bộ được.

        Và Hiệp đã tìm ra điều không mong tìm, đó là một ngôi mộ mà trên mộ bia có lồng bức ảnh chân dung một người con gái đẹp:

        - Mỹ Dung.

        Bức chân dung ấy giống hệt như khung hình mà người đàn bà kia ôm trong lòng ngày hôm qua!

        - Trời đất ơi, Mỹ Dung sao?

        Hiệp lặng người đi rất lâu. Nhớ lại khỏang khắc ngồi chung xe với cô nàng, rồi một đêm ngủ lại nhà cô nữa. Hiệp bắt rùng mình. Anh đứng giữa khu nghĩa địa hoang vắng đó rất lâu với bao thắc mắc hoang mang ngổn ngang trong lòng.

        Trở ra xe, thay vì chạy đi ngay, Hiệp quyết định đậu lại đó chờ. Nếu hỏi anh chờ gì thì tức thời Hiệp sẽ chẳng trả lời cụ thể được, bởi có thể anh chờ xem may ra có thể gặp Mỹ Dung. Mà cũng có thể anh hy vọng sẽ chạm mặt lần nữa với người đàn bà ôm bức ảnh.

        Cuối cùng, Hiệp đành thất vọng. Bởi gần một buổi chiều chờ đợi như vậy, anh chỉ thêm bối rối và đành phải lủi thủi ra đi.

        Lúc Hiệp chạy xa rồi thì ở quãng đường anh vừa đậu xe có một cô gái đầu đội nón lá che khuất cả mặt xuất hiện, đứng nép vào một thân cây và gục xuống, đôi vai run run. Hình như cô ta khóc!

        Vừa ở tòa án bước ra, Hiệp đã thoáng thấy một người đàn bà hai tay ôm trước bụng vật gì đó, bước đi rất nhanh như đang chạy trốn. Anh thảng thốt gọi ngay:

        - Bà ơi!

        Hiệp chạy bộ qua đường rất nhanh, nhưng cũng không làm sao bắt kịp người kia, bà ta đi nhanh đến nỗi Hiệp cũng phải ngạc nhiên. Anh chỉ có nước gọi to hơn:

        - Bà ơi!

        Lần này Hiệp mừng rỡ bởi ngườt đàn bà đã quay lại nhìn. Hiệp reo lên khẽ:

        - Chính là bà ấy!

        Bà ấy mà Hiệp nói ở dây chính là người ôm khung hình hôm trước, tức là bà mẹ của Mỹ Dung!

        - Bác, chờ con với!

        Hiệp không ngại có nhiều người đang nhìn mình, anh chạy nhanh thêm và cuối cùng bắt kịp người nọ. Anh thấy trên tay bà ta vẫn khư khư giữ bức ảnh như bữa trước:

        - Bác đi đâu ra tận đây? Cháu mời bác vào quán nước kia, cháu cần hỏi điều này một chút.

        Ngần ngừ chớ không từ chối, cuối cùng bà ta theo chân Hiệp bước vào một quán vầng gần đó. Vừa ngồi xuống, bỗng người phụ nữ lên tiếng:

        - Tôi đi tìm cậu đây!

        Hiệp ngạc nhiên:

        - Sao bác biết cháu ở ngoài này mà đi tìm? Mà tại sao...

        Bà ta đặt bức ảnh xuống bàn, hỏi đột ngột:

        - Cậu còn nhớ nó không?

        Hiệp không giấu nổi xúc động, đáp ngay:

        - Cô Mỹ Dung đây mà, sao cháu lại không nhớ!

        Bà ta nhẹ gật đầu:

        - Nó đó. Vậy cậu có sẵn lòng giúp ón không?

        Hiệp hơi bất ngờ, nhưng cũng kịp đáp:

        - Dạ, sao lại không! Nhưng cháu phải làm gì?

        - Báo thù!

        - Báo thù cho ai? - Hiệp trợn tròn đôi mắt, hỏi lại.

        - Cho Mỹ Dung mà cậu quen. - Giọng bà ta đanh lại.

        Không thể nào ngờ được, Hiệp lúng túng thấy rõ:

        - Cháu, cháu làm sao có thể... ý cháu muốn nói, cháu chỉ...

        Không để ý tới thái độ của Hiệp, bà vẫn tiếp tục nói:

        - Người ta đã vùi dập một đời con gái của nó, rồi khi nó có thai, họ lại nhẫn tâm bảo nó phá thai. Nó không chịu phá thì họ bắt ép, cho nó uống thuốc trục thai ra và nó đã chết do hành động đó của họ! Con tôt chết oan ức, tức tưởi như vậy mà họ nào có đoái hoài thương tiếc gì, còn phũ phàng đuổi mẹ nó ra khỏi nhà, nơi hai mẹ con tôi ở đợ kiếm miếng cơm từ lâu...

        Bà nói đến đó rồi quá xúc động, nghẹn lời không còn nói tiếp được nữa. Hiệp hiểu tất cả, anh lặng người đi một lúc rồi hỏi:

        - Có phải tác giả vụ này là tên RôBe không?

        Bà mẹ Mỹ Dung lắc đầu:

        - Không phải. Mà chính là... lão Nhơn.

        Câu tiết lộ khiến cho Hiệp như bị sét đánh ngang tai, anh run giọng hỏi:

        - Có đúng vậy không?

        Bà không đáp, vụt đứng dậy và nói gọn một câu:

        - Mỹ Dung nó kỳ vọng ở cậu nhiều Iắm. Nó bảo, chính nó mới có duyên nợ vớt cậu, vậy cậu làm sao đó thì làm.

        Bà bước đi nhanh, để lại đó khung ảnh. Hiệp định chạy theo thì bà ấy đã nói với lại:

        - Cậu hãy mang khuôn ảnh đó tới giao cho cô vợ chưa cưới của cậu, ắt mọt việc sẽ như ý!

        Bà ta đi khuất bóng rồi mà Hiệp vẫn chưa biết phải làm sao. Cuối cùng phải đành cầm bức ảnh đứng dậy vừa đi vừa tránh để mọi người nhìn...

        Cái khó nhất của Hiệp là làm sao dám đưa ảnh này cho Minh Nguyệt xem, như lời người đàn bà dặn? Mà không làm thì anh lại ngại vô cùng, nhất là sau khi nghe cả ông Nhơn nói về bà già này, như có điều gì đó khúc mắc, đáng thương cho cô gái tên Mỹ Dung...

        Đang đi băng qua đường, chợt có tiếng gọi to:

        - Anh Hiệp!

        Nhìn lại thấy Minh Nguyệt đứng đó, đang vẫy tay gọi. Hiệp điếng hồn. Anh còn lạ gì tính ghen khủng khiếp của cô vợ chưa cưới này!

        - Qua đây. Em đợi nãy giờ. Anh đi đâu vậy, em vào tòa án kiếm, người ta nói anh đi về sớm, hẹn với cô nào phải không?

        Bức ảnh trên tay Hiệp lúc này phải chi nó biến đi đâu được cho anh nhờ! Hiệp run thấy rõ, khiến cho Minh Nguyệt khi tiến lại gần đã vụt hỏi:

        - Anh bị bệnh hay so vậy? Coi mặt màv anh tái xanh, còn tay chân sao run dữ vậy?

        Cô nhìn xuống tay Hiệp, thấy anh cứ ôm khư khư khuôn ảnh, liền định giằng lấy và hỏi:

        - Cái gì vậy?

        Hiệp như kẻ phạm tội bị bắt quả tang, luống cuống suýt làm rơi khuôn hình xuống đất!

        - À ảnh... ảnh của.. của người bà con.

        Minh Nguyệt giằng mạnh và cầm được khuôn ảnh trong tay. Cô vừa trông thấy người trong ảnh thìhá hốc mồm, rồi tay chân như rụng rời, để rơi khung ảnh xuống đường, vỡ toang!

        - Nguyệt! Em sao vậy?

        Minh Nguyệt ngất xỉu ngay sau đó khiến cả Hiệp và nhiều người đi đường hoảng hốt đở cô dậy. Hiệp khó khăn lắm mới vừa cứu người yêu vừa nhặt khung ảnh bể lên. Anh tự trách:

        - Phải chi mình giấu kịp.

        Vừa khi ấy Minh Nguyệt tỉnh lại. Hiệp chờ đợi một cơn bão táp ập tới, nhưng hơi lạ, cô nàng đưa mắt nhìn Hiệp rồi nhẹ mỉm cười:

        - Cám ơn anh đã giúp cho em.

        Trong đời Hiệp có lẽ đây là điều bất ngờ nhất. Vợ sắp cưới của anh mà hiền dịu như vậy chắc mặt trời sắp mọc hướng tây đây!

        - Em...

        Không đợi Hiệp nói hết. Minh Nguyệt đã chủ động ngồi dậy, rồi thật bất ngớ, tự tay cô gom hết các mảnh vở của khuôn ảnh và nhẹ nhàng nói với Hiệp:

        - Mình về nhà anh, em đi đường hơi mệt, trưa nay anh có dẫn em đi ăn tiệm được không?

        Lại chuyện lạ đây! Thay vì xưa nay toàn là những lời ra lệnh và những câu nói bướng bỉnh, sao bây giờ Minh Nguyệt của mình lại thay đổi như vậy? Hiệp không tin vào mắt và tai mình, nên hỏi lại:

        - Em thật sự không sao chớ?

        Nàng lại cười và đáp nhẹ nhàng:

        - Dạ, em không sao.

        Rồi nàng kéo tay Htệp đi, âu yếm như nhiều cặp tình nhân khác mà lâu nay Hiệp thèm muốn.

        - Em...

        Nàng giục anh:

        - Về nhà đi, em nói chuyện này cho nghe!

        Hiệp bước đi mà cảm giác như mình đang nằm mơ. Anh bước vào nhà trọ mà quên cả đáp lại lời chào củ bà chủ nhà. Bà phải lên tiếng lần nữa:

        - Cậu Hiệp bữa nay có vợ sắp cưới đi bên cạnh rồi quên hết mọi người há!

        Lúc ấy, chính Minh Nguyệt phải nói đở cho anh:

        - Xin lỗi dì Hai, tại ảnh đang bị bệnh. Con đưa ảnh về cạo gió.

        Nàng nói xong kéo nhanh Hiệp vào nhà và đóng cửa phòng lại. Bấy giờ Hiệp mới hoàn hồn, anh ngẩn ngơ hỏi:

        - Em... thay đổi tính, tuyệt vời vậy.

        Lần đầu tiên là ngày được ông Nhơn hứa gã tới nay, Hiệp mới bế cô nàng lên quay một vòng, vừa reo lên sung sướng:

        - Tính em như vậy anh khoái quá!

        Minh Nguyệr ghé sát vào tai Hiệp, nói rất khẽ nhưng đủ nghe:

        - Em là Mỹ Dung đây!

        Hiệp buông nàng ta xuống, suýt làm nàng ngã nhào, Minh Nguyệt kêu lên:

        - Anh làm sao vậy?

        Hiệp lắp bắp:

        - Em... em vừa nói... nói...

        - Em là Mỹ Dung đây!

        Xưa nay Minh Nguyệt ít khi đùa nên Hiệp còn chưa tin. Cho đến khi cô nàng lại sà vào lòng Hiệp lần nữa và nói thật rành rọt:

        - Cám ơn anh vừa rồi đã giúp má em mang khuôn hình đưa cho... Minh Nguyệt, và nhờ vậy mà hồn em đã nhập được vào cô ấy. Để từ nay trong xác Minh Nguyệt là hồn của em. Anh có thương em không?

        Hiệp thừ người ra, chưa biết nói thế nào cho phải. Nói không thì anh không nói được, mà nói có ngay tức khắc làm sao anh có thể...

        - Thôi, gần em đi, rồi anh sẽ hiểu.

        Đám cưới giữa Hiệp và Minh Nguyệt vẫn tiến hành y như dự tính. Trước ngày cưới mt hôm, bỗng Minh Nguyệt nói nghiêm túc với cha:

        - Con muốn ba dựng lại ngôi nhà cho bà Hai Lễ ngoài Hồn Chông.

        Ông Nhơn trố mắt nhìn con và hỏi trong sự kinh ngạc:

        - Xây nhà cho má con Mỹ Dung? Bộ con không nhớ chuyện bà ấy luôn phá rối nhà mình. Đã tố giác ba ra quan trên, nếu không nhờ nhà mình có thế lực, chi nhiều tiền nên mới yên ổn tới ngày nay sao?

        - Nhưng con muốn trước khi lấy chồng. Ba không chiều con được sao? - Minh Nguyệt vẫn dịu gịong.

        - Ừ, thì được rồi...

        Đám cưới con gái rượu của nghiệp chủ Nhơn làm rầm rộ chưa từng thấy. Hầu như cả Hà Tiên thời đó chưa có đám gả con nào lại rình rang đến như thế. Do bắt rể, nên nhà trai từ Rạch Giá đưa chú rể lên Hà Tiên rồi khi về thì về mà không có Hiệp cùng đi theo. Ngay đêm cưới, Hiệp đã khiến mọi người ngạc nhiên khi cùng với Minh Nguyệt xuất hiện giữa mọi người và tuyên bố:

        - Sau khi chúng tôi cưới nhau thì sẽ hiến hết tài sản này cho công việc bác ái, từ thiện, cúng chùa. Chúng tôi giử lại một số vốn nhỏ để làm ăn. Và cũng xin cáo biệt mọi người thân quen ở thị xã này, vợ chồng chúng tôi sẽ chuyển về Hòn Chông để ở.

        Ai nấy ngạc nhiên chưa hiết thực hư ra sao thì lúc đó ông Nhơn sắc diện tiều tụy, bước ra nói:

        - Tôi đồng ý cho con và rể làm chuyện đó, từ nay cái tên Đạt Nhơn chỉ xin mọi người đừng nhắc tới nữa.

        Ông nói xong thì biến mất vào nhà trong. Suốt buổi tiệc không ai nhìn thấy ông ở đâu nữa. Sáng hôm sau, mọi người bàng hoàng khi nghe tin ông Nhơn tự lái xe lao xuống biển ở gần ngã ba sông Dương Thành. Những biến cố đến dập đó khiến mọi người sửng sốt, không hiểu tại sao lại co những chuyện lạ lùng ấy xảy ra. Chỉ có Hiệp và Minh Nguyệt là bình tĩnh. Họ tuy đứng ra lo toan mọi việc hậu sự cho ông Nhơn chu đáo, nhưng không hề thấy họ đau buồn thái quá... Mà cũng đúng thôi. Người mang xác thân là Minh Nguyệt kia lại là người bị con ngưới vừa nằm xuống hại tan nát cuộc đời. Làm sao cô nàng có thể nhỏ lệ khóc thương được.

        Ngay khi chôn cất xong cho ông Nhơn, đôi vợ chồng trẻ rời bỏ ngay ngôi nhà và ra đi, chẳng biết là đi đâu. Bởi ngôi nhà mà họ có ý xây lại ở đường đi ra Hòn Chông cũng chỉ là dự tính mà thôi.

        Chẳng còn ai nhìn thấy họ xuất hiện nữa...



        Comment


        • #5
          MA CHUNG TÌNH


          Họ gồm sáu người tong nhà. Tất cả đều có mặt để tiếp khách. Tâm hơi hồi hợp trước sự đông đủ ấy, anh cười gượng với ông già Sáu, người đánh xe đưa anh từ chợ về đây. Cũng may ông đã lên tiếng phá tan bầu không khí còn chưa tự nhiên:

          - Cậu Tâm đây là người quen thân với bác Tám Dự, bác ấy gửi cậu tới nhà mình để giúp theo dõi việc xây dựng khu nhà nghỉ mà mình dự kiến xây. Cậu ấy là kiến trúc sư. Vậy trong thời gian cậu lưu lại đây, mong là mọi người giúp đỡ cậu ấy.

          Trong số sáu người đang có mặt, có hai cô gái. Vừa nghe ông Sáu nói, một cô đã nhanh nhẩu:

          - Tưởng chú Sáu bắt phải làm gì, chứ còn tiếp khách, hướng dẫn khách, đó là nghề của chị em con mà, cần gì căn dặn! Chỉ sợ ông kiến trúc sư không ưa hai con nhỏ lanh chanh này thôi!

          Tâm vui lây với tính cách của họ, đã làm quen ngay:

          - Chưa xưng danh tính mà đã nhận là người hướng dẫn sao?

          Cô vừa rồi lại nhanh nhẩu:

          - Em là Thu Dung, còn đây là đàn chị Thu Hương. Vừa có nhan sắc vừa thơm tho nữa, chắc là không tệ!

          Không ngờ cô nàng bạo dạng đến thế, nên Tâm cũng bạo miệng:

          - Có hướng dẫn viên như cở này chắc là có nhắm mắt đi lại ở vùng này cũng không sợ lạc đường! Nào, bây giờ hướng dẫn viên nào có thể cho kẻ này tham quan sơ qua hiện ttường, được chứ?

          Cô gái tên Thu Hương im lặng nãy giờ, chợt lên tiếng:

          - Với điều kiện là khách phải cởi bỏ đôi giày tây đi, mang dép cao su thì mới được hướng dẫn!

          Hai vợ chồng chủ nhà từ đầu chỉ ngồi yên, giờ ông chủ mới lên tiếng:

          - Các con không được đùa giỡn quá mức, e làm phiền lòng cậu Tâm đây.

          Rồi ông quay sang Tâm, nói:

          - Cậu đừng chấp tụi nó. Còn trẻ, lại sống bó rọ ở xứ này lâu, nên gặp khách tới là huyên thuyên như thế.

          Bà chủ cũng lên tiếng:

          - Cậu mà giỡn mặt với tụi nó thì e sẽ bị chúng nó bắt phải chạy đua lên đồi, cậu chịu không nổi với chúng đâu!

          Hai cô gái không đợi lâu, đã thật tự nhiên, nắm tay Tâm kéo đi:

          - Mình ra ngoài một vòng đi, ở đây nghe các khứa lão nói e rằng chết mất!

          Trước mặt hai người lớn Tâm cảm thấy ngượng về sự lôi kéo đó, nhưng không thể cưỡng lại được, bởi cả hai cô cùng kéo. Ra tới ngoài rồi Thu Hương mới giải thích:

          - Ông bà tụi em còn nói nhiều hơn tụi em nữa anh mà ở lại đó một chút là... buồn ngủ chết thôi! Họ không rầy la về chuyện tụi em như thế này đâu...

          Tâm nghĩ đây cũng là dịp tốt để quan sát địa hình khu đất, bởi ngày hôm nay anh phải bắt tay và vẽ bản phác thảo rồi. Anh nhắc hai cô gái:

          - Hai cô phải chỉ cho tôi xem chính xác nơi sẽ xây khu nhà nghỉ, để tôi còn biết mà phác thảo cho hoàn chỉnh.

          Cô nàng Thu Dung liếng thoắng hơn, nheo mắt:

          - Biết rồi, thưa ngài kiến trúc sư! Vậy đất dưới chân ngài đây có đạt yêu cầu chưa?

          Tâm đã xem qua phần đất này khi mới tới, anh chỉ tay về phía trái, nơi có mấy ngôi mộ và hỏi:

          - Phía này thì hướng Đông Nam, hướng đẹp, đúng phong thủy, nhưng ngặt ở chỗ... vướng mồ mả, làm sao xây nhà?

          Kéo tay Tâm tới bên hai ngôi mộ nằm riêng lẻ, cách bốn ngôi mộ kia vài mét, Thu Hương lên tiếng:

          - Tụi em muốn khi khu nhà hoàn thành, phòng tụi em phải ở ngay chỗ này cơ!

          Tâm tròn mắt nhìn cô nàng:

          - Cô không thấy đây là mồ mả sao?

          Thu Hương gật đầu:

          - Biết, Nhưng năm rồi em xem bói, xem phong thủy đều nói tụi em hạp với nơi đây nhất. Có phải nơi đây là địa hình đắc địa nhất không?

          Tâm phải công nhận:

          - Nhìn toàn bộ khu dất thì đúng nơi đây là tốt nhất. Nhà xây nơi này, hướng cửa về phía mặr trời mọc thì là số một. Nhưng...

          Thu Dung nói trước cả ý nghĩ của Tâm:

          - Cần thì xây nhà chồng lên mấy ngôi mộ này, có sao đâu.

          Tâm trợn mắt nhìn họ:

          - Hai cô nói có biết phong thủy mà lập luận như vậy được sao? Ai lại xây nhà trên mộ, ngoại trừ không nhìn thấy mộ.

          Thu Hương thản nhiên:

          - Mồ mả cũng là nhà, nhà của người chết. Việc mình xây một ngôi nhà khác cho người sống chồng lên ngôi nhà cũ của người chết đâu có gì là không được. Miễn người trong mộ bằng lòng là được thôi!

          - Kìa cô.

          Nhìn thấy gương mặt thảng thốt của Tâm, hai cô gái phá lên cười:

          - Chưa chi mà ông kiến trúc sư nhà mình đã thất thần rồi. Bọn này nói đùa thôi, chứ nào đã làm gì đâu mà anh sợ dữ vậy.

          Tâm lắc đầu:

          - Chưa thấy ai dám đùa giỡn cả với mồ mả của người chết như hai cô! Mà nè, mả này có phải là thân nhân của hai cô không?

          Thu Dung lại kéo Tâm chạy đi, vừa nói:

          - Lát nữa anh nhìn mộ bia sẽ hiết tụi này có quan hệ gì với những người dưới mộ kia ngay! Bây giờ mình lên ngọn đồi kia chơi một lúc!

          Tâm vốn không quen chạy nhảy, nhất là vùng đất cao như thế này, nên chỉ chạy được vài chục mét là anh thở hồng hộc. Thu Dung phá lên cười:

          - Không khéo vài bữa nữa là mình phải khiêng anh chàng này quá chị Thu Hương ơi.

          Quả đúng như lời, chỉ hơn mươi bước chạy nữa thôi, bỗng dưng Tâm hoa mắt, lảo đảo, rồi quỵ xuống. Do đang nắm chặt tay cô gái, nên khi quỵ xuống, Tâm đã kéo theo cô nàng. Thay vì buông tay Tâm ra thì sẽ không bị ngã theo, đằng này Thu Dung như cố ý không rời chàng, nên khi Tâm ngã xuống, anh chàng đè hẳn lên người cô nàng bé bỏng! Chẳng có một phản ứng gì, mặc dù thế đè của Tâm khiến mặt anh sát vào má nàng. Một cái kéo ghì xuống bất ngờ rồi chẳng còn cách nào khác, môi Tâm chạm sát vào môi cô nàng. Rồi hai đôi môi như nam châm gặp kim loại, chúng gắn chặt vào nhau lúc nào không hay.

          - Kìa, những kẻ xấu xa, làm chuyện ấy trước mặt người ta, lại làm... chỉ riêng mình thôi!

          Thu Hương là người phát ra câu nói đó, và thật nhanh, cô nàng nhào xuống đè lên cả hai, rồi cũng bất thần, cô ta đặt môi mình lên môi của chàng trai vừa giằng ra được khỏi cô em gái!

          Tâm như bị đờ người ra, khi nụ hôn thứ hai vừa xong thì cũng là lúc anh như mất hết cảm giác đề kháng. Anh cố vùng thoát ra, nhưng hòan toàn không thể...

          - Sợ là tụi em chứ anh có gì đâu mà ngại. Tụi này thiếu tình cảm, thiếu được yêu thương, nên xin được thông cảm. Tụi em...

          Tâm ngộp trong hơi thở của cả hai cô gái và đến một lúc anh chẳng còn biết gì nữa..

          - Kìa, cậu đã tỉnh rồi!

          Tâm mở mắt ra được, nhưng thân thể vẫn còn bất động. Anh nhận ra người đang trước mặt mình, gọi khẽ:

          - Chú Sáu!

          - Ông già Sáu gật đầu:

          - Tôi đây. Cậu tỉnh lại là tôi nhẹ cả người!

          Ông ra dấu cho Tâm đừng cử động, rồi ông múc một muỗng nước từ chiếc cốc, vừa bảo:

          - Cậu há miệng ra uống thứ nước này, lát sau là tỉnh.

          Tâm cố gắng lắm mới làm tneo lời được, nước mà anh uống là một loại thuốc khá đắng, nhưng uống xong thì Tâm có cảm giác dễ chịu ngay. Anh muốn lên tiếng hỏi thì ông già Sáu đã nói trước:

          - Cậu bị ngất đi ở ngoàii mấy ngôi mộ, khi tôi phát hiện ra thì qua buổi cơm trưa rồi. Đem cậu vào nhà thì cậu mê man luôn tới bây giờ!

          - Bao lâu rồi chú?

          - Đã một ngày, một đêm rồi. Bây giờ là ngày hôm sau.

          Tâm nằm thêm một lúc nữa thì cảm giác chân tay nhẹ đi, bắt đầu cử động được. Anh vịn vào mép giường ngồi dậy. Nhìn quanh anh nhận ra mình vẫn con trong ngôi nhà hôm truớc. Nhớ lại mọi chuyện. Tâm hốt hoảng hỏi:

          - Các cô ấy đâu?

          Ông già Sáu nhìn ra ngoài, có vẻ ngập ngừng. Lát sau ông mới nhẹ giọng bảo:

          - Cậu còn may lắm, chứ nếu không...

          Tâm trố mắt nhìn ông:

          - Cháu bị sao ngày hôm qua vậy chú? Tại sao các cô ấy...

          Ông già Sáu đứng lên, đưa tay dìu Tâm:

          - Cậu cố đi ra đây với tôi.

          Ông dẫn Tâm trở ra chỗ mấy ngôi mộ bữa trước, ông chỉ tay vào hai ngôi mộ nằm riêng lẻ:

          - Cậu nhìn xem, trên mộ bia...

          Tâm đưa mắt nhìn và hốt hoảng:

          - Sao... sao lại như thế này?

          Trên ngôi mộ bia ghi danh tính ngườl chết: Bùi thị Thu Hương và Bùi Thị Thu Dung.

          Tâm quay sang định hỏi, thì chẳng con thấy ông già Sáu đâu...

          - Kìa, chú Sáu.

          Anh nhìn khắp chung quanh vẫn chẳng thấy ai. Vừa khi ấy anh thấy dưới chân mình có những dòng chữ viết nguệch ngoạt trên nền đất: Bốn ngôi mộ chung quanh trong đó có mộ của tôi. Bùi Văn Sáu. Tôi là chú ruột của tụi nó...

          Tâm thẩn thờ hồi lâu, rồi như người mất hồn, anh rời ngôi nhà đi xuống chân đồi...

          Vừa xuống tới hết con đường nhiều bậc thang thì Tâm nghe có người gọi vừa đủ nghe.

          - Cậu gì ới!

          Tâm quay lại thì thấy một cụ già mặc nguyên bộ đồ màu nâu, đầu tóc bạc phơ, bới một củ tỏi sau gáy. Ông cụ đưa tay vẫy anh lại:

          - Cậu tới đây! Tôi đợi cậu từ sáng đến giờ.

          Tâm hơi ngỡ ngàng nhưng vẫn bước tới. Ông cụ giọng thân mật:

          - Cậu chưa biết tôi, nhưng tôi thì biết cậu. Có phải cậu vừa ở ngôi nhà trên đồi xuống đây. Cậu là kiến trúc sư?

          - Dạ.

          - Mấy hôm trước thấy cậu đi lên, tôi tính chặn cậu lại mà không kịp, bởi ông già Sáu đó chạy xe nhanh quá, mà hình như ông ấy cố tình vượt qua khỏi tôi, vì ông ta biết thế nào tôi cũng ngăn cậu lại.

          Rồi ông chỉ thẳng vào mặt Tâm, nói:

          - Cậu vừa thoát. Người cứu cậu cũng chính là người đưa cậu về đây!

          - Ông già Sáu?

          - Phải. Ông ấy cũng là một người chết, một hồn ma. Nhưng ông là người duy nhất trong sáu người trên nhà đó gần như không muốn hại ai. Ông ấy cứu cậu là bởi thế...

          Ngừng lại một lúc, ông cụ tiếp:

          - Trong ngôi nhà đó có sáu người. Chủ nhân là một quan lại về hưu. Ông đưa vợ con, một ông bố và một người con trai về đây lập trang trại. Ngôi nhà vừa xây xng thì xảy ra thảm kịch! Chính anh chàng kiến trúc sư có ý định làm rể trong nhà, người được giao trách nhiệm xây cơ ngơi, đã sinh tâm phản trắc vì thấy nhà có khá nhiều của cải, đã ra tay thảm sát cả nhà chỉ trơng một đêm. Anh ta gom hết tiền bạc và ra đi biền biệt từ ấy để lại ngôi nhà vô chủ, chỉ có những hồn ma cai quản. Từ đó anh ấy hận thù những người làm nghề kiến trúc, nên rắp

          tâm dẫn dụ những kiến trú sư về để giết hại. Cậu là nạn nhân thứ năm, nếu hôm qua thằng Sáu Tùng không kịp ra tay.

          - Sao ông Sáu lại cứu cháu? - Tâm thất thần.

          Ông cụ mỉm cười:

          - Cũng do tôi. Tôi cũng chính là một trong sáu người của dòng họ Bùi đó. Tôi là ông nội của hai đứa Thu Dung, Thu Hương. Tôi không đành lòng nhìn chúng nó cứ trả thù những người vô tội, cho nên tôi tự tách mình sống ở chân đồi này, để may ra cứu ai được thì cứu. Tôi thấy cậu nhân đức, hiền lành, lại chưa tới số chết, nên hôm qua mới gọi thằng Sáu Tùng và dặn nó cứu cậu. Nếu không có nó ra kịp thời thì hai đứa kia đã hút hết máu của cậu, cậu sẽ chết tại ngôi mộ của nó.

          Tâm rùng mình, choáng váng. Một hồi lâu mới định thần lại, khi ấy ông cụ đã biến mất. Anh thừ người ra một lúc, rồi Tâm bước đi mà không dám quay lại..

          Comment

          Working...
          X