Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

N à n g T h ơ và T h ế L ữ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • N à n g T h ơ và T h ế L ữ


    N à n g T h ơ và T h ế L ữ







    Kể từ khi hai tiếng Nàng Thơ xuất hiện, người sưu tập thường nghe hỏi: Nàng Thơ của ông là ai; hay nàng thơ của người đó như thế nào? Nàng Thơ đương nhiên phải là một phụ nữ chăng? Trong trường hợp thi sĩ là một phụ nữ, chắc chắn câu hỏi sẽ khác. Chẳng hạn: Nguồn Cảm Hứng. Câu hỏi sẽ là: Nguồn cảm hứng của bà là gì; hay nguồn cảm hứng của Thanh Quan như thế nào? Nguồn cảm hứng như thế không cứ phải là một nhan sắc, một nữ sắc. Nguồn cảm hứng nói chung là một vẻ đẹp gây xúc động cho người nghệ sĩ sáng tạo.

    Ðôi khi có nhà phê bình, nhà biên khảo, khi viết về Thơ, nhắc đến chữ Muses. Muses chính là Nàng Thơ. Muses chính là nguồn cảm hứng. Thế nhưng có bao nhiêu Muses trên đời này, và trên đời kia? Muses có nguồn gốc từ thần thoại. Có tới chín nữ thần Muses, tất cả là con gái của thần Zeus và Mnemosyne (Mnemosyne có nghĩa là Kỷ Niệm, là Trí Nhớ, là Hồi Ức; trong có ba cô là nữ thần thi ca: Calliope: nữ thần sử thi, Erato: nữ thần thơ yêu đương và Euterpe: nữ thần thơ trữ tình lãng mạn). Các thi sĩ Hy Lạp Hesiod - cuối thế kỷ VIII trước Công Nguyên, tác giả Works and Days; và Homer, thế kỷ IX trước CN, tác giả Iliad and Odyssey; và Virgil thi sĩ La Mã, 70-19 trước CN, tác giả Eclogues, The Aeneid nói đến các nữ thần thi ca rất nhiều. Họ xưng tụng và cầu khẩn các nàng. Hai sử thi của Homer và Virgil là hai thiên anh hùng ca về thành Troy mà hầu như không một nhà thơ Tây phương nào không đọc.

    Trong thơ Việt Nam, Thế Lữ (1907-1989) dường như là người đầu tiên nói đến hai chữ Nàng Thơ. Hai chữ này, cũng như những chữ Nàng Mỹ Thuật, Nàng Ly Tao, xuất hiện trong hai bài thơ có tính cách tuyên ngôn của ông. Phải rồi, chính người tiên phong tạo dựng Nền Thơ Mới khoảng đầu thập niên '30 tại Hà Nội (1932-1945) là người đã khai sinh ra hai chữ Nàng Thơ. Trong tập Mấy Vần Thơ in năm 1935 có bài thơ Thế Lữ làm tặng họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung, nhan đề “Lời than thở của Nàng Mỹ Thuật.” Trong bài, Nàng Mỹ Thuật cho biết tên mình là Ðẹp:

    Em đứng em buồn cạnh khóm lau
    Khóm lau than trước gió đêm thâu
    Gió thâu khóc với trăng thâu lạnh
    Ai biết tình quân em ở đâu.

    Than ôi! Mới được mấy thu nay
    Gặp gỡ tình quân giữa cảnh này
    Là chốn em quen cười với gió
    Với trăng, với nước, với mây bay.

    Họa sĩ qua chơi lúc bấy giờ
    Lòng em phơi phới trí ngây thơ
    Em xinh em đẹp mà không biết
    Không biết vì em ai ngẩn ngơ.

    Lân la người khách lạ nên quen
    Rồi ngón tay tình chắp mối duyên
    Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
    Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên.

    Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
    Tên em là Ðẹp, bạn em là...
    (Thế Lữ, Lời Than Thở...)

    Người họa sĩ là người yêu cái đẹp, hay yêu Nàng Mỹ Thuật:

    Bao nhiêu cảnh tượng, muôn hình sắc:
    Ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa...

    Trong bài thơ tặng Tứ Ly (Hoàng Ðạo), nhan đề Cây Ðàn Muôn Ðiệu, Thế Lữ nói tới hai nàng khác: Nàng Ly Tao, và Nàng Thơ:

    Mượn lấy bút Nàng Ly Tao, tôi vẽ
    Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca.

    Bốn câu thơ kết thúc của bài này, Thế Lữ mới nói đến biểu tượng cao khiết mà ông ngưỡng mộ nhất:

    Với Nàng Thơ, tôi có đàn muôn điệu,
    Với Nàng Thơ, tôi có bút muôn màu;
    Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu;
    Lấy Thanh Sắc trần gian làm tài liệu.
    (Thế Lữ, Cây Ðàn Muôn Ðiệu)

    Trên nửa thế kỷ trước, tác giả Hoài Thanh đã ghi nhận đúng vóc dáng ấy: “Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam... người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này.” (HT, Thi Nhân Việt Nam, Hoa Tiên, Sài Gòn, 1968, tr. 58). Ít nhất, Thế Lữ là thi sĩ có quan điểm rõ rệt khi sáng tác. Ông không mơ mộng viết ra những ý nghĩ viển vông.

    Thế Lữ (6.10.1907 - 3.6.1989) - tên khai sinh là Nguyễn Ðình Lễ, sau đổi là Nguyễn Thứ Lễ, người Thái Hà Ấp, Hà Nội, lớn lên tại vùng rừng núi Lạng Sơn, in thi phẩm đầu tay Mấy Vần Thơ từ năm 1935. Sáu năm sau in Mấy Vần Thơ, tập mới. Ông còn viết truyện trinh thám (hai truyện nổi tiếng là Vàng Và Máu, Lê Phong Phóng Viên) và hoạt động kịch nghệ. Sau 1954, kẹt lại ở Hà Nội, hoàn toàn ngưng sáng tác. Có thể hiểu sự ngưng bặt làm thơ của ông cũng là tuyên ngôn của ông: nàng mỹ thuật của ông, nàng thơ của ông, nguồn cảm hứng của ông, đã chết vào năm 1954.

    Ðọc thêm: Bài thơ sau đây của Thế Lữ có thể hiểu là lời Loan tiễn Dũng, hai nhân vật trong truyện Ðoạn Tuyệt của Nhất Linh. Loan là một thiếu nữ tân thời, mẫu người nữ chủ trương sống tự do - theo chủ trương của Tự Lực Văn Ðoàn - chống lại xã hội cổ hủ bất công với nữ giới những năm nửa đầu thế kỷ XX tại Việt Nam.

    Giây Phút Chạnh Lòng

    Tặng tác giả “Ðoạn Tuyệt”*

    “Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
    Tình nghĩa đôi ta có thế thôi,
    Ðã quyết không mong sum họp mãi,
    Bận lòng chi mãi lúc chia phôi?

    “Non nước đương chờ gót lãng du,
    Ðâu đây vẳng tiếng hát chinh phu,
    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc,
    Ðưa tiễn anh ra chốn hải hồ.

    “Anh đi vui cảnh lạ, đường xa,
    Ðem chí bình sinh dãi nắng mưa,
    Thân đã hiến cho đời gió bụi,
    Ðâu còn lưu luyến chút duyên tơ?

    “Rồi có khi nào ngắm bóng mây
    Chiều thu đưa lạnh gió heo may
    Dừng chân trên bến sông xa vắng,
    Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây;

    “Xin anh cứ tưởng bạn anh tuy
    Giam hãm thân trong cảnh nặng nề,
    Vẫn để hồn theo người lận đận,
    Vẫn hằng trông đếm bước anh đi.

    “Lấy câu khẳng khái tiễn đưa nhau,
    Em muốn cho ta chẳng thảm sầu,
    Nhưng chính lòng em còn thổn thức,
    Buồn kia em giấu được ta đâu?

    “Em đứng nương mình dưới gốc mai,
    Vin ngành sương đọng, lệ hoa rơi,
    Cười nâng tà áo đưa lên gió,
    Em bảo: hoa kia khóc hộ người.

    “Rồi bỗng ngừng vui cùng lẳng lặng,
    Nhìn nhau bình thản lúc ra đi.
    Nhưng trong khoảng khắc ơ thờ ấy,
    Thấy cả muôn đời hận biệt ly. [...]

    [Mấy Vần Thơ, tập mới, Ðời Nay xuất bản, Hà Nội, 1941; chỉ lấy 8 đoạn. Tác giả Ðoạn Tuyệt (chuyện Loan và Dũng) là Nhất Linh.]


    Viên Linh

Working...
X