Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nhà thơ Phùng Quán

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhà thơ Phùng Quán





    Phùng Quán (1932–1995) là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam, bắt đầu viết trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương và khẳng định được văn tài với Vượt Côn Đảo nhưng ông được biết đến nhiều hơn sau Đổi mới. Ông là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu, nhưng trong tác phẩm "Ba phút sự thật", thì ông nói rằng gọi "cậu" là do thói quen, thực ra Tố Hữu là bác của Phùng Quán theo cách nói của người miền Bắc.

    Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
    Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.


    Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).


    Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Về quá trình viết tác phẩm này, trong di cảo hồi ký "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" do Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2007, ông kể nhiều chi tiết rất thú vị về sự ngẫu nhiên và tình cờ đưa ông từ một người lính trở thành một nhà văn và những oan khuất phải gánh chịu nhưng với giọng kể rất hóm hỉnh, không một chút trách móc hay thù hận. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi.
    Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: "cá trộm, rượu chịu, văn chui"[1].


    Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Hoa sen, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe...



    Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về án táng tại quê nhà: xã Thủy Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.


    Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm[2].


    Tác phẩm

    • Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007

    • Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Thơ, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007

    • Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1987 - Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007

    • Thơ Phùng Quán, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995

    • Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ, Nxb Thanh Văn, USA 1993. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản Trăng hoàng cung & Phùng Quán viết Trăng hoàng cung (tiểu thuyết tình 13 chương của Phùng Quán & Hồi ức của nhà văn Hà Khánh Linh) kể về những câu chuyện xung quanh thi phẩm này.

    • Phùng Quán, Thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2003

    • Ba phút sự thật, Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009

    • Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

    • Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

  • #2
    Lời mẹ dặn

    Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
    Mẹ tôi thương con không lấy chồng
    Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
    Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
    Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
    Ngày ấy tôi mới lên năm
    Có lần tôi nói dối mẹ
    Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
    Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
    Ôm tôi hôn lên mái tóc
    - Con ơi
    trước khi nhắm mắt
    Cha con dặn con suốt đời
    Phải làm một người chân thật.
    - Mẹ ơi, chân thật là gì?
    Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
    Con ơi một người chân thật
    Thấy vui muốn cười cứ cười
    Thấy buồn muốn khóc là khóc.
    Yêu ai cứ bảo là yêu
    Ghét ai cứ bảo là ghét
    Dù ai ngon ngọt nuông chiều
    Cũng không nói yêu thành ghét.
    Dù ai cầm dao dọa giết
    Cũng không nói ghét thành yêu
    Từ đấy người lớn hỏi tôi:
    - Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
    Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
    - Bé yêu những người chân thật.
    Người lớn nhìn tôi không tin
    Cho tôi là con vẹt nhỏ
    Nhưng không! những lời dặn đó
    In vào trí óc của tôi
    Như trang giấy trắng tuyệt vời.
    In lên vết son đỏ chói.
    Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
    Đứa bé mồ côi thành nhà văn
    Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
    Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
    Người làm xiếc đi giây rất khó
    Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
    Đi trọn đời trên con đường chân thật.
    Yêu ai cứ bảo là yêu
    Ghét ai cứ bảo là ghét
    Dù ai ngon ngọt nuông chiều
    Cũng không nói yêu thành ghét
    Dù ai cầm dao dọa giết
    Cũng không nói ghét thành yêụ
    Tôi muốn làm nhà văn chân thật
    chân thật trọn đời
    Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
    Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
    Bút giấy tôi ai cướp giật đi
    Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

    Phùng Quán
    (Tạp Chí Văn - 1957)
    Last edited by Poupi; 10-04-2016, 05:55 AM.

    Comment


    • #3

      Hôn


      Trời đã sinh ra em
      Ðể mà xinh mà đẹp
      Trời đã sinh ra anh
      Ðể yêu em tha thiết
      Khi người ta yêu nhau
      Hôn nhau trong say đắm
      Còn anh, anh yêu em
      Anh phải ra mặt trận
      Yêu nhau ai không muốn
      Gần nhau và hôn nhau
      Nhưng anh, anh không muốn
      Hôn em trong tủi sầu
      Em ơi rất có thể
      Anh chết giữa chiến trường
      Ðôi môi tươi đạn xé
      Chưa bao giờ được hôn
      Nhưng dù chết em ơi
      Yêu em anh không thể
      Hôn em bằng đôi môi
      Của một người nô lệ.

      (1956)

      Comment


      • #4
        Chiều hành quân




        Phùng Quán



        Chiều mưa hành quân
        Nước đầm trấn thủ
        Qua những ngôi nhà bé nhỏ
        Như tổ chim mọc rải rác bên đường
        Quanh bếp lửa hồng
        Vợ chồng con cái
        Ngồi so đũa bên nồi cơm mới xới
        Trắng dẻo ngọt ngào thơm.
        Chúng tôi quên mưa lạnh đường trơn.
        Thấy lòng ấm lại.
        Trong niềm vui no ấm của nhân dân.
        Em bé bỏ bát ăn
        Chạy ra cửa
        Tranh nhau đếm bộ đội
        Đếm ba lô
        Đếm súng
        Nhoẻn miệng cười, mắt sáng như trăng.
        - Súng nớ của mi !
        - Súng ni của tao !
        - Súng tao to hơn !
        - Súng tao dài hơn !
        Chúng tôi cười :
        - Súng của các em tất cả
        Trao cho anh đi giành lại áo cơm.
        Em cười như ngô rang.
        Ấm cả chiều mưa lạnh.
        Vành môi em lấp lánh
        Cất tiếng hát tình tang:
        - Hoan hô anh vệ quốc đoàn,
        Ăn sương nằm đất đánh tan quân thù
        Tính tình tang, tang tính tình.
        Tiếng hát thanh thanh
        Ngọt mùi sữa mẹ
        Như nhắc chúng tôi
        Giữ lấy hoà bình các anh nhé
        Cho em vui hát mãi điệu tính tang.

        Comment


        • #5
          Cây xương rồng



          Phùng Quán



          Cây chi cây lạ lùng
          Không cành cũng không lá
          Toàn những thân với thân!
          Mà thân thì dựng ngược
          Như gậy gộc nghĩa quân
          Toàn những góc với cạnh
          Lại tua tủa gai chông!
          Nhựa độc hơn bọ nẹt
          Gai buốt nhọn hơn gươm
          Người nghèo đem luộc kỹ
          Ăn lại lành thay cơm!
          Mọc lên từ cát lửa
          Hồn vẫn xanh mát trong
          Che chở người lương thiện
          Trộm cướp đều ngại ngùng
          Tên như một biểu tượng
          Đời gọi cây xương rồng...
          Xương Rồng ơi Xương Rồng!
          Anh có thật xương rồng?
          Hay xương người nghĩa khí
          Ngã xuống rồi hoá thân?...

          Comment


          • #6
            Đất



            Phùng Quán



            " Ai yêu đất bằng tất cả cuộc đời mình
            Sẽ được nghe đất hát..."
            Câu nói của người già quê tôi
            Trước tôi vẫn chưa hiểu
            Nhưng vẫn lắng sâu vào tiềm thức
            Giờ bỗng hiện ra trước mắt tôi
            Như một trang sách lớn
            Viết về tình yêu xứ sở quê hương...
            Đất ơi !
            Con nguyên yêu Người với tất cả máu xương
            Với tất cả cuộc đời con mười bảy tuổi !
            Con vui sao !
            Khi nghĩ tới gương mặt Người
            Đã rửa sạch hết máu và bùn
            Tươi vui, chói lọi...
            Người sẽ hát cho thế hệ mai sau
            Về thế giới đại đồng Cộng Sản
            Mà thế hệ chúng con hôm nay
            Không tiếc máu để sửa soạn cho lời ca..

            Comment


            • #7
              Tặng xuân quỳnh




              Phùng Quán




              Tôi gặp nàng thơ mặc áo xanh
              Đang gọt khoai tây và thái hành
              Tôi đã đọc thơ nàng
              Về tình yêu...chia ly...và đau khổ
              Về biển và thuyền và bão tố...
              Tò mò tôi nhìn sâu đáy mắt nàng
              Dò tìm cội nguồn những câu thơ não nề đó
              Nhưng tôi chỉ thấy
              Lấp lánh đáy mắt nàng
              Sắc khoai tây vàng
              Mầu lá hành xanh
              Với niềm vui giản dị long lanh
              Pha lẫn sắc trời xuân phố Huế
              Tôi thật thà mừng rỡ
              Khi tin rằng những chuyện tình yêu, bão tố
              Chia ly...đau khổ...đó
              Chỉ là chuyện thơ...
              Những câu thơ
              Trong những phút lòng tràn trề hạnh phúc
              Nàng đã vui vẻ viết ra
              Như khi người ta quá yêu nhau thích lau cho nhau nước mắt
              Để tình yêu thêm đủ vị đắng cay...
              Tôi là người trải quá nhiều đau khổ
              Nên tôi ghét thù sâu sắc khổ đau
              " Đau khổ làm cho con người thấp hèn "
              Như một nhà thơ tự bắn vào tim mình đã nói
              Nhất là khi cuộc đời quanh ta sống vui sôi nổi
              Nhất là khi ta mới ngoài tuổi hai mươi
              Tôi thèm sao những câu thơ tươi rói
              Thơm tho hạnh phúc bình thường
              Như chính cuộc đời nàng
              Vợ làm biên tập báo Văn nghệ
              Chồng nhạc công chơi Violon
              Để ngon thêm suất cơm trưa tập thể
              Một đĩa khoai tây vợ rán vàng
              Nàng thơ mặc áo xanh ơi
              Nếu chưa đủ sức làm những câu thơ gọi người đứng dậy đi tấn công
              Tôi chúc nàng
              Làm những câu thơ như đĩa khoai tây trưa nay nàng rán
              Như mùi mỡ phi hành
              Như mắt nàng giản dị long lanh
              Pha sắc trời xuân phố Huế
              Ai thấu hiểu chia ly
              Bằng những người lính trẻ
              Cưới vợ một hai tuần
              Từ ngõ quê ra thẳng trận địa phòng không
              Đạn lửa hai năm chưa nguôi đưọc mùi thơm tóc vợ
              Ai hiểu thấu chia ly
              Bằng những người vợ
              Một nách bốn năm con
              Chồng đi B đi C
              Hai, ba, bốn năm không một lá thư về
              Ôi những con người hiểu biết lớn lao gấp mười lần ta đó
              Họ cần chăng là tiếng hát của niềm vui
              Những câu hát làm nguôi bớt mùi nồng thơm tóc vợ
              Làm ấm hơn chỗ giường trống vắng người
              Những câu hát như chính cuộc đời nàng
              Thơm tho hạnh phúc bình thường

              Comment


              • #8
                Thơ vĩnh biệt mẹ



                Phùng Quán



                Con biết Mẹ con yêu thơ lắm
                Nuốt nỗi đau thương lệ ứa tràn
                Con viết bài thơ con liệm Mẹ
                Tiễn Mẹ đi về Cõi-vĩnh hằng.
                Bài thơ mừng Mẹ tám mươi tuổi
                Con mới viết hồi giữa tháng năm
                Nghe thơ, Mẹ cười mắt rướm lệ
                Mẹ yêu thơ thăm thẳm đáy lòng !
                Thế gian biết bao người đã chết
                Nhưng chết như Mẹ thật hiếm vô cùng
                Tươi tỉnh, tinh tường đến phút chót
                Và ra đi nhẹ như cánh hồng.
                Mẹ nằm đó nhẹ như cánh hồng
                Và cũng nặng như núi Thái Sơn
                Ai cân nổi gian truân đời Mẹ
                Gánh trên vai gầy tám mươi năm.
                Mẹ chết mảnh mai như nhành liễu
                Mẹ sống như đại thụ trăm năm
                Bóng cây Mẹ xanh rờn hào hiệp
                Che mát trọn đời chắt, cháu, con.
                Xóm giềng, họ mạc, người thân sơ
                Mẹ yêu thương đằm thắm thiết tha
                Gặp khốn khó, Mẹ cưu mang không tiếc
                Mẹ sẵn lòng chia cả thịt da.
                Bảy mươi tuổi, Mẹ vẫn ham việc nước
                Việc phố phường, đoàn thể chân vẫn son
                Sức nhận được, việc gì cũng nhận
                Mẹ đảm đương với tất cả tấm lòng.
                Mẹ nằm đó vô cùng yên tĩnh
                Như mặt nước hồ trong như đỉnh núi trong sương
                Mẹ đã sống trọn đời đức hạnh
                Nên phút ra đi thanh thản vô cùng.
                Vĩnh biệt Mẹ, chúng con nhìn kỹ Mẹ
                Lòng xé đau mà kinh ngạc vô cùng
                Mảnh mai thế mà suối nguồn nghị lực
                Vẫn tràn đầy cho đến phút lâm chung.
                Mẹ cho chúng con hình hài máu thịt
                Cho tâm hồn, cho cuộc sống sạch trong
                Với chúng con, Mẹ là báu vật
                Không có gì sánh được ở thế gian.
                Mẹ ơi ! Bà ơi ! Cụ nội, ngoại ơi
                Con cháu chắt, xóm giềng bè bạn
                Phút vĩnh biệt xé lòng gọi Mẹ
                Mẹ ơi, Mẹ có nghe thấy không ?
                Nắp ván nghìn đời đã đóng lại
                Thôi từ đây, Mẹ mãi mãi vắng nhà !
                Mẹ yêu thơ, con viết thơ dâng Mẹ
                Như chính cuộc đời Mẹ mới là Thơ !

                Comment

                Working...
                X