Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

D u y ê n N ợ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • D u y ê n N ợ


    D u y ê n N ợ






    Bùi Giáng có hai câu thơ được nhiều người ưa thích:

    Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

    Hỏi vì sao thích hai câu thơ đó, mỗi người trả lời mỗi cách. Có kẻ thích người trước khi thích thơ. Thấy Bùi Giáng phóng túng hình hài, đem chính cuộc đời mình ra "chơi" một cách vô cùng thoải mái, nhờ đó đạt đến một thứ tự do tuyệt đối, nhiều người mơ ước như thế mà không dám "chơi" tới cùng, đâm phục nhà thơ chịu chơi. Trong trường hợp đó, chất quyến rũ của Bùi Giáng trước hết là sống, sau đó mới tới thơ. Ở Sài Gòn, gặp Bùi Giáng quá dễ. Muốn được thi sĩ tặng thơ cũng không khó. Nhưng muốn sống như Bùi Giáng không dễ chút nào. Thi sĩ xem chuyện làm thơ cũng là một trò chơi, người nào bóp trán tìm cho ra những ý tứ huyền nhiệm trong những dòng thơ nguệch ngoạc trên tờ giấy nhàu, thế nào cũng bị "tẩu hỏa nhập ma". Người ta không chịu thua, tìm đọc những bài thơ xưa của Bùi Giáng, lúc thơ ông còn gần gũi với những thói quen thẩm thức chung. Hai câu thơ trên vừa đúng với mong ước của nhiều người, hay nói như thói quen ưa dùng chữ của nhiều người Việt ngay nay, nó "đạt yêu cầu".

    Có người thích vì ý nghĩa tượng trưng sâu xa của thơ, và không ngạc nhiên chút nào, người ta giải thích hai câu thơ đó theo tinh thần Phật pháp. Thử tưởng tượng một con đường không hình dáng mà ai cũng ngầm hiểu đó là đường đời. Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc vẽ con đường đó rõ hơn Bùi Giáng

    Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
    Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu

    Nguyễn Du thì nói đến cuộc bể dâu, nhấn mạnh cái bập bềnh bất trắc của cuộc đời trăm năm. Bùi Giáng không dùng tĩnh tự định tính, chỉ nói trống giữa con đường.

    Có lẽ ông không chú ý tới những gót chân rỗ nứt vì gai góc đường đời hay những biến ảo khôn lường của sự thế như hai thi hào tiền bối. Điều quan trọng, theo Bùi Giáng, có lẽ không phải là hình thế con đường chúng ta đang đi, mà là cách chúng ta đi. Hãy xem cách đi của ông.

    Không, tôi nhầm, không phải cách đi của Bùi Giáng, mà hai cách đi đường theo lối nhìn của Bùi Giáng. Hai người bộ hành đang đi ngược chiều nhau, và Bùi Giáng chọn vị thế của một trong hai người đó, người đi theo hướng từ miên trường phía sau tiến về hướng mùa xuân phía trước. Người bộ hành thứ hai đi ngược lại, lìa bỏ mùa xuân đã có, đang có, để dấn mình vào cõi miên trường. Hai người gặp nhau ở đâu đó giữa con đường vô hình sắc. Họ làm gì nhau?

    Họ mang trên người hai ý thức hệ đối nghịch. Người nào cũng quả quyết họ đang đúng hướng đấy. Nếu họ không cầm cờ tiên phong, thì đằng sau họ cũng có hằng hà sa số những người đồng hành, thế nào cũng có những kẻ rắn mắt chận những người khác hướng hỏi họ vì sao dám đi ngược, để nhẹ thì khuyên răn chiêu hồi, nặng thì cưỡng bách hồi chánh. Tiên lễ, không kết quả thì hậu binh. Đã đánh thì điều quan trọng là phải thắng. Muốn thắng thì phải giương cao chính nghĩa. Này bọn dị giáo, hãy theo ta hay là chết dưới lưỡi gươm ta. Thánh chiến bắt đầu. Và thánh chiến triền miên.

    Xin chào nhau giữa con đường

    Ô hay, hóa ra không có gì hấp dẫn gay cấn cả! Những kẻ đi ngược hướng chỉ trân trọng chào nhau, thế thôi.

    Xin chào nhau! Thái độ trân trọng tương kính giữa những người đi khác hướng trong hai câu thơ Bùi Giáng, có hai lối giải thích: Một là kẻ đi theo chiều thuận theo lối nhìn của Bùi Giáng - kẻ đi từ miên trường phía sau tới mùa xuân phía trước - không hề xem cách định hướng của mình là chân lý duy nhất, nên thận trọng chào kẻ đi ngược hướng như một người có toàn quyền tự do lựa chọn và trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

    Hoặc cao hơn nữa, cả hai người đi ngược hướng nhau đều hiểu mùa xuân hay miên trường, phía trước hay phía sau đều là những cái áo vay mượn phủ tạm lên những ý niệm hàm hồ không có thực. Đã không có thực sao lại đánh nhau đến sứt đầu lỗ trán! Xin chào nhau là phải!

    Thật dễ hiểu, trong số những người hâm mộ Bùi Giáng, có rất nhiều nhà sư. Còn Bùi Giáng thì... làm phiền nhà chùa hơi nhiều. Cùng là nhà thơ, nhưng Hàn Mặc Tử làm thơ cũng "điên" lắm, đến nỗi trên báo Ngày Nay năm 1938, một nhà thơ cùng quê với ông là Xuân Diệu không nể tình đồng hương phang ngay cho mấy câu độc địa: "Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những người chân thi sĩ) với những cách đột nhiên mà khó, đột nhiên mà cười, chân vừa nhảy, miệâng vừa kêu: tôi điên đây, tôi điên đây. Điên cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên, tốt hơn là cứ tỉnh táo như thường mà yên lặng sống". Xuân Diệu tất nhiên sẽ hối hận vì quá lời. Vì Hàn Mặc Tử không hề giả bộ điên. Thơ Hàn Mặc Tử táo bạo vì nhiệt tình và đam mê. Thơ quằn quại vì tác giả đã đau đớn cùng cực, thế thôi:

    Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
    Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
    Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
    Như mê man chết điếng cả làn da

    Thơ rên siết, thơ phát cuồng. Chính nhà thơ cũng đặt riêng một tập thơ cái tên "Máu cuồng và Hồn điên". Mà chí của nhà thơ cũng không nhỏ. Trong "Chơi giữa mùa trăng", ông tâm sự với chị: "Không, không, chị ơi, rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay bổng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi". Một người dám mơ những chuyện động trời như thế, không thể là người ngoan ngoãn. Nhưng chúng ta đã lầm, như Xuân Diệu đã lầm hồi năm 1938. Hàn Mặc Tử hùng hổ cao ngạo ở đâu, chứ khi đến nhà thờ, ông hiền khô. Nhà thơ tìm đến Đức Mẹ trong cái dáng nhỏ bé, khép nép, xanh xao, run rẩy:

    Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
    Run như run thần tử thấy long nhan,
    Run như run hơi thở chạm tơ vàng
    Như lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến,
    Lạy Bà là Đấng tinh truyền thanh vẹn
    Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
    Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
    Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế

    Cùng tìm về tôn giáo như một chỗ trú ẩn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mà thái độ của Bùi Giáng so với Hàn Mặc Tử khác một trời một vực. Nhà thơ điên ngày nay tìm tới nhà chùa mà không hề quyết tâm như ngày xưa Hàn Mặc Tử quyết tâm dâng trọn mình cho Thiên Chúa, quyết tâm làm một thần tử nhỏ nhoi để được Thiên Chúa cứu rỗi. Bùi Giáng tới chùa mà vẫn giữ y nguyên là Bùi Giáng, cứ tà tà mà đến, tà tà mà đi, đi chán lại tà tà mà về. Các thầy bận tụng kinh gõ mõ, Bùi Giáng cứ mặc sức làm thơ tung hô "mẫu thân Phùng Khánh", say sưa mơ tưởng Marilyn Monroe da trắng tóc vàng hay những em mọi nhỏ Phi Châu. Cứ tưởng tượng Bùi Giáng đến nhà thờ mà tung hô và mơ tưởng những người như thế, liệu các vị chăn chiên có cho phép nhà thơ tự tung tự tác hay không. Tuy điên, Bùi Giáng vẫn biết những chỗ chịu dung chứa mình. Những chỗ người ta không buộc ông mất ông, không buộc ông phải tin vào một thứ chân lý duy nhất, những chỗ người ta có thể chào nhau vui vẻ dù sau khi chào xong mỗi người đi mỗi ngả. Bùi Giáng xem cuộc đời là cuộc chơi, ông thích hí lộng với trẻ con, cho nên có lẽ ông sợ những chốn quá nghiêm trang.

    Khi "lâm lụy", Hàn Mặc Tử đến quì trước Mẹ Maria. Trường hợp Hàn Mặc Tử hơi hiếm trong lịch sử thi ca Việt Nam. Rất nhiều nhà thơ hễ gặp cảnh khốn cùng là nghĩ tới nhà chùa. Kể tên ra không hết. Gần nhất là trường hợp nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Trong những ngày cuối đời, nhà thơ tìm đến chùa. Anh tự vận trên chiếc xe cũ đậu sau vườn chùa. Nguyễn Tất Nhiên cũng bị bệnh tâm thần đến nỗi không sống được với gia đình. Nhưng trong chỗ ánh sáng láng nhất của tâm hồn thơ, anh luôn luôn biết chỗ trú ẩn thích hợp nhất của anh, là mái chùa.

    Vì sao giữa các nhà thơ và nhà chùa lại có duyên nợ sâu nặng và bền bỉ như thế?

    Tôi nghĩ trước hết, các nhà thơ và các tu sĩ Phật Giáo dễ thông cảm nhau vì cái duyên thơ. Hầu như không có nhà sư nào không từng làm đôi câu thơ trong đời, có vị còn dùng thơ để hoằng pháp. Nhiều vị trở thành thi sĩ, làm giàu có cho kho tàng thi ca Việt Nam, mà rực rỡ nhất là dưới hai thời Lý Trần. Một sốâ không làm thơ được xoay sang.. in thơ. Tôi còn nhớ thời trước 1975 nhà xuất bản Sen Vàng in rất nhiều tập thơ cho những thi sĩ không tìm được chịu xuất bản, với một giá "rất chùa". Một nhà thơ túng thiếu không có chỗ ăn chỗ ở tới ở chung với một nhà thơ khác, còn gì hợp lý hơn! Bảo bọc nhau trong cảnh khốn cùng là một ý thơ tuyệt vời.

    Cái duyên thứ hai quan trọng hơn, như ý hai câu thơ Bùi Giáng, là cả thi ca lẫn Phật Giáo đều không thích sự ràng buộc. Chăm chăm bước theo dấu chân những người đi trước, làm theo những điều nghe người ta bảo là đáng làm, không tự mình hiểu để chọn lấy con đường mình đi cũng là một cách tự ràng buộc. Cột chặt ngôn ngữ vào thói quen, vội tin vào những cái vỏ hào nhoáng là tự biến thành nô lệ. Thi ca vốn là người lính xung kích của sự sáng tạo ngôn ngữ, nên ít có nhà thơ đích thực nào chịu dẫm lên vết chân người trước. Tinh thần vô chấp của đạo Phật là con đường thênh thang dành cho các nhà thơ. Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Tất Nhiên... đến chùa mà như trở về căn nhà thân yêu của mình vì họ là những nhà thơ trước khi trở thành Phật Tử. Duyên đã sâu như thế, còn nợ thì sao? Hai bên nặng nợ nhau nhiều lắm! Các nhà thơ nợ nhà chùa vì ăn cơm chùa hơi nhiều. Còn các nhà sư nợ thi ca vì... vì... làm thơ hơi nhiều. Tôi tưởng tượng cảnh nhà thơ và nhà sư gặp nhau giữa đường; họ nhớ bao nhiêu duyên nợ xưa nay, rồi đột nhiên cả hai cùng nhớ lời thơ của Bùi Giáng:

    Xin chào nhau giữa còn đường
    Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

    Tôi tin sau đó cả hai lại tiếp tục hướng cũ, nhưng họ đều đến bến giác!


    NGUYỄN MỘNG GIÁC


Working...
X